“Trắng trường” tại các khu đô thị: Trách nhiệm bị… bỏ hoang
Để thiết kế được phê duyệt, dự án khởi động, khu đô thị mới nào cũng có quy hoạch trường lớp, hạ tầng đồng bộ. Nhưng khi hồ sơ hoàn tất, các khu nhà cao tầng mọc lên nhanh chóng chỉ có đất xây trường bị bỏ hoang vì chủ đầu tư không mặn mà.
Đất xây trường “treo” vô thời hạn
Vất vả với việc khu đô thị thiếu trường, nhiều bậc phụ huynh ở Khu đô thị Định Công tỏ ra rất bức xúc bởi đáng ra họ không phải lo tính về vấn đề này.
Bản thiết kế được duyệt của khu đô thị này có đầy đủ các hạng mục như trường học, bệnh viện, khu vui chơi công cộng… Tuy nhiên, suốt 4 năm người dân chuyển đến đây sinh sống chỉ thấy đất chia thành lô, nhà cao tầng mọc lên mà trường lớp thì vẫn “im hơi lặng tiếng”.
Chị Nguyễn Ngọc Bích (phòng 608) Nơ 14A chỉ 2 khu đất còn trống ngay phía sau khu nhà mình cho biết, theo thiết kế đó là khu đất xây dựng nhà trẻ và 1 trường phổ thông. Nhưng nhiều năm qua, hai khu đất vẫn cứ bỏ hoang mãi.
Khu đất quy hoạch để xây trường học trong KĐT mới Định Công quây tôn để đấy cả năm qua.
Dân ý kiến, đơn từ nhiều, hai khu đất hoang mà người dân tận dụng chia nhau trồng rau ăn mới được quây kín tôn, chủ đầu tư hứa xúc tiến việc xây trường nhưng hơn nửa năm nay, “quây tôn” vẫn chỉ là động thái duy nhất.
Bác Lê Nguyên Minh, tổ trưởng dân phố số 27B, Nơ 14A, Khu đô thị Định Công cho biết, nhà 14A có hơn 60 cháu trong độ tuổi mẫu giáo, phổ thông. Hầu hết các gia đình, bố mẹ đều là công nhân, đã “hưu non” theo chế độ 176, thuộc diện dân giải toả nút giao thông Ngã tư Sở chuyển về, không lương bổng, nghề nghiệp ổn định nên ai cũng lâm vào cảnh khó khăn vì lo chỗ học cho con.
Dân ở 7 khu nhà cao tầng trong khu đô thị đã nhiều lần làm đơn thư kiến nghị khi phát hiện khu đất gần chợ vốn thiết kế để xây trường bỗng bị “chuyển mục đích”, xây nhà cao tầng để bán nhưng chưa có kết quả.
Từ ban công nhà mình, bà mẹ trẻ ở căn hộ số 508 CT3 Khu đô thị Linh Đàm chỉ khu đất cỏ mọc tới lưng hàng rào tôn quây, lọt thỏm giữa những lô nhà biệt thự, chung cư cao tầng cho biết, theo thiết kế, đây là khu vực quy hoạch để xây trường học phục vụ dân trong khu đô thị nhưng đến nay vẫn chỉ thấy… cỏ.
Bao nhiêu hộ dân có điều kiện cho con em theo học khi trường quốc tế Bill Gates được xây ở Linh Đàm?
Khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên của Hà Nội được phê duyệt năm 1997. Năm 2002, nhiều khu nhà đã hoàn thành, bán ra và dân cư bắt đầu “xôm tụ”. Nhưng đến giờ, khi diện tích nhà ở đã được lấp đầy thì khu đất xây trường vẫn trống trơn.
Năm ngoái, trước áp lực của dư luận, khu đất được rào lại, trưng biển xây trường học nhưng không mấy người dân thật lòng mừng với thông tin ấy. Ngôi trường tương lai mang cái tên tây, trường Quốc tế Bill Gates. “Lại một trường tư dành cho con nhà giàu”, chị Trịnh Thị Lan, phòng 507 CT3 thở dài.
Video đang HOT
Khu đô thị học ké… trường làng
Cô giáo Trịnh Linh Chi, Hiệu trưởng trường tiểu học Định Công cho biết, từ trước tới nay, trường chủ yếu tiếp nhận học sinh thuộc khu dân cư cũ: làng Định Công. Mùa tuyển sinh năm nay, số lượng tăng đột biến hơn 100 trường hợp.
Cô Chi cho biết, trường đang xây thêm 1 toà nhà 3 tầng để có thể tiếp nhận thêm nhiều học sinh vào năm học tới. “Tuy nhiên, không thể đáp ứng nhu cầu của cả khu đô thị mới”, cô Chi nói.
Phó Chủ tịch UBND phường Đại Kim, Phạm Đình Vinh khái quát cả khu vực dân cư cũ và dân ở 2 khu đô thị mới: Đại Kim – Định Công, Linh Đàm có 2 trường tiểu học, 1 trường cấp II, đều kế thừa cơ sở “trường làng”, phục vụ nhu cầu khu vực dân cư cũ.
Thống kê, dân số trong phường vào khoảng 25.000 nhân khẩu, trong đó 45% là dân thuộc các khu đô thị mới. Cơ sở trường lớp hiện tại thiếu nhiều so với nhu cầu, căng nhất là bậc tiểu học.
Cả khu dân cư bắc Linh Đàm hiện mới chỉ có 1 trường tiểu học Đại Từ dùng chung với khu vực dân cư cũ bờ nam sông Tô Lịch, số lớp ít, mặt bằng nhỏ hẹp. Dự án Khu đô thị Đại Kim – Định Công cũng có quy hoạch khu vực xây dựng trường nhưng đến giờ vẫn chưa khởi động.
Ít nhất 2 năm nữa khu Trung Hoà – Nhân Chính mới có trường học phục vụ dân khu đô thị.
Đánh giá chung, ông Vinh xác nhận, các dự án trường học cơ sở cho dân khu đô thị xây dựng chậm, yếu. Cả Khu đô thị như Linh Đàm thiết kế cho hàng nghìn hộ dân nhưng khi hoàn thiện, dân đến ở mới thấy sự bất cập vì thiếu trường thiếu lớp.
Ông Vinh “than” nỗi khó vì vấn đề quy hoạch, trong đó phương án xây dựng trường học tại các khu đô thị mới thuộc thẩm quyền của thành phố còn phường, thậm chí cả quận cũng không nắm, không quản lý được chủ đầu tư.
Ông Đỗ Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Từ Liêm nêu con số hơn chục khu đô thị mới trên địa bàn huyện đã được cấp phép xây dựng. Tất cả các dự án khu đô thị này đều do thành phố duyệt, huyện chỉ nhận bàn giao và quản lý. Tuy nhiên, đến giờ này, huyện mới chỉ nhận bàn giao, quản lý Khu đô thị Mỹ Đình 2.
Ông Tuấn cho biết thêm, trong quy hoạch chi tiết của các khu đô thị này khi được duyệt đều có quỹ đất dành cho việc xây dựng các trường học. Tuy nhiên, việc xây dựng trường công lập hay dân lập lại do thành phố quyết định.
Tại Khu đô thị Mỹ Đình 2 mà huyện Từ Liêm đã nhận bàn giao, hầu hết các trường học ở đây đều là trường dân lập, có chất lượng giảng dạy tốt dù chi phí không phải là rẻ. Rất nhiều hộ gia đình trong các khu đô thị phần nhiều chọn trường tư vì vướng mắc một số vấn đề trong việc chuyển hộ khẩu từ nơi ở cũ đến đây. Muốn con cái học đúng tuyến thì phải học ở trường cũ, có khi rất xa nơi ở mới.
Phương Thảo – Tiến Nguyên
Khu đô thị "trắng trường", khổ đổ đầu dân tái định cư
(Dân trí) - Những khu dân cư văn minh, hiện đại, dân trí và kiểu mẫu sống cùng nỗi khổ thiếu trường học cho con trẻ. Người có tiền không khó xoay nhưng con em vẫn vất vả còn dân tái định cư, điều kiện hạn chế thì chóng mặt, đau đầu với cuộc chạy đua trường lớp...
Con trẻ áp lực, gia đình "chạy đua"
Tháng 7/2009, Khu đô thị Linh Đàm được thành phố gắn biển "Công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội", Bộ Xây dựng công nhận là KĐT kiểu mẫu với 4.000 căn nhà, trong đó có hơn 3.150 căn hộ chung cư cao tầng. Đủ các tiêu chí được nêu ra nhưng toàn khu vực vẫn "trắng" trường bậc tiểu học, phổ thông.
Hộ gia đình phòng 508 CT3 có một cháu học tiểu học. Không có lựa chọn nào về trường lớp trong khu vực, phụ huynh nhắm hẳn trường có tiếng ở Hà Nội - trường Lê Quý Đôn. Học phí, tiền ăn, xe đưa đón... cộng các khoản là ngót 4 triệu đồng/tháng, một mức chi không mấy gia đình công nhân viên chức chịu được.
Cả khu đô thị hàng trăm hecta, hàng chục nghìn dân vẫn khó kiếm chỗ học, chỗ chơi cho trẻ.
Nhưng chi nhiều không có nghĩa giải quyết được tất cả vấn đề. Trường Lê Quý Đôn ở khu Mỹ Đình, cách Linh Đàm hơn chục cây số. Hè cũng như đông, cậu bé 7 tuổi sáng nào cũng như cuộc đánh vật với bố mẹ từ 6h kém, vội vã chuẩn bị xuống đường chờ xe qua đón lúc 6h30 để đến trường, ngày nào cũng gần 2 tiếng đồng hồ bị quần trên xe. Gia đình cũng chẳng vì vậy mà an tâm hơn.
"Hôm Hà Nội mưa lụt năm ngoái, nửa ngày trời không biết được con đang ở đâu. Gọi điện cho cô giáo liên tục, quá 11h trưa mới được tin xe con vừa đến trường, tới nơi cũng sắp giờ tan học sáng mà chiều vẫn chưa biết cách nào về được nhà" - bà mẹ trẻ vừa kể vừa vuốt ngực như chuyện chỉ mới vừa xảy ra.
Nhà hàng xóm, phòng 507, chị Trịnh Thị Lan cho biết, điều kiện gia đình không khá giả nên đành lo xin học cho con ở 1 trường công lập nhưng cũng cách nhà hơn 5km. Chị Lan cũng mong ngóng trong khu dân cư mới có một ngôi trường để con trẻ đỡ vất vả, các gia đình đỡ lo lắng, áp lực, để đứa con sau của chị sắp vào tuổi đi học có một tuổi thơ đỡ phải "chạy đua" hơn.
Phận "học nhờ"
Phòng 608 Nơ 14A Khu đô thị mới Định Công có 2 "nhóc" đang học phổ thông, cô chị lớp 8, cậu em lớp 4. Chị học trường PTCS Khương Trung (trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân), cậu em học trường tiểu học Khương Thượng (gần Ngã Tư Sở). Trường cách nhà hơn 6km nên 6h sáng hàng ngày cả 2 chị em phải tăng bo 1 chuyến xe ôm... của bố tới 2 trường khác nhau. Lượt về còn nan giải hơn.
"Hơn 3 năm nay, kể từ ngày về tái định cư, một ngày 4 ca vợ chồng tất bật đưa đón con đi học. Con lớn học tới gần 12h trưa, chiều lại tất tả đi học thêm. Em trưa về sớm hơn, lệch ca so với chị, đành đưa rước làm 2 lượt" - chị Phạm Bích Ngọc, mẹ 2 nhóc thở dài. Chị đang tính phương án để con lớn tự đạp xe đi học.
Nhưng theo chị Ngọc, trong cả khu nhà, gia đình mình vẫn còn dễ xoay vì cả 2 vợ chồng không làm nhà nước, chị buôn bán lặt vặt, chồng chạy xe ôm. Dù sao thời gian đón con vẫn còn du di, thu xếp được.
Cả khu đô thị mới Định Công có duy nhất một trường học nhưng là trường tư, học phí rất cao.
Chị Nguyễn Hồng Phấn (phòng 806) cũng đang đau đầu vì việc học hành của cậu cả đang năm thứ 4 bậc tiểu học. Gia đình trẻ, cố vun vén mua lại căn hộ của khu nhà tái định cư này được 2 năm nay. Xoá được cảnh đi thuê nhà nhưng việc học hành của con lại vất vả.
Cả khu đô thị mới chỉ có 1 trường học duy nhất, đủ từ cấp I lên cấp III nhưng lại là trường dân lập, học phí rất cao. Chuyển trường giữa năm học lớp 2, thương con, anh chị cố thu vén, dè sẻn các khoản chi tiêu khác để cho con học trường gần nhà.
Tuy nhiên, năm nay, mức học phí của trường leo thang đột ngột, từ mức 700.000 đồng/tháng lên thành 1,2 triệu đồng/tháng. Chóng mặt với mức tăng, chị đành chuyển cho con xuống học ở "trường làng". Hộ khẩu gia đình vẫn ở nhà mẹ đẻ (Phương Liệt) nên vẫn mất 2 triệu "chạy" trái tuyến cho con vì trường cũng quá tải.
"Phận "học nhờ" từ nhỏ, mới 4 năm tiểu học mà con đã phải chuyển trường 3 lần. Nhà đã an cư lại lo con cái khi nào "an học" - chị Phấn cười méo xệch chỉ cô con gái nhỏ 2 tuổi tha thẩn chơi ở góc phòng nói tiếp: "Có cả chục trường mầm non trong khu nhưng cũng 100% tư thục, không có trường công nào. Sang năm thêm cô nhỏ này phải lo nữa. Học phí trung bình 800 - 900 nghìn đồng, tính cả ăn là 1,5 triệu đồng/tháng nhưng xác định vẫn phải gửi con, không có lựa chọn nào khác".
Theo chị Phấn, không chỉ gia đình mình hay nhà hàng xóm ở phòng 608, cả khu hầu hết dân tái định cư, đã phần con nhà lao động, bố mẹ công nhân, viên chức, nhà nào cũng cảnh đôn đáo vì việc đi học của con em như thế. Chị bấm đốt ngón tay đếm quanh: phòng 502 phải đưa con gửi tận trường mẫu giáo bắc Linh Đàm, phòng 1206 phải thuê khoán xe ôm mỗi tháng 400.000 đồng đưa con đi học hàng ngày...
Tủi dân tái định cư
Không tính tới nỗi khó của bộ phận "thượng lưu", dân tái định cư khu đô thị mới Trung Hoà - Nhân Chính cũng đang tự xoay sở với nỗi khổ trường lớp.
Anh Tạ Công Thành, Tổ trưởng tổ 7, nhà N3B, Cụm đô thị mới N2, khu đô thị Trung Hoà - Nhân Chính đã về đây tái định cư ngót 2 năm song con anh vẫn phải học tại ngôi trường cũ. Con đầu của anh năm nay học lớp 2. Sáng sáng, anh hoặc vợ phải dậy sớm đưa con đi học tận phố Nguyễn Quý Đức (Thanh Xuân) cách đó 4 - 5 cây số.
Những khu đô thị quy mô, chật dân nhưng "trắng" trường.
Đường đưa con tới trường không quá xa nhưng luôn ở trong tình trạng đông đúc, nhất là vào giờ cao điểm buổi sáng. Vợ anh Thành đang làm kế toán cho một công ty ở Cầu Giấy. "Đã mấy lần rồi vợ tôi bị muộn giờ làm vì tắc đường khi đưa con đi học" - anh Thành bức xúc.
Trường xa là một chuyện, song con anh học ở đó vẫn là trái tuyến khi gia đình anh đã chuyển về khu tái định cư này. Chung cảnh ngộ với anh còn rất nhiều hộ khác trong cùng khu nhà này và các khu nhà tái định cư quanh đó như N2F, N3B...
Hầu hết các gia đình đều chấp nhận đưa con đi học xa ở trường cũ trước khi chuyển về đây. Một số khác xin chuyển con mình đến học tại trường Phan Đình Giót (phường Nhân Chính) cho gần nhưng vẫn là trái tuyến.
Bác Nguyễn Mậu Minh, tổ trưởng nhà N3B cho biết, mấy ngày trước khai giảng, người dân trong khu nhà nháo nhác tìm trường học cho con. "Hộ khẩu thì đã chuyển về đây nhưng trong khu đô thị không có trường nên mọi người phải chạy ngược chạy xuôi tìm chỗ học mới. Đa số cuối cùng vẫn phải xin cho con ở lại trường cũ, chấp nhận học trái tuyến" - bác Minh nói.
Theo phản ánh của người dân, trong khu đô thị mới này chỉ có 1 trường mầm non Trà My. Song đó là trường tư, giá cả không hề rẻ. Theo tính toán, mỗi tháng, gia đình phải mất trên dưới 200 USD (khoảng 4 triệu đồng) để gửi con bán trú trong ngôi trường này. Anh Thành cho biết: "Tôi phải thuê người trông đứa nhỏ (con út anh năm nay mới hơn 2 tuổi), chứ lương của hai vợ chồng bây giờ làm sao đủ để gửi con trong trường tư được".
Chuyện trường chuyện lớp, lần nào họp dân cũng ý kiến, lần nào tiếp xúc cử chi, bầu cử cũng kiến nghị nhưng còn bao vấn đề cấp bách hơn. Chiếc thang máy hỏng đốc thúc suốt hơn năm vẫn không sửa được, nói gì đến chỗ học cho con trẻ.
Bên cạnh hàng chục khu đô thị mới đã đưa vào sử dụng, Hà Nội đang triển khai tiếp 38 khu đô thị mới với khoảng 300 khu nhà cao tầng. Tuy nhiên, tại hầu hết các khu đô thị hiện nay đều có tình trạng "trắng trường", học sinh phải đi "học nhờ" tại các vùng khác.
Phương Thảo - Tiến Nguyên