Tranh cãi về ‘nCov trong tinh dịch’
Các nhà khoa học Mỹ và châu Âu hoài nghi một nghiên cứu cho rằng nCoV được tìm thấy trong tinh dịch của bệnh nhân tại Trung Quốc.
Nghiên cứu được thực hiện tại Bệnh viện Thương Khâu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc và đăng trên tuần san mạng lưới y khoa mở JAMA ngày 7/5. Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia về bệnh nhiễm trùng và sản khoa, nghiên cứu này còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ. Chẳng hạn, không rõ tải lượng virus trong tinh dịch, không rõ virus tìm thấy ở đó có thể lây lan không.
Theo bài báo, các bác sĩ Trung Quốc kiểm tra tinh dịch của 38 bệnh nhân nCoV và phát hiện 6 người có virus trong tinh dịch, trong đó bốn người trong giai đoạn nhiễm trùng cấp tính và hai người đã khỏi bệnh. Các tác giả nghiên cứu đặt vấn đề liệu có cần phòng ngừa lây nCoV qua đường tình dục. Nhưng do số lượng mẫu quá nhỏ, họ cho biết sẽ nghiên cứu sâu hơn.
Bài báo nhanh chóng gây tranh luận rộng rãi. John Brooks, Giám đốc y tế của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, nhận định phát hiện này “gây chú ý”, nhưng không thể khẳng định tinh dịch là con đường trung gian truyền nhiễm.
“Chưa có ca nhiễm nào ở Mỹ lây qua đường tình dục”, Brooks nói. “Chúng ta xét nghiệm khắp nơi tìm sự hiện diện của virus, và thấy dấu vết của nó ở nhiều nơi trên cơ thể – dấu vết đó có đáng kể hay không, khó mà nói được”.
Bác sĩ David Baud, Trưởng khoa Sản của Bệnh viện Đại học Lausanne, Thụy Sĩ, cho biết kết quả nghiên cứu không nói rõ về tình trạng lâm sàng của các bệnh nhân. Lúc đầu, nghiên cứu cho hay hai bệnh nhân “đã khỏi” nhưng sau đổi lại rằng họ “đang tiến tới hồi phục”.
“Nếu họ chỉ đang hồi phục, tình hình sẽ đỡ rắc rối hơn so với nếu họ khỏi rồi”, ông nói. Lý do là những người đang ốm đau và gắn chặt với giường bệnh ít có ham muốn tình dục, nên nguy cơ gây lây lan sẽ thấp. “Nguy cơ chính vẫn là ở giọt bắn hô hấp”.
Các bác sĩ cũng rất chia rẽ ý kiến về định nghĩa khỏi bệnh, bởi dữ liệu và hiểu biết về sự tiến triển Covid-19 còn hiếm, virus lại biến chủng nhanh.
“Thế nào là khỏi bệnh? Đấy là câu hỏi triệu đô” mà nghiên cứu của Trung Quốc chưa trả lời, David Shin, bác sĩ tại nam khoa tại Trung tâm Y tế Đại học Hackensack, Mỹ, nói.
Video đang HOT
Liona Poon, giáo sư sản khoa và phụ khoa tại Đại học Hong Kong, cho rằng nghiên cứu không giải thích được tải lượng virus có trong tinh dịch. “Đây là các mảnh của virus hay toàn bộ virus? Chúng tôi không biết virus có lây nhiễm không cho đến khi chúng được phân lập và nuôi cấy”, bà nói.
Đến nay, giới chức y tế ghi nhận đường lây nhiễm nCoV chủ yếu qua các giọt bắn hoặc tiếp xúc với virus nhiễm bệnh có trong phân, nước bọt và nước tiểu người bệnh.
Các nhà khoa học Trung Quốc nghiên cứu nCoV. Ảnh: AFP.
Nghiên cứu của các bác sĩ Trung Quốc không phải là công trình đầu tiên phát hiện dấu vết của nCoV trong hệ sinh sản của người. Trong bài báo xuất bản cũng trên JAMA hồi tháng 3, các nhà khoa học cho biết đã tìm thấy hiện diện của virus trong nhau thai của sản phụ bị sảy ở tuần 28. Máu của thai nhi và thai phụ âm tính, nhưng dịch mũi họng cô dương tính nCoV. Cũng chưa rõ nguyên nhân sảy thai có phải do virus hay không.
Một số virus corona, như virus gây bệnh Zika, hiện diện trong hệ sinh sản. Y tế khuyến cáo người khỏi bệnh Zika không quan hệ tình dục nếu không có bao cao su trong 3 tuần kể từ khi khỏi bệnh, để tranh lây lan virus.
Các bác sĩ cho rằng cần có nghiên cứu sâu rộng hơn nữa với vấn đề mà nghiên cứu của Trung Quốc đặt ra. “Các kết quả nghiên cứu thêm sẽ giúp hiểu và đề ra các biện pháp an toàn trong tương lai”, tiến sĩ Baud nói.
Hiểm họa từ nghiên cứu nCoV kiểu 'mì ăn liền'
Những nghiên cứu sơ bộ có kết quả sai lệch hoặc thiếu sót dễ làm công chúng sợ hãi, hoang mang, khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Một bài đăng khoa học chỉ ra mối liên hệ giữa virus corona và AIDS, công trình khác nói rằng nCoV có thể truyền sang người qua rắn, vài nguồn tin khẳng định đây là mầm bệnh đến từ ngoài trái đất. Bệnh viêm phổi do virus corona mới lây lan nhanh chóng, kéo theo đó là hàng loạt nghiên cứu mọc lên như nấm, từ đáng tin cậy đến mơ hồ, lỏng lẻo.
Nếu đảm bảo chất lượng, phân tích được công bố sớm rất có ích trong công tác dập dịch. Song những công trình thiếu sót hoặc lệch lạc lại gây ra sự hoảng loạn không cần thiết, thậm chí có thể thúc đẩy chính sách sai lầm, vô tình khuyến khích hành vi nguy hiểm khiến bệnh dịch trở nên tồi tệ hơn.
Các nhà nghiên cứu làm việc trong một phòng thí nghiệm tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc ngày 6/1. Ảnh: Reuters
Một phân tích của Reuters cho thấy, kể từ khi Covid-19 bùng phát, có ít nhất 153 nghiên cứu, với sự tham gia của 675 nhà khoa ở các lĩnh vực như dịch tễ, phân tích di truyền cùng nhiều báo cáo lâm sàng đã được công bố. Con số này lớn gấp đôi so với lượng nghiên cứu về dịch SARS được thực hiện trong một năm.
Richard Horton, tổng biên tập của Tạp chí Khoa học Lancet, cho biết ông đã tăng cường đội ngũ nhân viên để sàng lọc từ 30 đến 40 bản thảo mỗi ngày. Phần lớn công trình được gửi đến đều chính xác và hữu ích. Các cơ sở phát triển vaccine, bác sĩ lâm sàng và bác sĩ chẩn đoán đã bóc tách mã di truyền của virus cũng như thành lập mô hình dịch tễ học nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch.
Tuy nhiên nhiều thông tin được chia sẻ một cách tự do, nhanh chóng mà không qua đánh giá giữa bối cảnh virus corona lây lan nhanh, gây ra nhiều vấn đề.
Một trong số đó là sự bùng nổ của những nghiên cứu dạng bản thảo (preprints), vô cùng thô sơ và được đăng tải trực tuyến ngay khi hoàn thành mà không trải qua thẩm định, đánh giá hoặc bình duyệt. Nhiều tài liệu lỏng lẻo, thiếu cơ sở khoa học hoặc hoàn toàn sai lệch và đã bị thu hồi.
Tom Sheldon, chuyên gia tại Trung tâm Truyền thông Khoa học nhận định: "Công chúng sẽ chẳng được hưởng lợi từ những nghiên cứu ban đầu nếu chúng sai sót hoặc thái quá".
Phân tích của Reuters sử dụng dữ liệu từ ba trang web khoa học lớn bao gồm bioRxiv, medRxiv và ChemRxiv. Trong số 153 nghiên cứu đã công bố, khoảng 60% xuất bản theo kiểu "mì ăn liền" như vậy.
Preprints cho phép tác giả tham gia vào cuộc tranh luận học thuật, tìm kiếm cơ hội hợp tác. Song, chúng vẫn là những sản phẩm chưa được bình duyệt, có thể khiến truyền thông và công chúng hiểu sai về căn bệnh.
"Một số dữ liệu được đăng tải thậm chí không hề hữu ích. Dù là tin tức giả hay tin đồn, chúng chắc chắn sẽ làm gia tăng sự hoang mang và sợ hãi của người dân", ông Horton cho biết.
Nhân viên y tế làm việc với mẫu bệnh phẩm của người nhiễm nCoV trong phòng thí nghiệm tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Ảnh: Reuters
Trang web khoa học BioRxiv mới đây đã thêm nhãn màu vàng ở phần đầu các nghiên cứu mới với lời khuyến cáo: "Đây là những phân tích sơ bộ chưa được bình duyệt. Chúng không phải kết luận cuối cùng, hướng dẫn lâm sàng về sức khỏe hay được báo cáo trên các phương tiện truyền thông một cách chính thống".
Vào ngày 31/1, một nhà khoa học người Ấn Độ đã đăng tải nghiên cứu chỉ ra sự giống nhau cơ bản của virus corona chủng mới và virus HIV. Công trình sau đó vấp phải nhiều chỉ trích của giới chuyên gia và nhanh chóng đươc thu hồi. Tuy nhiên, nó đã được lan truyền trên hơn 17.000 bài đăng của người dùng mạng xã hội và 25 cơ quan báo chí.
Bản thảo khác được gửi đến Tạp chí Lancet bởi một nhà khoa học Anh khẳng định, mầm bệnh Covid-19 có thể đến từ ngoài vũ trụ.
Efstathios Giotis, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Hoàng gia London cho biết: "Do diễn biến nhanh chóng của đợt dịch, các nhà khoa học chịu áp lực phải công bố nghiên cứu với tốc độ tương đương".
Tính đến ngày 20/2, thế giới ghi nhận 2.127 người chết và 75.662 người nhiễm. Tổng cộng 9 ca tử vong bên ngoài Trung Quốc đại lục ở Nhật Bản, Pháp, Philippines, Đài Loan, Hong Kong, Iran và Hàn Quốc.
Thục Linh
Theo Reuters/VNE