Tranh luận chuyện Trung Quốc cứu eurozone
Có nhiều ý kiến trái chiều về việc EU “mời chào” Trung Quốc đóng góp tài chính vào việc giải quyết khủng hoảng nợ ở khu vực sử dụng đồng euro ( eurozone).
Tổng giám đốc Quỹ Bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) Klaus Regling ngày 28.10 tuyên bố chưa đạt được thỏa thuận với Trung Quốc sau cuộc hội đàm tại Bắc Kinh, theo AFP. Ông Regling sang thăm Trung Quốc sau khi các lãnh đạo EU thống nhất về việc tăng vốn cho EFSF từ 440 tỉ USD lên 1.000 tỉ USD và vận động đóng góp từ các nền kinh tế đang nổi.
Nhiều khó khăn đang đợi lãnh đạo EFSF Klaus Regling – Ảnh: AFP
Trước đó, tờ Financial Times dẫn một số nguồn giấu tên loan tin Trung Quốc có thể bơm 100 tỉ USD vào quỹ này. Tuy nhiên, đến hôm qua, chính phủ Trung Quốc chưa đưa ra hứa hẹn gì và báo chí nước này còn cho rằng châu Âu phải nhận trách nhiệm về cuộc khủng hoảng nợ và không nên dựa vào “những người làm phúc”. AFP dẫn lời Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc Chu Quang Diệu khẳng định Bắc Kinh “cần chờ mọi thứ trở nên rõ ràng và tìm hiểu kỹ trước khi quyết định đầu tư”.
Bản thân Tổng giám đốc Regling cũng nói ông chỉ mới thực hiện các cuộc “tham khảo ý kiến thường xuyên” về vấn đề đầu tư của Trung Quốc ở châu Âu. Thật ra, giới quan sát nhận định người tích cực nhất trong việc kêu gọi sự hỗ trợ từ Bắc Kinh là Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy. Ngày 27.10, ngay sau khi EU đạt thỏa thuận nói trên, ông Sarkozy đã điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và sau đó tiếp tục lên truyền hình bảo vệ ý tưởng của mình.
Tuy nhiên, khả năng Trung Quốc đầu tư vào EFSF đang gây tranh luận dữ dội tại châu Âu. AFP dẫn lời dân biểu Daniel Cohn-Bendit thuộc đảng Xanh tại Nghị viện châu Âu nói cách tiếp cận của ông Sarkozy khá “nguy hiểm”. Ứng viên Tổng thống Pháp của đảng Xã hội Francois Hollande cũng đặt câu hỏi: “Chúng ta có nên tin rằng Trung Quốc sẽ cứu eurozone mà không lấy lại gì?”. Trước đây, cũng đã có nhiều quan ngại khi Trung Quốc tăng cường đầu tư vào các cơ sở hạ tầng quan trọng như cảng biển của Hy Lạp, “con bệnh” chính trong cuộc khủng hoảng hiện nay. AP thì dẫn lời một số chuyên gia cho rằng Bắc Kinh có thể gây áp lực buộc EU nhượng bộ trong các vấn đề còn gây tranh cãi giữa hai bên như nhân quyền, tranh chấp thương mại hay giá trị đồng nhân dân tệ.
Cũng trong ngày 28.10, lãnh đạo EFSF Regling cho biết vẫn đang tìm kiếm cách thức đảm bảo các khoản đầu tư vào quỹ này thông qua những cuộc thảo luận tiếp theo với Trung Quốc và các đối tác khác. Theo tờ Le Monde, Brazil và Nga khẳng định sẵn sàng thông qua Quỹ Tiền tệ quốc tế để hỗ trợ tài chính cho eurozone.
Theo Thanh Niên
Giải quyết khủng hoảng nợ: Châu Âu sử dụng biện pháp ngoại lệ
Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) ngày 27-10 đã thông qua một thỏa thuận quan trọng nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng nợ công ngày càng nghiêm trọng tại khu vực này.
Các nhà lãnh đạo châu Âu cuối cùng cũng đạt được thỏa thuận xử lý khủng hoảng nợ
Trong cuộc họp thượng đỉnh bắt đầu chiều 26-10 và kết thúc vào sáng sớm 27-10 tại Brussels (Bỉ), các nhà lãnh đạo châu Âu đã đạt được thỏa thuận trong đó các ngân hàng chấp thuận xóa 50% trong khoản nợ 350 tỷ euro của Hy Lạp. Động thái này được kỳ vọng sẽ giúp Hy Lạp giảm nợ công xuống còn 120% GDP của nước này vào năm 2020.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy cho biết, Eurozone và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đồng ý cho Hy Lạp vay thêm 100 tỷ euro (140 tỷ USD). "Đây là những biện pháp ngoại lệ cho những thời điểm ngoại lệ. Châu Âu phải tìm cách để không bao giờ rơi vào hoàn cảnh tương tự", Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso nói sau cuộc họp của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu. Cũng theo thỏa thuận đạt được, các ngân hàng châu Âu sẽ phải tăng thêm vốn dự trữ để tự bảo vệ họ khỏi nguy cơ vỡ nợ chính phủ trong tương lai. Động thái này là một bước quan trọng hướng đến ổn định khu vực Eurozone.
Cùng với đó, các nhà lãnh đạo châu Âu có kế hoạch tăng Quỹ ổn định tài chính châu Âu lên khoảng 1 nghìn tỷ euro (1,4 tỷ USD) để bảo vệ các nền kinh tế lớn hơn như Italia và Tây Ban Nha và ngăn chặn cuộc khủng hoảng lan rộng. "Chúng tôi đã đạt được một thỏa thuận cho phép chúng tôi phản ứng đáng tin cậy và toàn diện đối với cuộc khủng hoảng nợ công Hy Lạp", Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy nói với các phóng viên.
Còn Thủ tướng Đức Angela Merkel đánh giá, thỏa thuận này sẽ tái khẳng định với thế giới về tương lai của Eurozone. "Chúng ta có thể hy vọng rằng đã có hành động đúng đắn cho Eurozone", bà Merkel nói, "Thỏa thuận này giúp chúng ta đạt được một bước tiến xa hơn trên con đường hướng tới một liên minh ổn định hơn". Hiện các nhà lãnh đạo châu Âu đang gây sức ép mạnh mẽ lên ông Silvio Berlusconi, Thủ tướng Italia - nước có nền kinh tế lớn thứ ba châu Âu - nhằm đưa ra các kế hoạch cải cách đúng đắn và rõ ràng.
Theo ANTD
Khủng hoảng nợ công làm hé lộ một châu Âu rạn nứt Cuộc khủng hoảng nợ công của Khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone) - thảm họa kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử châu Âu - đang đe dọa đẩy nhanh quá trình rạn nứt giữa một bên là các quốc gia thuộc khu vực đồng tiền chung và bên kia là các quốc gia khác trong Liên minh châu Âu (EU),...