Tranh cãi về ‘vũ khí’ khẩu trang
Nhiều người tin khẩu trang là vũ khí giúp Hong Kong, Nhật Bản đối phó nCoV, nhưng một số chuyên gia cho rằng đây không phải giải pháp hoàn hảo.
Tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ ở châu Á, khẩu trang được xem là yếu tố quan trọng giúp ngăn Covid-19 lây lan. Chính phủ Nhật Bản ngày 1/4 thông báo mỗi người dân nên có hai khẩu trang vải sử dụng nhiều lần, trong khi người Hong Kong không chỉ có thói quen đeo khẩu trang mà còn gửi chúng cho người thân ở nước ngoài.
Keiji Fukuda, giáo sư tại Đại học Y tế Cộng đồng Hong Kong, cho biết người dân ở thành phố này coi việc đeo khẩu trang “như một cách để mỗi cá nhân bảo vệ cộng đồng và chính bản thân họ”.
“Ở Mỹ, nơi tôi lớn lên, nhiều người lại coi đeo khẩu trang là hành động tội lỗi hay nghĩa vụ không mong muốn”, ông nói.
Người dân đeo khẩu trang trên đường phố Seoul, Hàn Quốc hôm 28/1. Ảnh: AP.
Elaine Shuo Feng, một nhà dịch tễ học Trung Quốc đang theo học tiến sĩ tại Đại học Oxford, Anh, cho biết trái ngược với nhiều nước châu Á, người dân ở Anh hiếm khi đeo khẩu trang, ngay cả khi Covid-19 đã bùng phát ở quốc gia này. “Người châu Á đeo khẩu trang ở Anh đôi khi còn gặp rắc rối, như bị chê cười hay kỳ thị”, Feng nói.
Việc Nhật Bản, Hàn Quốc hay Hong Kong, Đài Loan đạt nhiều thành công trong khống chế Covid-19 đã khiến nhiều người tin rằng thói quen đeo khẩu trang là “chìa khóa” giúp ngăn chặn nCoV lây lan. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng khẩu trang không phải là yếu tố duy nhất.
Ben Cowling, giáo sư Đại học Y tế Cộng đồng Hong Kong, tin rằng thành công của việc ngăn dịch ở những khu vực này còn nằm ở hàng loạt biện pháp khác như xác định và nhanh chóng cách ly người nhiễm nCoV, theo dõi và khoanh vùng những người họ từng tiếp xúc, đồng thời thực hiện cách biệt cộng đồng.
Sau nhiều nghiên cứu về khẩu trang, Cowling cho rằng chúng không phải là công cụ bảo vệ sức khỏe công cộng hoàn hảo, đặc biệt là khi mọi người không đeo chúng đúng cách. Đây là lý do ông không mô tả khẩu trang có vài trò “rất quan trọng” khi giúp Tổ chức Y tế Thế giới lên danh sách những điều các nước nên làm để ngăn Covid-19.
“Vấn đề mấu chốt là việc mọi người đeo khẩu trang sẽ không giúp ngăn chặn được virus, mà nó chỉ làm chậm quá trình lây lan trong cộng đồng”, Cowling nói với Business Insider. “Điều đó là đủ hữu ích rồi, dù tác dụng của nó là rất nhỏ”.
Video đang HOT
Giáo sư Fukuda cũng không thực sự đồng tình với quan điểm đeo khẩu trang chính là “nhân tố X” giúp chống Covid-19. “Một số nơi khác như Singapore cũng kiểm soát dịch rất tốt nhưng không chỉ nhờ vào khẩu trang”, ông nói.
Ông cũng tin rằng quy mô dịch bùng phát nhỏ hơn là nhờ vào theo dõi lịch sử đi lại, sự phối hợp giữa các cơ quan, cách biệt cộng đồng và công chúng đã thận trọng với dịch ngay từ đầu, cũng như sẵn sàng phối hợp với giới chức y tế. “Tất cả các biện pháp này đều đóng vai trò quan trọng”, ông nói.
WHO vẫn giữ quan điểm không khuyến nghị tất cả mọi người đều đeo khẩu trang, khi nhấn mạnh tới tình trạng khan hiếm khẩu trang trên toàn cầu và mong muốn dành khẩu trang cho nhân viên y tế trên tuyến đầu chống dịch.
Một số chuyên gia thậm chí cảnh báo việc đeo khẩu trang có thể phản tác dụng dù nguồn cung dồi dào. “Khẩu trang có thể mang đến cho mọi người một cảm giác an toàn sai lầm”, Simon Clarke, phó giáo sư về vi trùng học tế bào tại Đại học Reading, Anh, cho biết.
Ông lo ngại rằng việc khuyến khích đeo khẩu trang có thể khiến nhiều người không muốn tuân thủ các nguyên tắc cách biệt cộng đồng.
“Tôi có thể thấy trước tình huống một số người bị nhiễm virus có thể nghĩ rằng họ có thể thoải mái ra ngoài, đến nơi công cộng hoặc đi làm nếu đeo khẩu trang. Chúng ta biết có rất nhiều người nghĩ rằng sẽ không có vấn đề gì nếu bị cúm mà vẫn đi làm cùng mọi người và nghĩ Covid-19 cũng tương tự”, Clarke cho biết.
Một người dân Áo đeo khẩu trang khi mua hàng tại thủ đô Vienna. Ảnh: AFP.
Tuy nhiên, giới chức nhiều nước phương Tây đang ngày càng khuyến khích người dân sử dụng khẩu trang trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Áo và Slovenia đã ra quy định bắt buộc người dân đeo khẩu trang. Trong khi đó, nhà khoa học y tế hàng đầu của Mỹ Anthony Fauci tuần này cũng nói rằng khi nguồn cung còn ổn định, việc khuyến nghị đeo khẩu trang nên được phổ biến để giúp ngăn lây nhiễm nCoV.
“Một trong những cách tốt nhất để tránh lây nCoV là đeo khẩu trang”, ông nói.
Cowling cho rằng cần có thêm nghiên cứu để đưa ra những hướng dẫn về loại khẩu trang được khuyên dùng cũng như cách sử dụng của chúng. Tuy nhiên, ông cho rằng việc ngày càng nhiều sử dụng khẩu trang cũng mang lại nhiều giá trị đối với sức khỏe cộng đồng.
“Tôi nghĩ các quốc gia đang xem xét mọi biện pháp có thể để ngăn lây nhiễm, do đó, ngay cả khi đeo khẩu trang chỉ có thể giúp giảm nguy cơ lây nhiễm rất nhỏ thì nó vẫn là một biện pháp đáng giá”, ông nói.
Bác sĩ Mỹ đấu tranh để được đeo khẩu trang 160 Áo bắt buộc đeo khẩu trang ở siêu thị Mỹ lập cầu hàng không chuyển khẩu trang từ Trung Quốc 214
Thanh Tâm
Độ nhạy test nhanh Covid-19 đạt 65-80%, có dương tính giả
Thứ trưởng Y tế cho biết, độ nhạy của test thử nhanh Covid-19 dao động từ 65-80%, có dương tính giả do phản ứng chéo với kháng thể đã có.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia chống dịch Covid-19, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, hiện có 2 phương pháp xét nghiệm để phát hiện người nhiễm Covid-19.
Thứ nhất là sử dụng máy móc để tìm ra sự hiện diện của virus trong cơ thể với độ chính xác rất cao (nếu được thực hiện đúng).
Thứ hai là phát hiện kháng thể khi cơ thể đã bị nhiễm virus sau một thời gian (ít nhất là 3 ngày).
Kháng thể có được sau khi mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể, bị hệ miễn dịch nhận diện, sinh ra kháng thể chống lại virus. Kể cả khi cơ thể đã hết virus (khỏi), kháng thể vẫn còn.
Cán bộ y tế thực hiện làm test nhanh Covid-19 trên mẫu máu của người dân. Ảnh: Trần Thường
Trong phương pháp thứ hai có loại test thử nhanh qua mẫu máu, kết quả có được trong 10-15 phút và không cần máy móc. Việt Nam đã nhập khẩu test thử nhanh từ Hàn Quốc (tuy nhiên tại Hàn Quốc không sử dụng loại test thử nhanh này).
Test thử nhanh này có độ nhạy khoảng 65 - 80% (phát hiện 65-80% thực sự mắc trên tổng 100% kết quả test dương tính); độ đặc hiệu khoảng 60 - 70% (ca không mắc bệnh chiếm 60-70% kết quả test âm tính).
Test này cũng có khả năng phản ứng chéo với kháng thể đã có của một số loại virus cùng họ corona.
Vì vậy, xét nghiệm nhanh sẽ phát huy tác dụng tốt nhất trong tình huống đã có rất nhiều người nhiễm bệnh, cần xét nghiệm để lọc ra những người đã mắc bệnh nhiều ngày (hơn 3 ngày) để tập trung theo dõi, điều trị. Bộ Y tế đã cho nhập một số lượng để dự phòng cho tình huống này.
Trường hợp có một cộng đồng nhỏ cần đánh giá nhanh để dự báo mức độ nhiễm bệnh thì có thể sử dụng nhưng không được coi kết quả để kết luận là nhiễm bệnh hay chưa nhiễm bệnh.
Để khẳng định các ca dương tính với SAR-CoV-2 trong trường hợp này cần thực hiện xét nghiệm sinh học phân tử dùng máy móc với mẫu bệnh phẩm từ hầu, họng.
Thứ trưởng Sơn cho rằng, việc TP. Hà Nội sử dụng test nhanh để đánh giá sơ bộ mức độ lây lan, từ đó có phương án ứng phó phù hợp.
Còn đối với Việt Nam, hiện chưa có nhiều người lây nhiễm nên phương án tốt nhất là cách ly những người nghi nhiễm và làm xét nghiệm bằng máy để xác định chính xác.
Là bác sĩ truyền nhiễm giàu kinh nghiệm, BS Trương Hữu Khanh, BV Nhi đồng TP.HCM cũng cho biết, việc xét nghiệm nhanh tìm kháng thể xảy ra âm tính "giả" hoặc dương tính "giả" là điều dễ hiểu.
Tùy mức độ, có trường hợp xét nghiệm sàng lọc cho kết quả âm tính luôn nhưng lại có trường hợp âm tính thời điểm sàng lọc nhưng sau đó lại dương tính hoặc có trường hợp dương tính nhưng thực tế đã khỏi bệnh từ rất lâu do cơ thể vẫn còn kháng thể.
Nguyên nhân là do khi sàng lọc, bản thân người đó có thể mắc bệnh mà không hề biết, có thể mới nhiễm, đang trong thời gian ủ bệnh, cơ thể chưa sinh ra kháng thể; cũng có thể có liên quan tới nồng độ virus trong máu.
Vì vậy xét nghiệm nhanh chưa đủ khẳng định nhiễm virus gây Covid-19, để khẳng định, cần làm xét nghiệm RT-PCR.
Theo đó, người đã âm tính vẫn cần tiếp tục theo dõi y tế, cách ly, thực hiện đúng khuyến cáo chứ không được loại bỏ hẳn hoặc yên tâm vì mình chắc chắn âm tính.
Thúy Hạnh
Việt Nam có nên mở rộng xét nghiệm nhanh Covid-19? PGS.TS Trần Đắc Phu - cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, chúng ta không đủ sức xét nghiệm nhanh Covid-19 cho 100 triệu dân. Trong giai đoạn 3 của cuộc chiến chống Covid-19, nhiều người cho rằng Việt Nam nên mở rộng xét nghiệm nhanh Covid-19 ra cộng đồng để phát...