Trắng tay sau lũ
Làng chài thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) sau cơn lũ quét
Hôm qua, lũ ở các tỉnh miền Trung bắt đầu rút, để lại nhiều vùng quê tan hoang, xơ xác.
Trắng tay
Tại Quảng Ngãi, suốt mấy ngày qua, gia đình ông Tiêu Viết Sang ở thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, H.Bình Sơn dầm mình trong mưa gió cố gắng tìm kiếm, nhặt nhạnh những viên ngói, gạch còn sót lại trong ngôi nhà đổ nát. Ông Sang nước mắt rưng rưng: “Không còn gì nữa hết chú ơi. Nhà sập tan tành, phương tiện đánh bắt đều trôi ra biển cả rồi”. Bao nhiêu năm vật lộn với sóng gió, năm 2007 gia đình ông Sang mới dành dụm được ít tiền xây ngôi nhà cấp 4, nhưng chỉ trong phút chốc lũ đã quét sạch. Cả gia đình 8 người giờ phải tá túc nhờ bà con chòm xóm.
Gia đình anh Trương Văn Bé (48 tuổi, cũng ở thôn Phước Thiện) sau nhiều năm bươn chải mưu sinh khắp nơi nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo nên vợ chồng, con cái lại dắt díu về quê sinh sống. Là hộ nghèo nên anh được Nhà nước hỗ trợ ít tiền mới làm được ngôi nhà chừng 40m2 để ở. Song lũ quét đi qua, nhà hư hỏng nặng không thể ở được nữa, 2 giàn lưới cũng trôi ra biển. Gia đình anh Bé rơi vào cảnh khốn khó chẳng biết lấy đâu ra tiền để dựng lại nhà mới, sắm lưới mới.
Một ngôi nhà ở huyện Tuy Phước, Bình Định bị lũ cuốn sập
Cũng như làng chài Phước Thiện, làng chài Sơn Trà, xã Bình Đông (H.Bình Sơn) bị thiệt hại nặng nề do lũ với 6 gia đình nhà sập hoàn toàn. Trong đó trường hợp gia đình chị Đặng Thị Hà là bi đát nhất. Chắt chiu, tằn tiện mãi nhiều năm, vay mượn của người thân hơn 10 triệu đồng, năm 2005 vợ chồng chị mới làm được ngôi nhà, cả gia đình mừng vô kể. Song tai ương lại liên tiếp đổ ập xuống. Cách đây 1 năm chồng bị tử nạn trong lúc đi biển, gánh nặng mưu sinh dồn hết lên vai người góa phụ. Một mình chị Hà bươn chải đủ nghề từ làm thuê đến làm công nhân cho một doanh nghiệp dăm gỗ ở Khu kinh tế Dung Quất để nuôi 5 con ăn học.
Nỗi đau mất chồng chưa kịp nguôi ngoai, chị Hà lại ngã quỵ khi lũ tràn qua biến ngôi nhà thành đống đổ nát. Ngồi thẫn thờ bên đống gạch vụn, lấy tay vuốt lại những tấm giấy khen của con vùi trong gạch đá, chị Hà mếu máo: “ Sao số phận của tui lại khốn khổ thế này. Suốt đời cực khổ cuối cùng cũng trắng tay. Bây giờ chẳng biết lấy đâu ra tiền trả nợ, làm nhà. Mấy đứa nhỏ chắc phải nghỉ học đi làm thuê chớ lấy gì ăn”.
Còn tại Phú Yên, sau 4 trận lũ liên tiếp, nhiều vùng quê trở thành xơ xác. Căn nhà cũ nát của cụ Võ Đôn Phong (92 tuổi, ở thôn Định Trung 2, xã An Định, huyện Tuy An), bị ngâm nhiều ngày trong lũ đang có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Lũ lụt triền miên khiến cuộc sống của cụ vốn đã khó khăn giờ lại càng khó khăn hơn. Lũ rút, tài sản duy nhất của cụ còn lại là vài lon gạo ẩm mốc. Cụ Phong than thở: “Chưa đầy nửa tháng, tui phải chạy lũ 4 lần. Lũ đi lũ lại như thế này, tui chưa từng chứng kiến. Lũ kéo dài, xóm làng xơ xác, cây cối thối rữa, còn người thì kiệt sức”…
1.000 tấn gạo cứu trợ Bình Định
Ông Võ Đôn Phong với những lon gạo ít ỏi ẩm mốc còn lại sau lũ
Trong khi đó, tại Bình Định, sau 3 trận lũ liên tiếp trong vòng nửa tháng, nhiều vùng, nhất là khu đông 2 huyện Tuy Phước và Phù Cát trở nên tan hoang. Sáng 20.11, lũ đã rút nhưng nhiều xã khu đông của huyện Tuy Phước vẫn còn chìm trong nước do vào thời điểm triều cường. Trong đợt lũ mới này, toàn huyện có 6.540 ngôi nhà bị ngập, 16 nhà bị sập hoàn toàn. Do nước lũ vẫn còn ở mức cao nên trên 30.000 học sinh trên địa bàn huyện tiếp tục nghỉ học. Hiện tại 2 xã Phước Hòa và Phước Thắng có 1.300 hộ với 5.200 nhân khẩu ở các vùng ngập sâu đang cần cứu trợ lương thực, nước uống.
Cũng trong ngày 20.11, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đến Bình Định kiểm tra tình hình mưa lũ, thăm, tặng quà cho 2 gia đình có nhà bị sập là Văn Thị Két (78 tuổi) và Nguyễn Thị Bảy (51 tuổi, cùng ở thôn Chánh Hội, xã Cát Chánh, H.Phù Cát), chia buồn với gia đình nạn nhân Dương Thị Diễm (ở H.An Nhơn) bị nước lũ cuốn trôi…
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, Phó thủ tướng cho biết Chính phủ quyết định hỗ trợ tỉnh Bình Định 1.000 tấn gạo để cứu đói cho người dân vùng lũ, 100 cơ số thuốc, 400.000 viên Cloramin B xử lý nguồn nước. Phó thủ tướng chỉ đạo tỉnh cần dốc sức khắc phục hậu quả mưa lũ, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, tạm ứng tiền mua đủ lượng thóc giống để sản xuất vụ đông xuân theo đúng lịch thời vụ, khẩn trương lập dự án nâng cấp và sửa chữa các hồ thủy lợi hiện trong tình trạng thiếu an toàn nhằm tránh nguy cơ vỡ đập…
Video đang HOT
Thiệt hại lớn
Qua các trận mưa lũ từ đầu tháng 11 đến nay, tỉnh Quảng Ngãi có 11 người chết, 1 người mất tích, 32 người bị thương, 50 ngôi nhà sập đổ hoàn toàn, tổng thiệt hại ước tính gần 444 tỉ đồng. Tại Bình Định, có 10 người bị chết, 1 người mất tích, 151 nhà sập hoàn toàn, 281 nhà hư hỏng nặng, gần 20.000 nhà bị ngập nước, tổng thiệt hại lên đến gần 700 tỉ đồng. Còn tại Phú Yên, cũng đã có 10 người chết vì mưa lũ.
Tại Khánh Hòa, mấy ngày qua trên địa bàn huyện Ninh Hòa mưa lớn kéo dài, nhiều xã bị chia cắt do nước lũ dâng cao. Đường vào các xã Ninh Phú, Ninh Thân, Ninh Hà và Ninh Bình bị ngập sâu từ 0,5 – 1m, gây ách tắc giao thông.
Theo Ban chỉ huy PCLB huyện Ninh Hòa, lực lượng cứu hộ đã di dời khẩn cấp 531 hộ ở các xã Ninh Hà, Ninh Bình, Ninh Đông ra khỏi vùng ngập lụt. Anh Phan Ngọc Bảo (19 tuổi, ở thôn Chấp Lễ, xã Ninh Thân), bị nước cuốn trôi vào chiều 19.11, sáng hôm sau mới vớt được xác…
Theo Thanh niên
Ninh Thuận nhọc nhằn sau đại hồng thủy
Sau bao ngày chống chọi với lũ lụt thì giờ đây người dân Ninh Thuận phải làm lại từ đầu trong cái đói quẩn quanh. Cần lắm những chuyến hàng cứu trợ đến với người dân trong lúc cùng cực này...
Địa điểm đầu tiên trong cuộc hành trình ủng hộ đồng bào bão lụt miền Trung của nhóm từ thiện TP HCM chính là Thị trấn Phước Dân - thị trấn huyện lỵ thuộc huyện Ninh Phước - tỉnh Ninh Thuận cách Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm 8km về phía Tây Nam.
Mặc dù tàu xe vẫn tấp nập đến đi song nơi đây lại bao trùm vẻ trầm buồn bởi chỉ cách đây nửa tháng (1/11) Thị trấn Phước Dân bị nhấn chìm trong biển nước. Trận lụt bất ngờ khiến chính quyền và người dân Ninh Phước không kịp trở tay. Nước lũ hồ Tân Giang xả lớn cộng với mưa to nên chỉ trong 6 giờ đã làm nhiều vùng ngập tới 1,5 - 3m, vượt lũ lịch sử 2003 trên 0,5m trên sông Lu. Hậu quả toàn bộ sản lượng táo và lúa cũng như gia cầm, gia súc nơi đây bị thiệt hại nặng nề mà đến giờ vẫn chưa khắc phục hết.
Người dân Thị trấn Phước Dân trong những ngày lũ đầu tháng 11 (Nguồn Internet)
Khởi hành từ lúc 5 giờ tại TP HCM, Đoàn cứu trợ sau cuộc hành trình dài cũng đã tới Thôn Bình Quý vào cuối giờ chiều. Cả đoàn thực sự xúc động khi bà con đã ngồi chờ từ đầu buổi trong cái nắng gay gắt miền Trung. Đau xót và ý nghĩa hơn vì đoàn xe đến khi nước đã rút khá lâu song đây lại là đoàn cứu trợ đầu tiên đến với đồng bào Phước Dân sau cơn lũ.
Mọi người đổ xô tới chiếc xe tải chở hàng vì đây là "nguồn sống mới" cho người dân... cầm cự. Mặc dù tươi cười khi nhận hàng cứu trợ song ai cũng đã quá mệt mỏi sau những ngày chói chọi với thiên tai. Cụ bà đôi mắt đỏ hoe vì vừa mổ mắt lại dính phải nước bùn, cụ khác đôi chân "phù" lên vì mấy ngày ngâm chân trong nước, có chú đôi mắt vẫn còn thâm quầng sau bao đêm thức trắng hay có vừa sinh con chị bịt kín người run run vì có gạo ăn để có sữa cho con bú...
Trong 1000 phần quà mang theo của đợt cứu trợ lần này thì có 300 phần quà dành cho người dân Thị trấn Phước Dân bao gồm tiền, quần áo, gạo, mỳ tôm, cá hộp. Tuy nhiên, lại quá ít ỏi so với hàng nghìn hộ dân nơi đây đang phải chịu cảnh đói khát, bế tắc. Thuộc một trong bốn khu phố bị ngập, chị Ngô Thị Thuận (Khu phố 8) tay cầm hàng cứu trợ, mắt rưng rưng nhớ lại 3 ngày nước tràn vào nhà dâng lên ngang bụng. Cũng may được Thị trấn cảnh báo nên nhà chị đã mua mỳ tôm dự trữ song cả 12 người trong gia đình phải sống trên nóc nhà trong giá lạnh và hoang mang. Nước rút để lại rẫy táo 3,5 sào ngập úng hết.
Không may mắn nằm trong danh sách được cứu trợ, cô Lê Thu Hà (Khu phố 9) ngậm ngùi đưa chúng tôi tới thăm căn nhà mái tôn ọp ẹp của mình. Toàn bộ chân tường giờ chỉ còn trơ những mảnh nan tre. Số gà, vịt cũng như rẫy cà và táo của cô cũng không còn. Hôm đầu bị ngập có đoàn cứu trợ khẩn cấp mang đến 4 gói mỳ tôm. Nhưng từ hôm nước rút đến giờ nhà cô phải đi mót cà bán đi lấy tiền mua gạo ăn qua ngày.
Cô Lê Thu Hà bên căn nhà trơ nan tre
Thiệt hại hơn là gia đình chị Trần Thị Hồng Lan và anh Trần Ngọc Sơn (Khu phố 10), thấy mưa to chị đã gửi 2 đứa con trai của mình qua nhà bà ngoại còn vợ chồng lại lại "giữ" nhà. Kê chiếc bàn lên giường, hai anh chị đã ngồi như vậy suốt mấy ngày mưa lũ. Bao nhiêu khó khăn, khốn khó lại trải dài trước mắt: căn nhà nghèo vách đất bị sập 2 bên vách, 2 vách còn lại phải lấy gậy chống. Giá trị nhất trong nhà là cái ti vi chị Lan mua 500.000 đồng ngấm nước không coi được nữa. Không những thế, nước giếng ngập đầy bùn chị Lan cũng phải múc ra xô để lặng lấy nước nấu.
Căn nhà bị sập 2 vách của chị Lan
Giếng nước sinh hoạt của gia đình chị Lan
Hai vợ chồng chị Lan không có đất canh tác nên cách đây 4 năm, chị vay Ngân hàng 20 triệu để mua 15 con cừu. Hàng ngày, anh Sơn đi cuốc đất thuê, chị Lan đi cắt cỏ cho cừu ăn. Trận lụt vừa qua đã làm 5 con cừu chết vì bệnh. Còn anh Sơn thì bị thất nghiệp vì đồng ngập bùn không ai thuê, ngày trả lãi cho ngân hàng lại đến. Đã đói, cả nhà chị lại thay nhau bị cảm, đau bụng từ hôm lũ đến giờ. "Không dám đi vay nữa rồi, mọi người trong xóm ai cũng khổ như mình. Chắc vợ chồng dắt nhau lên Sài Gòn kiếm sống quá" chị Lan cố kìm để tiếng khóc không bật thành tiếng.
Cô Hà, chị Lan là hai trong số rất nhiều gia đình không nhận được hàng cứu trợ lần này nhưng cũng đành ngậm ngùi vì "biết sao bây giờ?". Tuy nhiên, nhiều người không có phiếu nhận quà nhưng vẫn đến vì mong "có thừa hàng để cho" của đoàn ủng hộ. Mạnh dạn hơn có một vài người trực tiếp đến "khiếu nại" vì sao nhà mình không được quà. Cũng dễ hiểu vì nhiều gia đình nơi đây đã lâm vào cảnh "không có gì để mất nữa". Cần lắm những đoàn cứu trợ của cả nước đến với bà con Thị Trấn Phước Dân...
Một số hình ảnh tại buổi cứu trợ:
Rất đông bà con ngồi chờ từ trưa
Nhiều người đứng ngoài "ngậm ngùi"
300 phần quà vẫn không đủ
Niềm sung sướng của cụ bà dù chỉ được cái bánh
Tào Nga
Theo Bưu Điện Việt Nam
Cầu gãy, hàng trăm hộ dân bị cô lập Mưa lũ kéo dài mấy ngày qua khiến giao thông tại các tỉnh miền Trung bị cô lập, hàng trăm ngôi nhà có nguy cơ chôn vùi vì xuất hiện hiện tượng sạt lỡ. Đêm 17/11, Cầu treo bắt qua sông Rin thuộc xã Sơn Thuỷ, huyện miền núi Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi bị đứt dây néo, sàn cầu rơi xuống sông...