Trắng tay sau một đêm cháy chợ
Nguồn nước sông có nguy cơ bị nhiễm độc, chỗ buôn bán, việc kinh doanh chưa biết bao giờ mới hồi phục. Hàng chục hộ dân bị thiệt hại trong vụ cháy chợ Ngã Sáu đang đối mặt với muôn vàn khó khăn.
Sau một đêm tan hoang khu chợ
Có mặt tại khu vực chợ Ngã Sáu cũ (thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) bị cháy vào khoảng 3h sáng ngày 1/5, theo ghi nhận của PV Dân trí, hiện trường vụ cháy cho đến trưa ngày 3/5 vẫn còn nhiều ngổn ngang. Nhiều người dân đang cố gắng tìm bới trong đống đổ nát những gì có thể dùng được còn sót lại, những người mua bán đồ phế liệu cũng tất bật thu gom ve chai sau vụ cháy.
Cảnh tan hoang tại chợ Ngã Sáu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang (ảnh chụp sáng ngày 3/5).
Tiếp xúc với PV, ông Nguyễn Hoàng Giám cho biết, hộ của ông bị thiệt hại gần như hoàn toàn, trong đó cửa hàng bán gạo bị cháy rụi. “Gạo thì thành tro hết rồi, tôi đang cố tìm những gì còn lành lặn để có thể làm lại cửa hàng mới nhưng cũng chẳng còn gì nguyên vẹn cả”, ông Giám chua xót nói.
Một hộ may mắn còn góc bếp tạm nấu ăn.
Video đang HOT
Người dân đang mót lại những gì có thể dùng được.
Hộ bà Huỳnh Thảo Ly bị cháy hầu như chỉ còn trơ lại khung nhà, toàn bộ đồ dùng bên trong đã thành tro. “Các mặt hàng đồ cưới, mỹ phẩm bị cháy sạch hết, ngay cả quần áo cũng không lấy kịp, giờ chỉ còn hai bàn tay trắng”, chủ hộ buồn bã cho biết.
Một hộ dân khác cũng bị cháy rụi hoàn toàn căn nhà trước. Tài sản còn lại là bộ quần áo đang mặc trên người và một góc bếp. Nhiều hộ khác không cứu vãn được gì chỉ còn biết nhìn đống đổ nát mà rơi nước mắt.
Người dân ngao ngán nhìn cảnh sau một đêm bỗng trở nên trắng tay.
Muôn vàn khó khăn
Dù vụ cháy đã xảy ra hơn 2 ngày nhưng tại hiện trường, mùi thuốc sâu vẫn bốc lên nồng nặc. Ông Nguyễn Hoàng Giám cho biết, có hai kho thuốc bảo vệ thực vật tại chợ bị cháy sạch, dù đã được dọn dẹp bớt nhưng ngay lúc trời nắng vẫn bốc hơi rất mạnh.
Người dân cho biết, trong quá trình chữa cháy, nguồn nước vô tình thổi các chất thuốc bảo vệ thực vật của hai ki-ốt này xuống sông Cái Dầu nên nhiều khả năng nguồn nước sông bị nhiễm chất nguy hại.
Khu vực ki-ốt thuốc bảo vệ thực vật ngay cạnh sông Cái Dầu, các chất thuốc độc hại đã chảy xuống sông gây khó khăn cho sinh hoạt của người dân.
Trong khi đó, theo các hộ dân, nhiều người ở khu vực xung quanh chợ và lân cận thường sử dụng nước sông để tắm rửa, giặt giũ, thậm chí nấu ăn. Ông Giám cho biết, ông cũng thường dùng nước sông để tắm nhưng giờ phải mua nước bình, đã khốn khó càng tốn kém thêm.
“Địa phương có tuyên truyền tạm thời không sử dụng nước sông để tránh ngộ độc nhưng không biết khi nào mới có thể dùng lại được”, một người dân lo lắng.
Về việc này, trao đổi với PV Dân trí, bà Lê Thị Thùy Như- Phó Phòng Tài nguyên- Môi trường huyện Châu Thành- cho biết, liên quan đến các chất độc hại của các loại thuốc bảo vệ thực vật có trong nước sông Cái Dầu sau vụ cháy, ngành đã phối hợp với địa phương tích cực tuyên truyền khuyến cáo người dân không được sử dụng; đồng thời phối hợp với chủ ki-ốt thu gom chai lọ bể để xử lý tiêu hủy đúng quy định.
Trước mắt, chi nhánh cấp thoát nước huyện tăng cường cung cấp nước sạch cho bà con sử dụng, bảo đảm an toàn cho người dân. “Còn hướng xử lý nước dưới sông thì chúng tôi phải chờ kết quả kiểm nghiệm mức độ nguy hại của ngành chuyên môn mới tính đến các phương án xử lý tốt nhất”, bà Như cho hay.
Cũng theo bà Như, sau khi xảy ra vụ cháy vài giờ, người dân phát hiện có cá chết nổi trên mặt sông nhưng đến lúc này không phát hiện nữa. Nhiều khả năng do sông có dòng chảy mạnh nên mức độ nguy hại tại khu vực cháy cũng đã giảm bớt.
Người dân đang gặp khó khăn khi dựng lại nhà cửa và công ăn việc làm sau vụ cháy.
Trong khi đó, tiếp xúc với PV Dân trí, nhiều hộ dân bị thiệt hại cho biết, việc hỗ trợ của địa phương sau khi bị cháy, họ thấy cũng chưa thỏa đáng. Nhiều hộ dân cho rằng, mức độ thiệt hại là rất lớn, có người cả trăm triệu đồng nhưng địa phương chỉ hỗ trợ mỗi hộ có nhà, ki-ốt bị cháy hoàn toàn là 6 triệu đồng. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng không cho họ xây dựng lại nhà, cửa hàng ngay tại chỗ nên việc chỗ ở đang gặp những khó khăn nhất định.
Ngay trong trưa ngày 3/5, trao đổi trực tiếp với PV Dân trí về những phản ánh của người dân, ông Trần Văn Thắng- Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Châu Thành- cho biết, đối với việc hỗ trợ thiệt hại cho người dân, huyện đã căn cứ vào quy định của Nhà nước. Do đó mức hỗ trợ đã thực hiện đúng quy định nhằm giúp bà con vượt qua khó khăn trước mắt.
Còn việc chỗ ở của người dân bị thiệt hại, ông Thắng cho rằng, tạm thời huyện không cho họ xây dựng lại nhà, cửa hàng ngay tại chỗ là do hiện trường vụ cháy vẫn còn ngổn ngang và ngành chức năng đang điều tra nguyên nhân vụ việc nên cần đảm bảo hiện trạng. Ngoài ra, khu vực cháy cũng đã được quy hoạch làm khu thương mại của huyện nên việc xây cất sẽ có những vướng mắc sau này.
Cũng theo ông Thắng, sau khi vụ cháy xảy ra, huyện đã có họp và đã có yêu cầu những hộ dân nào có nhu cầu về chỗ ở, chỗ buôn bán đều sẽ được đáp ứng ngay. Tuy nhiên ghi nhận cho đến lúc này, vẫn có hộ nào đăng ký nên chưa sắp xếp.
Theo Dantri
Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gây thiệt hại phải bồi thường
Bộ NN-PTNT vừa ban hành thông tư về quản lý thuốc bảo vệ thực vật. Theo thông tư, người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gây thiệt hại về vật chất cho người khác thì phải bồi thường; gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của người khác còn phải bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Tổ chức, cá nhân kinh doanh, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và phải bồi thường thiệt hại kinh tế do việc tuyên truyền, quảng cáo, hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đủ, không đúng, không chính xác, làm cho người mua và sử dụng thuốc nhầm lẫn, gây tác hại đối với sức khỏe của người, vật nuôi, môi trường và tổn hại đến sản xuất. UBND xã chịu trách nhiệm quản lý việc buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại địa phương. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25.2.2013.
Theo TNO
Bộ trưởng Nông nghiệp yêu cầu truy tận gốc thực phẩm Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát vừa yêu cầu siết chặt kiểm tra thực phẩm, giảm tỷ lệ rau củ nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Chiều 24/12, khi chỉ còn cách Tết Nguyên đán hơn một tháng, Bộ NN&PTNT họp bàn phương án kiểm soát chất lượng nông sản, thực phẩm. Theo Cục Bảo...