Tranh chấp tên miền “.VN” nguy cơ tăng mạnh
Ông Trần Minh Tân- Phó GĐ Trung tâm Internet Việt Nam cho biết, Nghị định 72 về Quản lý cung cấp sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng mà Chính phủ vừa ban hành sẽ giúp đơn vị này giải quyết vấn đề tranh chấp tên miền .VN dễ dàng hơn trước.
Tuy nhiên, nhận thức chung của doanh nghiệp trong việc bảo hộ thương hiệu của mình trên Internet với tên miền .VN vẫn còn hạn chế.
Ông Trần Minh Tân- Phó GĐ Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC)
Tranh chấp tên miền là khó tránh khỏi
Trả lời phỏng vấn của PV Dân trí,về tình hình tranh chấp tên miền .VN trong thời gian qua, một số vụ tranh chấp điển hình trong thời gian gần đây và vấn đề nhận thức của doanh nghiệp đối với việc bảo vệ thương hiệu qua tên miền, ông Trần Minh Tân cho biết:
- Do mỗi tên miền là duy nhất trên toàn mạng Internet nên theo quy luật chung, khi số lượng tên miền đăng ký sử dụng gia tăng thì số lượng các vụ việc tranh chấp tên miền sẽ ngày một nhiều hơn. Những năm từ 2008 trở về trước, khi chưa có quy định cụ thể về giải quyết tranh chấp tên miền, hầu hết các trường hợp tranh chấp về đăng ký, sử dụng tên miền quốc gia đều bị gộp chung trong các khiếu nại hành chính. Cách xử lý này không giải quyết được tận gốc vấn đề tranh chấp dẫn đến việc xử lý tranh chấp bị kéo dài. Một số khiếu nại liên quan đến tranh chấp tên miền có thể kể đến như những trường hợp của tên miền ibm.com.vn, visa.com.vn,…
Sau khi Thông tư số 10/2008/TT-BTTTT ngày 24/12/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về giải quyết tranh chấp tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” được ban hành quy định về giải quyết tranh chấp đã rõ ràng, cụ thể hơn. Tuy vậy, nhiều người sử dụng Internet vẫn đang nhầm lẫn cho rằng tên thương mại, nhãn hiệu, tên gọi … đã được bảo hộ bằng quyền sở hữu trí tuệ trên thực tế thì trên mạng Internet các tên miền gắn liền đến cũng sẽ thuộc quyền sở hữu của họ.
Thực tế, VNNIC đã nhận được đơn khiếu nại mà trong đó nguyên đơn đưa ra nhận định rằng “tên miền liên quan đến nhãn hiệu, tên gọi của tôi thì chỉ tôi mới có quyền đăng ký, tôi không đăng ký thì cũng không ai có quyền đăng ký”.
IBM cũng bị vướng vào việc tranh chấp tên miền tại Việt Nam
Có thể kể tới một số vụ việc tranh chấp tên miền xảy ra trong thời gian vừa qua như ebay.com.vn, anz.com.vn, …và gần đây là mhb.vn, samsungmobile.vn, samsungmobile.com.vn, nxbgd.com.vn.
Hiện tại các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ đăng ký khoảng 200.000 tên miền (bao gồm cả tên miền Việt Nam .VN và tên miền quốc tế), trong đó mỗi doanh nghiệp thường đăng ký nhiều hơn 1 tên miền. Trên thực tế, chỉ có một số rất ít các doanh nghiệp thể hiện rõ chiến lược bảo vệ tên doanh nghiệp, sản phẩm, nhãn hiệu của mình trên mạng Internet thông qua việc đăng ký hàng chục tên miền .VN mà họ đăng ký bảo vệ, ví dụ như: Công ty Cổ phần Kinh Đô đăng ký 63 tên miền .VN, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk với gần 40 tên miền .VN, trong khi đó phần lớn doanh nghiệp trong nước vẫn chưa ý thức được việc này.
Con số này so với tổng số doanh nghiệp hiện nay đang hoạt động (khoảng gần 400.000 theo số liệu của VCCI tính đến đầu năm 2013) thì có thể thấy số lượng doanh nghiệp đăng ký tên miền còn rất ít.
Cùng với tình hình phát triển Internet cũng như số lượng tên miền quốc gia Việt Nam .VN được đăng ký mới và cấp phát theo nguyên tắc “đăng ký trước, xét cấp trước” hàng tháng là trên 8.000 tên miền như hiện nay, các vụ việc tranh chấp về tên miền do có sự trùng hợp với các đối tượng được bảo hộ sở hữu trí tuệ sẽ ngày càng xảy ra nhiều hơn và là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển.
Video đang HOT
Nhìn vào con số doanh nghiệp tại Việt Nam đang hoạt động với số lượng tên miền đã được các doanh nghiệp đăng ký thì chúng ta có thể thấy rõ nguy cơ tranh chấp về tên miền là rất cao và đồng thời cũng thấy được nhận thức chung của doanh nghiệp trong việc bảo hộ thương hiệu của mình trên Internet với tên miền .VN vẫn còn hạn chế.
Khung pháp lý đã hoàn thiện, xử lý dễ dàng hơn
Nhiều tên miền “.VN” đã bị tranh chấp trong thời gian dài
- Nghị định 72 về Quản lý cung cấp sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng mà Chính phủ vừa ban hành có quy định về xử lý tranh chấp tên miền. Nghị định này sẽ tác động thế nào đến việc giải quyết tranh chấp tên miền tại Việt Nam, thưa ông?
- Chính sách giải quyết tranh chấp tên miền thống nhất (Uniform Domain-name Dispute-Resolution Policy) – UDRP của Tổ chức quản lý Tên miền và Số hiệu mạng thế giới (ICANN) đã được đa số các tổ chức quản lý tên miền trên thế giới áp dụng. Tuy vậy, ngay tại các quốc gia phát triển trên thế giới như Mỹ, Anh, … những quốc gia đã có khung pháp lý tương đối hoàn thiện và đầy đủ thì tình trạng tranh chấp tên miền vẫn tiếp tục xảy ra theo cùng với sự gia tăng sử dụng tên miền.
Ở Việt Nam, với việc Chính phủ ban hành Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, có thể nói khung pháp lý về giải quyết tranh chấp tên miền đã khá hoàn thiện, có tham khảo UDRP và tham khảo chính sách của các quốc gia khác. Như vậy, ngoài các quy định về giải quyết tranh chấp được quy định cụ thể tại: Điều 76 – Luật Công nghệ thông tin; Thông tư số 10/2008/TT-BTTTT ngày 24/12/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định cụ thể về các hình thức giải quyết tranh chấp tên miền quốc gia Việt Nam “.VN”, Nghị định mới ban hành đã quy định rõ ràng về xử lý tranh chấp tên miền. Việc này đã làm hoàn thiện chính sách quản lý tên miền và việc giải quyết tranh chấp tên miền sẽ dễ dàng, triệt để hơn cũng như giảm thiểu các vụ tranh chấp kéo dài.
- Điều 16 của Nghị định quy định rõ ràng các khung pháp lý về giải quyết và xử lý tranh chấp, phân định rõ đâu là tranh chấp, đâu là vi phạm… vậy có thể áp dụng được ngay vào các trường hợp đang tranh chấp không thưa ông?
- Điều 16 Nghị định 72 của Chính phủ đã quy định chi tiết tranh chấp về đăng ký, sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”, từ hình thức, sở cứ cho đến các căn cứ giải quyết tranh chấp tên miền theo yêu cầu của nguyên đơn cũng như đưa các điều kiện cụ thể để bị đơn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến tên miền.
Bên cạnh đó, các điều khoản của Nghị định cũng đã quy định rõ ràng các khung pháp lý về giải quyết và xử lý tranh chấp, phân định rõ đâu là tranh chấp, đâu là vi phạm và chỉ ra việc cạnh tranh không lành mạnh là hành vi thực hiện với ý đồ xấu… Những quy định này có hiệu lực sẽ giúp cơ quan xử lý tranh chấp dễ dàng áp dụng ngay vào các trường hợp đang tranh chấp tên miền với đầy đủ các điều kiện, các căn cứ pháp lý để giải quyết tranh chấp tên miền, kết luận vụ việc.
- Tên miền không chỉ là địa chỉ định danh trên mạng Internet mà còn là “thương hiệu số”, một loại tài sản vô hình của các cá nhân, doanh nghiệp và đơn vị. Ông có lời khuyên nào cho các đơn vị để tránh rơi vào vòng luẩn quẩn tranh chấp?
- Tại tất cả các quốc gia trên thế giới, tên miền là một tài sản có giá trị thương mại nhưng không phải là đối tượng sở hữu trí tuệ. Tên miền và đối tượng sở hữu trí tuệ là hai khái niệm hoàn toàn độc lập với nhau do sự tồn tại độc lập của pháp luật về sở hữu trí tuệ và quy định về quản lý tên miền. Khi xảy ra tranh chấp tên miền, doanh nghiệp sẽ mất rất nhiều thời gian, tiền bạc và công sức theo đuổi vụ việc. Do đó, không gì tốt hơn là các doanh nghiệp hãy chủ động bảo vệ thương hiệu của mình trên Internet bằng cách tiến hành đăng ký những tên miền gắn liền với các thương hiệu đã được bảo hộ để tránh việc tranh tụng phức tạp và tốn kém.
Việc đăng ký bao vây nhiều hay ít tên miền là do nguồn lực tài chính của mỗi doanh nghiệp, chiến lược phát triển thị trường của mỗi doanh nghiệp, tuy nhiên doanh nghiệp nên đăng ký giữ chỗ những tên miền quốc tế nơi hiện diện thị trường kinh doanh của mình. Bên cạnh đó, chúng ta cần lưu ý một điều: Trong khi các tên miền quốc tế thường là khó đăng ký được tên miền như mong muốn vì thị trường đã bão hòa thì tên miền quốc gia Việt Nam .VN hoàn toàn thể hiện được cả thương hiệu của Việt Nam lẫn nguồn gốc quốc gia Việt Nam. Tên miền .VN có thể đăng ký dễ dàng và được cả một hệ thống quy định pháp luật bảo vệ. Có thể nói quan tâm đăng ký tên miền .VN liên quan đến thương hiệu của mình kịp thời là giải pháp đơn giản và hiệu quả nhất để bảo vệ thương hiệu ở Việt Nam hiện nay.
- Xin cảm ơn ông!
Bảo Trung
thực hiện
Theo Dantri
Đại gia nhà đất, không bỏ chạy thì bỏ mạng
Cơn bão khủng với tâm chấn rơi vào thị trường BĐS đã vắt kiệt sức của rất nhiều DN. May mắn thì lợi nhuận giảm, không thì thua lỗ, phá sản, vướng vào vòng lao lý...
Họa vô đơn chí
Không tệ hại như Vĩnh Hưng, Sỹ Ngàn hay Mai Linh, nhiều DN niêm yết trên TTCK hiện vẫn đang lao đao với cuộc khủng hoảng với tâm chấn là BĐS. Nhiều doanh nhân đau đầu tìm lối thoát trong bối cảnh BĐS liên tục giảm giá nhưng vẫn khó bán.
Cuối tháng 6, Quốc Cường Gia Lai (QCG) đã thua trong vụ kiện đầu tiền về việc chậm giao nhà. Đại diện QCG cho biết, công ty đã kháng án. Chưa biết kết quả sẽ tới đâu, nhưng nhiều NĐT cho rằng niềm tin vào DN này chắc chắn bị suy giảm và QCG có thể còn đối mặt với hàng loạt vụ kiện tương tự.
Thông tin bất lợi đến với QCG trong bối cảnh DN này trải qua rất nhiều sóng gió với 2 năm gần đây với cú thua lỗ gần 40 tỷ đồng trong năm 2011; doanh thu tụt giảm; tồn kho thuộc tốp đầu trong khối các DN lĩnh vực này; và cổ phiếu cuối 2012 bị đưa vào diện cảnh báo...
Tính tới cuối quý I/2013, QCG vẫn có số nợ gần gấp đôi vốn chủ sở hữu với lãi suất rất cao, mà theo QCG khiến hàng tháng tài sản hao hụt rất nhiều và không thể kiểm soát được.
Không chỉ DN BĐS, nhiều DN hoạt động trong các lĩnh vực khác nhảy vào BĐS cũng đau đầu và đang tìm cách thoát khỏi bùn lầy.
Chủ tịch một công ty ngành xây dựng có tiếng, niêm yết trên TTCK, trong phiên họp đại hội cổ đông của công ty này gần đây chia sẻ, ông mất ăn mất ngủ, luôn trong tình trạng lo lắng, bất an do BĐS không có đầu ra, không tìm kiếm được nguồn thu để bù đắp lãi vay, nợ gốc cho cả nghìn tỷ đồng.
Theo nhà lãnh đạo này, mỗi năm DN mất 60-70 tỷ đồng tiền lãi mà nguồn thu chả thấy đâu, dự án chưa ra tiền, vay thêm để hoàn thành dự án cũng khó mà để đấy thì không được. Tương lai DN khá mù mịt.
Rất nhiều DN trong lĩnh vực xây dựng, từ nhỏ như "họ Sông Đà" cho tới các ông lớn như Vinaconex cũng rơi vào tình trạng khó khăn do BĐS trầm lắng, tín dụng ngân hàng thắt chặt. Không ít các DN đã phải thoái vốn khỏi nhiều công ty con, khỏi các dự án để cân bằng lại tài chính.
Gần đây, CTCP Tài Nguyên (TNT) cũng gây sốc cho giới đầu tư khi công bố kết quả kinh doanh quỹ I/2013 không có khoản thu nào. Từ một DN trong lĩnh vực khai thác khoáng sản và vật liệu xây dựng, TNT đã nhảy thêm sang BĐS từ 2009 và tăng vốn gấp 5-6 lần để mở rộng hoạt động nhưng cũng đúng lúc BĐS bắt đầu lao dốc và DN nếm trái đắng thua lỗ đầu tiên năm 2012.
Trước đó, giới đầu tư đã biết đến những thất bại của nhiều đại gia tên tuổi khi dính vào BĐS như Kinh Đô (KDC), Cơ điện lạnh (REE), Sacom (SAM), Hoa Sen (HSG), Giấy Vĩnh Tiến...
Rất nhiều DN đã nhanh chân rút khỏi BĐS để quay về với ngành nghề kinh doanh cốt lõi nhưng cũng có không ít đơn vị đang cố theo lao với kỳ vọng thị trường BĐS sớm ấm trở lại.
Rũ bỏ hay theo lao?
Tiếp bước KDC, REE, SAM, HSG..., rất nhiều DN gần đây đã hoặc chủ trương thoái bớt vốn khỏi BĐS.
Báo cáo tài chính quý I/2013 cho thấy, Công ty CP Sông Đà 5 (SD5) đã thoái vốn hoàn toàn khỏi khoảng đầu tư trị giá gần 80 tỷ đồng vào cổ phiếu của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu Công nghiệp Sông Đà (SJS) sau gần một năm nắm giữ.
Cú thoái vốn này đã khiến SD5 lỗ nặng. Con số chính xác chưa có nhưng theo báo cáo tài chính 2012, SD5 đã trích lập hơn 33 tỷ đồng cho khoản đầu tư này - một con số rất lớn so với quy mô 90 tỷ đồng của DN.
Gần đây, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Thăng Long (TIG) đã chuyển nhượng 30% trong tổng 48% cổ phần sở hữu tại CTCP Đầu tư phát triển Đô thị Sinh thái Vân Trì (vốn điều lệ 160 tỷ đồng) và 27% trong 45% đang sở hữu tại CTCP Du lịch và Đô thị sinh thái nghỉ dưỡng Hồ Đồng Xương Hà Nội (60 tỷ).
Khoản lỗ 7,5 tỷ đồng trong năm 2011 và lợi nhuận rất thấp năm 2012 cũng như quý I/2013 phần nào cho thấy TIG đang cơ cấu lại hoạt động đầu tư của mình.
Rất nhiều DN khác đang chủ động rút bớt chân khỏi BĐS như: DIG (thoái vốn khỏi DIC Đồng Tiến, chuyển nhượng một phần dự án KĐT du lịch Đại Phước cho công ty con); TH1 (chủ động đề xuất tạm dừng dự án chung cư của Công ty ở đường Hòa Bình, quận Tân Phú và đề nghị được cấp phép làm lại kho bãi)...
Ở chiều ngược lại, nhiều DN gá chân sang BĐS vẫn đang loay hoay với các khoản đầu tư tài chính vào DN BĐS, vào các dự án BĐS.
Tại đại hội cổ đông 2013, QCG đưa ra kế hoạch doanh thu và lợi nhuận khá ấn tượng, tăng tương ứng hơn 42 và hơn 54 lần so với 2012. QCG cho biết năm nay sẽ tiếp tục cơ cấu lại danh mục dự án đầu tư; chuyển đối trái phiếu, phát hành cho các nhà đầu tư lớn, đồng thời vay vốn cá nhân từ HĐQT và các bên liên quan các đối tác để đảm bảo vốn cho các dự án đang xây dựng dở dang.
Cho dù doanh thu quý I/2013 chưa tới 300 triệu đồng nhưng cũng khá tự tin, đại diện TNT cho rằng, DN sẽ sớm ổn định hoạt động trong năm nay.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, DN có thể tự tin quá đà. Với vốn điều lệ vài chục tỷ đồng mà DN ôm rất nhiều dự án, với mỗi cái lên có tổng đầu tư lên tới vài nghìn tỷ đồng thì rủi ro rất lớn trong bối cảnh BĐS trầm lắng, tín dụng khó tiếp cận.
Hy vọng BĐS phục hồi không phải là viễn tưởng bởi nhu cầu còn rất lớn nhưng có lẽ vấn đề là khi nào thị trường sẽ phục hồi?. Tuy nhiên, nền kinh tế có đủ mạnh và thu nhập người dân có đủ cao để nuôi dưỡng thị trường hay không trong bối cảnh tín dụng sẽ khó có cửa dễ dãi như trước đây?
Theo Dantri
Sà lan đứt dây làm sập 44 căn nhà Tối 18/6, hai chiếc sà lan mang số hiệu AG15599 và SG4753 đang neo đậu trên sông Cái Sắn, đoạn qua xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, Cần Thơ, thì bất ngờ xảy ra tai nạn nghiêm trọng. Trước đó, một chiếc sà lan chở cát mang số hiệu TN 0233 từ Lộ Tẻ về Kiên Giang, khi đến khu vực trên do...