Tranh cãi cấm xe khách vào nội đô TP.HCM
Lộ trình hạn chế các loại xe lớn vào trung tâm TP.HCM được Sở GTVT xây dựng để giải quyết triệt để nạn xe “dù”, bến “cóc”, giảm ùn tắc giao thông, song vẫn nhận về nhiều ý kiến trái chiều.
Cấm dần từ xe giường nằm đến xe trên 30 chỗ
Trong văn bản vừa gửi xin ý kiến Ủy ban MTTQ VN TP.HCM về phương án tổ chức giao thông đối với phương tiện xe khách trên địa bàn TP, Sở GTVT TP.HCM nêu 2 phương án tổ chức quản lý, kiểm soát hoạt động phương tiện vận tải hành khách (VTHK) có kích thước lớn.
Một xe khách đón trả khách tại bến cóc trên đường Điện Biên Phủ, Q. Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh NGUYỄN TIẾN
Cụ thể, theo phương án 1, từ năm 2022 – 2025, TP sẽ hạn chế các loại xe khách giường nằm lưu thông vào khu vực nội đô từ 6 – 22 giờ hằng ngày, giai đoạn 2 từ năm 2025 – 2030 hạn chế tiếp các loại xe khách trên 30 chỗ (trừ xe buýt, xe phục vụ đám tang, xe công vụ, các xe du lịch được cấp phù hiệu riêng khi TP ban hành). Khu vực hạn chế được giới hạn theo hành lang của Quyết định 23/2018/QĐ-UBND. Theo đó, các loại phương tiện này chỉ được phép di chuyển theo lộ trình QL1 (TP.Thủ Đức, Q.12, Q.Bình Tân, H.Bình Chánh) – Nguyễn Văn Linh (H.Bình Chánh, Q.7) – Võ Chí Công (TP.Thủ Đức) – Đồng Văn Cống (TP.Thủ Đức) – Mai Chí Thọ (TP.Thủ Đức) – Xa lộ Hà Nội (TP.Thủ Đức). Với phương án 2, khung giờ cấm và hành lang hạn chế tương tự phương án 1, song đối tượng hạn chế là xe khách trên 16 chỗ.
Đại diện Sở GTVT cho biết, hiện nay số lượng phương tiện hằng năm tại TP.HCM tăng bình quân trên 8%, trong đó TP đang quản lý hơn 8,4 triệu phương tiện, chưa kể phương tiện các tỉnh lưu thông vào, gây áp lực lớn cho cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ bởi tốc độ đáp ứng về hạ tầng hằng năm rất hạn chế, chỉ khoảng 2%/năm. Xe khách lưu thông từ các tỉnh, TP khác vào TP.HCM có tính chất kinh doanh VTHK theo tuyến cố định nhưng không vào 6 bến xe của TP mà chuyển đổi dưới hình thức kinh doanh vận tải theo hợp đồng để lưu thông vào khu vực trung tâm, gây khó khăn cho các đơn vị xử lý vi phạm, đặc biệt đối với các loại xe giường nằm.
Thống kê của Thanh tra Sở GTVT năm 2020 chỉ ra trên địa bàn TP tồn tại 107 điểm có tổ chức đón, trả khách trước trụ sở hoặc trong khuôn viên trụ sở, bãi xe… có khả năng trở thành các điểm đón khách trong khu vực trung tâm, thu hút lượng xe chạy tuyến cố định lưu thông sai quy định. Do đó, 2 phương án kiểm soát nêu trên sẽ giúp giảm diện tích chiếm dụng mặt đường và tăng vận tốc lưu thông bình quân của các xe so với hiện nay, đảm bảo mỹ quan đô thị khu vực trung tâm. Đồng thời, hạn chế được xe dù, bến cóc vào nội đô…
Video đang HOT
“Tuy nhiên, phương án 2 sẽ tác động đến tình hình kinh tế – xã hội lớn hơn, cũng như đến hoạt động phần lớn các doanh nghiệp (DN) VTHK trên địa bàn TP nên Sở đề xuất lựa chọn phương án 1. Như vậy, trong giai đoạn 1 vẫn có thể tạo điều kiện cho xe khách sử dụng ghế ngồi vận chuyển học sinh, sinh viên, công nhân, khách du lịch, hợp đồng và giai đoạn 2 vẫn tạo điều kiện cho xe khách dưới 30 chỗ lưu thông vào trung tâm TP”, đại diện Sở GTVT thông tin.
Không quản được nên cấm hết?
Đây không phải lần đầu tiên TP.HCM áp dụng các biện pháp hạn chế hoạt động của xe khách. Trước đó, TP cũng đã ban hành quy định cấm xe khách trên 25 chỗ trong khoảng thời gian từ 6 – 22 giờ trên các tuyến đường tại Q.10 như Lê Hồng Phong, Trần Nhân Tôn, Vĩnh Viễn… và cấm xe khách trên 30 chỗ lưu thông trên đường Nguyễn Trãi (Q.5)… Việc hạn chế xe khách giường nằm vào nội đô cũng đã được nêu ra lấy ý kiến từ 2018 nhưng không khả thi do lo ngại ảnh hưởng đến hoạt động của các DN du lịch.
Ủng hộ đề xuất của Sở GTVT TP, ông Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM, cho rằng cần thiết cấm xe giường nằm lưu thông tràn lan trên các tuyến đường bởi đây là phương tiện có kích thước lớn, trọng tải lớn, không chỉ tăng áp lực giao thông, tăng ùn tắc giao thông mà còn gây mất mỹ quan đô thị. Cùng với lộ trình hạn chế xe cá nhân lưu thông vào nội đô, tăng diện tích cho các phương tiện giao thông công cộng, dần dần sẽ phải hạn chế thêm nhiều loại hình phương tiện phục vụ nhu cầu di chuyển cá nhân chiếm dụng nhiều diện tích đường lưu thông vào khu trung tâm.
Trong khi đó, PGS-TS Phạm Xuân Mai, thành viên Hội đồng tư vấn giao thông đô thị TP.HCM, nhận định đề xuất của Sở GTVT là không hợp lý. Theo ông, luật GTVT đã quy định có 5 loại hình VTHK gồm xe chạy theo tuyến cố định, xe buýt nội đô, xe taxi, VTHK theo hợp đồng, và vận tải khách du lịch bằng ô tô. Trong đó, các xe chạy tuyến cố định bắt buộc phải đón/trả khách tại bến, sau đó hành khách đi đâu sẽ có hệ thống giao thông công cộng hoặc phương tiện cá nhân giải quyết. Xe VTHK theo hợp đồng ở đây thường là các xe chở công nhân, học sinh, sinh viên, được thực hiện theo hợp đồng vận tải bằng văn bản giữa đơn vị kinh doanh vận tải và người thuê vận tải. Lái xe phải mang theo bản chính hoặc bản sao hợp đồng vận tải và danh sách hành khách có xác nhận của đơn vị vận tải (trừ xe phục vụ đám tang, đám cưới). Đối với xe du lịch, được thực hiện theo chương trình và phải có hợp đồng vận tải khách du lịch bằng văn bản giữa đơn vị kinh doanh vận tải và đơn vị kinh doanh du lịch hoặc lữ hành. Loại hình này không thể ngăn cản, bởi du khách phải được hưởng quyền lợi đưa đón tới tận nơi lưu trú hoặc điểm tham quan theo đúng hợp đồng đã ký với công ty du lịch. Ngay cả các TP lớn trên thế giới cũng không thể cấm loại hình vận tải này.
“Hành lang pháp lý đã có đầy đủ, các đối tượng đáng bị cấm cũng đã bị cấm, TP không quản được nên “đẻ” thêm quy định cấm chung các loại phương tiện thì sẽ ảnh hưởng lây tới các xe hợp đồng du lịch, xe hợp đồng đưa đón công nhân, các đơn vị làm đúng. Vậy nên thay vì cấm, Sở GTVT phải rà soát lại và xử lý các loại xe không có hợp đồng hoặc biến tướng hợp đồng bằng cách phối hợp với Sở Du lịch, Thanh tra giao thông… Đồng thời, kiểm soát kỹ các khu vực xuống khách của các loại xe có hợp đồng bằng lực lượng thanh tra giao thông. Làm mạnh tay với xe “dù”, bến “cóc”, giải quyết được bài toán kết nối giao thông tới các bến xe đầu mối thì hoạt động của các loại hình VTHK trong nội đô sẽ tự ổn định”, PGS-TS Phạm Xuân Mai nhấn mạnh.
Xe “dù”, bến “cóc” xuất hiện là do xe chạy tuyến cố định vi phạm quy định, không đón/trả khách tại bến hoặc là do xe khách “giả mạo” xe hợp đồng, xe du lịch chui. Những loại hình này vốn đã bị cấm lưu thông vào nội đô nhưng do quản lý lỏng lẻo, chưa xử phạt nghiêm và không loại trừ có “móc nối”, lợi ích nhóm giữa các bên nên mới hoành hành nhiều năm không dẹp được tận gốc.
PGS-TS Phạm Xuân Mai, thành viên Hội đồng tư vấn giao thông đô thị TP.HCM
Cước vận tải bắt đầu hạ nhiệt theo giá xăng
Ba lần giảm liên tiếp với mức giảm tổng cộng gần 7.000 đồng, tương đương hơn 20%, đà lao dốc của giá xăng dầu đang kéo giá cước vận tải hạ nhiệt.
Vận tải hàng hóa giảm gần 20%
Là ngành chịu tác động trực tiếp từ bão giá xăng dầu, cũng là "trung gian" kéo giá của hầu hết các ngành sản xuất, kinh doanh khác tăng cao, vận tải là ngành được trông chờ "động đậy" đầu tiên khi giá xăng dầu giảm mạnh.
Ông T.L, đại diện một doanh nghiệp (DN) vận tải hàng hóa có trụ sở tại Q.7 (TP.HCM), cho biết có 2 hình thức ký kết hợp đồng giữa các DN vận tải và phía chủ hàng: dạng ký hợp đồng có kỳ hạn cố định theo tháng/quý và dạng hợp đồng có điều chỉnh giá khi có biến động giá xăng dầu. Đối với dạng hợp đồng thứ hai, giá cước có thể tự động thay đổi 1 - 3 lần trong 1 tháng, tùy theo diễn tiến lên/xuống của giá dầu. Trường hợp này, biến động của giá xăng dầu chủ yếu tác động đến giá thành sản phẩm và đối tượng bị ảnh hưởng hay được hưởng lợi là người tiêu dùng, DN vận tải ít chịu tác động. Hiện nay, các đơn vị vận tải ký hợp đồng loại này hầu hết đã giảm cước vận tải xuống khoảng 10 - 15%. Đơn cử, một chuyến hàng chạy chặng TP.HCM - Bình Dương trước đây tốn 1 triệu đồng cho chi phí nhiên liệu, giai đoạn vừa rồi tăng thêm 300.000 - 400.000 đồng nhưng nay đã giảm xuống còn khoảng 1,1 triệu đồng tiền dầu, tức tương đương mức giá hồi đầu năm.
Giá vận tải hàng hóa đang giảm mạnh. Ảnh NHẬT THỊNH
Tuy nhiên, với những đơn vị ký hợp đồng theo dạng có kỳ hạn cố định thì khi thị trường có biến động sẽ phải làm công văn đề nghị điều chỉnh giá với chủ hàng. "Trường hợp này thường xảy ra tình trạng khi giá dầu giảm thì chủ hàng đòi giảm cước ngay nhưng khi giá dầu tăng, chủ hàng chần chừ không chịu tăng cước. Vì thế, giai đoạn vừa rồi có rất nhiều DN phải gồng mình gánh giá xăng hoặc có tăng cước cũng chỉ tăng rất ít không đáng kể. Với những đối tượng như thế thì sẽ khó giảm giá cước ngay thời điểm này", ông T.L nói.
Ông Nguyễn Thế Dũng, Giám đốc Công ty vận tải Quang Trung, thông tin DN này đã điều chỉnh giảm giá cước 2 lần trong tháng và đến nay, tổng mức giảm đã gần 20%. Việc điều chỉnh giá cước, theo ông Dũng, nhằm góp sức cùng hạ nhiệt giá cả hàng hóa trên thị trường, còn nếu xét về hoạt động của DN vận tải thì vô cùng khó khăn.
"Bản chất DN vận tải vẫn chỉ là đơn vị trung gian đi làm thuê nên đúng ra khi giá đầu vào cao, giá cước - đầu ra - cũng phải tăng theo nhưng vì các DN khó khăn nên ép giá cước không được tăng. Bây giờ, khi giá xăng dầu giảm, DN dễ thở hơn một chút về đầu vào thì nguồn cung lại quá dư thừa, trong khi cầu khan hiếm, nguồn hàng hóa ít nên DN buộc phải giảm giá để cạnh tranh. Cứ như vậy, thị trường vận tải hàng hóa hiện gần như đang giãy chết", ông Dũng nói.
Xe khách, taxi vẫn nghe ngóng
Trong khi vận tải hàng hóa đã lập tức giảm cước thì các DN vận tải hành khách vẫn đang có độ trễ. Đặt chuyến xe từ TP.Vũng Tàu về Q.1 (TP.HCM) chiều qua 25.7, chị Khánh Linh (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) được nhà xe báo giá 160.000 đồng cho xe 16 chỗ ghế thường và 230.000 đồng cho xe limousine. Lần gần nhất di chuyển trên tuyến này vào cuối năm ngoái với giá 140.000 đồng/vé trên xe ghế thường, chị Linh hỏi lại thì được nhân viên bán vé thông tin do xăng dầu tăng quá cao nên nhà xe này đã phải điều chỉnh giá cước mới. Đến nay, mặc dù giá xăng đã trải qua kỳ điều chỉnh giảm lần thứ 3 liên tiếp với mức giảm mạnh gần 7.000 đồng, nhưng nhân viên của hãng cho biết vẫn chưa nắm kế hoạch giảm giá vé của công ty.
Theo Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu trong nước liên tục tăng cao theo giá nhiên liệu thế giới; giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển là những nguyên nhân chủ yếu làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6.2022 tăng 0,69% so với tháng trước; tăng 3,18% so với tháng 12.2021 và tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân quý 2/2022 tăng 2,96% so với quý 2/2021. Bình quân 6 tháng đầu năm, CPI tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,25%.
Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM, cho biết về nguyên tắc, chắc chắn xăng dầu giảm mạnh thì giá cước vận tải sẽ giảm tương ứng. Đối với các DN chạy xe hợp đồng thuê nguyên chuyến chạy từng cuốc, giá cước có thể được điều chỉnh giảm ngay tùy vào thỏa thuận giữa nhà xe và khách hàng. Tuy nhiên, đối với các xe chạy tuyến cố định, chạy liên tỉnh thuộc đối tượng phải kê khai và niêm yết giá thì khi muốn điều chỉnh tăng/giảm giá vé, DN phải tự kê khai, gửi hồ sơ đến Sở Tài chính, Sở GTVT; khi hồ sơ hoàn tất, DN gửi cho bến xe để hỗ trợ niêm yết, công khai. Vì thế, trước mỗi kỳ biến động giá nhiên liệu, nhà xe sẽ phải nghe ngóng thêm để đánh giá xu hướng biến động và cung - cầu của thị trường rồi mới quyết định điều chỉnh giá cước.
"Cước vận tải hành khách chắc chắn sẽ giảm nhưng phải có độ trễ 1 - 2 tuần và mức độ giảm bao nhiêu cũng phải tùy thuộc vào thực tế thị trường. Cầu ít, cung nhiều thì có khi tỷ lệ giảm còn mạnh hơn giá xăng, tuy nhiên nếu cầu nhiều, cung ít thì mức giảm sẽ ít hơn", ông Tính thông tin.
Tương tự, các loại hình xe taxi, xe công nghệ vẫn chưa có tín hiệu điều chỉnh giá cước. Ông Tạ Long Hỷ, Tổng giám đốc hãng taxi Vinasun, lý giải Vinasun đã chuẩn bị sẵn kế hoạch giảm giá cước, song vẫn cần thêm thời gian để nhận định xu hướng giá xăng dầu trong kỳ tới. Theo ông Hỷ, đặc thù của taxi khi điều chỉnh giá cước phải theo đúng quy trình. Không chỉ phải kê khai, đăng ký giá với cơ quan quản lý mà DN còn phải đưa hàng ngàn xe đi xếp hàng chờ lập trình lại đồng hồ. Mỗi lần như vậy, DN sẽ tốn thêm rất nhiều chi phí và bản thân các tài xế cũng phải mất cả ngày chạy xe để hoàn tất hết thủ tục lập trình. Chưa kể, giai đoạn vừa rồi giá nhiên liệu tăng mạnh liên tục, kéo dài nhưng các hãng taxi chỉ giảm nhích giá lên cầm chừng để giữ chân hành khách. Xăng tăng 5 - 6 lần nhưng giá cước chỉ tăng nhẹ 1 lần.
"Vì thế, dù đã sẵn sàng kế hoạch nhưng vẫn phải tính toán thật kỹ, cân nhắc đợt tới như thế nào mới quyết có nên điều chỉnh giá không. Thực tế thì chi phí mỗi lần như vậy rất tốn kém nên các DN không muốn tăng, cũng không muốn giảm giá cước. Chúng tôi chỉ mong giá nhiên liệu ổn định để hoạt động kinh doanh của DN dễ thở hơn", vị này chia sẻ.
Theo các chuyên gia, việc hạ giá cước theo xăng cần phải được thực hiện sớm để từ đó, giá hàng hóa có cơ sở để giảm xuống, áp lực chi tiêu của người dân sẽ đỡ hơn, áp lực lạm phát cũng được giải tỏa.
An Giang: Xe khách va chạm xe tải biển số quân sự Công an H.Châu Thành (An Giang) đang phối hợp cơ quan chức năng làm rõ vụ tai nạn giữa xe khách của nhà xe Huệ Nghĩa với một xe tải biển số quân sự. Chiều 13.7, tin từ Ban An toàn giao thông tỉnh An Giang cho biết, trên tỉnh lộ ĐT.941, đoạn thuộc xã Cần Đăng, H.Châu Thành vừa xảy ra vụ...