Tranh cãi việc Syria bắn hạ thành công 71 tên lửa của Mỹ và đồng minh
Trong khi Syria được cho là đã đánh chặn thành công 71 tên lửa hành trình trong cuộc không kích của liên quân sáng 14/4, Mỹ khẳng định tất cả các tên lửa của họ đều đánh trúng mục tiêu. Thực hư về năng lực phòng không của Syria đến nay vẫn là một điều bí ẩn.
Tên lửa trên bầu trời Syria rạng sáng 14/4. (Ảnh: Getty)
“71 tên lửa bị đánh chặn”
Rạng sáng 14/4, các tàu khu trục, tàu ngầm và máy bay chiến đấu của liên minh Mỹ-Anh-Pháp đã đồng loạt nã tổng cộng 105 tên lửa vào 3 mục tiêu ở Syria.
Ngay sau cuộc không kích, phía Nga cho biết, Không quân Syria đã bắn hạ thành công 71 tên lửa hành trình, tương đương 70% số tên lửa liên quân dội xuống Syria. Moscow cũng khẳng định các hệ thống phòng không của họ không kích hoạt do tên lửa liên quân không đi vào khu vực phòng không gần căn cứ không quân Hmeimim và căn cứ hải quân Tartus của Nga ở phía tây Syria.
Trước đó, truyền thông quốc gia Syria dẫn nguồn tin từ quân đội Nga nói rằng, Không quân Syria đã bắn hạ thành công 13 tên lửa. Con số này tăng dần lên 20 tên lửa trước khi Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga nói rằng Syria đã bắn hạ 71 tên lửa hành trình bằng các hệ thống phòng không do Liên Xô sản xuất cách đây hơn 30 năm.
Trong một tuyên bố trên truyền hình, tướng quân đội Syria Ali Mayhoub cũng nói rằng: “Các hệ thống phòng không của chúng tôi đã bắn hạ thành công hầu hết tên lửa (của liên quân)”. Quan chức này thừa nhận, trung tâm nghiên cứu khoa học Barzeh ở ngoại ô thủ đô Damascus đã trúng tên lửa và một trong các tên lửa bị đánh chặn đã làm thương 3 người ở Homs.
Theo Sputnik, Syria tuy sở hữu những hệ thống phòng không hiện đại như Pantsir-S1 với tên lửa đất đối không SAM và hệ thống pháo phòng không, nhưng Damascus đã bắn hạ các tên lửa hành trình của liên quân chủ yếu bằng các hệ thống đã có trên 30 năm tuổi như các biến thể của hệ thống tên lửa tự hành Buk, hệ thống phòng không S-125 và S-200.
Video đang HOT
Một cuộc không kích “hoàn hảo”?
Trong khi đó, phương Tây đã bác bỏ những tuyên bố của Nga và Syria về số lượng tên lửa bị đánh chặn. Tại cuộc họp báo ngày 14/4, quan chức Lầu Năm Góc, Trung tướng Kenneth McKenzie, nói rằng liên quân đã phóng đồng thời 105 tên lửa từ tàu chiến, máy bay nhằm vào 3 mục tiêu ở Syria. Ông khẳng định, không tên lửa nào của liên quân bị đánh chặn và rằng cuộc không kích là “chính xác và áp đảo”.
Ông McKenzie cho biết, hệ thống phòng không Syria đã bắn 40 tên lửa đánh chặn trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn cuộc tấn công của liên quân, song không tên lửa nào trúng mục tiêu. Hơn nữa, các tên lửa này được phóng đi sau khi cuộc không kích của Mỹ, Anh và Pháp kết thúc.
“Suyria đã bắn 40 tên lửa cỡ lớn lên không trung, các tên lửa này đã rơi ở đâu đó”, ông McKenzie nói.
Lầu Năm Góc cũng công bố các hình ảnh cho thấy Trung tâm nghiên cứu Barzeh của Syria bị san phẳng sau cuộc không kích. Trung tâm này bị tấn công bởi 76 tên lửa, trong đó gồm 57 tên lửa hành trình phóng từ biển, số còn lại phóng từ hai máy bay B-1B Lancer của Mỹ.
“Chúng tôi đã tính toán tỉ mỉ mục tiêu tấn công và chúng tôi đã đánh trúng tất cả các mục tiêu”, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Dana White cho biết.
Trong khi đó, giới chức quân sự Anh và Pháp được cho là đang thu thập dữ liệu qua ảnh vệ tinh để đánh giá mức độ thiệt hại mà cuộc không kích gây ra cho Syria cũng như để xác định liệu tên lửa của họ có bị hệ thống phòng không Syria đánh chặn hay không. Mặc dù vậy, họ vẫn khẳng định, cuộc không kích đã thành công. Tổng thống Trump tối 14/4 tuyên bố, cuộc không kích của liên quân đã thành công hoàn hảo và “kết quả không thể tốt hơn”.
Minh Phương
Theo Dantri
Syria bắn hạ hầu hết tên lửa của Mỹ và đồng minh
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, Mỹ và các đồng minh Anh, Pháp đã phóng hơn 100 tên lửa nhằm vào các mục tiêu khác nhau ở Syria và hệ thống phòng không của Syria đã bắn hạ hầu hết các tên lửa này.
Các tên lửa của Mỹ và đồng minh nhằm vào 3 mục tiêu ở Syria. (Ảnh: RT)
Bộ Quốc phòng Nga hôm nay cho biết, Mỹ cùng với Anh và Pháp rạng sáng 14/4 đã phóng tổng cộng 100 tên lửa hành trình và không đối đất vào các mục tiêu khác nhau ở Syria.
Cũng theo thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga, hệ thống phòng không của Syria đã bắn hạ hầu hết tên lửa của Mỹ và đồng minh. Thông cáo sau đó của Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga cho biết, Không quân Syria đã bắn hạ tổng cộng 71 tên lửa hành trình và không có căn cứ không quân nào của Syria bị phá hủy sau trận không kích.
Các tổ hợp phòng không mà Syria sử dụng do Liên Xô sản xuất cách đây hơn 30 năm. "Các thiết bị phòng không được Syria sử dụng là hệ thống S-125, S-200 và Buk, Kvadrat để đối phó vụ tấn công tên lửa", thông cáo cho biết.
"Trong vòng 1 năm rưỡi qua, Nga đã giúp khôi phục hoàn toàn hệ thống phòng không của Syria và tiếp tục cải thiện nó", Bộ Quốc phòng Nga cho biết.
Quân đội Nga khẳng định các hệ thống phòng không của Nga không được dùng để đáp trả cuộc tấn công của Mỹ và đồng minh nhằm vào Syria. "Không tên lửa nào của Mỹ và đồng minh đi vào khu vực phòng không của Nga - khu vực bảo vệ căn cứ không quân Hmeimim và căn cứ hải quân Tartus", thông cáo cho biết.
Trong một diễn biến liên quan, hãng thông tấn SANA dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao Syria khẳng định, cuộc tấn công của phương Tây không thể tác động đến quyết tâm của quân đội Syria nhằm chống lại phiến quân và khôi phục quyền kiểm soát toàn bộ đất nước.
Theo truyền thông Syria, đợt tấn công diễn ra khoảng từ 4h-5h10 sáng ngày 14/4 theo giờ địa phương với 110 tên lửa nhằm vào 3 mục tiêu ở Damascus và Homs của Syria. Hãng thông tấn SANA của Syria, quân đội nước này đã kích hoạt hệ thống phòng không trong đó có Pantsir-S1 ở khu vực Damascus để đánh chặn các tên lửa.
Trước đó, phát biểu với báo giới, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Joseph Dunford cho biết, Mỹ không rõ các hệ thống phòng không của Nga có tham gia ứng phó các cuộc không kích vào Syria hay không. "Tôi không nhận thấy bất cứ động thái nào của Nga", ông Dunford nói. Quan chức này cho biết thêm, Washington đã tính toán tỉ mỉ các mục tiêu tấn công ở Syria để tránh "động chạm" tới lực lượng của Nga ở đây.
Nga hiện triển khai hệ thống tên lửa đất đối không S-300 và S-400 để bảo vệ bầu trời Syria. Đây là những hệ thống phòng thủ tên lửa có khả năng phát hiện mục tiêu ở khoảng cách từ 250-400km và có khả năng tấn công đồng thời nhiều mục tiêu cùng lúc. Để hỗ trợ cho S-300 và S-400, Nga còn thiết lập các hệ thống phòng thủ tên lửa Pantsir-S1 có thể bắn hạ mục tiêu ở khoảng cách từ 10-15km.
Năm ngoái, giới chuyên gia cũng cho rằng, Nga đã chọn cách thông báo cho phía Syria sơ tán lực lượng khỏi căn cứ Shayrat trước khi căn cứ này bị tấn công bởi 59 tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ, thay vì triển khai hệ thống đánh chặn tên lửa S-300 hay S-400.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tối 13/4 theo giờ địa phương đã phát lệnh tấn công vào các mục tiêu nghi ngờ có liên quan đến vũ khí hóa học của Syria. Đợt không kích này được cho là nhằm vào 3 mục tiêu và có sự tham gia của lực lượng Anh và Pháp.
Giới chức Mỹ cảnh báo, Mỹ và các đồng minh sẽ còn thực hiện chiến dịch không kích cho đến khi Syria ngừng sử dụng vũ khí hóa học.
Minh Phương
Theo Dantri
Mỹ có thể đang tính phương án tấn công tên lửa vào Syria Nhà Trắng được cho là đang cân nhắc trừng phạt bằng biện pháp quân sự việc chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học. Tàu khu trục Mỹ phóng tên lửa Tomahawk vào căn cứ không quân Syria ngày 7.4.2017. Ảnh: US Navy. Chính quyền Mỹ hồi cuối tuần trước đã thảo luận về khả năng phát động một "hành động quân...