Tranh cãi về an toàn đập thủy điện Sông Tranh
Nhiều nhà khoa học khẳng định, nền thủy điện Sông Tranh là đá gneis rất cứng, song cũng có người phản biện rằng thủy điện lớn nhất miền Trung nằm trên vùng đá granit dễ phong hóa thành bùn đất, gây mất ổn định.
Tại hội thảo về địa chất công trình nền đập nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 sáng 9/11, Hội địa chất công trình và môi trường Việt Nam đã công bố kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu mới đây. Theo đó, toàn bộ nền đập thủy điện được đặt trên đới đá IIA có độ cứng cao và ổn định. Các lớp phủ và lớp đá phong hóa trên nó đều bị bóc bỏ khi thi công. Nền đá lộ ra ở lòng sông hạ lưu đập là đá gneis rất cứng chắc. Địa chất khu vực này có đứt gãy cấp II cắt ngang lòng hồ cách đập 2 km và còn 4 đứt gãy và khe nứt xung quanh.
PGS. TS Nguyễn Huy Phương, Phó Chủ tịch Hội địa chất công trình và Môi trường Việt Nam, cho biết, vai đập thủy điện ổn định song có tồn tại một khối trượt cần phải xử lý ngay vì sẽ ảnh hưởng đến giao thông nếu trượt xuống đường.
Ông Phạm Văn Quýnh: “Thủy điện nằm trên nền đá granit dễ phong hóa”. Ảnh: Đoàn Loan
Đập thủy điện Sông Tranh 2 có chiều cao khoảng 100m và dung tích hồ 700km3 nên động đất kích thích cực đại được dự báo không quá 5.5 độ richter. Các kết quả quan trắc về áp lực nước và lưu lượng thấm cũng cho thấy các giá trị tương đối ổn định, chứng tỏ nền đập không bị nứt sau các trận động đất.
Video đang HOT
Bàn về các kiến tạo địa chất khu vực gây ra động đất kích thích, GS Phan Trọng Trịnh, Chủ tịch Hội kiến tạo Việt Nam, nhận xét, chúng ta lo lắng một đứt gãy cách đập thủy điện Sông Tranh 2km về phía nam, song các trận động đất vừa qua là do một rãnh gãy nhỏ khác hướng Tây bắc – Đông Nam, cách đập về phía tây khoảng 2,5 đến 3km.
Ông Nguyễn Xuân Bao, Hội Địa chất TP HCM, cũng cho rằng, việc thay đổi tải trọng và nhất là áp suất hay chiều cao hồ nước cùng với độ thẩm thấu của nền móng hồ chứa và sự có mặt của các đứt gãy trong vùng là những tác nhân quan trọng của động đất kích thích.
Tuy nhiên, nhà địa chất Phan Trường Thịnh, lại cho rằng, sai lầm phổ biến trong giới địa chất là đánh giá động đất gắn với đứt gẫy. Đây là hai đứa con sinh đôi, động đất không cần liên hệ với đứt gẫy. Ông cho rằng, đứt gãy cho xuyên qua thân đập thủy điện cũng được và dư luận cần quên đi nguyên nhân đứt gẫy gây động đất.
Nhà địa chất này nhận xét việc vỡ đập hay không là kỹ thuật xây dựng thủy điện. “Tôi đã biết xây dựng có những vấn đề nghiêm trọng, có khuyết điểm mà không ai nói ra. Nếu cứ cho nước dâng lên thì vỡ đập là do kỹ thuật xây dựng chứ không phải do động đất”, ông Phan Trường Thịnh nhận xét.
Không đồng tình về kết quả khảo sát rằng đá gneis bền vững tại nền đập,PGS.TS Phạm Văn Quýnh, ĐH Quốc gia khẳng định, ông đã từng ở khu vực này 10 năm để nghiên cứu Uranium, do vậy nắm rất rõ về khu vực này. Đập nằm trên nền đá granit rất dễ bị phong hóa thành đất khi nhiệt độ bất ổn. Do vậy, nền đập thiếu ổn định. Ông Quỳnh còn đưa ra những hình ảnh quá trình phong hóa đá granit gây mất an toàn cho đập thủy điện.
PGS.TS Lê Trọng Thắng: “Đá nền thủy điện không thể phong hóa”. Ảnh: ĐL
Ông Quỳnh ví von, đây là “động đất EVN” vì do thủy điện gây ra. Động đất kích thích do có đứt gãy đâm vào thân đập theo hướng Đông bắc – Tây nam. Ngoài ra, động đất là do rất nhiều đứt gãy nhỏ, mặc dù đứt gãy nhỏ không lo ngại song gây thấm nước.
Phản bác lại ý kiến ông Phạm Văn Quýnh, PGS.TS Lê Trọng Thắng, ĐH Mỏ địa chất cho rằng, trong tự nhiên, nước vẫn vận động qua quá trình phong hóa đá qua tác nhân ôxy, song dưới đất ôxy rất kém nên khả năng phong hóa khó xảy ra.
Cầm một hòn đá trên tay, ông Thắng bức xúc: “Tôi đã nhặt hòn đá này ở thủy điện Sông Tranh để thầy Quýnh ngâm vào nước, tôi nghĩ đến chết hòn đá này cũng không thành đất được”.
Kết luận hội thảo, PGS.TS Tạ Đức Thịnh, Chủ tịch Hội địa chất công trình và Môi trường Việt Nam, cho rằng, nền đập thủy điện Sông Tranh 2 an toàn, ổn định. Động đất kích thích đã không ảnh hưởng sự ổn định nền đập nhưng ảnh hưởng đến nhà cửa, tài sản của nhân dân. Do vậy, cơ quan quản lý đập thủy điện cần phối hợp với các cấp chính quyền địa phương hỗ trợ người dân về những thiệt hại do việc xây dựng đập thủy điện gây ra.
Động đất kích thích rất khó dự báo nên cần tiếp tục công tác quan trắc nhằm phát hiện những sự biến đổi bất thường cũng như giải thích, tuyên truyền cho nhân dân hiểu biết rõ về động đất kích thích để sống và làm việc bình thường, không hoang mang dao động.
Theo VNE
Bất nhất thông tin về thủy điện Sông Tranh 2
Kể từ khi bị phát hiện thấm nước ở đập thủy điện Sông Tranh 2 (tháng 5-2012) đến nay, thông tin về sự an toàn của đập thủy điện này đã nhiều lần được công bố. Tuy nhiên, thông cáo mới nhất của Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN lại có một số chi tiết khiến dư luận ngạc nhiên.
Trong thông cáo báo chí gửi báo giới về cuộc họp báo ngày 28-9 diễn ra tại Quảng Nam, EVN cho biết, đến ngày 24-8, công tác xử lý thấm đã kết thúc. Đối với 10 khe nhiệt thấm lớn, tổng lưu lượng thấm trước khi xử lý đo được là 26,2 lít/giây sau khi xử lý, lưu lượng thấm chỉ còn 0,02 lít/giây, giảm 99,9%. Với 20 khe nhiệt còn lại lưu lượng thấm là nhỏ (0,015 lít/giây). EVN kết luận, kết quả xử lý chống thấm đạt hiệu quả đặt ra tại phương án xử lý thấm đã được phê duyệt. Tuy nhiên, với cách đưa tin "có trọng tâm trọng điểm", một con số ít được nhấn mạnh hơn là riêng đối với nền đập, lưu lượng thấm đo được trước khi xử lý là 4,2 lít/giây và sau xử lý là 3,19 lít/giây. Lượng thấm này mới giảm 24%!
Bên cạnh đó, bản thông cáo mới nhất của EVN cũng khẳng định, "về tổng thể chất lượng bê tông thường và bê tông đầm lăn của đập đã được thi công đạt yêu cầu thiết kế, đập đã được tích nước theo 2 giai đoạn để kiểm tra trạng thái ứng suất, biến dạng và kiểm tra thấm qua thân đập. Tuy nhiên, chất lượng thi công xây dựng các khe nhiệt chưa được bảo đảm, chưa tổ chức kiểm tra, nghiệm thu chặt chẽ. Thiết bị quan trắc chưa được lắp đặt đầy đủ trong quá trình thi công xây dựng, một số thiết bị bị hư hỏng chưa được kịp thời khắc phục. Việc này ngoài trách nhiệm của nhà thầu thi công xây dựng còn có trách nhiệm của tổ chức giám sát". Trong khi đó, nhiều thông tin khoa học cho rằng, khe nhiệt thì phải thẳng đứng, thủy điện Sông Tranh 2 có khe bị xiên, có hình chữ Z, là lỗi của thi công. Mỗi lớp rải và đầm bê tông dầy khoảng 30 cm, vị trí khe nhiệt đầu tiên thì đúng, nhưng do kiểm tra không chặt chẽ sự xô lệch của tấm bố ngăn cách nên sau mỗi lớp đầm, khe bị lệch dần, đến khi phát hiện ra bị lệch nhiều quá thì không thể nào sửa được nữa.
EVN thừa nhận, các trận động đất kích thích xảy ra tại địa bàn huyện Bắc Trà My gần đây có liên quan đến việc tích nước của hồ thủy điện Sông Tranh 2. Để làm rõ các thông tin này, nội dung cuộc họp báo ngày 28-9 từ các phương tiện thông tin đại chúng còn cho hay, Công ty Tư vấn điện 1 thừa nhận không lường trước được động đất kích thích này. Ngoài ra, công trình còn chưa được nghiệm thu chính thức. Hoạt động thời gian qua chỉ là tích nước thử tải. Chỉ riêng sự "không lường trước" được này của EVN cũng như việc công trình chưa được nghiệm thu chính thức đã đủ gây hoang mang cho người dân. Phải chăng, vì sợ tác động lớn đến tư tưởng của người dân nên EVN chưa công bố thông tin này trong bản thông cáo, để hàng loạt các cơ quan báo chí đồng loạt đăng tải tin tức theo văn bản tập đoàn này gửi đến?
Điều khiến dư luận ngạc nhiên hơn nữa là mặc cho các nhà khoa học khuyến cáo nên di dân hoặc có biện pháp khắc phục tốt hơn để đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa lũ, EVN dường như không đề cập đến trong các văn bản gửi cơ quan truyền thông. Bên cạnh đó, còn có thắc mắc xung quanh việc tài liệu về dự án thủy điện lớn tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng được "xào nấu" từ báo cáo đánh giá tác động môi trường của Tiến sĩ Lê Trần Chấn - nguyên Trưởng phòng Địa lý sinh vật, Viện Địa lý thuộc Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ Quốc gia từ năm 1998 khi ông tham gia một hội thảo quốc tế. "Đâu là sự thật về sự an toàn của đập thủy điện Sông Tranh 2" là điều mà EVN cần có cuộc họp báo công khai với các cơ quan báo chí, thể hiện trách nhiệm với người dân!
Theo ANTD
Động đất ở Sông Tranh 2, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Còn dưới nhiều mức giới hạn an toàn của đập Sáng 30.10, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải (ảnh) đã trả lời báo chí một số vấn đề về dự án thủy điện Sông Tranh 2 và việc tác động của công trình thủy điện đến môi trường. Theo Phó Thủ tướng thì Chính phủ sẽ kiên quyết loại bỏ những công trình không đảm bảo môi trường và có tác động tiêu...