Tranh cãi về số người thiệt mạng vụ vỡ đập thủy điện tại Lào
Theo người dân địa phương và các tổ chức cứu trợ, số người thiệt mạng trong vụ vỡ đập thủy điện ở Attapeau dường như phải cao hơn so với con số 27 người được giới chức Lào công bố chính thức.
Sự cố vỡ đập thủy điện Xe-Pain Xe-Namnoy khiến 7 ngôi làng của tỉnh Attapeu, Lào ngập trong biển nước. (Ảnh: Attapeu Today)
BBC trích lời người dân địa phương và các tổ chức cứu trợ cho biết, số người chết trong vụ vỡ đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy ở Attapeau hôm 23/7 dường như cao hơn con số 27 mà phía giới chức Lào công bố.
Cũng theo BBC, không có nhiều thông tin về cuộc giải cứu được công bố và các hãng truyền thông nước ngoài cũng bị hạn chế tiếp cận hiện trường và những người sống sót. Một trong những nguyên nhân của việc này là địa thế của khu vực bị ảnh hưởng quá hẻo lánh, ảnh hưởng ít nhiều tới quá trình cứu hộ, thống kê và thu thập thông tin.
Số liệu chính thức từ chính phủ Lào cho biết có 27 người thiệt mạng và 131 người mất tích. Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith ngày 25/7 trong một buổi họp báo trên truyền hình cho hay hiện 131 người vẫn mất tích và toàn bộ những người này đều mang quốc tịch Lào.
Trước đó, quan chức ngoại giao Thái Lan Chana Miencharoen, người có mặt hiện trường, nói với AFP rằng vào cuối buổi chiều 25/7, Lào đã tìm thấy 26 thi thể.
Tuy nhiên, BBC trích lời người dân địa phương cho biết họ tin rằng khoảng 300 người dường như đã thiệt mạng trong sự cố vỡ đập này.
Ngày 26/7, quan chức địa phương Bounhome Phommasane nói với báo Vientiane Times rằng con số mà báo chí và truyền thông đưa tin là bao gồm cả những người bị mất tích. Giới chức Lào chưa thể xác nhận những người đó đã chết hay chưa và họ chưa thể tìm thấy những nạn nhân này, vì vậy họ không thể đưa ra kết luận chính xác.
Theo BBC, hiện có gần 3.000 người vẫn đang mắc kẹt trên các mái nhà, dưới là dòng nước lũ chảy xiết.
Bất lực nhìn con bị cuốn đi
Tại một bệnh viện ở Attapeau, thị trấn gần khu vực xảy ra vụ vỡ đập thủy điện, những nạn nhân bị thương và được giải cứu đang được chăm sóc, bao gồm vợ chồng La và Aun.
Video đang HOT
Anh La kể lại cảm giác đau khổ và bất lực khi nhìn thấy cô con gái mới 1 tuổi đang nằm trên thuyền bị sóng cuốn trôi đi ra khỏi tầm tay cha mẹ.
“Tôi đưa con gái và vợ lên thuyền. Tôi đã cố giữ thuyền nhưng nước quá mạnh nên đã tuột tay và thuyền bị lật. Con gái tôi đã rơi xuống nước. Dù La và Aun dốc hết sức tìm con gái nhưng cô bé đã mất tích. Trong khi đang ráo riết tìm con thì bé gái 4 tuổi, con gái lớn nhất của 2 vợ chồng, cũng bị nước lũ cuốn đi.
“Chúng tôi đã cố tìm con bé nhưng vẫn bất lực. Mọi chuyện diễn ra ngay trước mắt tôi. Tôi quá sốc. Tôi không biết phải trách ai nữa. Tôi nhớ chúng”, La chia sẻ.
Tại Paksong, cách Attapeau khoảng 3h lái xe, hàng trăm người sống sót trong vụ vỡ đập đang ở trong những khu nhà tạm. Thuốc men, chăn ấm, cũng như cơm và cháo đã được cung cấp cho người dân.
Nhưng hầu hết trong số họ đã mất toàn bộ mọi thứ. Một cụ bà nói với BBC rằng con sóng đã cuốn sạch toàn bộ ngôi nhà của bà đi.
Quân đội Lào và các lực lượng tình nguyện dân sự đang tham gia quá trình cứu hộ, chất lên tuyền mì ăn liền và nước sạch. Một tố chức nhân đạo Liên Hợp Quôc nói rằng cầu và đường đã hoàn toàn bị hư hại và thuyền đáy phẳng cùng trực thăng là phương tiện di chuyển duy nhất tới những vùng bị ảnh hưởng nặng nề do nước lũ.
Hiện trường học đang được chuyển đổi trở thành nơi sơ tán và khoảng 1.300 gia đình đang cần một nơi ở tạm vì đã mất hết nhà cửa.
Đức Hoàng
Theo Dantri/BBC
Nhịn đói 3 ngày ở vùng lũ, người dân Lào giờ sống ra sao?
Người dân khu vực gần đập thủy điện Xepian-Xe Namnoy ở Lào phải nhịn đói 3 ngày qua và ăn mì tôm cầm cự chờ hết lũ để về nhà.
Sau 3 ngày xảy ra sự cố vỡ đập thủy điện Xepian-Xe Namnoy ở Lào, chiều tối 26/7, các xe cứu hộ của nhiều quốc gia có mặt tại rốn lũ Sanxay để hỗ trợ chính phủ Lào cứu trợ, tìm kiếm nạn nhân mất tích.
Tại thời điểm này, mực nước đã giảm nhưng công tác cứu hộ vẫn gặp nhiều khó khăn do gió mạnh, đường sá hư hại, ngập nước, khu vực này lại không có sóng điện thoại.
Chiều tối 26/7, đoàn cứu trợ tiếp tục đi vào vùng rốn lũ để đưa các nạn nhân đến khu vực an toàn.
Theo thông tin từ chính quyền Lào, hiện lực lượng cứu hộ đang tập trung ứng cứu người dân tại khu vực gần đập thủy điện.
Bên cạnh đó, chính quyền đã đưa hàng trăm người dân khác về trụ sở UBND thị xã Xanamxay, tỉnh Attapeu, để các y bác sĩ hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe và thay quần áo.
Quan chức Lào cũng cho biết, hiện nhà chức trách đã tìm thấy 131 người mất tích và 26 người chết, vẫn còn khoảng 3.000 người đang phải tránh lũ trên các mái nhà chờ cứu. Thuyền và trực thăng được huy động triển khai tìm kiếm những người còn mắc kẹt, khi đường sá nhiều khu vực bị phong tỏa hoàn toàn.
Tại các bản Yai Thae, Hinlad, Mai, Thasengchan, Tha Hin, và Samong (Sanxay), người dân chỉ có thể di chuyển bằng những chiếc xe tự chế hoặc bằng thuyền.
Một người dân tại huyện Xanamxay, tỉnh Attapeu (Lào) chưa hết bàng hoàng kể lại: "Chúng tôi vẫn còn run rẩy vì nhiều ngày nay chịu đói và rét. Vào khoảng chiều 23/7, gia đình tôi đang ở trong nhà thì phát hiện nước đổ về cuồn cuộn. Cả dân làng ở bản phải tháo chạy, không kịp lấy tài sản gì".
Người dân ăn mì tôm thay cơm và chịu đói rét.
Bà Me Mund (60 tuổi), nhớ lại, chiều hôm đó, nước từ thủy điện ùn ùn đổ về, không kịp chạy, gia đình bà buộc phải trèo lên mái nhà để chờ lực lượng đến ứng cứu.
"3 ngày nay chúng tôi tưởng như đã chết rồi, do không có cái gì để ăn, phải chịu rét. Giờ được chính quyền cứu giúp, ăn mì tôm qua ngày rồi hết lũ lại về nhà", bà Me Mund nói.
Người đàn ông tránh lũ trong khu chòi tạm bợ.
Từ thị xã Samakhisay vào Sanxay, nhiều người dân dùng xe công nông để đưa gia đình đi tránh lũ và dựng lều trại ở lại dọc 2 bên đường.
Xe công nông được các gia đình sử dụng để đi tránh lũ.
Phóng viên báo chí đi cùng đoàn cứu trợ để đưa tin.
Các chuyến xe chở hàng hóa hỗ trợ người dân vùng lũ ở Lào.
Các đoàn y bác sĩ từ Việt Nam hỗ trợ khám và chữa bệnh tại Lào.
THANH HẢI
Theo VTC
Người Việt "trắng tay" tiền tỷ sau thảm họa vỡ đập ở Attapeu Vụ vỡ đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy xảy ra đêm 23.7 đã khiến nhiều người dân ở huyện Sanamxay thuộc tỉnh Attapeu (Lào) bị thiệt hại nặng về người và của, hàng nghìn ngôi nhà, tài sản của bà con nơi đây bị nước lũ cuôn trôi. Trong đó, có không ít người Việt tại đây cũng lâm vào cảnh "trắng tay"...