Tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông và biển Hoa Đông: Đồng loạt cảnh báo!
Ngày 3-9, tại cuộc họp báo thường kỳ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương đã bày tỏ hy vọng, tân nội các của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ giúp xoa dịu căng thẳng trong quan hệ song phương.
Việc này diễn ra ngay sau khi ông Shinzo Abe tiến hành cải tổ nội các (có 5 nữ Bộ trưởng) với việc bổ sung một số thành viên được cho là có quan điểm tích cực về Trung Quốc. Ông Tần Cương cũng cho biết, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Susan Rice sẽ thăm Trung Quốc từ đầu tuần tới. Chuyến thăm của bà Susan Rice diễn ra trước khi Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình có thể sẽ gặp nhau tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc vào cuối tháng 9 và bên lề diễn đàn APEC tại Bắc Kinh trong tháng 11.
Cũng trong ngày 3-9, Đài VOA đưa tin, các nhà lập pháp Nhật Bản và Philippines đã ký thỏa thuận không chính thức lần thứ 4 tại Manila để thành lập một cơ quan quốc tế thúc đẩy các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông và biển Hoa Đông.
Lá mặt lá trái
Cũng trong ngày 3-9, khi phát biểu tại diễn đàn “Đảng và đối thoại thế giới 2014″ tại Bắc Kinh, ông Vương Gia Thụy, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, đã cảnh báo các nước láng giềng không ngả theo một “cường quốc lớn” để đối trọng với Bắc Kinh khi giải quyết các tranh chấp hàng hải tại châu Á. Cùng ngày 3-9, tờ Bưu Điện Hoa Nam buổi sáng cho biết, giàn khoan Khải Hoàn-1 (Kaixuan-1) do Công ty Đóng tàu Cosco đóng, sẽ được triển khai tại biển Hoa Đông, nhưng chưa rõ vị trí neo đậu của giàn khoan này có nằm gần khu vực quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư hay không.
Ngày 2-9, Tân Hoa xã cho biết, tàu du lịch Coconut Princess, đã rời cầu tàu Phượng Hoàng Đảo, Tam Á lúc 16h30 ngày 2-9 (chở theo 216 hành khách) để tham quan trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trước đó (27-8), tờ Nhân dân Nhật báo đưa tin, trong tháng 9 (2-9, 13-9 và 27-9), Trung Quốc sẽ tổ chức 3 tour du lịch tới quần đảo Hoàng Sa.
Cũng trong ngày 2-9, tờ Want China Times đăng lại thông tin từ tờ Want Daily (Đài Loan) cho biết, từ tháng 2, Trung Quốc đã điều các đội xây dựng và ngang nhiên biến 6 bãi đá trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam thành các hòn đảo; đồng thời cảnh báo việc tăng cường cơ sở hạ tầng tại đây sẽ giúp Bắc Kinh củng cố tuyên bố chủ quyền phi pháp về “đường lưỡi bò”. Ngày 3-9, tờ National Interest đăng bài phân tích của học giả Captain Raul Pedrozo, cựu thẩm phán Mỹ cho rằng, tuyên bố của Trung Quốc ở Biển Đông là vô căn cứ.
Nghị sĩ Philippines và Nhật Bản lập Liên đoàn Nghị sĩ vì an ninh hàng hải ở châu Á
Ngày 3-9, Hãng Kyodo cho biết, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đã nhất trí, theo đó lần đầu tiên tổ chức diễn tập chung chống thảm họa hạt nhân tại Hàn Quốc vào ngày 20-11. Cũng trong ngày 3-9, Hãng Yonhap cho biết, lãnh đạo 2 Bộ Tổng tham mưu Hàn Quốc và Trung Quốc đã gặp nhau (lần thứ nhất) tại Seoul để thảo luận các vấn đề có liên quan, bao gồm cách thức tránh va chạm trên không tại khu vực chồng lấn giữa ADIZ của 2 nước.
Video đang HOT
Trước đó (25-8), Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min-seok từng bày tỏ quan ngại về khả năng xung đột tại vùng phòng không chồng chéo. Cho tới nay Seoul và Bắc Kinh vẫn bất đồng về ADIZ của Trung Quốc trên biển Hoa Đông bởi chồng chéo lên ADIZ của Hàn Quốc, bao gồm bãi đá ngầm tranh chấp Ieodo/Tô Nham Tiêu hiện do Seoul kiểm soát.
Ngày 27-8, Hãng Kyodo dẫn xác nhận (lần đầu tiên) của cựu Thủ tướng Nhật Bản khi ông Yasuo Fukuda tuyên bố, đã gặp Chủ tịch nước Tập Cận Bình nhân chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng trước. Ngày 26-8, Hãng Yonhap dẫn khuyến cáo của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình khi yêu cầu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye “hành động thận trọng” đối với kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến của Mỹ tại quốc gia này.
Trước đó (25-8), Hàn Quốc đã cự tuyệt Trung Quốc về kế hoạch thành lập ngân hàng mới với số vốn 50 tỉ USD nhằm đối trọng với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) do Mỹ và Nhật Bản đứng đầu.
Tăng khả năng bảo vệ
Giới phân tích cho rằng, chuyến công du Nhật Bản (từ 30-8 đến 3-9) của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho thấy, quốc gia đông dân thứ hai thế giới và cường quốc kinh tế thứ 3 toàn cầu đang muốn hợp tác sâu hơn về quốc phòng và an ninh để đối phó với chủ nghĩa bành trướng đang trỗi dậy tại châu Á.
Đài Tiếng nói nước Nga vừa dẫn tuyên bố của ông Mikhail Remizov, Chủ tịch Viện Chiến lược quốc giaTrung Quốc sẽ mất cơ hội tái cơ cấu trật tự thế giới nếu ngả theo áp lực của Mỹ thi hành các biện pháp trừng phạt chống Nga. Còn theo nhà phân tích chính trị Sergei Mikheyev, Mỹ chẳng có “giải thưởng” nào dành cho Trung Quốc để đổi lấy việc cùng tham gia trừng phạt chống lại Nga. Được biết, ngày 29-8, 5 nước thành viên SCO (Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan) đã tập trận bắn đạn thật quy mô lớn với sự tham gia của hơn 7.000 binh sĩ tại căn cứ Chu Nhật Hòa, Nội Mông, Trung Quốc.
Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Samuel Locklear
Trang mạng Sydney Morning Herald (Australia) cho biết, Australia muốn mua máy bay tuần tra P-8A (đã ký với Mỹ mua 4 máy bay P-8A chuyên dùng cho tác chiến săn ngầm và tấn công trên biển) để sẵn sàng can dự ở Biển Đông. Còn tờ Asahi Shimbun cho rằng, MỹTrung đã mở rộng cuộc chiến tình báo xoay quanh tham vọng bá quyền ở Thái Bình Dương, và Nhật Bản không thể đứng ngoài. Trong khi đó, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) tuyên bố, có kế hoạch tăng cường tuần tra tại vùng lãnh hải ở biển Hoa Đông, nhằm đối phó với tình trạng đánh bắt cá trái phép gia tăng, trong đó phần lớn là tàu Trung Quốc.
Ngày 31-8, giới truyền thông Trung Quốc dẫn lời của Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình kêu gọi quân đội nước này thực hiện “những đổi mới” kỹ thuật và chiến lược, đồng thời thu hẹp khoảng cách với các cường quốc khi xuất hiện các xu hướng mới trong chiến tranh. Ngoài ra, ông Tập Cận Bình còn nhấn mạnh tới 3 nguyên tắc: Đảng cần xây dựng một chiến lược tổng thể để tăng cường sức mạnh quân sự, phát triển tư duy mới cho các quân binh chủng khác nhau để thống nhất dưới một chiến lược chung chặt chẽ, tìm cách để xác định các vấn đề trong quân đội. Giới chuyên môn coi động thái này chứng tỏ, Bắc Kinh lo ngại về nguy cơ tụt hậu trong chiến tranh hiện đại.
Ngày 31-8, tờ Defense News cho rằng, Trung Quốc đang ru ngủ các nước láng giềng chấp nhận quyền bá chủ của Bắc Kinh. Theo tờ Jane’s Defense Weekly, Trung Quốc không phản đối Indonesia nâng cấp căn cứ quân sự ở Biển Đông. Việc này diễn ra sau khi Indonesia cho biết, hải quân nước này bắt đầu nâng cấp căn cứ quân sự Lanai ở quần đảo Riau. Trước đó (23-8), khi trả lời phỏng vấn Tuần báo The Weekend Australian tại Jakarta, Tổng thống Indonesia sắp mãn nhiệm Susilo Bambang Yudhoyono cho rằng, các nước đều muốn làm bạn với Mỹ và Trung Quốc và quan hệ MỹTrung ảnh hưởng tới tình hình tại Đông Á và Biển Đông.
Ngày 30-8, Hãng AFP dẫn lời một nghị sĩ Đài Loan cho biết, Đài Bắc có kế hoạch chi 2,5 tỉ USD trong 9 năm tới để mua hệ thống phòng thủ chống tên lửa để nâng cao năng lực phòng thủ tên lửa Trung Quốc. Theo đó, mua hệ thống tên lửa đất đối không Thiên Cung 3 để thay thế hệ thống tên lửa Hawk đã lỗi thời. Đây sẽ là đợt mua sắm thiết bị quân sự được sản xuất nội địa lớn nhất trong nhiều năm qua.
Trước đó, tờ Thời báo Hoàn Cầu cho biết, ngày 25-8, một máy bay do thám Trung Quốc Y-8 đã “xâm nhập vùng nhận diện phòng không Đài Loan ở Biển Đông” và không quân Đài Loan đã điều 2 chiến đấu cơ ngăn chặn. Tờ Vượng Báo (Đài Loan) từng đặt câu hỏi, liệu động thái tập trận của Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến an ninh của Đài Loan và quan hệ hai bờ bởi giới quân sự không loại trừ khả năng các cuộc diễn tập lần này có cân nhắc đến khả năng “tấn công chớp nhoáng Đài Loan”. Đài Loan cho biết, sẽ mua máy bay chiến đấu hiện đại của Mỹ (F-35 hoặc F-16C/D) để tăng cường khả năng phòng vệ trước Trung Quốc.
Trang mạng Jane’s Defense Weekly cho rằng, Mỹ đang gấp rút xây dựng căn cứ Guam để ứng phó với Trung Quốc. Dự kiến đến cuối năm 2020, các công trình tại căn cứ này sẽ cơ bản hoàn thành và khi đó, lực lượng Thủy quân lục chiến, Hải quân và Không quân Mỹ sẽ cùng có căn cứ ở Guam. Trước đó (28-8), Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Samuel Locklear cho rằng, Bắc Kinh cần hỗ trợ giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, không gây sức ép thay vì làm gia tăng căng thẳng.
Cũng trong ngày 28-8, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân đã yêu cầu Mỹ hạn chế và ngưng hoạt động giám sát gần Trung Quốc bằng máy bay tuần tra, nếu muốn tìm cách hàn gắn mối quan hệ song phương; đồng thời đe dọa đáp trả hành động do thám của Mỹ, nếu việc này tái xuất hiện.
Tờ Yomiuri Shimbun cho biết, NhậtMỹ sẽ phát triển chung tàu ngầm chạy bằng pin không người lái có khả năng giám sát hoạt động trên biển. Dự kiến tàu loại này có thể được sử dụng để theo dõi, giám sát, thu thập thông tin về hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc. Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ chi 2,6 tỉ yen trong thời gian 2014-2018 để nghiên cứu phát triển pin tính năng cao, hoạt động trong thời gian dài và không sử dụng oxy.
Lại dậy sóng
Ngày 28-8, trang tin Washington Free Beacon dẫn lời Đô đốc Hải quân Cecil Haney thuộc Bộ Tư lệnh chiến lược Mỹ cho biết, việc triển khai phi đội 3 máy bay ném bom chiến lược tàng hình B-2 Spirit ở Guam nhằm gửi thông điệp tới các đồng minh cũng như đối thủ của Washington. Việc triển khai B-2 Spirit diễn ra đúng thời điểm máy bay săn ngầm P-8 của Mỹ bị chiến đấu cơ của Trung Quốc chặn đầu ở Biển Đông.
Tờ Sankei Shimbun đưa tin, sau khi triển khai B-2 Spirit, không quân Mỹ sẽ điều hơn 20 pháo đài bay B-52 tới căn cứ không quân Anderson tại Guam. Hãng Bloomberg cho rằng, phạm vi tuần tra ở Biển Đông của Hải quân Trung Quốc là hầu hết Biển Đông, do đó Bắc Kinh sẽ triển khai nhiều tàu chiến, tàu ngầm và máy bay chiến đấu hơn tại khu vực này trong thời gian tới.
Ngày 28-8, Hãng Reuters dẫn lời ông Trương Triệu Trung, Thiếu tướng Hải quân Trung Quốcchúng ta phải áp sát hơn nữa đối với máy bay do thám Mỹ và điều này đã phản ánh quyết tâm của Bắc Kinh bảo vệ hoạt động mở rộng hạm đội tàu ngầm tên lửa đạn đạo trước các máy bay do thám Mỹ. Chuyên gia quân sự Mỹ James R. Holmes (Giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ) khuyến cáo, cần chụp ảnh, quay phim tất cả những vụ đối đầu cùng các hành vi của Trung Quốc để công bố cho thế giới biết về những gì đang diễn ra.
Hình ảnh chiến đấu cơ Trung Quốc do phía Mỹ cung cấp
Ngày 29-8, Hãng Reuters cho rằng, máy bay săn ngầm P-8 của Mỹ hoạt động ở phía đông đảo Hải Nam nhằm thu thập thông tin về đội tàu ngầm của Trung Quốc ở căn cứ Du Lâm. Chuyên gia quân sự Trương Bao Huệ thuộc Đại học Lĩnh Nam (đặc khu Hongkong) nhận định, đội tàu ngầm ở căn cứ Du Lâm là sức mạnh quân sự quan trọng nhất của Trung Quốc, do đó máy bay Trung Quốc không ngần ngại áp sát máy bay Mỹ.
Ngày 26-8, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby cho biết, hoạt động của máy bay do thám Mỹ ở khu vực này sẽ không dừng lại vì máy bay chiến đấu Trung Quốc áp sát ở cự ly gần và Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động ở vùng biển và vùng trời quốc tế.
Ngày 25-8, giới truyền thông Trung Quốc đã đồng loạt cảnh báo Mỹ về một trận chiến sống mái giữa hai nước nếu cuộc đụng độ ở Biển Đông biến thành một cuộc đối đầu liên quan đến lợi ích cốt lõi. Giới chuyên môn cho rằng, TrungMỹ lại dậy sóng sau “sự cố” kể trên, đồng thời nhận định Bắc Kinh đã “lá mặt lá trái” trong sự kiện này.
Theo giới truyền thông, quan chức quân đội MỹTrung đã thảo luận về quy tắc ứng xử sau vụ chặn đầu nguy hiểm của máy bay Trung Quốc đối với máy bay Mỹ. Cũng trong ngày 25-8, ông Yoshihide Suga, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản đã bày tỏ quan ngại về vụ máy bay chiến đấu Trung Quốc áp sát bất thường máy bay P-8 của Hải quân Mỹ; đồng thời hy vọng Bắc Kinh sẽ không tái diễn hành động nguy hiểm kể trên.
Ngày 26-8, tờ Stars & Stripes cho rằng, việc Trung Quốc phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 đang khiến Mỹ lo ngại về tiềm lực hạt nhân của Bắc Kinh cả trên bộ lẫn trên biển, trong bối cảnh Washington và Moskva đều cắt giảm vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, tờ Yomiuri Shimbun (Nhật Bản) đưa tin, Trung Quốc có kế hoạch thành lập quân chủng thứ 5 mang tên “Lực lượng hàng không vũ trụ” để đối phó với Mỹ trong tình huống quân sự khẩn cấp.
Ngày 25-8, Hải quân Australia đã khai mạc cuộc tập trận hải quân đa quốc gia với tên gọi “Kakadu 2014″ tại vùng biển phía bắc nước này và dự kiến kéo dài tới ngày 12-9. Tham dự “Kakadu 2014″ có 1.200 binh sĩ, 8 tàu chiến, 26 máy bay đến từ 15 nước. Trước đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết, quân đội nước này cùng với Mỹ và Australia sẽ cùng tham gia cuộc diễn tập mang tên Kowari giữa 3 bên lần đầu tiên trong tháng 10 tại Australia.
Ngày 22-8, tờ Liên hợp buổi sáng (Singapore) và Hãng Central News Agency (CNA) Đài Loan đều dẫn tuyên bố của Người phát ngôn Phủ Tổng thống Philippines Edwin Lacierda cho biết, Manila không thể thảo luận và đàm phán song phương với Bắc Kinh bởi tranh chấp tại Biển Đông không chỉ liên quan đến Philippines và Trung Quốc, do đó cần đối thoại đa phương để giải quyết vấn đề này. Philippines từng cảnh báo, nếu đối thoại song phương sẽ bị Trung Quốc “nuốt chửng” ngay.
Theo PetroTimes