Tranh giành ẩu đả kinh hoàng trên các tuyến đường
Bắt đầu từ hôm qua 28-4, lượng người đổ về các bến xe nhiều gấp 2-3 lần ngày bình thường vì đợt nghỉ lễ năm nay kéo dài 4 ngày. Người đông, xe đông là cơ hội để những chiếc xe dù hoạt động, thậm chí xe của các công ty vận tải cũng quay vòng thêm lượt để tranh giành khách dù không có “nốt” đăng ký. Tranh giành khách, lâu nay vẫn là nguyên nhân gây nên những cuộc ẩu đả giữa các xe khách. Vào những dịp nghỉ lễ, Tết khi các xe khách hoạt động tối đa thì việc tranh giành khách càng diễn ra khốc liệt hơn.
Tranh giành khốc liệt
Chiều 22-4, chuyến xe của Công ty JSC Nam Định chạy từ huyện Hải Hậu về Hà Nội vào lúc 15h20, thực tế nốt (thời gian đăng ký giờ chạy theo quy định) của chiếc xe này là 7h30 từ Hải Hậu về Hà Nội và từ 11h30 từ Hà Nội về Hải Hậu. Nhưng vì sáng hôm đó, lượng khách từ Hải Hậu về Hà Nội không có nên xe này đã lùi lại đến chiều để vớt khách. Khi đi đến ngã ba Yên Định thuộc huyện Hải Hậu, bất ngờ một chuyến xe khác cũng xuất phát từ Hải Hậu đến Sơn Tây BKS 18N – 3210 chạy phía trước đã dừng lại, “hỏi thăm” lái xe xem xe này chạy mấy giờ. Lái xe của xe JSC biết mình chạy sai nốt nên trả lời là xe tăng cường và đề nghị chủ xe chạy trước còn mình sẽ chạy sau một lát. Vụ việc tưởng chừng được giải quyết, nhưng khi thấy xe JSC chạy sau bắt được nhiều khách hơn, chủ của chiếc xe trên chạy được thêm khoảng 6km thì dừng lại chặn đầu chiếc xe của Công ty JSC, chủ xe và phụ xe đã túm cổ áo đấm thẳng vào mặt lái xe JSC. Chính chiếc xe 18N-3210 này sau khi chạy đến địa phận huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định cũng bị một chiếc xe khác chạy cùng giờ đến gây gổ vì đã bắt khách trên địa bàn huyện Giao Thủy.
Đây không phải là lần đầu tiên vụ việc như vậy xảy ra, trước đó, vào đầu tháng 4, cũng chỉ vì tranh giành khách, xe chạy không đúng giờ quy định mà hai phụ xe của tuyến Hải Hậu – Nam Định đã chém nhau khiến một người bị thương phải khâu 5 mũi trên mặt.
Mới đây nhất, chỉ vì lý do tranh giành khách mà chị Nguyễn Thị Ngọc Hạnh (SN 1979) trú tại phường 15, quận 10, chủ một hãng xe khách đã bị đâm chết tại chỗ. Do đã có mâu thuẫn từ trước, khi chiếc xe của chị Hạnh đang trên đường, liền bị xe của nhà xe Tuấn – Hương trên tuyến TP.HCM – Đắk Lắk chặn lại đồng thời bán hết khách sang xe khác để tiện bề xử lý. Chị Hạnh nhận được tin báo là phía trước có một chiếc xe đang đi hướng ngược lại và chở khoảng 20 tên đầu gấu để xử lý xe của gia đình chị. Chị Hạnh có ý muốn giảng hòa và không để sự việc rắc rối thêm nên khi nhìn thấy xe của nhà xe Tuấn Hương, chị đã xuống xe đề nghị chủ xe nói chuyện nhưng bất ngờ đã bị một đối tượng đâm thẳng vào người. Dã man hơn chúng còn lăn qua chị nhiều vòng bánh xe rồi bỏ chạy khiến chị chết ngay tại chỗ.
Trước đó, vào tháng 8-2011, lái xe Trương Nhật Hà (30 tuổi, anh ruột Trương Nhật Ý) điều khiển xe khách mang BKS 74K-8906 rời bến xe trung tâm Đà Nẵng đi TP Đông Hà (Quảng Trị) theo đường Tôn Đức Thắng. Tuy nhiên, lúc này xe “dù” mang BKS 74B-000.14 do Lê Sỹ Hòa (40 tuổi, trú tại khu phố 7, phường 5, TP Đông Hà, Quảng Trị) điều khiển dù đang trong thời hạn bị bến xe trung tâm Đà Nẵng đình chỉ phiên chạy 15 ngày vẫn ngang nhiên hoạt động bắt khách dọc đường. Khi phát hiện xe mang BKS 74K-8906 đang chạy phía sau, Hòa chặn trước mũi không cho vượt lên. Khi hai xe chạy đến chốt đèn Ngô Thì Nhậm – Tôn Đức Thắng, phụ xe Trương Nhật Ý (xe 74K-8906) và phụ xe 74B-000.14 là Phan Văn Đồng (21 tuổi, khu phố 4, phường Đông Lễ, TP Đông Hà) cùng nhảy xuống giành 1 hành khách thì xảy ra xô xát. Khi lái xe Trương Nhật Hà vào can ngăn thì bị Lê Văn Sắt (29 tuổi, trú khu phố 1, phường 3, thị xã Quảng Trị) và Nguyễn Văn Đại phía nhà xe 74B-000.14 tấn công. Đại nhặt đá ném trúng mặt Ý và dùng gậy tre đánh Ý vỡ xoang hàm trái, tụ khí và máu nội sọ, hiện đang nằm điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng, lái xe Hà bị đánh vỡ đầu, đa chấn thương tay, lưng.
Khoanh vùng “lãnh địa” hoạt động
Video đang HOT
Chuyện xung đột giữa các chủ xe trên các tuyến đường diễn ra thường xuyên và vô cùng căng thẳng, chủ yếu do sự hung hăng của những chủ xe được cho là có máu mặt. Thậm chí, nhiều chủ xe còn xưng hùng xưng bá và khoanh vùng “lãnh địa” của mình nếu một hãng xe nào đó chạy trước mà đón được khách tại những “vùng cấm” thì ngay lập tức sẽ gọi điện yêu cầu phải bỏ khách đó xuống, nếu nhẫn nhịn mà bỏ xuống thì không sao, còn nếu không chắc chắn xe đó sẽ bị chặn lại và phải nộp… “phạt” thường từ 1 đến 2 triệu đồng. Có khi chủ xe và lái xe còn bị đánh đập, hành hung. Chuyện này diễn ra thường xuyên nhưng các chủ xe “yếu thế” không thể làm gì được và đành chấp nhận
Tình trạng tranh giành, “cướp” khách trên các tuyến ô tô khách diễn ra công khai trắng trợn. Những quy định ngầm trong lĩnh vực hoạt động vận tải hành khách đang hình thành, thao túng gây nên những cuộc ẩu đả nghiêm trọng. Trong đó không loại trừ tình trạng sử dụng vũ lực, ứng xử theo kiểu “ xã hội đen” trong việc tranh giành khách. Sự cạnh tranh giữa các hãng xe trong cùng 1 tuyến và giữa các xe chạy trên các tuyến khác nhau nhưng cùng trên một trục đường đang diễn ra hết sức khốc liệt trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ xe khách trên cả nước. Nguyên nhân, số xe xuất bến trong một ngày quá nhiều, thời gian xuất bến mỗi chuyến ít (ví dụ tuyến Tam Bạc – Lương Yên chỉ 10 phút/chuyến). Trong khi đó, về lộ trình chạy các tuyến trùng nhau hoàn toàn nên những xe không có thương hiệu mạnh hầu như không có khách. Để tồn tại, các xe khách này không có cách nào khác phải kéo dài thời gian lưu lại tại bến, hoặc chạy chậm lòng vòng quanh khu vực bến để vớt thêm khách. Sau khi ra khỏi điểm xếp xe trong bến (trả chỗ đỗ cho xe chạy nốt sau) thì các lái xe thường không chạy thẳng theo đúng giờ quy định mà luôn nổ máy dừng xe tại cửa ra của bến với mục đích “câu giờ”, “bắt” khách của những chuyến ra liền sau đó.
Anh Phạm Văn Tú, lái xe của Công ty JSC cho biết: Làm ăn ngày càng khó khăn, nếu không muốn bị lỗ thì chỉ có cách là phải làm nhiều thêm, được người khách nào hay khách đó. Cả chuyến chạy xe có khi chỉ đủ tiền dầu, thậm chí chỉ có khách một chiều nên nhiều khi lái xe phải bỏ nốt chính của mình, chấp nhận chạy sai nốt để kiếm khách. Thế nên tình trạng chủ xe gây hấn với nhau vì chạy không đúng nốt diễn ra thường xuyên nhưng cũng chẳng ai làm gì được. “Ai cũng phải kiếm ăn cả” – đó là lập luận của những người chạy sai nốt. Hơn nữa, khi kiểm tra cơ quan chức năng chỉ xử phạt xe chạy sai tốc độ, sai làn đường, đón trả khách sai quy định, quá số người trên xe… mà không mấy khi kiểm tra xem xe có chạy đúng lịch trình đã có hay không. Còn khi đến bến, xe không vào bến xếp hàng mà chỉ đỗ ở ngoài cửa bến, nếu không muốn về luôn thì gửi xe lại các bãi đỗ chui xung quanh. Thậm chí nhiều chủ xe còn chấp nhập không cần đóng dấu nhật trình, để lao vào cuộc cạnh tranh tiếp theo.
Vẫn còn những kẽ hở
Thực tế các doanh nghiệp xe khách hiện nay đã dùng hình thức khoán đối với lái xe điều đó đã tạo ra áp lực khiến các lái xe phải quay vòng xe nhanh để thu lợi nhuận. Điều đó dẫn đến lái xe phải tung đủ mọi chiêu để cạnh tranh, giành khách. Bên cạnh đó, việc quản lý Nhà nước và doanh nghiệp kinh doanh xe khách về trật tự an toàn giao thông còn nhiều bất cập. Các văn bản quản lý Nhà nước hiện nay rất sơ hở. Thực tế, có trường hợp, một số xe khách còn được bảo kê bởi những “thế lực đen” đứng ra xin khi vi phạm…
Qua những vụ việc kể trên, có thể thấy tình trạng tranh giành khách trên các tuyến đường giữa các lái xe hiện nay đang diễn ra hết sức khốc liệt, đã có nhiều vụ ẩu đả kinh hoàng xảy ra, thậm chí có những vụ án, đối tượng đã “thuê” cả đầu gấu để thanh toán lẫn nhau gây phức tạp về ANTT. Lực lượng giữ gìn ANTT và quản lý phương tiện xe khách thì chỉ quản lý việc xe ra vào bến, hoặc xử lý vi phạm nếu có xảy ra tại bến. Song thực tế những cuộc thanh toán, tranh giành khách lại không xảy ra quanh khu vực bến mà xảy ra trên dọc các tuyến xe chạy. Hơn nữa, các vụ va chạm, xô xát lẫn nhau thường do các lái xe và phụ xe trực tiếp chứ không phải do các chủ xe. Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải Hà Nội đã từng đưa ra giải pháp để giải quyết tận gốc tình trạng các lái xe vi phạm Luật Giao thông thì cần phải xử lý cả các doanh nghiệp có lái xe vi phạm. Lãnh đạo Sở Giao thông – Vận tải cho rằng bên cạnh việc xử lý nghiêm đối với lái xe thì cần đánh vào túi tiền doanh nghiệp.
Chúng tôi cho rằng, việc tranh giành khách đang diễn ra ở mức đáng báo động, các cơ quan quản lý cần đề ra những biện pháp xử lý nghiêm khắc, có hình phạt đối với những doanh nghiệp có nhiều đầu xe vi phạm. Thậm chí tạm đình chỉ doanh nghiệp rút giấy phép kinh doanh hoạt động của doanh nghiệp. Các lực lượng chức năng cũng cần tăng cường kiểm soát với những xe khách chạy trên đường, đặc biệt phải yêu cầu lái xe ghi rõ nhật trình và giờ xuất bến trên thành xe để có thể kiểm soát tốt hơn những xe chạy sai nốt. Nếu xe chạy sai nốt ngoài việc bị phạt tiền cần thiết phải cắt nốt đối với các xe vi phạm. Và một điều quan trọng nữa là bên cạnh việc nâng cao nhận thức cho các lái xe trong việc chấp hành luật lệ giao thông, thì lực lượng làm công tác quản lý cũng cần phải nâng cao trách nhiệm, không tạo ra kẽ hở để các “thế lực đen” lợi dụng “lách” luật, phải xóa sạch tình trạng xưng hùng xưng bá, khoanh vùng “lãnh địa” trên các tuyến. Khi có sự công bằng, cùng với các hình thức xử phạt nghiêm, tất sẽ hạn chế tình trạng tranh giành khách.
Theo ANTD
Tranh khách quyết liệt trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng
Lượng khách chỉ có hạn, lượng xe tăng đột biến. Bài toán cung - cầu đã khiến cuộc cạnh tranh giữa các nhà xe tuyến Hải Phòng - Hà Nội ngày một quyết liệt và QL5 đã trở thành một cung đường "nóng".
Hải Phòng hiện có 10 doanh nghiệp vận tải khách tuyến Hải Phòng - Hà Nội với tần suất khoảng 300 chuyến và 6.000 - 8.000 khách/ngày. Ngoài Hoàng Long, Hải Âu, Đất Cảng, gần đây xuất hiện một số doanh nghiệp mới như: Đoàn Xuân, Thanh Long, Hoàng Ngân, Xuân Sơn, Quang Vinh, Hùng Cường, Công Lý... Chạy theo lợi nhuận, làm ăn chụp giật, một số doanh nghiệp đã để nhân viên dùng mọi thủ đoạn, thậm chí hành hung lái, phụ xe của các hãng khác trên tuyến gây bức xúc dư luận.
QL5 - cung đường... "nóng"
Theo phản ánh của nhiều hành khách, liên tục trong những ngày gần đây, xe khách 2 chiều (Hải Phòng - Hà Nội) xảy ra tình trạng hoặc chạy như rùa bò, hoặc vượt ẩu, thậm chí dừng hẳn để "giải lao" hàng chục phút khiến người đi xe rất bức xúc. Đáng chú ý, từ cầu vượt Quán Toan (Hải Phòng) đến trạm soát vé, xe trước cứ túc tắc di chuyển với một tốc độ "chậm dần đều" khiến các xe dần ứ lại.
Qua tìm hiểu, được biết, chủ của những chiếc xe trên đã câu kết với đối tượng đầu gấu, lưu manh để dằn mặt tài xế hãng xe đối thủ, ép để xe của hãng mình bắt khách vào "giờ vàng" và địa điểm thuận lợi. Ngoài việc sử dụng xe máy cản trở phương tiện của hãng khác dọc đường, chúng còn nhảy lên xe của các hãng xe làm ăn chân chính "điều khiển" lái xe chạy theo ý mình. Cán bộ của bến xe phát hiện tình trạng trên cũng đành bó tay.
Ông Đinh Quang Am, Phó phòng Pháp chế, Công ty Vận tải bus Hải Phòng cho biết, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh không chỉ khiến doanh nghiệp bị ảnh hưởng mà lợi ích của hành khách cũng bị xâm hại.
Xe ôtô ngang nhiên đón khách tại cổng bến xe.
Mới đây, vào hồi 8h ngày 10/2, lái xe Vũ Ngọc Nguyên của Công ty Hải Âu đến ngã tư Bến Hàn, TP Hải Dương đã bất ngờ bị một số đối tượng thuộc hãng xe Đoàn Xuân (thương hiệu "Ôhô") lao vào hành hung. Theo Công ty Hải Âu, nguyên nhân của hành vi trên là do anh Nguyên không dừng để xe của hãng nọ vượt lên.
Đây không phải lần đầu nhân viên của Hải Âu bị hành hung. Trước đó, xe ôtô khách của hãng này mang BKS 2136 vận doanh từ Hà Nội về trạm Phố Nối. Cùng thời điểm đó, hai xe của hãng khác mang BKS 16M-7023 và 29B-00754 cũng về tới nơi, lập tức xe 00754 vượt lên chặn đầu xe Hải Âu. Khi 3 hành khách đang định lên xe của Hải Âu thì bất ngờ lái xe 00754 chạy đến hành hung phụ xe.
Mất ATGT và nguy hiểm cho hành khách
Thực trạng trên khiến hành khách không những không được hưởng dịch vụ tương xứng với giá vé, mà tính mạng của họ còn bị đe dọa. Với những doanh nghiệp làm ăn chân chính, rõ ràng họ đang bị cuốn vào vòng xoáy chạy đua với các thủ đoạn làm ăn bất chính, gây mất ANTT. Được biết, các bến Tam Bạc, Niệm Nghĩa, Cầu Rào, Lạc Long (ở Hải Phòng) trung bình mỗi ngày, bến tổ chức đến cả trăm lượt chuyến xe phục vụ hành khách đi Hà Nội.
Thường các hãng xếp lốt nhau từ 10-15 phút một chuyến. Do mật độ dày đặc và lượng khách không phải nhỏ, có xe chỉ vài ba hành khách cũng phải phục vụ, thế mới nảy ra chuyện khách đầu bến chưa phải quan trọng mà chủ yếu đón khách dọc đường. Các hãng xe tha hồ rượt đuổi nhau, chèn ép nhau "vớt" khách trên đường. Tuyến QL5 chỉ có vài chục điểm đỗ quy định nên ai nhanh sẽ đón được nhiều khách...
Cũng theo CBCS các đội CSGT dọc tuyến QL5 của Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, trung bình mỗi tháng lực lượng Công an tiến hành kiểm tra gần 4.800 phương tiện giao thông bộ, đã phải lập biên bản vi phạm hành chính gần 2.000 lượt phương tiện, xử phạt tại chỗ khoảng 1.600 trường hợp, tạm giữ gần 200 phương tiện.
Trên cung đường 44km QL5 qua địa bàn Hải Dương và 16km qua địa bàn Hải Phòng, hằng tháng trung bình xe khách vi phạm và gây tai nạn từ 10-13 trường hợp. Lỗi chính vẫn là chạy quá tốc độ và trả, đón khách không đúng nơi quy định. Với con số thống kê này, ai cũng có thể hiểu tỷ lệ xe khách vi phạm trên 10% không phải là nhỏ, bởi hậu quả khi xảy ra là tính mạng con người.
Theo nhiều chuyên gia, để lập lại TTATGT trên lĩnh vực vận tải hành khách theo tuyến vận tải trọng yếu này, các cơ quan chức năng của Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội cần đồng loạt triển khai nhiều biện pháp phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp cạnh tranh thiếu lành mạnh, dẫn đến vi phạm pháp luật nói trên
Theo CAND
Tranh giành khách, bị xe đối thủ tông chết tại chỗ Cái chết tức tưởi của chị Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, chủ một hãng xe khách chạy tuyến TP.HCM - Đắk Lắk, vì bị xe của một nhà xe chạy cùng tuyến tông thẳng vào người, chỉ vì mâu thuẫn trong tranh giành khách... Cái chết tức tưởi của chị Nguyễn Thị Ngọc Hạnh (SN 1979, ngụ phường 15, quận 10), chủ một hãng...