Tranh cãi về cách ứng phó với biến thể Omicron
Theo tờ Jerusalem Post, thực tế là tác động của biến thể Omicron đối với sức khỏe của người nhiễm dường như ít nghiêm trọng hơn, cộng với việc tỷ lệ nhiễm đang làm tê liệt nhiều cơ quan, doanh nghiệp do số người phải cách ly.
Đã làm dấy lên một số lời kêu gọi nới lỏng các biện pháp hạn chế và đánh giá lại các mô hình phòng dịch hiện nay ở Israel.
Nhân viên y tế Israel chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 tới bệnh viện ở Jerusalem. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong một tuần qua, Bộ Y tế Israel ghi nhận 276.617 ca mới mắc COVID-19, tăng 194,8% so với tuần trước đó. Làn sóng lây nhiễm do biến thể Omicron gây ra đang lan mạnh với một tốc độ chưa từng thấy. Tuy nhiên, đến nay, cũng không thể phủ nhận rằng biến thể này dường như gây triệu chứng nhẹ hơn các biến thể trước. Dù số ca nặng vẫn đang tăng, hiện ở mức 395 ca, tăng 184,2% do với tuần trước, nhưng tốc độ tăng chậm hơn nhiều tuần trước đó. Vào lúc đỉnh dịch của làn sóng lây nhiễm do biến thể Delta gây ra, Israel có hơn 700 ca nặng và tổng số ca nhiễm thấp hơn nhiều.
Giáo sư Idit Matot, thuộc Trung tâm Y tế Souraky tại Tel Aviv, nhận định sau 2 năm đại dịch hoành hành, vẫn còn nhiều lo lắng và cảm giác sợ hãi. Trên mạng xã hội Facebook, bà viết: “Biến thể Omicron thuộc vào dòng họ virus corona, nhưng không có gì giống với các biến thể trước như Alpha hay Delta mà chúng tôi nghiên cứu – hai loại đã gây bệnh nặng và kéo dài dẫn tới phải hỗ trợ thở. Trên thực tế, một tháng nay, chúng ta đang thấy và hiểu ra rằng biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao nhưng ảnh hưởng rất ít đến sức khỏe. Không có bệnh nhân nhiễm Omicron nào phải thở máy tại Ichilov”. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là không có bệnh nhân nào như vậy trên khắp Israel. Tính đến ngày 14/1, có 92 người phải thở máy, tăng so với 23 người ghi nhận cách đó 2 ngày.
Bà Matot nhận định thêm: “Thật không may là thay vì xử lý phù hợp với biến thể này, mọi người lại bị cách ly trong nhà và thực tế đây là phong tỏa”. Bà kêu gọi rút ngắn thời gian cách ly, hoặc thậm chí bỏ chính sách này. Bà cho biết: “Cần đánh giá lại chính sách cách ly, nhất là với những người không có triệu chứng, và trẻ em. Chúng ta đang cướp đi tuổi thơ, sự phát triển, học hành trong khi đem lại cho trẻ em nỗi sợ hãi và sự rối loạn tinh thần”.
Tuy nhiên, các giáo sư khác trong ngành y không nhất trí với bà Matot. Liệu Omicron có thực sự chỉ là một virus khác? Các biện pháp hạn chế có thực sự chưa phù hợp hay không? Giáo sư Nadav Davidovitch, hiệu trưởng trường Ben-Gurion thuộc Sở Y tế Negev, cho biết dù Omicron không gây bệnh nặng như các biến thể trước đó, chúng ta vẫn cần thận trọng.
Ông Davidovitch cho rằng: “Trong khi rõ ràng là tác động lâm sàng của Omicron không nổi bật như các biến thể khác, chúng ta vẫn thấy các tác động nặng ở các nhóm đối tượng nguy cơ cao. Cần thời gian để đánh giá lại các chiến lược phòng chống dịch hiện nay và mối đe dọa do Omicron gây ra vẫn cần được xem xét nghiêm túc”.
Giáo sư này nhận định các nhà chức trách và mọi người đang nỗ lực lớn để ứng phó thành công đại dịch theo cách tiếp cận “sống chung với virus”. Ông cho rằng: “Điều quan trọng là phải đảm bảo những người bị ốm dù chỉ có triệu chứng nhẹ phải ở trong nhà để tránh lây nhiễm cho người khác.
Bên cạnh tăng cường miễn dịch với COVID-19, cũng cần tăng cường miễn dịch với cúm mùa và duy trì sức khỏe nói chung”. Ông nhấn mạnh thêm hệ miễn dịch tự nhiên được hoàn thiện thông qua tiêm vaccine, chứ không thông qua cách lây truyền hàng loạt. Ông nói: “Làn sóng lây nhiễm hiện nay nên được xử lý bằng các công cụ như tiêm phòng và cách ly người dương tính và có triệu chứng. Mặt khác, vì dịch đang lây lan rộng trong cộng đồng, chúng ta phải ưu tiên bảo vệ người cao tuổi và các nhóm có nguy cơ cao”.
Gánh nặng đặt lên vai hệ thống y tế có thể giảm bớt mà vẫn đảm bảo an toàn cho người dân, nhưng cần làm nhiều hơn việc chỉ đeo khẩu trang. Cụ thể là cần bảo vệ các nhân viên y tế tuyến đầu bằng cách cung cấp khẩu trang tốt hơn, tạo sự thông gió tốt hơn và nâng cao các năng lực điều trị từ xa. Ông Davidovitch cho biết: “Cần ưu tiên xét nghiệm (các trường hợp có triệu chứng) và điều trị người có nguy cơ cao. Những người dương tính cần phải cách ly để tránh lây lan ra cộng đồng”.
Một khía cạnh khác của Omicron hiện vẫn chưa được biết đến là tác động lâu dài sau nhiễm dù ban đầu chỉ có triệu chứng nhẹ. Giáo sư Cyrille Cohen, người phụ trách bộ môn liệu pháp miễn dịch tại Đại học Bar-Ilan, cho biết hiện chưa có nhiều hiểu biết liên quan đến biến thể Omicron và các tác động lâu dài sau nhiễm. Hầu hết các triệu chứng COVID kéo dài chỉ thấy được sau vài tháng, và Omicron đến nay mới chỉ hoành hành khoảng 2 tháng. Vì vậy, ở thời điểm hiện tại rất khó để nghiên cứu về các tác động lâu dài.
Giáo sư Cohen cũng nhấn mạnh rằng Omicron dường như không nghiêm trọng nhưng còn quá sớm để chắc chắn rằng nguy cơ tổng thể chỉ ở mức tối thiểu. Ông nói: “Hiện mọi người đang giả định rằng vì bệnh không nghiêm trọng nên các tác động lâu dài cũng sẽ nhẹ. Nhưng đây chỉ là giả định và chúng ta cần thêm dữ liệu về việc này”.
Nên xã hội hóa tiêm vắc xin từ mũi 3?
Các chuyên gia cho rằng đã đến lúc Nhà nước không nên ôm hết việc tiêm tất cả các mũi vắc xin cho người dân, nhất là khi Bộ Y tế vừa có văn bản hướng dẫn rút ngắn mũi tiêm tăng cường từ 6 tháng xuống còn 3 tháng.
Người trên 50 tuổi, có bệnh nền ở TP.HCM được tiêm mũi bổ sung tại nhà thi đấu Lãnh Binh Thăng, quận 11 chiều 22-12 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Có nên xã hội hóa tiêm vắc xin sau khi người dân đã tiêm đủ các mũi cơ bản? Đó là vấn đề được nhiều chuyên gia đặt ra và cho rằng nếu áp dụng, Nhà nước giảm được gánh nặng, doanh nghiệp có cơ hội tham gia và người dân chủ động lựa chọn dịch vụ mà mình mong muốn.
Video đang HOT
Tuổi Trẻ ghi nhận các ý kiến về vấn đề trên.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh (phó chủ tịch Hội Truyền nhiễm TP.HCM): Ai có nhu cầu, có thể tiêm dịch vụ
Việc bảo hộ và bắt buộc người dân tiêm chủng đủ các mũi cơ bản là điều cần thiết nhằm tạo cơ chế miễn dịch cộng đồng, đồng thời giúp hệ thống y tế có đủ dữ liệu đánh giá về dịch tễ, giám sát quản lý người dân trong một số thủ tục cần thiết (thẻ xanh vắc xin, hệ thống tiêm chủng...).
Còn sau các mũi cơ bản, các mũi tăng cường (tức nhắc và bổ sung) nên chăng cần áp dụng sớm hình thức xã hội hóa, bởi nhu cầu của mỗi người dân khác nhau; chưa kể một số trường hợp còn mong muốn tiêm lại từ đầu (đặc thù riêng của từng loại vắc xin).
Do đó Nhà nước nên có cơ chế để người dân tự lựa chọn, quyết định. Việc của cơ quan chuyên môn là đưa ra các quy định, quy trình hướng dẫn, các cơ chế giám sát chặt về mặt chất lượng cũng như giá cả các loại vắc xin. Có cung ắt có cầu, các hệ thống tiêm chủng dịch vụ ở Việt Nam hiện nay nhìn chung đều có đủ năng lực chuyên môn và trang bị cơ sở vật chất khá tốt, do đó sẽ hoàn toàn đảm đương được nhiệm vụ này nếu áp dụng.
Nhà nước đang nỗ lực phân bổ vắc xin cho lực lượng tuyến đầu, các nhóm nguy cơ với mục tiêu dần bao phủ cho cộng đồng. Và như vậy việc xã hội hóa là cần thiết, các doanh nghiệp phụ thêm một tay để thúc đẩy nhanh tốc độ bao phủ vắc xin càng sớm càng tốt.
Hiện nhiều nước đã áp dụng hình thức này, nhà nước không còn bao cấp trong việc mua và tiêm chủng vắc xin. Việc nước ta chưa áp dụng có thể do tâm lý lo sợ mất công bằng trong sử dụng vắc xin. Nhưng việc phải "xếp hàng" chờ phát phiếu, kiểm tra từng đối tượng tiêm trong bối cảnh này không còn phù hợp. Theo tôi, ai có nhu cầu có thể tiêm dịch vụ. Từ đó giành quyền ưu tiên để phục vụ người dân có điều kiện khó khăn, hỗ trợ các lực lượng tuyến đầu chống dịch.
PGS.TS Nguyễn Duy Phong (phó khoa y tế công cộng - ĐH Y dược TP.HCM): Cần cơ chế quản lý chặt chẽ
Theo tôi được biết các cơ quan, ban ngành cũng đang xem xét đến vấn đề xã hội hóa công tác tiêm chủng trong thời gian tới. Vấn đề chưa áp dụng cũng là bởi các cơ quan chuyên môn đang tìm các giải pháp đủ chặt chẽ để có thể giám sát khi áp dụng.
Tôi cho rằng vấn đề này không còn nằm ở khía cạnh chuyên môn khoa học, mà ở góc độ chính sách quản lý nhà nước. Nếu là một loại vắc xin cúm thông thường thì không thành vấn đề, nhưng với vắc xin phòng COVID-19 vốn là mặt hàng đặc biệt, do đó việc xã hội hóa tiêm chủng trong giai đoạn này cần phải được cân nhắc cả hai mặt.
Có thể người dân sẽ dễ dàng tiếp cận với vắc xin theo ý muốn, nhưng đổi lại Nhà nước lại khó kiểm soát về mặt giá cả. Vì vậy, trước mắt mục tiêu vẫn hướng đến là tăng độ bao phủ các mũi tiêm để ngăn chặn dịch. Khi nhu cầu không còn quá cấp thiết, theo tôi, việc xã hội hóa là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên nếu áp dụng cần có một cơ chế và hành lang pháp lý để giám sát về chất lượng, giá cả vắc xin.
Người dân được tiêm mũi tăng cường ngừa COVID-19 tại nhà thi đấu Lãnh Binh Thăng (quận 11) chiều 22-12 - Ảnh: DUYÊN PHAN
TS.BS Nguyễn Trung Hòa (giám đốc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp): Chỉ nên áp dụng khi virus SARS-CoV-2 như cúm mùa
Từ đầu cuộc chiến chống dịch COVID-19 đến nay, mọi công tác phòng chống dịch đều do Nhà nước lo và việc này cần tiếp tục được sự can thiệp tối đa của Nhà nước.
Tại sao như thế? Bởi dịch bệnh COVID-19 diễn biến sắp tới còn khó lường, nếu áp dụng xã hội hóa tiêm vắc xin sau các liều cơ bản sẽ lợi bất cập hại. Thực tế không phải ai cũng có ý thức tự giác tiêm chủng đầy đủ, nhiều lúc mời gọi người dân đi tiêm vẫn chưa xong.
Việc "mạnh ai người nấy tiêm" trong giai đoạn này, theo tôi khá khó khăn, có thể dẫn đến hệ lụy quản không nổi đối tượng tiêm chủng. Chưa kể khi các doanh nghiệp "nhảy" vào nhập khẩu đủ loại vắc xin với đủ nguồn cung ứng, việc kiểm định chất lượng, giá cả, độc quyền... là cả một vấn đề rối rắm.
Tất nhiên, xã hội hóa tiêm chủng sẽ làm giảm tải cho hệ thống y tế cơ sở khi phải cùng lúc thực hiện nhiều nhiệm vụ, nhưng chỉ nên áp dụng khi đại dịch thoái trào và virus SARS-CoV-2 trở thành một loại bệnh như cúm mùa và khi mọi người dân tự ý thức về trách nhiệm phòng vệ sức khỏe cho chính bản thân, cộng đồng.
Không chỉ xã hội hóa, việc nghiên cứu sản xuất ra loại vắc xin cũng cần tiện lợi hóa. Thay vì tổ chức lực lượng tiêm chủng hùng hậu với trang bị bảo hộ, quy trình trước - trong - sau tiêm rối rắm, rất cần các loại vắc xin (dạng xịt hoặc bằng miếng dán một số nước đang áp dụng) để bất kể người dân nào cũng có thể thực hiện được đơn giản.
Chị Mai Thị Thu Hà (nhân viên văn phòng, ngụ quận Tân Bình): Nếu có dịch vụ, nhiều người sẽ lựa chọn
Tôi đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin cơ bản gần 5 tháng nay và cũng đang rất băn khoăn lúc nào mới có thể được tiêm mũi 3. Bởi theo dõi thông tin về kế hoạch tiêm chủng, thấy tiêm cho người 18 tuổi trở lên nhưng lại ưu tiên cho người thuộc nhóm nguy cơ và các lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Tôi có tìm hiểu và biết được tùy cơ địa, loại vắc xin, chỉ sau một thời gian kháng thể chống lại virus có thể sẽ giảm dần. Thậm chí đã có nhiều trường hợp tiêm đủ mũi vẫn trở nặng, tử vong khi không may mắc bệnh. Xung quanh tôi nhiều bạn bè, người thân cũng đang rất nóng lòng chờ ngày được tiêm nhắc để cơ thể đủ sức đối phó nếu biến chủng Omicron xâm nhập.
Nóng lòng nhưng cũng chỉ biết chờ đợi đến lượt, không còn cách nào khác. Và nếu có tiêm dịch vụ như các loại vắc xin khác, tôi tin không phải riêng mình mà nhiều người sẽ lựa chọn vì sự an toàn cho chính bản thân mình. Tất nhiên việc tiêm chủng dịch vụ nếu áp dụng sẽ rất tốt cho người có nhu cầu. Tuy vậy, việc xã hội hóa tiêm chủng cũng cần phải được sự giám sát bởi cơ quan quản lý về chất lượng và giá cả, tránh tình trạng độc quyền, "đục nước béo cò" trong lúc dịch bệnh.
TP Long Xuyên, An Giang đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin bổ sung cho người 50 tuổi trở lên - Ảnh: MINH KHANG
Một chuyên gia trong lĩnh vực tiêm chủng: Tiêm dịch vụ không ảnh hưởng đến tiêm miễn phí
Sau khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 đủ hai liều cơ bản, các mũi tiêm nhắc hoặc bổ sung nên để người dân và doanh nghiệp tự túc. Bởi có nhiều người mong muốn tiêm sớm, tiêm loại vắc xin phù hợp và vào thời gian hợp lý, do còn phụ thuộc vào đặc thù công việc sản xuất kinh doanh.
Có người cho rằng khi xã hội hóa tiêm vắc xin dịch vụ sẽ ảnh hưởng đến chương trình tiêm chủng miễn phí của Nhà nước. Điều này hoàn toàn sai lầm, tiêm dịch vụ và miễn phí sẽ vận hành song song, còn lại tùy thuộc vào khả năng và các đòi hỏi về nhu cầu cần được đáp ứng của từng cá nhân, doanh nghiệp mà chọn hình thức tiêm chủng phù hợp. Và việc tiêm dịch vụ sẽ đóng vai trò bổ sung và giúp chiến dịch tiêm chủng của Nhà nước nhanh chóng về đích hơn.
Khi đại dịch rơi vào thời điểm căng thẳng như "thời chiến" phải chấp nhận việc tiêm chủng theo sự triển khai của Nhà nước. Tuy nhiên hiện nay nếu không thúc đẩy việc xã hội hóa tiêm vắc xin dịch vụ có thể gây thiệt thòi cho người dân, cho xã hội và ngân sách nhà nước. Việc này xét về khía cạnh nào đó mang giá trị nhân văn, không bắt tất cả cùng khổ, ai có điều kiện và mong muốn được phục vụ tốt hơn cần phải được đáp ứng, song song với việc giám sát về giá và chất lượng từ phía cơ quan chuyên môn.
HOÀNG LỘC
TP.HCM sẽ lại bước vào "chiến dịch tiêm chủng"
Sau văn bản hướng dẫn từ Bộ Y tế, TP.HCM vừa cho áp dụng triển khai rút ngắn thời gian mũi tăng cường (nhắc, bổ sung) từ 6 tháng xuống còn 3 tháng, kể từ ngày 21-12. Việc kế hoạch tiêm thay đổi, theo đại diện các trung tâm y tế, đã phát sinh số lượng người cần tiêm là cực lớn.
Theo tìm hiểu, trước đó TP.HCM xây dựng lộ trình tiêm mũi bổ sung và tiêm nhắc bắt đầu từ tháng 12-2021 đến tháng 6-2022. Nếu áp dụng thời gian như cũ (khoảng cách 6 tháng), TP.HCM sẽ cần trên 6,3 triệu liều vắc xin, sử dụng tiêm cho 7 đợt với các loại vắc xin gồm AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Vero Cell, Sputnik V. Trong đó AstraZeneca chiếm đa số, trên 3 triệu liều.
Học sinh Trường THCS Hà Huy Tập, quận Bình Thạnh, TP.HCM trong ngày tiêm vắc xin Pfizer - Ảnh: QUANG ĐỊNH
"Nếu như rút ngắn thời gian tiêm vắc xin xuống còn 3 tháng, số lượng người cần tiêm và đợt tiêm trong các tháng tới của TP.HCM sẽ tăng lên khá nhiều, có thể sẽ như một chiến dịch tiêm chủng" - đại diện Sở Y tế TP.HCM nói. Ước tính khi rút ngắn thời gian tiêm, chỉ tính hết quý 1-2022 TP.HCM sẽ phải tiêm trên 5,7 triệu liều vắc xin các loại cho người dân.
Như tại quận Gò Vấp số người trên 50 tuổi cần phải tiêm trong cuối tháng 12 và tháng 1-2022 tăng lên khoảng 110.000 người, và tính trong quý 1-2021 toàn quận phải tiêm bổ sung, tiêm nhắc cho gần 400.000 người đủ điều kiện. "Việc thay đổi chính sách rút ngắn thời gian tiêm để đón đầu biến chủng Omicron là điều được mọi người mong đợi, chỉ nhân viên y tế phải cố gắng vì sẽ cực hơn trước đây" - TS.BS Nguyễn Trung Hòa, giám đốc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp, nói.
Theo lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM, hiện đơn vị đã có văn bản tham mưu UBND TP để điều chỉnh kế hoạch tiêm chủng phù hợp. Người dân, các sở ban ngành và cơ quan trung ương đóng trên địa bàn liên hệ trực tiếp với quận, huyện nơi đóng trụ sở để được lên danh sách tiêm chủng. "Mấy ngày nay các đơn vị và người dân gọi điện hỏi các trung tâm y tế địa phương rất nhiều về kế hoạch tiêm. Ngành y tế đã yêu cầu các đơn vị công khai số điện thoại cán bộ phụ trách để giải thích, hướng dẫn người dân" - vị đại diện này nói.
Tính đến ngày 22-12, TP.HCM đã tiêm được tổng cộng trên 15 triệu liều vắc xin, trong đó mũi 1 gần 8 triệu liều, mũi 2 gần 7 triệu liều và mũi 3 trên 103.000 liều.
Đủ vắc xin tiêm mũi 3 cho 70 triệu người
Lô vắc xin 2 triệu liều Moderna Mỹ tặng Việt Nam được bốc dỡ tại sân bay Nội Bài tháng 7-2021- Ảnh: NAM TRẦN
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 22-12, trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng quốc gia, PGS.TS Dương Thị Hồng cho biết đến nay Việt Nam đã tiếp nhận 181 triệu liều vắc xin từ các nguồn viện trợ, tài trợ, ngân sách và quỹ vắc xin mua.
Trong số này có 165 triệu liều đã được phân bổ cho các tỉnh thành, cơ sở tiêm chủng (141 triệu liều trong đó đã được sử dụng cho tiêm chủng). Hơn 15 triệu liều đang chờ giấy chứng nhận xuất xưởng để tiếp tục phân bổ cho cơ sở tiêm chủng. Từ nay đến hết tháng 12, dự kiến có thêm khoảng 20 triệu liều vắc xin về Việt Nam.
Với số lượng vắc xin chưa sử dụng và sắp về này, Bộ Y tế cho biết đã đủ vắc xin để sử dụng tiêm chủng mũi 3 cho 70 triệu người từ 12 tuổi trở lên. Như vậy, nguồn vắc xin sử dụng tiêm mũi 3 vẫn từ các nguồn tài trợ, viện trợ, ngân sách và quỹ vắc xin chi trả.
Tuy nhiên, bà Hồng cũng cho biết từ các mũi tiêm sau mũi 3 (mũi thứ 4), hiện ngành y tế chưa có kế hoạch về nguồn vắc xin cũng như cách thức tổ chức tiêm chủng. Và theo thông tin từ một chuyên gia của Bộ Y tế chia sẻ, dự kiến rất có thể từ sau mũi tiêm thứ 3 này trở đi, Việt Nam sẽ sử dụng vắc xin ngừa COVID-19 sản xuất trong nước.
Hiện có 3 loại vắc xin sản xuất trong nước đều đang ở chặng cuối của thử nghiệm lâm sàng trên người tình nguyện (vắc xin Arct-154, Covivac), hoặc đã hoàn tất thử nghiệm lâm sàng (Nano Covax). "Khi đó người dân tiêm chủng COVID-19 có thể lựa chọn khi tiêm chủng, nếu chọn tiêm vắc xin nội chi phí tiêm chủng thấp hơn, tiêm vắc xin ngoại nhập chi phí sẽ cao hơn. Lúc ấy sẽ xã hội hóa tiêm chủng như các vắc xin theo nhu cầu hiện nay" - chuyên gia này cho biết.
Từ tháng 7-2021, Việt Nam bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 lớn nhất từ trước đến nay. Dự kiến đến hết năm 2021, toàn bộ người từ 18 tuổi trở lên sẽ được tiêm đủ 2 mũi vắc xin. Và có khả năng đến tháng 1-2022, trẻ 12-17 tuổi cũng sẽ tiêm xong 2 mũi cơ bản. Hiện các tỉnh thành như TP.HCM, Đà Nẵng, Đồng Nai... đã tiến hành tiêm chủng mũi 3 cho nhóm nguy cơ cao.
Nhiều chuyên gia trong ngành nhận định với tiến độ tiêm chủng kể trên là khá nhanh so với các nước trong khu vực. Bởi giai đoạn tháng 7, 8 Việt Nam từng nằm trong nhóm có tỉ lệ tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 thấp trên thế giới. Thế nhưng tiến độ tiêm đã được đẩy nhanh hơn trong các tháng cuối năm 2021. Bộ Y tế cho biết tốc độ tiêm vắc xin của Việt Nam trong tháng 11 vừa qua chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Bộ Y tế cũng cho biết tỉ lệ bao phủ vắc xin/dân số của Việt Nam hiện đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN, sau Singapore, Campuchia và Brunei. Năm 2022, Việt Nam cũng có dự kiến tiêm chủng cho trẻ em từ 5-11 tuổi khi Tổ chức Y tế thế giới phê duyệt vắc xin cho nhóm tuổi này.
Năm 2022, VNVC được AstraZeneca cung cấp 25 triệu liều vắc xin thương mại
Như Tuổi Trẻ đã đưa tin, ngày 2-11 tại Edinburgh, Scotland, nhân dịp dự COP26 và thăm Vương quốc Anh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chứng kiến lễ ký kết giữa chủ tịch kiêm tổng giám đốc Công ty cổ phần Vắc xin Việt Nam (VNVC) Ngô Chí Dũng và ông Nitin Kapoor - chủ tịch kiêm tổng giám đốc AstraZeneca Việt Nam - cho hợp đồng thương mại mua hơn 25 triệu liều vắc xin Covid-19 của AstraZeneca.
Hợp đồng mua 25 triệu liều vắc xin Covid-19 tiếp theo cho năm 2022 được VNVC đàm phán song phương với AstraZeneca và đi đến thành công. Đây được đánh giá là hợp đồng quan trọng, tiếp tục mang về cho Việt Nam nguồn vắc xin chất lượng cao với số lượng lớn, đáp ứng nhu cầu cấp bách về vắc xin cho người dân, đặc biệt bổ sung mũi tiêm nhắc lại.
Chuyên gia Mỹ: Omicron có khả năng đẩy nhanh sự kết thúc của đại dịch COVID-19 Một số nhà nghiên cứu Mỹ cho biết biến thể Omicron thực sự có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của virus SARS-CoV-2 sang một loại cúm thông thường, kết thúc đại dịch COVID-19. Người dân thành phố New York xếp hàng tại một trạm xét nghiệm COVID-19 ở quảng trường Thời Đại - Ảnh: AP Chỉ vài tuần trước, Mỹ đang...