Trắng đêm giành giật từng giọt nước
Giữa mùa hè oi nóng, lại phải chịu cảnh mất nước kéo dài, nhiều người dân Thủ đô đang rơi vào tình trạng khốn đốn vì phải thức trắng đêm chỉ để ‘tranh giành’ nhau từng lít nước.
Trắng đêm “rình” nước
Đúng thời điểm nắng nóng xảy ra trên diện rộng thì cả khu dân cư thuộc ngõ 354 – Trường Chinh – Đống Đa – Hà Nội rơi vào cảnh mất nước. Không có nước để phục vụ cho sinh hoạt, nhiều hộ dân đã phải thức trắng đêm để chờ nước về.
Sau cả tuần thức trắng, anh Dương Duy Lăng mới may mắn bơm được hơn một khối nước về bể dự trữ của gia đình mình.
Anh Dương Duy Lăng ngõ 354 Trường Chinh lý giải, vì địa hình của khu dân cư nằm cao hơn so với mặt bằng chung, nên đã 2 tuần nay thiếu nước, nước từ nhà máy không thể về được đến bể chứa của từng hộ gia đình.
Để có nước sinh hoạt, tất cả mọi nhà trong xóm đều phải cắm trực tiếp máy bơm cá nhân của mình vào đường ống chính của khu dân cư, sau đó tự bơm nước về bể chứa của nhà mình. Tuy nhiên, vì lượng nước về không có nhiều, nên nếu người ở gần đường ống chính bơm được đủ nước thì những người khác ở xa hơn sẽ không còn giọt nào để bơm.
Thế mới có chuyện, từ khi mất nước, nhà nào trong xóm cũng phải cắt cử người thức trắng đêm chỉ để “rình” nước về. Tuy nhiên, thức trắng đêm là một chuyện, còn có nước về để bơm hay không lại là một chuyện khác.
Video đang HOT
“Có những người, thức đến 4, 5h sáng, chạy đi chạy lại thấp thỏm cả chục lần mà bể nước vẫn phơi đáy. Rồi thậm chí có người, xin nghỉ phép ở cơ quan cả tuần nay chỉ để ở nhà trực nước, vậy mà vẫn không kiếm được đủ nước để dùng cho sinh hoạt, khiến cuộc sống vô cùng khổ cực” – Anh Lăng nói.
5 người chung nhau 1 xô nước/ngày
Cũng thức trắng đêm như tất cả các hộ gia đình khác trong xóm để chờ nước về bơm, tuy nhiên, họa hoằn lắm, bà Đào Thị Lai mới kiếm về được một vài khối nước. Vì vậy dù đã tiết kiệm hết mức, thì cảnh thiếu nước kéo dài vẫn khiến cho cuộc sống của cả gia đình gặp phải vô vàn khổ cực.
Tình trạng mất nước kéo dài, khiến nhiều gia đình chỉ dám sinh hoạt trong vài chục lít nước.
Bà Lai kể: “Cả chục ngày liền, đêm nào tôi cũng mang chiếu xuống tầng trệt để nằm, thậm chí thức cả đêm để canh chừng nước về là bơm, nhưng vì mình già nên không thể nhanh tay bằng lớp trẻ. Vì thế, có khi cả 3-4 ngày không bơm được giọt nước nào.
Để có nước để dùng, tôi phải xách xô đi xin ở những hộ may mắn bơm được nước. Thế nhưng, giữa lúc nước sạch khan hiếm, ai cũng quý nước như vàng, nên cùng lắm mỗi ngày, tôi cũng chỉ xin được một một xô nước cho cả nhà 5 người dùng.
Vì thế, cả tuần liền nóng bức, tôi cũng không dám dành ra một xô nước để tắm, cứ chịu đựng hết ngày này qua ngày khác. Đến khi ngứa ngáy, bẩn thỉu quá mức chịu đựng, tôi mới nhúng khăn tắm vào bát nước rửa mặt buổi sáng, sau đó mang ra lau người cho bớt mồ hôi. Còn quần áo thì chịu, có khi mấy ngày mới dám thay một lần vì thay ra không có nước để giặt”.
“Tình trạng đó diễn ra suốt cả chục ngày, cho đến một hôm, bật vòi nước, thấy nước chảy ồ ồ, mừng đến rơi nước mắt, vội vàng mang quần áo đi tắm, nhưng khi nhìn lại thì thấy nước đục ngầu ngầu như nước cống. Thế mà, nghĩ đi nghĩ lại, tôi vẫn không dám đổ đi, phải hứng ra 5-7 xô, chậu khác. Sau đó chờ cho nước đóng cặn rồi mới mang đi để tắm giặt và dùng tiết kiệm cho các ngày sau”.
“Thật đúng là, sống giữa Thủ đô mà khổ quá cô ạ” – bà Lai thở dài.
Theo VietNamnet
Theo chân "thần nước" bói mạch nước ngầm
Sáng nào cũng thế, phải có đủ một can nước sạch 20 lít thì các ông bố, bà mẹ mới dám đưa con đến trường. Bởi, không có nước thì lấy gì để cô giáo nấu ăn, tắm rửa, vệ sinh cho con mình trong ngày.
Một can nước mỗi ngày, tưởng là chuyện không có gì phải bàn, nhưng với người dân xã Văn Lợi, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An - nơi mà 3 tháng rồi không bói ra một giọt mưa - là cả một vấn đề!
Nợ tiền - được; nợ nước - không!
Tôi đến Trường Mầm non Văn Lợi vào lúc chiều muộn. Thế mà, ở trường vẫn chưa hết giờ đón trẻ. Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Minh giải thích, có những cháu, nhà cách trường những 6km, đường rất khó đi. Rồi có những gia đình chiều qua đi làm về muộn, sáng nay phải đi vay nước cho con, vì thế giờ đón trẻ phải dãn ra để thuận lợi cho phụ huynh.
Nếu chỉ nghe nói thôi hẳn nhiều người sẽ không tin rằng, cứ mỗi buổi sáng, bố mẹ đưa con đến trường thì phải kèm theo một can nước sạch 20 lít. Đó là toàn bộ nguồn nước sinh hoạt cho một cháu bé trong một ngày. Ngày nào cũng như ngày nào, con đến trường là mẹ phải nộp nước.
Sáng hôm sau, tôi tận mắt chứng kiến cảnh nộp nước cho con đến trường mà lòng rưng rưng. Bà mẹ nào cũng phía trước xe chở con, phía sau đèo theo một can nước và một bó củi nho nhỏ, tất tả lao về phía trường mầm non. Một bà mẹ đưa con đến muộn. Chị vừa đạp mạnh cái chân chống xe máy xuống đường, vừa vội vã bế thốc con trai ra khỏi xe.
Đứa bé gặp bạn cười rõ tươi rồi chạy một mạch vào lớp. Đằng sau, mẹ nó xiêu vẹo xách can nước vào tận bếp ăn của nhà trường. Vừa đi, chị vừa giơ tay vẫy con, "ngoan nha, chiều mẹ đón sớm"! Trút hết nước vào bể, chị ta lại tất tả ra về, vừa đi vừa chạy. Cô Minh bảo "bà con đang vào vụ làm cỏ mía nên bận túi bụi, tất tả rứa đó".
Mỗi ngày, phụ huynh phải nộp một can 20 lít nước cho con đến trường.
Nhưng tôi cũng "bắt cóc" được một số phụ huynh để hỏi về "việc nước". Mặt ai cũng nhăn nhó, mắt thì không rời chiếc can nhựa trên tay. Chị Phan Thị Ngà ở xóm Thắng Lợi bỗng nhiên bật khóc khi nói đến quãng đường gian nan để đưa con đến trường. Nhà chị Ngà ở xa trường lắm, những 6km. Đường sá thì mùa nào cũng được nhuộm màu đỏ, bùn đỏ mùa mưa, bụi đỏ mùa khô. Nhà có bể chứa nước mưa nhưng cũng chẳng ăn thua, hết mưa là cũng hết nước.
Tháng trước có con chuột chết trong bể, cả nhà bàn mãi cuối cùng quyết định vứt chuột chứ không súc bể. Bởi súc bể thì lấy nước đâu mà dùng? Chồng chị đi đón mãi mới mua được một xe nước, quý hơn vàng. Người ở thị trấn dùng xe công nông, trải bạt lên, bơm vào được đâu hơn một khối nước, thế mà giá bán những 500.000 đồng. Mà ai biết được nước có sạch hay không, thôi thì nhắm mắt mà dùng vậy.
Rồi chị rơm rớm kể về chuyện bị ngã văng cả con lẫn nước: "Hai lần rồi anh ạ. Từ nhà em đến trường vừa xa vừa khó đi. Hai mẹ con với một can nước, qua mấy cái ổ gà khiếp quá, xe em bị trượt ngã, con bé văng ra xa, thâm tím mặt mũi, can nước bị vỡ. Mẹ con ôm nhau khóc, định chở con về, không học hành gì nữa, nhưng về thì ai trông, rồi tương lai của con. Nghĩ thế nên em lại về lấy can nước khác để đưa con đến trường...".
Anh Trương Văn Lĩnh - ở xóm Tây Lợi - còn nhiều "chiến tích" hơn chị Ngà, đã vỡ đến 3 chiếc can, may là con nhỏ không hề hấn gì. Anh nói, giọng rất khó nhọc: "Có một ít nước mưa phải để dành cho con đi học, còn cả nhà thì dùng nước khác. Bữa nào không mua được nước thì phải đi hơn chục cây số, vào tận mỏ đá lấy nước mỏ về dùng. Không biết nước có sạch không...".
Cô Minh kể cho tôi nghe thêm mấy trường hợp tai nạn nữa, có chị bị sái tay, thương lắm. Giọng cô nghèn nghẹn: "Nhà trường cũng đành chịu, có cách gì khác đâu, không có nước thì các cháu không được vệ sinh sạch sẽ. Trường có 270 cháu và ba điểm trường cơ mà, mùa hè lại càng cần thêm nhiều nước. Hiếm nước nên chúng tôi phải sử dụng nước rất chi ly. Khi trẻ rửa tay, cô giáo phải có mặt để hướng dẫn và giám sát vòi nước. Mỗi ngày dọn nhà vệ sinh 3 lần, mỗi lần không được giội quá 3 xô nước... Nhà trường có thể cho phụ huynh nợ tiền ăn cho trẻ, nhưng nước thì xin phụ huynh là không thể nợ...".
Một ngày "bói" nước
Đích thân ông Bùi Thanh An - Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp - dẫn chúng tôi về xã Văn Lợi để tìm nguồn nước. Ông An mới được luân chuyển về huyện này công tác chưa đầy 9 tháng. Trong rất nhiều việc mà vị chủ tịch trẻ tuổi muốn thực hiện ở Quỳ Hợp thì tìm nguồn nước sinh hoạt cho bà con của 3 xã Văn Lợi, Đồng Hợp và Minh Hợp là điều ông trăn trở nhiều nhất. Nhưng bằng cách nào, khi mà cả xã không có lấy một con khe, ngọn suối? Ai có thể giúp dân tìm được mạch nước ngầm? Thế rồi trời run rủi cho ông đã gặp được "thần nước" Lý Văn Ký ở Gio Linh, Quảng Trị.
"Tôi mừng vô cùng. Tôi có duyên gặp được ông. Thế là bà con 3 xã ở Quỳ Hợp có cơ hội có nước sinh hoạt" - Chủ tịch An mừng rỡ nói về việc gặp được "thần nước". Ông cho biết, có khoảng 15 xóm của 3 xã và một số trường học thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Nếu tìm được nguồn nước, huyện sẽ trích ngân sách, lập tức khoan ngay 17 giếng nước cứu khát cho dân trước đã.
Cô giáo phải giám sát vòi nước mỗi khi trẻ rửa tay.
Sau vài lời giới thiệu ngắn gọn của ông chủ tịch huyện, "thần nước" bắt tay ngay vào công việc. Địa điểm tìm nguồn nước đầu tiên là Trường THCS Văn Lợi. Ông Ký cầm hai que sắt màu trắng, dài chừng 50cm mà tôi gọi là đôi "đũa thần", rồi bước những bước thật nhanh. Nét mặt ông rất căng thẳng, nhưng xem ra những người xung quanh còn căng thẳng hơn.
Bà Nguyễn Thị Nhung - Chủ tịch xã Văn Lợi - gần như không chớp mắt, và không rời ông Ký nửa bước. Vừa đi bà vừa lẩm nhẩm như niệm thần chú vậy: "Lạy trời cho có nước...". Bất chợt ông Ký dừng chân, đám đông nín thở. Đoạn ông dùng mũi giày ngoáy xuống đất để làm dấu, rồi lại tiến, lại lùi thêm mấy lượt nữa, đôi "đũa thần" rung rung, đám đông tự khắc hô vang: "Có nước!". Mặt ai cũng thật tươi.
Lúc này tôi mới nghe được tiếng bà Nhung, rành rọt: "Trước đây, xã được dự án 134 xây dựng một đường ống dẫn nước tự chảy dài 6km. Nay ống nằm trơ ra đó vì nước đầu nguồn đã bị cạn kiệt. Bốn xóm coi như không có lấy một giọt, hết nước mưa thì phải đi mua. Còn các xóm khác phải dùng nước từ ruộng, biết là bẩn nhưng có còn hơn không".
Ông Tô Văn Toàn - Trưởng xóm Thắng Lợi - mừng ra mặt khi được là xóm đầu tiên đón "thần nước" về làng. Ông nói, làng ông được thành lập từ những năm 1980, và chuyện thiếu nước cũng bắt đầu từ ngày đó. Thiếu nhất là từ tháng 11 cho đến tháng 4 năm sau. "Không ít nhà vì thiếu nước đã bỏ làng đi rồi, nếu tiếp tục hạn hán như thế này thì còn nhiều nhà nữa cũng sẽ đi luôn" - ông Toàn buồn bã nói. Ông cho biết, đã có không ít gia đình chấp nhận bỏ ra hàng chục triệu đồng để khoan giếng nhưng rồi tiền thì mất mà nước chẳng lên. Nhà ông Trương Văn Hợp khoan đến 3 lần, nhưng cả 3 lần đều trồi lên toàn... đá.
"Thần nước" Lý Văn Ký tìm nguồn nước ở Văn Lợi.
Ông Ký dừng chân ngay vị trí trung tâm của làng. Mọi thao tác của "thần nước" được lặp lại. Vẫn đôi mắt căng thẳng, vẫn những bước chân thật nhanh. Và mọi người lại nín thở. Khi mũi giày của ông ngoáy sâu vào mặt đất cũng là lúc ông Toàn reo lên: "Có nước rồi, làng ơi!". Từng tràng pháo tay vang lên không dứt... "Thần nước" nở một nụ cười rất tươi, chậm rãi nói với mọi người: "Không phải thần thánh, ma quỷ chi mô, tui làm theo nguyên lý đo dòng điện âm, xác định từ trường trái đất đó mà. Chỗ mô có nước thì điện trở sẽ khác, rứa là biết thôi". Người ta tin ông, và càng tin hơn khi ông cho biết, chỉ chừng nào giếng có nước ông mới lấy tiền công. Bằng không, một xu cũng không nhận.
Một ngày "quần" ở Văn Lợi, "thần nước" đã tìm ra 5 mạch nước ngầm. Ai cũng vui và ai cũng trông, ít ngày nữa thôi, dòng nước mát từ lòng đất sẽ được ông Ký "gọi" lên để ăn đời ở kiếp với bà con Văn Lợi. Tôi cũng rất mong, sẽ không còn nữa những hình ảnh con trước, nước sau mỗi buổi sáng mai ở Trường Mầm non Văn Lợi. Sẽ không còn nữa những chị Ngà, anh Lĩnh... bị té ngã, văng cả con, vỡ cả can.
"Thần nước"
"Thần nước" Lý Văn Ký năm nay 65 tuổi, ở xã Gio Quang, huyện Gio Linh, Quảng Trị. Trước, ông làm nghề cơ khí, chuyên sản xuất nông cụ phục vụ nông nghiệp. Vào năm 1998, một đợt hạn nặng diễn ra ở ngay làng Trúc Lâm quê ông, bà con đã mất rất nhiều tiền thuê người khoan giếng nhưng chẳng có kết quả. Ông Ký quyết định lần tìm nguồn nước, chế tạo mũi khoan để "gọi" nước lên cứu khát dân làng.
Tiếng lành đồn xa, ở đâu thiếu nước người ta lại tìm đến ông. Biệt danh "thần nước" ra đời từ đó. Với những sáng chế và phát hiện đặc biệt, năm 2003, ông được Bộ Khoa học và Công nghệ tặng bằng khen...
Theo 24h
10 nhà máy nước sạch bỏ hoang, dân dùng... nước bẩn Tỉnh Quảng Bình hiện có hơn 50 nhà máy cung cấp nước sạch. Trong số đó có 10 công trình được đầu tư hàng chục tỉ đồng nhưng đang bị "bỏ hoang". Hàng trăm ngàn người dân vẫn phải sử dụng nguồn nước nhiễm phèn, ô nhiễm. Quá lãng phí! Quảng Bình là địa phương nằm trong vùng khí hậu khắc nghiệt của...