Tranh cãi về cảnh sát quỳ gối cùng người biểu tình
Khi cảnh sát Carlton Wilhoit đi làm ngày 31/5, anh không tưởng tượng được rằng mình sẽ quỳ gối trước người biểu tình ở thủ đô Washington.
Wilhoit, 29 tuổi, đã dành cả buổi sáng để lướt mạng xã hội, đọc những bài đăng thể hiện sự phẫn nộ với cảnh sát. Vài giờ trước khi anh đến nơi diễn ra biểu tình, một thanh niên da trắng đã mắng nhiếc anh.
Wilhoit vẫn đang suy nghĩ về những bài đăng trên mạng xã hội khi đứng trên một con đường của thủ đô Washington, trước mặt khoảng 60 người biểu tình yêu cầu anh quỳ gối.
Carlton Wilhoit quỳ gối và bắt tay người biểu tình ở thủ đô Washington ngày 31/5. Ảnh: Prolific Films.
Anh đáp ứng họ. Hai cảnh sát khác cũng làm theo. Anh không biết họ sẽ được khen ngợi hay đình chỉ công tác vì hành động này, nhưng điều đó không quan trọng với Wilhoit. “Đối với tôi, quỳ là điều đúng đắn”, anh nói. “Trước hết, tôi là người da màu. Nếu tôi bị mất việc hôm nay hoặc ngày mai, hoặc nếu tôi chọn công việc khác, điều còn lại khi tôi cởi bỏ bộ đồng phục này là tôi là một người da màu”.
“Tôi không quỳ xuống để xoa dịu bất cứ ai”, anh nói. “Tôi quỳ xuống vì muốn cho mọi người thấy tôi đoàn kết với họ. Tôi sẽ giận chính mình nếu tôi từ chối làm vậy”.
Cảnh sát ở nhiều thành phố đã quỳ gối trước người biểu tình. Những hình ảnh này hiện lên trái ngược với cảnh nhân viên hành pháp xịt hơi cay và bắn đạn cao su vào đám đông.
Michael Tobin, người đứng đầu Văn phòng Khiếu nại Cảnh sát Thủ đô Washington, cho biết vài ngày qua ông đã quan sát cách người dân biểu tình cùng cảnh sát phản ứng. Trong một số trường hợp, cảnh sát cần cải thiện cách ứng xử, nhưng cũng có lúc, họ đã kiềm chế tốt.
Hôm 31/5, Tobin chứng kiến khoảng 60 người biểu tình vây quanh ba cảnh sát, những người đang đứng dựa vào một số thùng rác, và nói chuyện với họ. “Đây là một cuộc trò chuyện rất đáng trân trọng”, ông nói. “Đối với tôi, đó là một dấu hiệu quan trọng cho thấy sẽ có thay đổi tích cực”.
Các cảnh sát được đào tạo để tránh có hành động bột phát, Tobin cho biết. Nhưng ông tin rằng các cuộc biểu tình cho thấy lối suy nghĩ đó đang thay đổi. Vài tuần trước, khó có thể tưởng tượng cảnh sát sẽ quỳ gối trước người biểu tình. “Việc một số cảnh sát sẵn sàng làm điều đó cho thấy đang có một xu hướng đầy triển vọng. Đối với những người khác, đây có thể là những bước tiến nhỏ. Nhưng theo quan điểm của tôi, đó là những bước tiến lớn, rất có ý nghĩa”.
Một cảnh sát da trắng cho biết nói rằng anh đã rất ngạc nhiên khi thấy “rất nhiều người muốn nói chuyện với chúng tôi và rõ ràng đang muốn chúng tôi chứng minh ác cảm của họ về cảnh sát là sai”. “Ngay cả vào thời điểm cảnh sát bị căm ghét nhất, một số người rõ ràng muốn tin tưởng chúng tôi”, anh nói.
Video đang HOT
Tại Boston, cảnh sát Kim Tavares đã đập tay với người biểu tình và quỳ gần một hàng rào gần trụ sở cảnh sát, một số đồng nghiệp làm điều tương tự. “Không phải tất cả cảnh sát đều nghĩ giống nhau”, Tavares nói. “Mạng sống của người da màu cũng quan trọng”.
Cảnh sát quỳ gối ở Florida ngày 30/5. Ảnh: AFP.
Tuy nhiên, nhiều người nghi ngờ về sự chân thành của cảnh sát. Một số cảnh sát rõ ràng muốn thể hiện họ không giống sĩ quan đã khiến George Floyd tử vong. Tuy nhiên, quỳ cũng là chiến thuật xuống thang căng thẳng. Đây là một kỹ thuật kiểm soát đám đông có hiệu quả tích cực hơn dùng hơi cay hay đạn cao su.
“Tôi chán ngấy khi thấy những người da màu quá cả tin”, Corine Mack, từ Hiệp hội Quốc gia vì Sự tiến bộ của Người da màu, viết trên Facebook ngày 4/6 khi chia sẻ một bài xã luận có tên “Đừng để cảnh sát tham gia cuộc biểu tình của chúng ta”.
Trong bài xã luận này, luật sư nhân quyền Derecka Purnell viết: “Lịch sử cho thấy những cảnh sát đứng cùng chúng ta hôm nay sẽ không hy sinh bất cứ điều gì để chấm dứt hành vi bạo lực của cảnh sát vào ngày mai”, bà viết.
Tại trung tâm Charlotte vào tối 3/6, nhiều máy quay đã tập trung vào một cảnh sát quỳ gối với những người biểu tình. Tuy nhiên, chưa đầy 24 giờ trước đó, cảnh sát đã sử dụng chất gây kích ứng để giải tán một nhóm người biểu tình chủ yếu ôn hòa. Mack gọi hành động của cảnh sát là “chiêu trò truyền thông”.
“Việc cảnh sát quỳ gối và ôm người biểu tình giống như khi người bạn trai vũ phu tặng bạn hoa sau khi đánh đập bạn”, người dùng mạng Breya M. Johnson viết trên Twitter. “Khi anh ta có cử chỉ yêu thương với bạn trước mặt bạn bè, thực chất anh ta đang gây áp lực để bạn tha thứ. Đó là hành vi thao túng tâm lý. Đừng để bị đánh lừa”. Dòng tweet này nhận gần 500.000 lượt thích và được gần 180.000 người chia sẻ.
Shannon Keat, biên tập viên tại Buzzfeed, nói rằng nhiều hình ảnh được lan truyền trên mạng thiếu bối cảnh. “Tại nhiều thành phố trên khắp đất nước, cảnh sát vừa lúc trước quỳ với những người biểu tình ngay sau đó lại phun hơi cay và bắt họ”, Keat nói.
Cô cho rằng việc nhiều người chia sẻ hình ảnh cảnh sát quỳ gối khiến mọi người nghĩ rằng nạn phân biệt chủng tộc và hành vi bạo lực của cảnh sát có thể được xoa dịu bằng sự tử tế. “Nhưng người biểu tình không xuống đường vì họ muốn vài cảnh sát đơn lẻ đối xử tốt hơn với họ”, cô nói.
Rahsaan Hall, giám đốc Chương trình Tư pháp Chủng tộc cho Liên minh Tự do Dân sự Mỹ Massachusetts, gọi đây là “một cử chỉ đẹp” nhưng có tác động hạn chế.
“Tôi không nghi ngờ rằng các cảnh sát đó thực sự cảm thấy tiếc về chuyện đã xảy ra và muốn thể hiện họ không giống những sĩ quan trong vụ George Floyd”, Hall nói. Nhưng ông cho rằng hành động này không có ý nghĩa nhiều, “trừ khi nó đi đôi với những biện pháp khiến cảnh sát phải chịu trách nhiệm thích đáng về hành vi của mình và giảm phân biệt chủng tộc”.
Người mẹ Trung Quốc nhận tội hối lộ để chạy cho con vào đại học Mỹ
Xiaoning Sui - phụ huynh Trung Quốc bị cảnh sát Tây Ban Nha bắt giữ vào tháng 9 năm ngoái - vừa nhận tội hối lộ 100.000 USD để chạy cho con vào trường UCLA (Mỹ).
Công tố viên và luật sư của Xiaoning Sui - phụ huynh 48 tuổi người Trung Quốc bị giam giữ tại thủ đô Madrid (Tây Ban Nha) với tội danh hối lộ để chạy cho con trai vào Đại học California tại Los Angeles (UCLA, Mỹ) - đã đề nghị bà không chịu thêm án tù khi bị dẫn độ về Mỹ, theo hồ sơ tòa án.
Sui (sống tại tỉnh British Columbia, Canada) sẽ nhận tội hối lộ theo một thỏa thuận nhận tội. Thoả thuận nhận tội là một chế định đặc trưng trong luật tố tụng của Mỹ, cho phép bị cáo thỏa thuận với cơ quan công tố về việc nhận tội để có mức án nhẹ hơn so với khung hình phạt truy tố mà không phải ra tòa. Bà đã bị cảnh sát Tây Ban Nha bắt giữ vào tháng 9 năm ngoái.
Martin Weinberg - luật sư của Sui - cùng các công tố viên từ văn phòng luật sư Mỹ ở Massachusetts đều thống nhất rằng thời gian Sui chịu án tù ở Madrid là án phạt "hợp lý và thích đáng" cho trường hợp của bà, thỏa thuận nhận tội viết.
"Đây là một thỏa thuận nhằm đạt được mục tiêu chính của thân chủ tôi là không chịu thêm án tù khi bà ấy đến Mỹ", luật sư Martin Weinberg của bà Sui nói qua điện thoại.
Trong khi đó, một phát ngôn viên của văn phòng luật sư Mỹ tại Massachusetts từ chối bình luận.
William "Rick" Singer - người cầm đầu đường dây quốc tế chuyên chạy vào các trường đại học danh giá của Mỹ - ra khỏi tòa án liên bang ở Boston tháng 3/2019. Ảnh: AP.
Trong thỏa thuận nhận tội, Sui thừa nhận đã làm việc với William "Rick" Singer - người cầm đầu vụ lừa đảo trị giá hàng triệu USD trong hàng thập kỷ.
Khoản hối lộ 100.000 USD cho huấn luyện viên bóng đá tại UCLA hồi tháng 11/2018 đã giúp con trai bà Sui được nhận vào trường đại học này với tư cách một tuyển thủ bóng đá và được nhận học bổng 25%, các công tố viên cho biết.
Việc thẩm phán chấp nhận đề nghị không có thêm thời gian tù cho Sui sẽ mang lại một kết thúc bất thường cho một vụ án nghiêm trọng.
Sui đã bị truy tố vào tháng 3 năm ngoái và bị bỏ tù ở Tây Ban Nha 4 tháng qua. Nhưng trong nhiều tháng, khi hàng chục khách hàng của Singer bị bắt và buộc tội ở Boston, bản cáo trạng vẫn được giữ bí mật, cùng với đó là các thỏa thuận của Sui với Singer.
Người mẹ Trung Quốc đã bị giam giữ, khác với 33 phụ huynh khác cũng bị buộc tội trong vụ bê bối nhưng được phép nộp tiền bảo lãnh để được tại ngoại chờ xét xử.
Khoản hối lộ 100.000 USD cho huấn luyện viên bóng đá tại UCLA hồi tháng 11/2018 đã giúp con trai bà Sui được nhận vào trường đại học này với tư cách một tuyển thủ bóng đá và được nhận học bổng 25%. Ảnh: AP.
Trong thỏa thuận nhận tội, Sui thừa nhận tham gia kế hoạch hối lộ với Singer và Jorge Salcedo - cựu huấn luyện viên bóng đá nam của UCLA.
Theo cáo trạng, trong một cuộc gọi điện thoại vào tháng 8/2018, Singer nói có thể giúp con trai bà Sui chạy vào UCLA với mức phí 400.000 USD.
Singer đã gửi bảng điểm và hồ sơ thể thao giả của con trai Sui cho Ali Khosroshahin - cựu huấn luyện viên bóng đá nữ tại Đại học Nam California (USC), người sau đó chuyển các tài liệu cho Salcedo.
Khuôn viên trường UCLA - nơi con trai bà Xiaoning Sui được chạy vào học nhờ hồ sơ giả mạo. Ảnh: TNS.
Trong giấy tờ giả mạo, Salcedo nói rằng ông đã thấy con trai của Sui chơi bóng đá ở Trung Quốc trong một chuyến thăm huấn luyện và chàng trai đã chứng minh được "sự nhanh nhẹn và tốc độ".
Thông qua một phiên dịch viên, Singer đã yêu cầu Sui gửi cho ông ta 100.000 USD để trả cho huấn luyện viên ở UCLA. Hai ngày sau, Sui chuyển số tiền trên cho Singer. Singer sau đó gửi tấm séc 100.000 USD cho Salcedo. Khosroshahin đã nhận được khoản thanh toán 25.000 USD cho vai trò trung gian.
Trong khi Singer và Khosroshahin đã nhận tội, Salcedo - người đã từ chức tại UCLA ngay sau khi bị bắt hồi tháng 3 năm ngoái - không nhận tội âm mưu thực hiện hành vi chiếm đoạt, lừa đảo và hối lộ.
Theo danviet.vn
'Làm ơn đưa con tôi đi. Chỉ mình nó thôi cũng được': Người mẹ ứa nước mắt, cầu xin cảnh sát cho con gái bị ung thư rời tâm dịch virus corona Bà Lu Yuejin cầu xin cảnh sát để cô con gái bị ung thư máu được qua trạm kiểm soát rời Hồ Bắc. Lu Yuejin, một nông dân từ ngôi làng ở phía Bắc tỉnh Hồ Bắc, cố gắng đưa con gái Hu Ping - 26 tuổi vượt qua khu vực kiểm soát. Hu Ping bị ung thư máu nhưng đã không được...