Tranh cãi về cấp phép gây nuôi thương mại tê tê
Việc cấp phép cho một số hộ dân gây nuôi thương mại tê tê của Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh vấp phải sự phản đối của giới bảo tồn, bởi trong môi trường nuôi nhốt rất khó để chúng sinh sản.
Theo Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV), thời gian qua một số trang trại ở Tây Ninh được Chi cục Kiểm lâm cấp phép nuôi sinh sản, sinh trưởng tê tê Java và tê tê vàng. “Việc làm vì mục đích thương mại này trái với quy định pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm”, bà Bùi Thị Hà, Phó giám đốc ENV nhận định.
Bà Hà dẫn nghị định 82/2006 nêu rõ, một trong các điều kiện tiên quyết để đăng ký thành lập trang trại nuôi sinh sản, sinh trưởng động vật hoang dã quý hiếm là phải được bốn cơ quan khoa học CITES Việt Nam xác nhận bằng văn bản là có khả năng sinh sản liên tiếp qua nhiều thế hệ trong môi trường có kiểm soát, và việc nuôi sinh trưởng không ảnh hưởng tới bảo tồn loài đó trong tự nhiên.
Tuy nhiên, các cơ quan khoa học CITES chưa xác nhận bằng văn bản về các khả năng trên của tê tê. Vì vậy theo ENV, việc cấp phép của giới chức địa phương là trái quy định. Bên cạnh đó, tê tê java và tê tê vàng nằm trong danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, nên các hành vi đầu tư kinh doanh mẫu vật loài này từ tự nhiên đều bị nghiêm cấm.
“Việc cơ quan chức năng cấp phép nuôi nhưng buông lỏng quản lý đã tạo điều kiện cho một số đối tượng lợi dụng danh nghĩa trang trại hợp pháp hóa sau khi săn bắt và thu mua trái phép từ tự nhiên”, đại diện ENV cảnh báo.
Video đang HOT
Tê tê được gây nuôi trong một trang trại tại Tây Ninh. Ảnh: ENV.
Trong khi đó, trao đổi bằng văn bản với ENV, Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh khẳng định, theo quy định kiểm lâm là cơ quan cấp giấp chứng nhận đăng ký các trại nuôi sinh sản, sinh trưởng loài thuộc phụ lục II, III của công ước CITES. Trình tự thủ tục cấp giấy không quy định phải xin ý kiến bằng văn bản đối với cơ quan khoa học CITES.
Ngược lại, các cơ quan này phải có trách nhiệm nghiên cứu và xác nhận bằng văn bản với các loài động vật có khả năng nuôi sinh sản, sinh trưởng trong môi trường tự nhiên có kiểm soát.
Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh dẫn thông tin Vườn quốc gia Cúc Phương từng thành công trong nuôi tê tê sinh sản, vì vậy cần có nghiên cứu khoa học mới khẳng định có thể nuôi tê tê sinh sản trong môi trường có kiểm soát.
Nhiều nhà khoa học bày tỏ quan điểm đồng tình với ENV. Theo tiến sĩ Lê Xuân Cảnh, nguyên Viện trưởng Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật, tê tê là loài khó thích nghi với môi trường không phải tự nhiên. “Để chúng sinh trưởng và phát triển trong môi trường nuôi nhốt đã là thử thách lớn, huống hồ là việc sinh sản. Nếu có thì loài này sinh sản khá chậm, mỗi lứa đẻ một con nên việc gây nuôi thương mại không phải lựa chọn hợp lý”, ông Cảnh nói.
Ông Trần Quang Phương, Chương trình bảo tồn thú ăn thịt và tê tê (Vườn quốc gia Cúc Phương) cho biết, hơn 10 năm kể từ khi thành lập, đơn vị mới ghi nhận 8 trường hợp sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt, nhưng đó là trong hoàn cảnh cá thể tê tê mẹ có thai từ trong tự nhiên trước khi vào Trung tâm và sinh con trong môi trường cứu hộ. Trong số đó, chỉ một trường hợp tái thả thành công vào tự nhiên cùng với mẹ.
Việt Nam là quê hương của hai loài tê tê vàng và tê tê java. Tê tê bị săn bắt từ các khu rừng. Từ năm 2012 đến 2014, ENV đã ghi nhận hơn 34,3 tấn tê tê đông lạnh và vảy tê tê bị bắt giữ ở cảng Hải Phòng.
Phạm Hương
Theo VNE
Cứu hộ 22 con tê tê vận chuyển trái phép
Những con tê tê trong tình trạng sức khỏe yếu do nằm trong túi lưới chật chội không thức ăn và nước uống.
Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn động vật hoang dã (CPCP) hôm qua tiếp nhận 22 cá thể tê tê Java từ Chi cục kiểm lâm Ninh Bình trong thời gian chờ quyết định xử lý vật chứng. Số tê tê này được Công an Ninh Bình tịch thu trong quá trình khám xét và bắt giữ ba người vận chuyển trái phép từ Huế ra miền Bắc để tiêu thụ. 22 con tê tê có tổng trọng lượng 91 kg.
Các cán bộ trung tâm bảo tồn chăm sóc những con tê tê.
Theo nhận định ban đầu của trung tâm cứu hộ, hầu hết tê tê đều trong tình trạng khá yếu, do bị vận chuyển trong thời gian dài ở các túi lưới chật chội không thức ăn và nước uống. Nhiều cá thể còn bị nhồi nhét bột ngô và bột đá vào dạ dày nên rất yếu và không thể ăn sau khi được chăm sóc.
"Tê tê đang được chăm sóc tại khu kiểm dịch và cho ăn kiến. Nhưng chỉ 1/3 số con có thể ăn được, còn lại không ăn; 1/2 số tê tê bị đi phân sống có màu vàng không bình thường, có thể do bị nhồi bột ngô và bột đá để tăng trọng lượng", đại diện CPCP nói và cho biết đang lấy mẫu nghiên cứu và điều trị cho tê tê.
Tê tê Java (Manis javanica) là loài quý hiếm đang bị đe dọa tuyệt chủng ở mức nguy cấp theo Sách đỏ Việt Nam. Chúng được ghi nhận là một trong những loài bị săn bắt và mua bán trái phép nhiều nhất trên thế giới vì mục đích lấy thịt và làm thuốc.
Phạm Hương
Theo VNE
Giải cứu thành công 2 cá thể tê tê vàng quý hiếm Chương trình Bảo tồn thú ăn thịt và tê tê đã cứu hộ thành công 2 cá thể tê tê vàng quý hiếm từ Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn. Chương trình Bảo tồn thú ăn thịt và tê tê đã cứu hộ thành công 2 cá thể tê tê vàng quý hiếm từ Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn. Ngày 19/5, Chương...