Tranh chấp Biển Đông: điềm báo ‘đổi’ thế cục?
Vừa qua, tờ nhật báo Asahi của Nhật Bản đã đăng bài phân tích của phóng viên Yoichi Kato với tiêu đề: “Tranh chấp Biển Đông: điềm báo cho một thay đổi chiến lược ở khu vực?”.
Theo đó, Yoichi Kato cho rằng, tranh chấp chủ quyền Biển Đông giữa Trung Quốc và các quốc gia liên quan, trong đó có Việt Nam và Phillippines, đang làm tăng thêm tầm quan trọng chiến lược đối với không chỉ khu vực châu Á – Thái Bình Dương mà còn hơn thế nữa. Nhật Bản chắc chắn không thể xem vấn đề này như một hiện tượng biệt lập ở một khu vực xa xôi, bởi lẽ đây là vấn đề phản ánh chiến lược của Trung Quốc đối với khu vực, một chiếc lược dựa vào sức mạnh tăng trưởng kinh tế và lòng tự tôn dân tộc.
Tuy nhiên, thách thức có tính chất căn bản hơn vẫn là làm sao các nước trong khu vực, trong đó có Nhật Bản, có thể giải quyết những mâu thuẫn chiến lược ngày càng gia tăng, một mâu thuẫn chủ yếu xuất phát từ sự phụ thuộc kinh tế ngày càng lớn với Trung Quốc và một trật tự an ninh khu vực “do Mỹ đảm bảo”.
Tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông dường như đã đạt được một số điểm thống nhất nhất định nào đó tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN-Trung Quốc và Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN (ARF) diễn ra hồi tháng 7/2011 tại Bali, Indonesia. 10 nước thành viên của ASEAN và Trung Quốc đã nhất trí các nguyên tắc ứng xử mới, tạo tiền đề cho việc thực thi Tuyên bố về Ứng xử (DOC) nhằm tìm ra hướng giải quyết hòa bình cho các tranh chấp trên Biển Đông.
Ngoại trưởng Nhật Bản khi đó, ông Takeaki Matsumoto, người đã từng tham gia các vòng đàm phán của khu vực ASEAN, đã hoan nghênh những bước phát triển mới trên. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng coi đây là “một bước tiến quan trọng”, đồng thời kêu gọi ASEAN và Trung Quốc khẩn trương thực thi bước đi tiếp theo, đó là: thiết lập một bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc về pháp lý để ngăn chặn xung đột. Bà Clinton nói thêm: “Bất cứ bên tuyên bố chủ quyền nào đều phải công khai thông tin của mình để chúng ta có thể biết tranh chấp đang xảy ra ở đâu”.
Nhưng tình hình đang thay đổi nhanh chóng. Chưa đầy hai tuần sau hội nghị ở Bali, tờ People”s Daily – một tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc – đã đăng tải trên trang nhất bài viết buộc tội Philippines xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc khi cho xây dựng một căn cứ quân sự trên một trong những hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa đang tranh chấp. Bài bình luận này kết thúc bằng một lời cảnh báo cứng rắn: “Những bên gây ra sai lầm chiến lược nghiêm trọng liên quan đến vấn đề này sẽ phải trả giá thích đáng”.
Ngay lập tức, tờ Tân Hoa Xã đăng một bài viết tiếng Anh tóm tắt lại bài báo trên. Rõ ràng rằng Đảng và Chính phủ Trung Quốc muốn gửi đi thông điệp này tới tất cả các bên liên quan. Và trên thực tế, việc họ làm đã gây ra nhiều phản đối quyết liệt trong khu vực.
Chính quyền Nhật Bản và Mỹ vẫn coi vòng đàm phán vừa qua của ASEAN là một thành công, đặc biệt là đã đưa vấn đề “an ninh hàng hải” vào chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) diễn ra vào tháng 11 tới. Với quyết định này, vấn đề Biển Đông có thể được thảo luận nhiều hơn trong một bối cảnh đa phương rộng hơn như EAS, vượt ra ngoài khuôn khổ các hội nghị của ASEAN. Điều đó sẽ đảm bảo mang lại một cơ hội cho những quốc gia không tuyên bố chủ quyền Biển Đông, chẳng hạn như Nhật Bản và Mỹ, để họ có thể tham gia vào quá trình thảo luận.
Video đang HOT
Trên một mặt trận còn nhạy cảm hơn thế, hội nghị cũng được coi là một thành công bởi nó đã đi đến một thỏa thuận ngầm giữa các quốc gia tuyên bố chủ quyền và các quốc gia có nhu cầu sử dụng Biển Đông nhằm đưa ra các câu hỏi pháp lý trước tuyên bố của Trung Quốc đối với “đường 9 điểm” hay “đường 9 đoạn” trên Biển Đông. Chiến lược thận trọng này dường như đang lái Trung Quốc tiến tới một thỏa thuận đa phương mới, một bộ quy tắc ứng xử để giải quyết những tranh chấp một cách hòa bình bằng cách gây áp lực đồng thời từ phía các bên đối với tính pháp lý của “đường 9 đoạn”.
Trung Quốc sử dụng đường hình chữ U, 9 đoạn, chạy dọc đường bờ biển và chuỗi đảo ở Biển Đông làm cơ sở cho yêu sách chủ quyền của mình. Khu vực bao quanh bởi đường 9 đoạn kéo dài gần như toàn bộ Biển Đông. Theo các tài liệu chính thức cùng với tấm bản đồ mà chính phủ Trung Quốc đệ trình lên Liên Hợp Quốc vào năm 2009, Bắc Kinh tuyên bố có “chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo trên Biển Đông và vùng nước lân cận”. Tuy nhiên, không rõ là liệu Trung Quốc có đòi chủ quyền toàn bộ phần Biển Đông nằm trong đường 9 đoạn như là những phần lãnh hải của mình hay không, hay chỉ tới các đảo và vùng lãnh hải lân cận của đường 9 đoạn.
Ngày 24/8, khoảng một tháng sau hội nghị ARF, hai tàu tuần tra ngư chính Trung Quốc đã xâm phạm vào vùng lãnh hải nằm trong quần đảo Sensaku, ở Biển Hoa Đông, của Nhật Bản. Hồi năm 2008, hai tàu tuần tra của hải giám Trung Quốc (CMS) đã từng đi vào và ở lại vùng biển của Nhật Bản suốt 9 tiếng đồng hồ. Mặc dù thời gian xâm phạm vừa qua ngắn hơn nhưng Chính phủ Nhật Bản coi sự việc này là rất nghiêm trọng.
Đáp lại lời phản đối chính thức từ phía Chính phủ Nhật Bản, một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: “Quần đảo Điếu Ngư (Senkaku) và các đảo vệ tinh vốn là lãnh thổ của Trung Quốc từ thời cổ đại. Tàu ngư chính Trung Quốc tuần tra vùng biển này để duy trì trật tự thường xuyên đối với hoạt động đánh bắt cá”.
Tuyên bố trên được xem là không có điểm gì mới. Về phần Chính phủ Nhật Bản, một số ý kiến cho rằng ý định của Trung Quốc có thể là phép thử nhằm đánh giá thái độ của Chính phủ Nhật Bản về chủ quyền sau hội nghị ARF, nhất là khi Nhật Bản đang trong giai đoạn chuyển giao quyền lực từ chính quyền của ông Kan sang một chính phủ mới.
Quan điểm hiện nay trong chính phủ Nhật Bản đó là, điều gì đang xảy ra trên Biển Hoa Đông đều có liên hệ chặt chẽ với tranh chấp trên Biển Đông. Ngoại trưởng Nhật Bản Matsumoto từng tuyên bố trước Nghị viện: “Nhật Bản quan tâm sâu sắc tới tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông bởi chúng có ảnh hưởng tới hòa bình và an ninh trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, và bởi vì chúng cũng có mối liên hệ chặt chẽ đối với các biện pháp bảo đảm an ninh hàng hải”.
Tranh chấp chủ quyền không chỉ giới hạn trong lĩnh vực hàng hải, mà nó còn được thể hiện thông qua các dấu hiệu tranh chấp căng thẳng ngày càng tăng đối với biên giới trên bộ Trung – Ấn. Các học giả Ấn Độ cho rằng, Trung Quốc đang đưa ra các biện pháp nhằm xác định lại biên giới trên đất liền và trên biển, phục vụ mục tiêu giành lại vị thế quyền lực mạnh mẽ hơn. Và môt loạt hành động “xác định lại biên giới” như vậy của Trung Quốc đã gây ra hàng loạt các vấn đề đối với toàn vẹn lãnh thổ và an ninh của các nước láng giềng. Ấn Độ chú ý sát sao tới tình hình trên Biển Đông bởi vì họ coi đó như một chỉ dấu cho những gì có thể xảy trong tranh chấp biên giới giữa họ với Trung Quốc.
Thách thức căn bản hơn nữa mà toàn bộ Ấn Độ-Thái Bình Dương phải đối mặt có lẽ là sự mâu thuẫn chiến lược mới xuất hiện. Hầu hết các nước trong khu vực xem Trung Quốc như đối tác thương mại lớn của mình, trong khi đó họ lại phải phụ thuộc vào Mỹ để duy trì được trật tự an ninh trong khu vực, trong đó có quyền tự do hàng hải. Tuy nhiên, sự phụ thuộc kép này càng khiến các nước trong khu vực rơi vào tình trạng khó đưa ra được các quyết định của riêng mình khi và nếu Trung Quốc thách thức vị trí hiện nay của Mỹ. Đây dường như là những gì đang xảy ra trên Biển Đông.
Năm ngoái, ông Hugh White, cựu quan chức của Bộ Quốc phòng Australia, từng công bố một bài viết với tựa đề “Chuyển giao quyền lực – tương lai của Australia được quyết định bởi mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh”. Ông chỉ ra rằng kỷ nguyên “Mỹ chiếm ưu thế tuyệt đối, không có đối thủ cạnh tranh” đã chấm dứt, và rằng một trật tự hòa bình mới tại châu Á nhằm dung chứa quyền lực ngày càng gia tăng của Trung Quốc có thể được xây dựng “nếu Mỹ sẵn lòng trao cho Trung Quốc một không gian chính trị và chiến lược nhất định”.
Điểm cốt lõi trong lý luận của ông White chính là Mỹ nên ngừng việc cạnh tranh vị trí đứng đầu với Trung Quốc, mà nên chia sẻ quyền lực với nước này. Ông cũng khuyến cáo rằng đã đến lúc phải tư duy lại chiến lược phòng ngừa. Đây là đáp án khả thi để giải quyết bài toán “phụ thuộc kép”.
Vấn đề được đưa ra trong các cuộc tranh cãi liên quan đến Biển Đông đó là một sự nhận thức rằng các cuộc tranh chấp chủ quyền xuất phát từ bản chất của cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc, và một mình Mỹ thì không thể thống lĩnh cả khu vực, cho dù họ có năng lực khổng lồ về quân sự. Hầu hết các quan điểm trong cộng đồng các nước ASEAN có thể không rõ ràng và cực đoan như của ông White. Nhưng nếu “sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự suy giảm tương đối của Mỹ” ngày càng rõ nét, thì một sự chuyển dịch từ “vị thế đứng đầu của Mỹ” sang “chia sẻ quyền lực Trung-Mỹ” có thể thu hút sự chú ý lớn hơn từ các quốc gia và công dân của khu vực này. Đó sẽ là một thách thức to lớn đối với Nhật Bản – quốc gia xây dựng chiến lược an ninh của mình dựa trên giả định rằng vị trí thống trị của Mỹ là không thể bị lung lay.
Những gì đang xảy ra trên Biển Đông có thể là điềm báo về một sự thay đổi tư duy chiến lược của các nước trong khu vực và thậm chí là chính bản thân trật tự chiến lược của khu vực này.
Theo Báo Đất Việt
Bão lũ khắp nơi, nhiều người thiệt mạng
Gần trăm người thiệt mạng, bị thương từ thiên tai, mưa bão ở Philippines, Indonesia và Nhật Bản
Theo nhà chức trách ở Indonesia, có 4 người thiệt mạng và 1 người bị thương nặng trong vụ lở đất ở tỉnh Maluku miền Đông nước này. Bà Eka Gultom, người đứng đầu cơ quan quản lý và giảm thiểu thiệt hại thiên tai của tỉnh Maluku cho biết, mưa lớn liên tiếp nhiều ngày qua đã gây lở đất ở những khu vực đồi núi, làm 2 ngôi nhà bị hỏng nặng. Ba thi thể đã được tìm thấy và một người mất tích. Công tác cứu hộ đang được xúc tiến.
Bão gây thiệt hại nặng nề cho Phillippines
Trong khi đó, tại Phillippines, Hội đồng Quản lý và Giảm thiểu nguy cơ thảm họa quốc gia (NDRRMC) cho biết một cơn bão mới tên Muifa (tên địa phương là Kabayan) đổ bộ vào miền Bắc nước này đã làm 2 người thiệt mạng và 1 người bị thương. Bão Muifa vẫn đang mạnh dần lên và đang di chuyển về phía Bắc.
Thống kê thiệt hại về nhân mạng từ cơn bão nhiệt đới Nock-ten (tiếng địa phương là Juaning) đổ bộ vào nước này từ ngày 25 đến 27-7 đã tăng lên 52 người. Hiện các nhân viên cứu hộ đang tìm kiếm 27 người mất tích do mưa lớn gây lũ lụt tại nhiều nơi trên đảo Luzon. Tổng thiệt hại hơn 28 triệu USD. Bão phá hủy 500 ngôi nhà, 986.000 người dân phải sơ tán.
Nhật Bản tiếp tục đối mặt thảm họa thiên tai
Tại Nhật Bản, mưa lớn tiếp tục tấn công phía Đông Bắc, số người chết đã tăng lên 3 người ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất như Niigata và Fukushima. Đây đều là những vùng đã chịu thiệt hại năng nề từ thảm họa động đất, sóng thần hồi tháng 3.
Rạng sáng 31-7, một trận động đất khác mạnh 6,4 độ ritcher với tâm chấn nằm ở độ sâu khoảng 40km dưới đáy biển ngoài khơi tỉnh Fukushima. Tất cả 7 người bị thương. Hiện hàng ngàn người vẫn phải bỏ nhà bỏ cửa đến các trung tâm sơ tán tránh lũ lụt từ cơn mưa bão kéo dài. Thiệt hại vật chất vẫn chưa thể thống kê được. Cơ quan khí tượng ở Nhật Bản cho biết mưa đã lên đến đỉnh cao ở Niigata và Fukushima. Nó sẽ dịch chuyển một chút về phía Nam.
Theo Người Lao Động
Trung Quốc diễn tập quân sự ở Biển Đông Trung Quốc tổ chức cuộc tập trận kéo dài 3 ngày ở Biển Đông để luyện chiến thuật đổ bộ và chống ngầm. Nước này cũng xác nhận kế hoạch tăng cường lực lượng hải giám. Haixun 31 - tàu tuần tra hiện đại nhất của Trung Quốc. Ảnh: Xinhua. Theo Global Times, 14 tàu hải quân Trung Quốc tham gia diễn tập...