Tranh cãi Ấn Độ – Pakistan nổi lên giữa đại dịch Covid-19
Sự thờ ơ của Pakistan trước các nỗ lực của cả khu vực Nam Á nhằm hợp tác ngăn chặn đại dịch Covid-19 được cho là mang nhiều ý nghĩa chính trị.
Hai quốc gia láng giềng: Ấn Độ và Pakistan đang có những lời qua tiếng lại về việc tham gia vào Quỹ ứng phó khẩn cấp với đại dịch Covid-19 của khu vực Nam Á. Một sáng kiến nhằm thúc đẩy hợp tác để sớm đẩy lùi dịch bệnh lại đang bị chính trị hóa, ảnh hưởng lâu dài tới sự đoàn kết khu vực.
Sau rất nhiều chờ đợi, Pakistan ngày 9/4 cuối cùng đã đưa ra cam kết đóng góp 3 triệu USD vào Quỹ Ứng phó khẩn cấp đại dịch Covid-19 của Hiệp hội Hợp tác khu vực Nam Á (SAARC). Quỹ này là một sáng kiến do thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đưa ra hôm 16/3 trong cuộc họp trực tuyến với nguyên thủ các nước thành viên SAARC. Theo đó, các thành viên của SAARC sẽ lập ra một quỹ ứng phó với Covid-19 của khu vực nhằm giúp các nước xử lý dịch bệnh khẩn cấp. Các khoản đóng góp vào quỹ sẽ trên tinh thần tự nguyện.
Tthủ tướng Pakistan Imran Khan. Ảnh: Getty.
Video đang HOT
Ngay từ đầu, Ấn Độ cam kết dành 10 triệu USD cho sáng kiến này. Ấn Độ cũng đề xuất lập ra các đội ứng phó khẩn cấp, gồm các y bác sĩ, chuyên gia và thiết bị xét nghiệm để có thể triển khai ngay tại các nước trong Hiệp hội trong trường hợp dịch bùng phát nhanh. Nước này cũng sẵn sàng tổ chức các lớp đào tạo trực tuyến để phổ biến kỹ thuật thực hành đối phó với Covid-19 cho các nước láng giềng. Bên cạnh đó, New Delhi cũng đề xuất xây dựng Bộ quy tắc đối phó với đại dịch cho cả SAARC để có thể sử dụng chung tại 8 nước thành viên. Ngay sau cuộc họp trực tuyến này, tất cả các nước trong Tổ chức Hợp tác khu vực Nam Á đã lần lượt đưa ra cam kết đóng góp của mình vào nỗ lực chung.
Tuy nhiên, riêng Pakistan lại im lặng trước đề xuất của Ấn Độ trong suốt hơn 3 tuần qua. Bản thân Thủ tướng Pakistan Imran Khan đã không tham dự cuộc họp trực tuyến với nguyên thủ các nước khác hôm 16/3, mà ủy quyền cho Trợ lý đặc biệt về Y tế Zafar Mirza tham dự sự kiện này. Tiếp đó, hôm 8/4, Pakistan tiếp tục từ chối tham gia cuộc họp trực tuyến của các quan chức Thương mại cấp cao của Hiệp hội Hợp tác khu vực Nam Á bàn về các giải pháp cho khu vực sau dịch Covid. Lý do mà Islamabad đưa ra là sự kiện này không phải do Ban thư ký SAARC đứng ra tổ chức. Vì vậy, nước này không muốn tham gia.
Sự thờ ơ của Pakistan trước các nỗ lực của cả khu vực Nam Á nhằm hợp tác ngăn chặn đại dịch Covid-19 được cho là mang nhiều ý nghĩa chính trị. Chính quyền của thủ tướng Imran Khan có lẽ không cảm thấy hài lòng khi nỗ lực của khu vực này do Ấn Độ khởi xướng và dẫn dắt. Những xung đột và tranh chấp giữa hai quốc gia này liên quan tới vùng lãnh thổ Kashmir được cho là nguyên nhân dẫn tới thái độ thờ ơ này. Trong một phản ứng ngay sau khi Pakistan đưa ra cam kết đóng góp 3 triệu USD, Chính phủ Ấn Độ hoan nghênh ‘cam kết ban đầu’ của các quốc gia thành viên, đồng thời nhấn mạnh thái độ của mỗi nước sẽ cho thấy ‘mức độ nghiêm túc’ của từng thành viên.
Dư luận khu vực cho rằng, thái độ của Pakistan trong nỗ lực hợp tác nhằm đối phó với một thảm họa toàn cầu như đại dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng các hành động cụ thể của khu vực Nam Á. Nó cũng cho thấy những mâu thuẫn giữa hai nước láng giềng Ấn Độ và Pakistan vẫn đang chi phối và làm giảm hiệu quả của cơ chế hợp tác khu vực này vào thời điểm ‘nước sôi lửa bỏng’./.
Phan Tùng
Kỳ họp 74 ĐHĐ LHQ: Ấn Độ và Pakistan nêu vấn đề Kashmir
Trong khuôn khổ kỳ họp lần thứ 74 Đại Hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) tại New York, Mỹ, dự kiến, ngày 27/9, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Pakistan Imran Khan sẽ có bài phát biểu về tình hình tại vùng lãnh thổ tranh chấp Kashmir.
Thủ tướng Pakistan Imran Khan (phải) và người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi (trái). Ảnh: newsleakcentre.com
Trước đó, lực lượng an ninh tại vùng lãnh thổ Kashmir do Ấn Độ kiểm soát đã tăng cường các biện pháp hạn chế mới trong khu vực do lo ngại các cuộc biểu tình nổ ra nhân sự kiện này.
Theo hãng tin AFP (Pháp), các hàng rào dây thép gai và những khối bê tông được dựng lên tại nhiều địa điểm ở Srinagar và nhiều thị trấn khác trong vùng lãnh thổ có đa số người dân theo đạo Hồi và đang là điểm nóng tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan. Một sĩ quan cảnh sát cho biết giới chức lo ngại các cuộc biểu tình quy mô lớn có thể xảy ra khi các tín đồ Hồi giáo đi cầu nguyện ngày lễ thứ Sáu hằng tuần. Các biện pháp hạn chế tương tự cũng được áp dụng tại các thị trấn và khu vực khác. Lực lượng an ninh được điều động canh gác tại các tuyến phố sau khi có các chỉ thị ngăn chặn mọi cuộc biểu tình ở nơi công cộng. Binh lính cũng được huy động canh gác bên ngoài đền thờ Hồi giáo chính Jama Masjid ở Srinagar, nơi có hàng chục nghìn người tập trung cầu nguyện vào thứ Sáu hằng tuần trước khi đền thờ bị đóng cửa theo lệnh hạn chế của Chính phủ Ấn Độ áp dụng từ tháng 8 vừa qua. Các trường học, cửa hàng và nhiều cơ sở kinh doanh cũng trong tình trạng tương tự. Tuyến phố kinh doanh chính tại Srinagar cũng vắng vẻ và có binh lính gác chặn tại lối vào của khu vực.
Tình hình tại Kashmir nóng trở lại sau khi ngày 5/8, Chính phủ Ấn Độ công bố sắc lệnh bãi bỏ Điều 370 trong Hiến pháp quy định quy chế đặc biệt đối với bang Jammu và Kashmir, đồng thời trình dự luật tách bang này thành hai vùng lãnh thổ liên bang gồm Ladakh cùng Jammu và Kashmir, viện dẫn các hoạt động khủng bố xuyên biên giới trong bang Jammu và Kashmir. Cũng từ tháng 8, nhà chức trách Ấn Độ đã áp đặt một số biện pháp hạn chế di chuyển, cắt mọi thông tin liên lạc và bắt giữ hàng nghìn người tại khu vực trên. Pakistan đã phản đối quyết định trên của Chính phủ Ấn Độ, đồng thời cho biết sẽ trình lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bản kiến nghị chỉ trích Ấn Độ vì quyết định bãi bỏ quy chế đặc biệt của vùng lãnh thổ Kashmir do New Delhi kiểm soát.
Kashmir là vùng lãnh thổ có đa số người theo đạo Hồi sinh sống. Hiện Kashmir được chia thành hai phần do Ấn Độ và Pakistan quản lý, song hai nước đều nhận chủ quyền đối với toàn bộ vùng lãnh thổ này. Bất chấp thỏa thuận đạt được năm 2003 về tuân thủ lệnh ngừng bắn, giao tranh vẫn xảy ra giữa binh sĩ hai bên tại ranh giới phân chia Kashmir.
Theo Lê Ánh (TTXVN)
Các nước Nam Á bàn chiến lược chung đối phó với dịch COVID-19 Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhấn mạnh, mặc dù tổng số ca nhiễm bệnh được báo cáo ở khu vực Nam Á là chưa tới 200 trường hợp, song các quốc gia cần duy trì cảnh giác. Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Bangalore, Ấn Độ, ngày 11/3 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN) Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi...