Tranh cãi quanh phong cách ngoại giao lạnh lùng của Obama
Nhà Trắng cho rằng Tổng thống Barack Obama không cần làm thân với giới lãnh đạo nước ngoài cũng có thể thúc đẩy thành công chính sách ngoại giao Mỹ. Nhưng các nhà nghiên cứu lại có quan điểm ngược lại.
Quan hệ căng thẳng giữa Tổng thống Barack Obama (phải) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu càng làm tăng hơn khoảng cách giữa hai nước đồng minh. Ảnh trên chụp trong một cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo năm ngoái. Ảnh: New York Times
Ba tháng sau khi Tổng thống Barack Obama bắt đầu nhiệm kỳ thứ nhất, một quan chức cấp cao Nhà Trắng cho hay, trên vấn đề đối ngoại, tổng thống sẽ không làm theo cách của những người tiền nhiệm nỗ lực xây dựng mối quan hệ cá nhân mật thiết với giới lãnh đạo nước ngoài.
“Mục tiêu của tổng thổng không phải là tạo dựng một mối quan hệ kiểu anh em bạn bè”, ông Michael McFaul, trợ lý đặc biệt của tổng thống trong Hội đồng An ninh Quốc gia, nói. Ông McFaul sau này được bổ nhiệm là đại sứ tại Nga giai đoạn 2011-2014.
Ngay từ những ngày đầu, mối quan hệ giữa ông Obama và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã rất căng thẳng, bất kể việc quốc gia này là đồng minh then chốt của Mỹ tại khu vực Trung Đông.
Tuy nhiên, tình trạng quan hệ thiếu chân thành như trên không phải là ngoại lệ, bởi Tổng thống Obama rất ít khi dành thời gian và tâm sức để bồi đắp quan hệ cá nhân với các nhà lãnh đạo nước ngoài, cũng như với giới nghị sĩ và người quyên góp trong nước.
Video đang HOT
Các nhà sử học và một số cựu cố vấn chính sách đối ngoại của Obama cho rằng, mối quan hệ lâu dài giữa các đời tổng thống trước với giới lãnh đạo nước ngoài giúp hàn gắn bất đồng và đảm bảo hợp tác được tiếp tục dù song phương không hoàn toàn tình nguyện. Nhưng, việc Tổng thống Obama cố tình giữ khoảng cách lại khiến ông thiếu những mối quan hệ như trên.
“Xây dựng quan hệ cá nhân không phải là phong cách của ông ấy”, ông Martin Indyk, cựu đặc sứ hòa bình Trung Đông của Obama, bình luận. “Trong khi đó Bush và Bill Clinton có thể cười đùa thoải mái với bất kỳ ai”.
Cựu quan chức ngoại giao này cũng cho hay, Tổng thống Obama đôi khi cũng dành thời gian quan hệ với một số người và rất hợp với một số người khác. “Nhưng những người như vậy có thể đếm trên đầu ngón tay”, ông nói.
Nhà Trắng cho rằng các mối quan hệ cá nhân thân thiết không thể đảm bảo cho sự thành công của chính sách ngoại giao Mỹ và Tổng thống Obama không cần làm như vậy cũng vẫn đạt được những tiến triển trên vấn đề đối ngoại. Đối với rất nhiều quốc gia, sách lược của Obama là xây dựng mối quan hệ công việc với các nhà lãnh đạo trên cơ sở lợi ích chung.
“Tổng thống sẽ căn cứ theo những đánh giá lợi ích của chúng ta khi làm việc với lãnh đạo các nước trên thế giới”, ông Benjamin Rhodes, phó cố vấn an ninh quốc gia, cho biết.
Ông Rhodes cũng chỉ ra rằng, bất kể vấn đề trừng phạt Nga hay cuộc chiến với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), Tổng thống Obama luôn nhận được sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo khác có chung quan điểm.
Và ngay cả khi Obama có mối quan hệ hữu hảo với Thủ tướng Netanyahu, thì cũng không thể làm xóa đi sự bất đồng căn bản giữa hai người trong vấn đề làm thế nào để ngăn cản Iran chế tạo vũ khí nguyên tử.
Không đồng ý với quan điểm trên, cựu phó trợ lý ngoại trưởng phụ trách vấn đề Trung Đông Tamara Cofman Wittes lại cho rằng, mối quan hệ căng thẳng giữa hai nhà lãnh đạo đã làm tăng thêm sự bất đồng về chủ đề hạt nhân Iran.
Cùng chung nhận định trên, nhà sử học Robert Dallek cho rằng Tổng thống Obama là một người lạnh lùng và không bao giờ tỏ thái độ nhiệt tình với những người đồng cấp ngoại quốc như các tổng thống tiền nhiệm Ronald Reagan hay Franklin Roosevelt từng làm.
“Nếu như lãnh đạo các chính phủ có mối quan hệ tốt đẹp, có thể sẽ có lợi trong việc hoàn thành những công việc khó khăn. Nếu như giữa họ lại có ân oán, việc nhượng bộ lẫn nhau trên vấn đề ngoại giao sẽ gặp trở ngại”, chuyên gia này nói.
Ông Dallek lấy dẫn chứng là mối quan hệ giữa tổng thống Roosevelt và thủ tướng Anh Winston Churchill trong Thế chiến thứ hai. Sau trận Trân Châu Cảng năm 1941, ông Churchill đã dành nhiều tuần sống tại Nhà Trắng để xây dựng mối quan hệ cá nhân thân thiết với Roosevelt, từ đó càng củng cố hơn nữa quan hệ đồng minh Anh – Mỹ.
Những nỗ lực không thành công
Tổng thống Obama từng muốn xây dựng mối quan hệ thân thiết với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) với việc mời ông này đến khu nghỉ dưỡng Sunnylands ở miền nam California, nhưng nỗ lực này đã không thành công. Ảnh: Reuters
Trong hơn 6 năm qua, Tổng thống Obama cũng từng có ngoại lệ, nhưng kết quả không hoàn toàn được như mong muốn. Sau lần gặp đầu tiên, ông tạo dựng được mối quan hệ gần gũi với Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev, bởi hai người cùng thế hệ và đều xuất thân là luật sư.
Nhưng ông lại chưa bao giờ thử xây dựng quan hệ với Tổng thống Vladimir Putin. Năm 2013, ông Obama còn khiến ông Putin tức giận khi bình luận rằng trông Tổng thống Nga “chẳng khác nào một cậu bé chán nản ngồi cuối lớp học”. Cùng với sự leo thang của cuộc khủng hoảng Ukraine, quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo lại càng trở nên tồi tệ hơn. “Cho dù ông ấy có đi đánh golf, xông hơi, săn bắn với Putin bao nhiêu lần đi chăng nữa, thì cũng không thay đổi được điều này”, cựu đại sứ McFaul bình luận.
Các cố vấn tổng thống cũng cho hay, quan hệ giữa ông Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel từng rất chân thành. Nhưng sau vụ bê bối tình báo Mỹ nghe trộm điện thoại cá nhân của bà thủ tướng, thì quan hệ giữa hai người trở nên căng thẳng hơn.
Tháng 6/2013, Tổng thống Obama cũng mời Chủ tịch Tập Cận Bình đến khu nghỉ dưỡng Sunnylands ở miền nam California trong hai ngày, với hy vọng tạo lập được mối quan hệ thoải mái hơn với nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc.
Nhưng các quan chức Nhà Trắng thừa nhận rằng, nỗ lực kết bạn trên của ông Obama cơ bản đã thất bại. “Ông Tập Cận Bình không hề hứng thú gì với mối quan hệ thân thiết như ánh nắng mặt trời ấy”, cựu đặc sứ Martin Indyk cho biết.
Tổng thống Obama gần như giao phó toàn bộ nhiệm vụ xây dựng quan hệ cá nhân với giới lãnh đạo nước ngoài cho Ngoại trưởng John Kerry. Ông Kerry được cho là đã dành hàng trăm tiếng đồng hồ để kết giao với những người đồng cấp Nga và Iran, hay ngay cả với Thủ tướng Israel Netanyahu. Tuy nhiên, những nỗ lực trên không đem lại kết quả khả quan.
Chính vì vậy, giới quan sát cho rằng Tổng thống Obama sẽ không thay đổi sách lược không kết giao của mình trong hơn một năm còn lại của nhiệm kỳ cuối cùng này. “Ông ấy sẽ lựa chọn không dành thời gian cho chuyện này”, bà Wittes kết luận.
Đức Dương
Theo New York Times