Tranh chấp đất đai ở Phú Quốc: Vì sao xã hội đen lộng hành?
Đang yên đang lành, mẹ con bà Phạm Thị Hồng ở xã Dương Tơ (Phú Quốc – Kiên Giang) bỗng dưng bị nhóm xã hội đen đến đuổi ra khỏi nhà và chiếm giữ luôn ngôi nhà.
Không chỉ những vấn đề về pháp lý, mà tình trạng xã hội đen lộng hành đang khiến nhiều gia đình ở Phú Quốc như gia đình bà Phạm Thị Hồng ăn không ngon, ngủ không yên, thậm chí đứng trước nguy cơ mất tất cả. Nhiều người đặt dấu hỏi về sự minh bạch, công minh của các cơ quan công quyền trước thực trạng này.
Ngôi nhà anh Vũ Tùng Bách xây dựng, đang bị xã hội đen chiếm giữ.
X ã hội đen lộng hành ?
Tháng 4/2017, xảy ra vụ việc va chạm giữa chủ nhà nghỉ Việt Thanh ở khu phố 7, thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc (thuê lại đất để kinh doanh) và nhóm lạ mặt rút súng uy hiếp.
Cụ thể, ông Phạm Văn Sĩ thuê thửa đất của một người để kinh doanh nhà nghỉ. Khi chưa hết hợp đồng thì chủ đất bán mảnh đất này cho người khác nên xảy ra tranh chấp. Và xã hội đen đã xuất hiện để giải quyết vụ việc.
Một vụ việc khác, giữa tháng 12 năm nay, ông Nguyễn Minh Biên (41 tuổi), quản lý khách sạn Ông Lang Village ở ấp Ông Lang, xã Cửa Dương, bị cả chục người vây đánh (theo người dân, đây chính là nhóm xã hội đen), khi người quản lý khách sạn này dùng búa đập ổ khóa hàng rào của chủ đầu tư khu du lịch sinh thái đảo Phú Quốc; hàng rào này được dựng lên từ giữa năm 2018 đến nay, ngăn lối đi của người dân xuống biển, và lối ra vào của nhiều cơ sở kinh doanh.
Mới đây nhất, tiếp tục là một vụ việc tranh chấp nhà đất khác có sự xuất hiện của xã hội đen. Theo đơn của anh Vũ Tùng Bách (con trai bà Phạm Thị Hồng): Năm 2013, gia đình anh ra Phú Quốc tìm mua đất để xây nhà ở. Qua giới thiệu, ngày 20/5/2013, anh kí Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với vợ chồng ông Vũ Phú Hà, bà Vũ Thị Thúy Hằng, để mua thửa đất có diện tích 1.000m2, tại ấp Cửa Lấp, xã Dương Tơ. Nguồn gốc thửa đất, do ông Hà nhận chuyển nhượng từ ông Phạm Công Thành (đã chết, nhưng có vợ là bà Trần Thị Hồng còn sống). Ông Thành được cha là cụ Phạm Công Thuận tặng cho thửa đất này vào ngày 14/12/2011. Hiện cụ Thuận và các con vẫn sinh sống tại ấp Cửa Lấp.
Cùng năm 2013, anh Bách làm thủ tục cấp sổ đỏ, ngày 17/6/2013, được UBND huyện Phú Quốc cấp sổ số BO 354270, số vào sổ CH 01874, trong đó có 200m2 đất ở nông thôn (kí hiệu ONT). Anh Bách tiến hành xây dựng tường rào bao quanh khu đất, xây nhà để ở ổn định với hàng xóm, không tranh chấp với ai.
Tưởng yên lành, ai ngờ đâu đầu năm 2018, ông Trương Quốc Tiến, trú tại phường Phố Huế (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vào nhận đó là phần đất của mình và cho rằng anh Bách xây nhà sai vị trí.
Video đang HOT
Nhóm xã hội đen do Hồng Béo (áo kẻ ngang) cầm đầu đến chiếm nhà anh Bách. Ảnh anh Bách cung cấp.
Theo đơn của anh Vũ Tùng Bách, ngày 26/6/2019, ông Tiến huy động nhóm xã hội đen đi 3 xe bán tải, đến xịt sơn vào hàng rào và cổng nhà. Không dừng lại, ngày 4/7/2019, ông Tiến lại huy động người đến khóa cửa nhà, xịt sơn vào nhà. Ngày 12/7/2019, anh Bách vào nhà làm vệ sinh phần hàng rào, thì xuất hiện nhóm xã hội đen do ông Tiến thuê, dẫn đầu là người đàn ông có danh xưng là Hồng Béo, hùng hổ xông vào nhà. Ông Hồng Béo gọi thêm 3 xe ô tô 7 chỗ, 6 xe máy cùng khoảng 20 người chạy thẳng vào, đuổi anh Bách ra khỏi nhà. Ngày 5/8/2019, người của ông Tiến ngang nhiên mở khóa cổng, cắt xích; đem sắt, bạt vào đất của anh Bách dựng nhà tạm, chiếm giữ và sử dụng các vật dụng trong nhà.
Mọi hành vi của ông Tiến, ông Hồng Béo cùng nhóm xã hội đen gây mất trật tự trị an khu vực dân cư, đều được anh Vũ Tùng Bách và gia đình báo với cơ quan chức năng địa phương.
Lực lượng chức năng xuống hiện trường làm việc ngày 15/11/2019.
Ngày 15/11/2019, phóng viên trực tiếp có mặt chứng kiến lực lượng chức năng (gồm cả Cơ quan điều tra, cả Viện Kiểm sát nhân dân) đến làm việc tại ngôi nhà mà mẹ con bà Hồng tố cáo đang bị xã hội đen chiếm giữ. Theo quan sát của phóng viên, trước khi lực lượng chức năng đến, ngôi nhà bị khóa, có 2 – 3 thanh niên áo đen đi ra đi vào, và bắc ghế ngồi ở sân ngôi nhà.
Tại buổi làm việc, lực lượng chức năng đã yêu cầu nhóm người chiếm giữ ra khỏi nhà, đồng thời khóa cửa yêu cầu cả hai bên không ai được vào nhà, giữ nguyên hiện trạng chờ cơ quan chức năng giải quyết. Nhưng theo lời bà Hồng, chìa khóa sau khi cửa được niêm phong lại do nhóm xã hội đen giữ, sau đó họ vẫn bí mật vào ở trong ngôi nhà. Bà đã báo lại tình hình cho cơ quan chức năng địa phương, nhưng hơn 1 tháng trôi qua, tình trạng trên vẫn tiếp diễn mà không được giải quyết.
Những lùm xùm trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Đi sâu hơn về sự việc này, phóng viên nhận thấy, do cơ quan chức năng khi cấp sổ đỏ cho các gia đình, đã cấp sai tọa độ. Anh Vũ Tùng Bách và gia đình đã nhiều lần đề nghị cơ quan chức năng điều chỉnh tọa độ, song chưa được giải quyết. Căn cứ hồ sơ, tài liệu thu thập được, khẳng định gia đình anh Bách mua và sử dụng đất đúng vị trí trên thực địa. Ngày 20/5/2013, cụ Thuận (chủ đất) viết Giấy xác nhận có nội dung: “Phía đất giáp với Hồ Thị Hiếu, ông Thuận lấy lại 3m để làm đường nội bộ đi chung. Do đó, tôi cho thêm 0,6m (sáu tấc) giáp với thửa đất số 103 của cụ Phạm Văn Thuận, với chiều dài hết đất cho đủ 1.000m2 (một ngàn mét vuông) do con tôi là ông Phạm Công Thành bán lại”.
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên anh Vũ Tùng Bách.
Ông Phạm Công Hòa, con trai cụ Thuận, cũng xác nhận thửa đất số 186, tờ bản đồ số 10 tại ấp Cửa Lấp, xã Dương Tơ được cha ông (cụ Thuận) tặng cho em ông là ông Phạm Công Thành vào năm 2011. Nay ông Hòa làm chứng: “… thửa đất 186 là đúng vị trí đang sử dụng, giáp ranh với ông Đào Chí Cường thửa số 244 và Phạm Thị Kim Hương (em gái tôi) thửa số 187…”. Xác minh thực tế, thửa đất số 187, bà Phạm Thị Kim Hương đã chuyển nhượng cho chủ đất mới là Dương Thanh Quý, hiện đã làm nhà ở ổn định ngay kế sát thửa số 186 của anh Bách đã xây nhà. Hiện thửa đất số 186 có tứ cận rõ ràng, giáp với các chủ đất: Đào Chí Cường, Vũ Ngọc Đông, Hồ Thị Hiếu, Phạm Thị Kim Hương (chuyển nhượng cho Dương Thanh Quý). Theo sổ đỏ, thửa đất vuông vắn, chiều rộng 14,14m, chiều dài 72,11m.
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bà Vũ Ánh Nguyệt.
Trong khi đó, theo sổ đỏ số BO 403904, số vào sổ CH 2505, kí cấp ngày 31/7/2014, số thửa 249, tờ bản đồ số 10, chủ đất là bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt. Sau đó, thửa đất này được chuyển nhượng, tặng cho nhiều lần: Chuyển nhượng cho cụ Phạm Văn Thuận, ấp Cửa Lấp, xã Dương Tơ; tặng cho ông Phạm Thanh Hùng, ấp Cây Thông Ngoài, xã Cửa Dương; chuyển nhượng cho bà Hoàng Thị Ngân, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh; chuyển nhượng cho chị Nguyễn Phương Trinh, phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội. Thửa đất có hình thái một chiều rộng 16,6m, một chiều rộng 16,5m; một chiều dài 61,47m, một chiều dài 59,96m; giáp các hộ: Vũ Thị Hương Thảo, Nguyễn Văn Đông, Đào Chí Cường, Lê Thị Phương.
Như vậy có thể sơ bộ thấy rằng, anh Bách xây nhà trên đất mình mua là đúng vị trí. Việc sai tọa độ là lỗi của cơ quan chức năng. Không chỉ anh Bách có đơn yêu cầu hiệu chỉnh mà các hộ khác cũng có yêu cầu này. Thế nhưng, cơ quan chức năng chưa giải quyết đúng, dẫn đến những lùm xùm sau này.
Phóng viên đã đến Phòng Tài Nguyên và Môi trường Phú Quốc, liên hệ và đặt lịch làm việc với ông Lê Quang Minh, Trưởng phòng. Không gặp được ông Minh, nhưng qua điện thoại, ông Minh thậm chí còn không nhớ có vụ việc này, và nói phóng viên gửi lại hồ sơ, sau khi nghiên cứu sẽ phản hồi sau nhưng đến nay vẫn “bặt vô âm tín”.
Như vậy, nếu những căn cứ trên đây là chuẩn xác, thì rõ ràng hành vi từ nhóm người của ông Hồng Béo và ông Tiến có dấu hiệu “Xâm phạm chỗ ở của người khác”, “Hủy hoại tài sản” và “Gây rối trật tự công cộng”. Nhưng không hiểu sao, Công an huyện Phú Quốc chưa xem xét ra quyết định khởi tố vụ án? Còn việc cấp sổ đỏ cho loạt đất dọc cạnh nhà bà Hồng đã mua, theo phản ánh của người dân, đều có những sai sót mang tính “dây chuyền”. Người dân đặt câu hỏi: Phải chăng cơ quan chức năng của huyện Phú Quốc và xã Dương Tơ bất lực trước nạn xã hội đen, hay còn điều gì khuất tất, khiến họ không thể công minh mà giải quyết vụ việc?
Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Nhóm PV
Theo kinhtenongthon.vn
Cô giáo bị chồng cũ chém gần đứt lìa 2 bàn tay
Tranh chấp đất sau ly hôn, cô giáo ở Đắk Nông bị chồng cũ chém gần đứt lìa 2 bàn tay.
Ngày 19/12, VKSND thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) cho biết, đơn vị mới ban hành cáo trạng truy tố đối với bị can Đinh Văn Đương (SN 1972, trú Thôn 3, xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk, hiện ở tại thôn Nghĩa Tín, xã Quảng Thành, thị xã Gia Nghĩa) về tội "Cố ý gây thương tích".
Theo cáo trạng, Đương và chị Trương Thị Cát (SN 1977, trú thị xã Gia Nghĩa, Đắk Nông, giáo viên tiểu học) kết hôn vào năm 2017 và có con chung, đến tháng 6/2019 thì ly hôn.
Khi ly hôn, hai vợ chồng không yêu cầu tòa giải quyết tài sản chung mà tự thỏa thuận nên xảy ra tranh chấp quyền được hưởng thửa đất rẫy 4ha tại xã Quảng Thành (thị xã Gia Nghĩa).
Sau đó chị Cát cho chị Đặng Thị Hóa (SN 1970, trú tại thôn 4, Quảng Tín, Đăk R'lấp, tỉnh Đắk Nông) mượn miếng rẫy trên để làm.
Ngày 29/7/2019, chị Hóa cùng với 3 người khác vào thửa đất này phát cỏ và bẻ chồi cà phê. Khoảng 16h cùng ngày, Đương vào rẫy thấy có người đang phát cỏ trên nên ngăn cản đuổi đi. Biết chuyện, chị Cát liền nhờ chị Hóa chở vào rẫy gặp Đương nói chuyện. Đến nơi, giữa Đương và chị Hóa xảy ra mâu thuẫn.
Ảnh minh họa
Trong lúc giằng co, Đương cầm dao chém 2 nhát trúng vào tay phải của chị Hóa nhưng không gây thương tích. Thấy chị Cát bỏ chạy, Đương đuổi theo và chém nhiều nhát trúng vào tay chị Cát làm đứt gần lìa cả hai bàn tay, gây thương tích nặng.
Ngay sau đó chị Cát được người dân chở đi Bệnh viện đa khoa Đắk Nông cấp cứu với tỷ lệ thương tích 74%.
Sau khi gây án, Đương đến Cơ quan Cảnh sát điều tra để đầu thú.
HIỀN MAI - BÌNH ĐỊNH
Theo vtc.vn
Báo động nạn đòi nợ kiểu "xã hội đen" Liên tục thời gian gần đây, do mâu thuẫn trong đòi nợ; các nhóm đối tượng sử dụng hung khí đâm chém nhau kiểu "xã hội đen" gây bức xúc trong dư luận và ảnh hưởng đến tình hình trật tự tại địa phương. Nguyễn Thắng Hùng Tang vật sử dụng để đi đòi nợ. Đâm chém, đập phá xe vì nợ nần...