Trắng đêm di dân tránh bão số 10
Để đối phó với cơn bão số 10, như Thanh Niên Online đã thông tin, toàn tỉnh Quảng Trị phải di dời 20.502 hộ dân/82.107 người thuộc vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão, vùng ngập lụt đặc biệt nguy hiểm, vùng lũ quét, sạt lở bờ sông thuộc 141 xã, phường trong toàn tỉnh.
Người dân thị trấn Cửa Việt (H.Gio Linh, Quảng Trị) được di dời lên trụ sở trường tiểu học của thị trấn để tránh bão ngay trong đêm 29.9
Tại thị trấn Cửa Việt (H.Gio Linh), UBND H.Gio Linh đã đặt Ban chỉ huy tiền phương chống bão do ông Trần Ngọc Lân, Chủ tịch UBND huyện chỉ huy. Ngay trong đêm 29.9, toàn thị trấn và một phần xã Gio Việt được đặt trong tình huống báo động. Với sự thúc giục, vận động mạnh mẽ từ chính quyền, người dân tại các vùng nguy hiểm đã gói ghém đồ đạc, chăn màn, lương thực đến tập trung tại những trụ sở kiên cố, cao ráo.
Tại KP.4, địa bàn xung yếu thường chịu ảnh hưởng nặng nề mỗi khi có cơn bão đi qua, điều đáng mừng là người dân đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương nhanh chóng di dời. “Nghe đài báo, nghe cán bộ vận động, chúng tôi không đi không được, lỡ bão vào, có chuyện gì thì thiệt mình”, ông Võ Văn Vui nói.
Video đang HOT
Theo UBND thị trấn Cửa Việt, đến khuya 29.9, đã có gần 200 hộ dân được di dời đến nơi an toàn, nếu tình hình xấu đi con số này sẽ tiếp tục tăng lên.
Trực tiếp đến tận từng nhà dân để vận động, ông Trần Ngọc Lân, Chủ tịch UBND H.Gio Linh, cho hay hiện toàn huyện đang khẩn trương di dời 2.600 hộ, bắt buộc phải hoàn thành công tác này trước 5 giờ sáng 30.9.
Suốt đêm 29.9, tại thị trấn ven biển này, không khí hết sức khẩn trương, già trẻ gái trai ùn ùn đi tránh bão lũ. Đây là tín hiệu hết sức tích cực và cũng là điểm sáng trong công tác chỉ đạo phòng chống bão lũ tại Quảng Trị.
Tin, ảnh: Nguyễn Phúc
Theo TNO
Sẽ kỷ luật cán bộ trực bão tắt máy điện thoại
Ngày 29.9, dẫn đầu một trong 5 đoàn công tác khẩn cấp của UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo công tác phòng chống bão số 10, ông Nguyễn Đức Chính, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị khẳng định "cán bộ trực bão tắt điện thoại sẽ bị kỷ luật".
Ông Nguyễn Đức Chính (áo trắng) yêu cầu chính quyền và nhân dân không được lơ là trong ông tác chuẩn bị trước, trong và sau khi bão vào
Làm việc với lãnh đạo UBND H.Gio Linh và thị trấn Cửa Tùng, ngoài việc yêu cầu chính quyền và nhân dân không được lơ là trong ông tác chuẩn bị trước, trong và sau khi bão vào, ông Chính nhấn mạnh trước tình hình bão lũ phức tạp, cán bộ các cấp, đặc biệt là cán bộ chuyên trách không được tắt điện thoại.
Ông Chính lấy ví dụ từ câu chuyện của một địa phương khác và cho rằng cán bộ "trực bão" phải chủ động đến mọi tình huống dự phòng, kể cả khi máy hết pin.
"Điện thoại không liên lạc được giữa lúc bão lũ khẩn cấp là không được đâu, sẽ bị kỷ luật đấy. Lỡ dân gặp nạn, dân gọi cán bộ không được thì biết kêu ai?", ông Chính nói.
Ngoài ra, đề cập đến công tác phòng chống lụt bão tại các trường học, trạm xá, ông Chính cũng cho biết nếu các đơn vị này bị thiệt hại vì bão lũ với những lý do không chính đáng như: không kê bàn ghế, máy tính, thuốc men lên cao; không chằng chống trụ sở; không bỏ tài liệu, sách vở vào túi ni lông... thì tỉnh sẽ xem xét đến trách nhiệm của hiệu trưởng, trưởng trạm đó.
Trong khi đó, theo bản tin gần nhất phát lúc 17 giờ 30 phút ngày 29.9 của Trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Trị, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 10, ngay trong đêm 29.9 trên địa bàn tỉnh sẽ có mưa to đến rất to, có dông.
Vùng ven biển đề phòng nước biển dâng kết hợp thủy triều cao 3-4 m. Vùng biển ngoài khơi gió mạnh lên từ cấp 7-8, sau tăng dần lên cấp 13, giật cấp 14-15; biển động dữ dội.
Tin, ảnh: Nguyễn Phúc
Theo TNO
Dự án di dân "trùm mền" do thiếu vốn Liên quan đến sự chậm trễ của Dự án di dân khẩn cấp ra khỏi vùng lũ ống, lũ quét xã Húc Nghì, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, đại diện chủ đầu tư cho rằng công trình thi công chậm là do thiếu vốn. Dự án di dân khẩn cấp ra khỏi vùng lũ ống, lũ quét xã Húc Nghì và một số...