Tranh cãi gay gắt về việc VĐV không thể cho con bú ở Olympic
Trường hợp của vận động viên (VĐV) bơi nghệ thuật người Tây Ban Nha, Ona Carbonell khi cô không thể cho con bú ở Olympic 2020 đã tạo nên tranh cãi dữ dội.
Ona Carbonell là đội trưởng của đội tuyển bơi nghệ thuật của Tây Ban Nha tham dự Olympic 2020. Cô vừa có một bé trai tên Kai cách đây không lâu. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ, cô lại không thể đưa con trai mình tới Tokyo để cho bú hàng ngày.
Bà mẹ Ona Carbonell không thể đưa con tới Nhật Bản trong lúc thi đấu ở Olympic 2020.
Chia sẻ trên trang cá nhân, Ona Carbonell đã thừa nhận về tình cảnh khó khăn của mình. VĐV này cho biết: “Khi sinh ra Kai, tôi thấy nó khỏe mạnh. Vì vậy, tôi đã quyết định cùng các đồng đội tới tranh tài ở Olympic 2020.
Tôi đã hỏi rằng liệu mình có thể mang con trai tới Tokyo hay không thì họ nói không. Vài tuần trước, tôi cũng thấy một vài VĐV chia sẻ về tình huống khó khăn khi phải lựa chọn giữa việc cho con bú, hòa giải với gia đình và việc tham dự Olympic”.
Sau khi dòng chia sẻ của Ona Carbonell được đăng tải, cô đã nói chuyện với nhiều cơ quan khác nhau như Ủy ban Olympic Tây Ban Nha, Ủy ban Olympic thế giới… Họ đã xác nhận rằng cô có thể mang con tới Nhật Bản.
Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ, Chính phủ Nhật Bản kiểm soát khá gắt gao vấn đề nhập cảnh. Họ đã thiết lập quy trình “bong bóng an toàn”, tức là các VĐV sẽ di chuyển theo quá trình khép kín. Họ di chuyển từ sân bay, tới làng Olympic, rồi tới địa điểm thi đấu mà không được tiếp xúc với người khác.
Do đó, nếu như Ona Carbonell mang người thân (bạn trai và con trai) tới Olympic thì cũng phải theo quy trình này. Họ chỉ có thể ở trong khách sạn và không được phép ra ngoài.
Ona Carbonell là đội trưởng đội bơi nghệ thuật Tây Ban Nha. Cô mới trở lại tập luyện, chỉ 1,5 tháng sau khi sinh.
Nói thêm về vấn đề này, Ona Carbonell cho biết: “Điều kiện họ đưa ra là bạn trai và con trai tôi phải ở trong khách sạn. Họ không thể rời khỏi đó trong hơn 20 ngày mà tôi ở Tokyo. Để cho con bú, tôi phải di chuyển từ làng Olympic tới khách sạn. Tuy nhiên, điều này hết sức rủi ro bởi việc ra ngoài có thể khiến tôi tiếp xúc với người khác. Nó có thể khiến tôi có thể mắc Covid-19, ảnh hưởng tới người thân và các đồng đội của tôi”.
Do đó, cuối cùng, Ona Carbonell đã quyết định để con trai ở lại Tây Ban Nha. Những chia sẻ VĐV bơi nghệ thuật người Tây Ban Nha đã dấy lên sự tranh cãi. Nhiều VĐV khác như Smith Gaucher (VĐV bóng rổ người Canada) cũng thừa nhận về cái khó của mình khi cô cũng lâm vào tình cảnh tương tự.
Tuy nhiên, cũng có thể thông cảm với Ban tổ chức khi tình trạng dịch bệnh Covid-19 ở Tokyo đang vô cùng nguy hiểm. Trong một tuần qua, thành phố này đã chứng kiến 1100 ca dương tính với SARS-CoV-2.
Thậm chí, Trưởng ban tổ chức Olympic Tokyo 2020, ông Toshiro Muto đã tuyên bố trong cuộc họp vào ngày 20/7 không loại trừ việc hủy bỏ giải đấu này vào phút cuối nếu các trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 vẫn đang tăng đột biến.
Djokovic có ảo tưởng khi tham dự Olympic?
Với quyết định thi đấu ở Olympic Tokyo 2020, Novak Djokovic tỏ rõ tham vọng trở thành tay vợt vĩ đại nhất trong lịch sử.
Video đang HOT
Nếu Djokovic hoàn tất việc chinh phục Thế vận hội mùa hè 2020 và US Open (Mỹ mở rộng) trong năm nay, gần như không còn ai có thể tranh luận về sự vĩ đại của anh nữa.
Tuy nhiên, thử thách cho Djokovic trên đất Nhật sẽ cực lớn. Thậm chí, anh có thể mất cả chì lẫn chài nếu không duy trì được phong độ đỉnh cao từ đầu năm.
Nấc thang đến sự vĩ đại
Lịch sử quần vợt thế giới ghi nhận 4 tay vợt từng hoàn thành Golden Slam (vô địch 4 giải Grand Slam và huy chương vàng Olympic) ở nội dung đơn. Đó là Rafael Nadal, Andre Agassi, Serena Williams và Steffi Graf.
Trong số này, chỉ có một mình Steffi Graf giành Golden Slam trong một năm dương lịch (năm 1988). Giành Golden Slam đã khó, làm được chúng trong một năm dương lịch còn khó hơn.
Djokovic đã giành 3 danh hiệu Grand Slam kể từ đầu năm. Ảnh: Reuters.
Yahoo Sports bình luận cơ hội giành Golden Slam giống như tấm vé vàng của Willy Wonka trong bộ phim Charlie và nhà máy chocolate. Người ta sẵn sàng làm tất cả để đến thăm nhà máy của Wonka. Djokovic cũng thế.
Vào giữa tháng 7, Djokovic có danh hiệu Grand Slam lần thứ 20, sánh ngang thành tích của Federer và Nadal.
Federer sẽ bước sang tuổi 40 vào tháng 8 này. Hai năm qua, "Tàu tốc hành" chưa vào đến chung kết một Grand Slam nào, và người ta bắt đầu nói về khả năng anh nên giải nghệ.
Trong khi đó, Nadal chỉ hơn Djokovic một tuổi, nhưng người ta có cảm giác anh già hơn rất nhiều. Lối đánh dựa nhiều vào thể lực cùng các chấn thương đã tàn phá Nadal rất nhiều.
Nadal không dự Wimbledon. Tay vợt người Tây Ban Nha tiếp tục rút khỏi Olympic, giải đấu Federer cũng không tham dự.
Chỉ còn Djokovic, người đang băng băng tiến vào ngai vàng cho danh hiệu hay nhất mọi thời đại. Nole đã đứng ở vị trí số một thế giới trong 17 tháng qua. Anh thắng 34 trong 37 trận trong năm 2021, thâu tóm 3 danh hiệu Grand Slam (Australian Open, Roland Garros và Wimbledon) kể từ đầu năm.
Lần gần nhất có một tay vợt đạt thành tích như trên là Rod Laver, vào năm 1969. Laver từng giành 4 danh hiệu Grand Slam trong một năm, nhưng ông chưa bao giờ vô địch Olympic.
Giành cả 4 danh hiệu Grand Slam trong một năm dương lịch đã khó, để chinh phục nốt Thế vận hội mùa hè trong cùng năm còn khó hơn.
Djokovic rất tự tin, nhưng cũng đứng trước thử thách khó nhất lịch sử quần vợt, với những chướng ngại chưa tay vợt nào từng trải qua.
Steffi Graf là tay vợt duy nhất trên thế giới giành Golden Slam chỉ trong một năm. Ảnh: Kherl.
Thử thách thể chất và tâm lý
Nhiều chuyên gia bày tỏ sự nghi ngại khi Djokovic chọn thi đấu ở Olympic Tokyo. "Hãy bỏ qua Olympic, và Djokovic sẽ tăng cơ hội chinh phục thêm nhiều danh hiệu Grand Slam khác", Eurosport bình luận.
Pat Cash, cựu tay vợt từng đứng số 4 thế giới, đồng tình với quan điểm này. "Giành 4 Grand Slam trong một năm dương lịch đã là đỉnh cao của quần vợt", Cash phân tích trên LEquipe . "Không dễ để làm điều đó. Nếu Djokovic thi đấu thêm ở Olympic, mọi thứ sẽ khó khăn hơn".
Các quy định khắt khe của nước chủ nhà Nhật Bản khiến Olympic có thể trở thành ác mộng với nhiều tay vợt. Nội dung quần vợt sẽ tranh tài mà không có khán giả. Các tay vợt bị cách ly hoàn toàn, hạn chế tiếp xúc với người khác trong làng vận động viên. Họ sẽ bị kiểm tra sức khỏe liên tục.
"Thi đấu trong tình trạng cách ly tại Olympic có thể khiến bạn kiệt quệ về tinh thần", Denis Shapovalov nói về lý do bỏ Olympic. "Đó là trải nghiệm không dễ dàng cho bất cứ ai".
Shapovalov mới 22 tuổi và anh đã cảm thấy kiệt quệ về thể chất lẫn tinh thần sau nửa năm thi đấu liên tục. Không chỉ Nadal và Federer, nhiều tay vợt như Nick Kyrgios, Benoit Paire hay người vào chung kết Wimbledon 2021, Matteo Berrettini cũng rút lui khỏi Olympic 2020.
Trận chung kết nội dung quần vợt đơn nam Olympic sẽ diễn ra vào ngày 1/8, chỉ 8 ngày trước khi giải Master đầu tiên của mùa hè diễn ra tại Toronto. Một giải Master khác cũng diễn ra vào ngày 15/8. US Open khai mạc vào ngày 30/8.
Djokovic mới 3 lần vô địch US Open trong sự nghiệp. Hai lần gần nhất ở giải đấu trên đất Mỹ, tay vợt này đều bị loại sớm. Dominic Thiem, Stan Wawrinka hay Nadal đang nghỉ ngơi và sẽ chờ Djokovic ở giải Grand Slam cuối cùng trong năm.
Djokovic đối mặt với lịch trình di chuyển dày đặc cùng các quy định cách ly ngặt nghèo sau Olympic. Trên đất Nhật Bản, anh cũng không nhận được sự hỗ trợ trực tiếp từ các trợ lý hay HLV.
Trong quá khứ, Djokovic không có thành tích tốt ở Olympic. Năm 2008, anh giành huy chương đồng. Năm 2012, Djokovic thua trong trận tranh huy chương đồng. Năm 2016, anh thua trước Juan Martin del Potro ngay vòng đầu tiên.
Djokovic khóc sau khi thua Juan Martin del Potro ở vòng đầu tiên Olympic Rio 2016. Ảnh: Reuters.
Việc Olympic đổi từ thể thức thi đấu năm set sang ba ở Olympic cũng có thể gây khó cho Djokovic. Kể từ đầu năm, tay vợt người Serbia bất bại trong thể thức thi đấu 5 set. Nhưng với thể thức thi đấu 3 set, Djokovic không có nhiều cơ hội sửa sai nếu nhập cuộc kém.
Tại Roland Garros lẫn Wimbledon, người ta thấy Djokovic có khởi đầu chậm chạp như thế nào ở những trận quyết định.
Huy chương vàng Olympic luôn ám ảnh Djokovic. Anh không còn nhiều thời gian để hoàn tất bộ sưu tập của mình, bởi kỳ Thế vận hội mùa hè kế tiếp chỉ diễn ra sau 4 năm nữa.
"Tôi luôn cảm thấy tự hào khi đại diện cho Serbia ở Olympic", Djokovic lý giải về quyết định đến Tokyo. Đó cũng là một trong những lý do Djokovic quyết định thử thách bản thân.
HLV của Djokovic, Marian Vajda, nói ngay từ đầu mùa giải, tay vợt người Serbia đã lên kế hoạch vô địch tất cả giải đấu trong năm 2021.
Cho đến lúc này, mọi chuyện với Djokovic vẫn đang đi đúng hướng. Stefanos Tsitsipas, Alexander Zverev hay Daniil Medvedev là những đối thủ tiềm năng của Djokovic ở Tokyo.
Về lý thuyết, rất khó để các tay vợt kể trên cản Djokovic. Mats Wilander, tay vợt từng 7 lần vô địch Grand Slam thậm chí dự đoán Djokovic có thể dễ dàng giành Golden Slam trong năm nay.
"Tôi nghĩ anh ta đang ở trạng thái sung sức nhất", Wilander phân tích. "Trông Novak không giống người 34 tuổi, anh ta trông như mới hai mấy tuổi. Anh ta có thể kết thúc sự nghiệp vói 25 hoặc 26 Grand Slam".
Goran Ivanisevic, người cũng là thành viên trong đội ngũ huấn luyện của Djokovic, tin trở ngại lớn nhất của Nole lúc này là chính anh. "Cậu ấy chịu áp lực về sự hoàn hảo. Một cú đánh tốt với cậu ấy đôi khi là không đủ", Ivanisevic phân tích trên The Times . "Điều đó có thể tạo ra vấn đề".
Paul Annacone, HLV cũ của Federer, cũng đồng ý với quan điểm này. Ông thậm chí cho rằng áp lực quá lớn mà Nole tự tạo ra cho bản thân mình có thể phải khiến anh ấy trả giá.
"Cậu ta càng thắng nhiều, càng bị ám ảnh phải trở nên hoàn hảo", Annacone phân tích. "Cộng với áp lực bên ngoài, điều đó có thể phản tác dụng".
Djokovic có 2 bài học từ Serena Williams của năm 2015 và từ chính anh vào năm 2016.
New York năm 2015 chứng kiến Williams rất gần với việc giành 4 danh hiệu Grand Slam trong một năm. Cô đã giành 3 danh hiệu Grand Slam trước đó. Tay vợt người Mỹ cuối cùng thất bại ở bán kết US Open, trước đối thủ xếp hạng 43 thế giới Roberta Vinci.
Đó là cú sốc. "Tôi thấy một Serena Williams lo lắng, không còn là chính mình", Chris Evert, tay vợt từng 6 lần vô địch US Open khi đó nhận xét. "Cô ấy không chịu nổi áp lực. Cô ấy dẫu sao vẫn chỉ là con người".
Với Djokovic, sau thất bại ở vòng đầu tiên Olympic Rio 2016, anh rơi vào thất vọng tột cùng. Nole khóc trên đất Brazil. Djokovic từng thừa nhận với Andy Murray rằng nếu quay ngược thời gian, mình muốn sửa sai lầm trước Del Potro.
Sau thất bại ở Olympic Rio, Djokovic thua tiếp chung kết US Open. Thêm 2 thất bại liên tiếp ở giải Master Thượng Hải và Paris khiến Nole mất ngôi vị số một thế giới về tay Murray.
Djokovic đang đặt canh bạc lớn khi tham dự Olympic. Tất nhiên, rủi ro càng lớn, thì phần thưởng càng cao. Tham vọng là thứ Nole luôn có thừa. Sự nghiệp của anh được xây nên bằng những khát khao và tham vọng như thế.
Những bóng hồng đáng chờ đợi tại Olympic Tokyo 2020 Alica Schmidt của điền kinh Đức, Vivian Kong của Hong Kong (Trung Quốc) hay thần đồng Hend Zaza của Syria là những VĐV gây chú ý tại Olympic 2020 nhờ vẻ ngoài xinh xắn. Hend Zaza là vận động viên trẻ nhất thi đấu tại Thế vận hội 2020 khi mới 12 tuổi. Thần đồng bóng bàn Syria giành suất dự Olympic Tokyo...