Trắng đêm theo chân những kẻ săn trộm rùa hồ Gươm
Một cuộn dây cước, một lưỡi câu chùm sắc nhọn được làm từ lò xo băng đạn AK, những chú rùa hồ Gươm khó có thể trốn thoát khỏi những tay sát rùa.
Một thanh niên đang câu trộm rùa, cá trên hồ Gươm (Ảnh: X.T)
Câu vô tư
Những ngày qua dư luận quan tâm nhiều về việc cụ rùa hồ Gươm dính lưỡi câu chùm và lo lắng cho sức khỏe của cụ khi ngày đại lễ 1000 năm Thăng Long đã cận kề. Để hiểu thêm về vấn đề này chúng tôi đã có một đêm trắng ở hồ Gươm tận mắt chứng kiến những gì diễn ra sau 0 giờ ở nơi đây.
Lưỡi câu chùm…
23g30 phút ngày 8/9 chúng tôi có mặt tại bờ hồ Gươm khu vực bên phải nhà hàng Thủy Tạ, lúc này trên các ghế đá ven hồ cũng như phương tiện giao thông ở các tuyến phố ven hồ đã thưa dần; khung cảnh như trầm mặc, mặt hồ lăn tăn sau mỗi cơn gió đầu mùa thu thổi nhẹ.
Chưa đầy 5 phút sau, một thanh niên đỗ xe máy sau chiếc ghế đá rồi nhanh chóng mở cốp xe lấy cuộn cước đã gắn sẵn lưỡi câu và móc mồi tung xuống hồ và lấy thuốc ra hút. Điếu thuốc chưa hết nửa, chiếc phao cách bờ chừng 3m đã nhấp nháy, chìm dần và biến mất trong làn nước.
Người thanh niên nhanh chóng cầm dây cước giật nhẹ, sợi dây căng như dây đàn rồi đứt ngay trong tích tắc do không thắng nổi lực kéo của con vật dính lưỡi câu.
Người này cho biết, tuần nào cũng ra đây câu 2 đến 3 lần và việc câu rùa ở đây mất lưỡi, đứt cước là bình thường bởi hồ Gươm có nhiều “quái vật”. Nếu không tính cụ rùa thì cá thể rùa, cá ở đây trên dưới 10kg rất nhiều.
Tôi hỏi người câu rằng có sợ lực lượng bảo vệ hồ hay công an ra nhắc nhở, xử phạt hay không? Anh cho biết, lực lượng này chỉ tỏ ra hoạt động vào ban ngày thôi còn ban đêm có ai nói gì đâu! Rồi anh chỉ tay về cái nhà tròn khoảng 10 mét vuông cách đó khoảng 20m và cho biết đó là nơi trực của nhân viên bảo vệ hồ.
Chúng tôi nhìn vào nhà ngôi nhà thấy 2 nhân viên bảo vệ hồ mặc đồng phục và một người mặc sắc phục công an. Ở một vị trí thoáng dễ quan sát như vậy thì việc các nhân viên bảo vệ hồ nhìn thấy người câu quanh khu vực khá dễ dàng nhưng thực tế cho thấy người câu rất thoải mái trước lực lượng bảo vệ.
Video đang HOT
Hồ Gươm có 3 cụ rùa?
Đối diện với UBND thành phố Hà Nội lúc này đã xuất hiện những chiếc đèn lạ trên mặt hồ, cách bờ chừng 15 đến 20m. Đây là phao đèn của những người câu bằng lưỡi chùm, với cách câu này thì bất cứ con vật nào đụng vào đều dính lưỡi và bị sát thương cao. Đây là nguyên nhân dẫn đến cụ rùa hồ Gương bị dính lưỡi mà dư luận quan tâm trong những ngày vừa qua.
Thông thường người câu cá đều thả thính để dụ cá nên rùa thường đến để bắt mồi, đây là nguyên nhân dẫn đến khả năng rùa dính lưỡi câu rất cao.
Câu trong đêm khuya (Ảnh: X.T)
Tuy nhiên, để câu cá được ở đây không phải dễ mà phải là những người rất thông thổ khu vực này.
Dân câu cá trộm hồ Gươm không ai không biết Đạo Gù một thợ đóng giầy ở phố Cầu Gỗ là tay câu cá chuyên nghiệp đã có thâm niên câu cá hồ Gươm từ bé. Hôm nay, Đạo Gù ra hồ và tìm cho mình một chỗ khá kín nấp sau những chậu hoa trang trí bên hồ, gặp chúng tôi Đạo Gù hơi lung túng, đứng lên đi đi lại lại nhưng bằng những câu hỏi của một người hiểu về môn câu nên Đạo Gù trở lại chỗ ngồi để tiếp tục câu cá.
Đạo Gù không chỉ nổi tiếng ở khu vực hồ Gươm mà nhiều hồ bên quận Long Biên, Gia Lâm cũng ngại anh bởi khả năng sát cá trời phú, kỷ lục là một buổi đi Đạo Gù bắt lên 30kg cá làm chủ hồ hết vía.
Đạo Gù tâm sự ngày bé anh cùng bạn bè ra hồ Gươm tắm rồi bắt cá, bắt tôm… nhiều khi mấy thằng rủ nhau đi tìm cụ rùa nhưng cụ rất nhanh khó có thể đuổi kịp để sờ vào người cụ. Trước đây, có 2 cụ rùa một cụ mầu đen và một cụ mầu vàng nhưng một thời gian sau chỉ thấy cụ rùa mầu vàng nổi lên còn cụ rùa đen không biết đi đâu. Anh cho biết thêm, thời gian gần đây hồ lại có thêm 2 cụ rùa mới mỗi cụ nặng khoảng 60- 70kg như vậy hồ Gươm giờ có 3 cụ rùa.
Câu tặc hồ Gươm đang hành nghề
Chúng tôi hỏi Giáo sư Hà Đình Đức về việc có thông tin hồ Gươm xuất hiện thêm hai cụ rùa và được ông trả lời rằng, hồ Gươm chỉ có một cụ rùa duy nhất mà thôi và ông không biết thông tin gì về hai cụ rùa mới. Nhưng trên thực tế chúng tôi nhận thấy với việc quản lý hồ lỏng lẻo như hiện nay, thì việc ai đó phóng sinh rùa tai đỏ, cá trắm đen hay kể cả phóng sinh một con rùa to vào hồ thì cũng rất dễ.
Tôi hỏi Đạo Gù, anh câu thế này có bao giờ đụng vào cụ rùa chưa? Đạo Gù cho biết, việc phát hiện cụ rùa rất dễ, nếu nhìn thấy 2 vệt tăm cách nhau khoảng 1m chắc chắn là cụ đang di chuyển hay là mặt hồ đang im lặng mà thấy cá con nhao nhao nhảy lên mặt nước là cụ đang hiện diện ở đó.
Mặc dù ham câu nhưng với kinh nghiệm lâu năm, Đạo Gù thấy cụ rùa đến khu vực câu là bỏ đi chỗ khác hoặc về nhà nghỉ. Lý do cũng bởi, cụ mà nằm ở đó thì cá, tôm chạy hết.
Đạo Gù tâm sự, mấy ngày qua một số báo đăng thông tin cụ rùa dính lưỡi chùm trên lưng là không có cơ sở do người viết không hiểu cách câu chùm, khi câu lưỡi câu chùm luôn hướng lên trên trong khi lưng rùa là mặt phẳng thì làm sao mà găm vào lưng cụ được mà lưỡi chỉ có thể dính vào mai, đầu, chân. Anh cho biết thêm, cụ rùa sẽ gặp nhiều nguy hiểm nếu bị “khóa cổ”, đó là lưỡi câu chùm móc vào mặt và một phần mai sẽ làm cho đầu của cụ không rút ra thụt vào được, nguy cơ rách thịt cũng như không tự kiếm thức ăn sẽ dẫn đến đói, nhiễm trùng…
Không nổi tiếng như Đạo Gù nhưng Hiếu là người đã câu dính rùa hồ Gươm cách đây hơn 10 ngày. Hiếu nhớ lại, khi đó khoảng 23g30, Hiếu câu ở khu vực bờ hồ phía đầu Hàng Khay trước Công an quận Hoàn Kiếm. Vừa ném thính Hiếu thấy hai vệt tăm hướng về nơi thả thính, không suy nghĩ Hiếu ném lưỡi câu chùm đón đầu và giật dính cụ rùa.
Sau một lúc giằng co Hiếu đã dìu cụ vào bờ để gỡ lưỡi cho cụ. Hiếu bảo cũng may mà lưỡi câu chùm móc vào mép mai nên gỡ dễ chứ mắc vào chân hay đầu thì không biết làm thế nào.
Cách chỗ của Đạo Gù ngồi khoảng 30m về phía Hàng Khay là ông Cường Hói cũng đang giật liên tục nhưng toàn cá nhỏ. Được biết, người đàn ông này có thâm niên câu cá hồ Gươm lâu năm nhất. Ông Cường Hói câu không cần lấy cá mà chỉ thích cái cảm giác ném mồi rồi ngồi cầm cần chờ chiếc phao tắt lịm trong làn nước, được giật, được dòng cá là sướng.
Nghe đâu Cường Hói cũng nhiều lần giật dính cụ rùa nhưng những lần như thế đều bị đứt dây hoặc mất lưỡi. Cường Hói tâm sự, chim trời cá nước biết làm sao được, cứ thấy phao chìm là giật, biết đâu là cá, là rùa.
Nhiều người cho biết, từ khi một doanh nghiệp kinh doanh vàng có tiếng ở Hà Nội phóng sinh 4 -5 con cá trắm đen từ 5 đến 10kg vào hồ thì số người câu tăng lên rõ rệt, họ mong muốn bắt được những con cá trắm đen một lọai cá đặc sản có giá vài trăm ngàn đồng một kg.
Điều đáng nói là nhiều người có thâm niên câu cá tại hồ Gươm đều cho rằng lực lượng được cắt cử bảo vệ hồ Gươm lại tỏ ra rất dửng dưng trước tính mạng cụ Rùa. Đã đến lúc cần có biện pháp xử lý và bảo vệ nghiêm khắc của cơ quan chức năng. Đồng thời, mỗi người dân, du khách hãy cùng chung tay bảo vệ thắng cảnh giữa lòng thủ đô.
Theo VTC
Rùa tai đỏ đe dọa cụ Rùa Hồ Gươm
Ngoài những mối đe dọa trực tiếp từ con người như vụ dính lưỡi câu chùm gây xôn xao dư luận gần đây, cụ Rùa Hồ Gươm còn đang bị đe dọa bởi rùa tai đỏ, loài vật xâm hại nguy hiểm nhất thế giới.
Dù kích thước của rùa tai đỏ nhỏ hơn nhiều so với kích thước của cụ Rùa Hồ Gươm, tuy nhiên loài động vật xâm hại nguy hiểm này lại đang thực sự trở thành mối nguy cơ đáng báo động đối với cụ Rùa.
Rùa tai đỏ tranh ăn với cụ Rùa
PGS.TS sinh học Hà Đình Đức khẳng định: "Rùa tai đỏ chính là mối nguy cơ lớn đối với môi trường sinh thái của Hồ Gươm nói chung và nguồn thức ăn của cụ Rùa nói riêng".
Rùa tai đỏ có phổ thức ăn rất rộng. Chúng có thể ăn bất kể thứ gì có ở nơi chúng sinh sống, từ các loài thực vật như: tảo, bèo tấm... cho đến động vật như: nòng nọc, cá nhỏ, côn trùng, giáp xác hai chân, và các loại thân mềm...
Rùa tai đỏ tại Hồ Gươm
Do đó, ông Đức cảnh báo, chỉ dăm bảy chục năm nữa, loài rùa này có thể ăn hết tảo và làm mất màu xanh của Hồ Gươm, cũng như cạnh tranh khốc liệt thức ăn với cụ Rùa trong bối cảnh mực nước hồ tiếp tục cạn và nguồn thức ăn của các loài động vật sinh sống tại đây bị thu hẹp.
Theo thống kê của "nhà rùa học", trong số các loài rùa có mặt tại Hồ Gươm hiện nay như ba ba, rùa cổ sọc, rùa ba gờ, rùa sa nhân, rùa vàng, rùa núi viền, rùa đất Tam Đảo... đông đảo nhất vẫn là loài rùa tai đỏ.
Phân tích về mức độ nguy hiểm của loài rùa này, PGS.TS Hà Đình Đức cho biết, rùa tai đỏ có tên trong danh sách 100 loài sinh vật xâm hại nguy hiểm nhất trên thế giới của Hiệp hội Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và nguồn tài nguyên Thiên nhiên (IUCN). Theo đó, "rùa tai đỏ là một loài vật nuôi thông dụng rất phổ biến ở nhiều vùng trên thế giới và đã trở thành đối thủ cạnh tranh với các loài rùa bản địa".
Ông Đức lấy ví dụ, từ thập niên 70 của thế kỷ trước, rùa tai đỏ đã được nhập vào châu Âu. Hơn ba triệu con đã được bán tại Pháp với giá 5 đôla/con. Tuy nhiên, nhiều người về sau không thích nuôi đã thả chúng ra các sông hồ, cống rãnh.
Rùa tai đỏ nhanh chóng sinh sôi nay nở và cạnh tranh quyết liệt với loài rùa đầm bản địa và gây tổn hại đến hệ sinh vật thuỷ sinh trong vùng. Đến mức tháng 2-1990, châu Âu đã phải ra lệnh cấm nhập loài rùa này.
Trong khi đó tại Việt Nam, mức độ nguy hiểm của loài rùa tai đỏ vẫn chưa được đánh giá đúng mức.
Rùa "độc" tiếp tục xâm lấn Hồ Gươm
Mặc dù có nguồn gốc từ Bắc Mỹ nhưng lần đầu tiên, loài rùa lạ này được phát hiện ở Hồ Gươm vào năm 1997. Theo nhận định ban đầu, rùa tai đỏ đã được người dân nhập về Việt Nam để nuôi làm cảnh, và khi không nuôi nữa thì họ thả xuống Hồ Gươm. Từ đó đến nay, tại Hồ Gươm vẫn tiếp tục xuất hiện ngày càng nhiều rùa tai đỏ, do người dân thả phóng sinh.
Có thể dễ dàng tìm thấy rùa tai đỏ được bán tràn lan tại các cửa hàng cá cảnh. Không chỉ mua về để nuôi, rùa tai đỏ với màu sắc đẹp, kích cỡ nhỏ gọn, còn thường được người dân thả xuống Hồ Gươm cầu may vào các dịp lễ rằm, Tết mà không biết rằng hành động đó đã vô tình gieo mầm nguy hại cho cụ Rùa Hồ Gươm cũng như hệ sinh thái của hồ.
Mặc dù không xác định được chính xác số lượng rùa tai đỏ hiện đang xâm lấn Hồ Gươm, tuy nhiên, theo PGS.TS Hà Đình Đức, do loài rùa này ăn khỏe, sinh sôi nhanh bên cạnh đó là việc người dân vẫn không ngừng thả rùa tai đỏ xuống hồ, nên hiện số lượng rùa tai đỏ tại Hồ Gươm đã tăng lên rất nhiều.
Nhận thức được mối nguy hại của loài rùa tai đỏ, từ năm 2004, PGS.TS Hà Đình Đức đã có đề xuất về việc phải diệt loài xâm hại nguy hiểm này trước khi chúng gây ra những tác hại lâu dài. Tuy nhiên có vẻ như những cảnh báo của ông vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức, khi mà thực tế là rùa tai đỏ vẫn cứ được nhập về Việt Nam cũng như được bày bán tràn lan trên thị trường trong suốt nhiều năm qua.
Và những mối nguy hại đối với cụ Rùa vẫn cứ tăng thêm mỗi ngày, tỉ lệ thuận với sự gia tăng không - ai - ngăn - cản của loài rùa tai đỏ đang nhởn nhơ xâm lấn Hồ Gươm.
Theo NTNN
Hà Nội khang trang trước ngày Quốc khánh Đường phố trung tâm gọn gàng, sạch sẽ, cờ đỏ sao vàng treo khắp nơi, xe rửa đường, thu gom rác thải liên tục hoạt động. Hồ Gươm rực rỡ hoa tươi, đèn trang trí. Trước dịp 2/9 và chuẩn bị cho đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, đường phố thủ đô khang trang sạch đẹp hơn. Đường Điện Biên...