Trắng đêm chuyển người vào khu cách ly
18h. Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM. ‘Reng…Reng…Reng’. Đầu dây bên kia, một giọng nam gấp gáp: ‘Tôi là bác sĩ Bằng. Ở khu A KTX ĐH Quốc gia có 2 ca từ nước ngoài về cách ly tập trung nghi nhiễm COVID-19. Biểu hiện sốt cao 38,5 độ, ho, đau ngực’.
Sau khi được đưa từ khu cách KTX khu A ĐH Quốc gia TP.HCM về Bệnh viện quận Bình Thạnh đêm 22-3, người nghi nhiễm được khử khuẩn từ khi bước xuống xe – Ảnh: DUYÊN PHAN
Những thông tin cực ngắn gọn này lập tức được chị Trần Thị Thanh Trang – nhân viên trực tổng đài, lần lượt điều phối đến 3 trạm cấp cứu vệ tinh gần nhất gồm Bệnh viện Q.Thủ Đức, Bệnh viện Q.9, Bệnh viện Q.2 nhưng tất cả đều đang trong tình trạng “vận chuyển người đi cách ly”.
Lúc này, thông tin được “bắn” trực tiếp cho trưởng tua trực để điều lực lực lượng từ Trung tâm cấp cứu (Q.10), theo xe cứu thương hụ còi hướng về KTX ĐH Quốc gia TP.HCM (Q.Thủ Đức), nơi có hai người nghi nhiễm COVID-19 đang đợi được vận chuyển đi cách ly.
Từ ngày dịch COVID-19 bùng phát ở nhiều nơi, lượng người ở nước ngoài đổ về Việt Nam ngày càng nhiều cũng chính là lúc các nhân viên của Trung tâm cấp cứu 115 và các trạm cấp cứu vệ tinh khắp TP phải thay phiên nhau “gồng” mình túc trực suốt ngày đêm với một “nhiệm vụ kép”: Vận chuyển người đi cách ly và vận chuyển người bị bệnh, tai nạn đi cấp cứu.
Đêm nay nhiệm vụ vận chuyển người đi cách ly được giao cho hai chàng trai có tuổi đời còn trẻ, gồm tài xế Trần Tuấn Anh (29 tuổi) và y sĩ Lê Quang Trí (31 tuổi). Với một loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như COVID-19, việc trang bị đồ bảo hộ là điều kiện bắt buộc với mỗi nhân viên vận chuyển người bệnh. Bởi vậy mà trước khi lên đường trông bộ dạng của họ như những “phi hành gia”, khi phải khoác trên mình một bộ đồ bảo hộ kín từ đầu đến chân; phải đeo găng tay hai lớp, khẩu trang, kính…
Không chỉ thế, tài xế Tuấn Anh còn bảo – cao điểm mùa dịch lắm lúc lao ra đường xe cứu thương được người dân coi như “vật thể lạ”. “Hễ thấy trên xe cứu thương có các nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ là y như rằng người dân đổ xô chú ý. Xe đi đến đâu người dân đều nghĩ ở đó có ca bệnh, có người còn nhanh tay quay phim, chụp ảnh để tung lên mạng” – y sĩ Trí chia sẻ.
Trời Sài Gòn đã về đêm, nhưng trong cabin xe cấp cứu nóng hầm hập. Càng về khuya, trong bộ đồ kín mít, trên gương mặt, trong từng khóe mắt của họ nhễ nhại mồ hôi. “Đồ bảo hộ từ lúc mặc cho đến khi cởi ra tuyệt đối không được đụng vào. Có nóng quá, mồ hôi có chảy cay xè nhòe cả mắt cũng phải ráng chịu cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ mới thôi” – y sĩ Trí nói.
Và phải sau gần 4 tiếng đồng hồ len lỏi giữa dòng xe cộ tấp nập, lúc chuyển hai người nghi nhiễm vào phòng cách ly của Bệnh viện Q.Bình Thạnh, hai nhân viên mới thở phào nhẹ nhõm.
Bác sĩ Nguyễn Duy Long – giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 – cho biết đến nay đơn vị đã xuất xe vận chuyển được 149 ca nhiễm, nghi nhiễm COVID-19 từ sân bay Tân Sơn Nhất về các nơi như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP, một số khu cách ly ở các bệnh viện quận, huyện và các nơi cách ly tập trung ở Quân đoàn 4, Cần Giờ, Củ Chi.
“Những ca đơn vị phụ trách chuyển đều có dấu hiệu nhiễm bệnh, có các triệu chứng lâm sàng cần phải được xét nghiệm để cách ly điều trị. Từ đầu mùa dịch đến nay, mỗi ngày các nhân viên đều được chia tua túc trực, khi có ca là ai nấy đều sẵn sàng lên đường bất kể ngày đêm, xa hay gần”, bác sĩ Long chia sẻ.
Phóng viên Tuổi Trẻ online theo chân và ghi lại hành trình chuyển hai ca nghi nhiễm COVID-19 từ KTX ĐH Quốc gia về Bệnh viện Q.Bình Thạnh đêm 22-3.
Đội ngũ trực đường dây nóng tối 22-3 tất bật nhận các cuộc gọi khẩn cấp – Ảnh: DUYÊN PHAN
Video đang HOT
Khi nhận được điện thoại, ngay lập tức y sĩ Lê Quang Trí (31 tuổi) khoác lên mình bộ đồ bảo hộ để cùng đồng nghiệp đi đón người nghi nhiễm – Ảnh: DUYÊN PHAN
Giúp đỡ nhau mặc trang phục bảo hộ nhanh và an toàn nhất để tiết kiệm thời gian – Ảnh: DUYÊN PHAN
Tài xế Trần Tuấn Anh (29 tuổi) tức tốc khởi hành cùng đồng nghiệp đi đón người nghi nhiễm – Ảnh: DUYÊN PHAN
Khu cách ly nằm xa trung tâm thành phố, các nhân viên y tế phải sử dụng ứng dụng chỉ đường, chiếc điện thoại cũng được bọc kỹ lưỡng để đảm bảo an toàn – Ảnh: DUYÊN PHAN
Đến nơi y sĩ Lê Quang Trí gọi điện thoại liên lạc để bên trung tâm quản lý đưa người cách ly xuống – Ảnh: DUYÊN PHAN
Trong lúc này tài xế Tuấn Anh tranh thủ chợp mắt sau hành trình khá mệt mỏi – Ảnh: DUYÊN PHAN
Nhân viên điều dưỡng làm hồ sơ bàn giao người nghi nhiễm cho Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM – Ảnh: DUYÊN PHAN
Hai ca nghi nhiễm xuất hiện với trang phục bảo hộ kỹ lưỡng và di chuyển theo sự hướng dẫn của nhân viên y tế – Ảnh: DUYÊN PHAN
Nhân viên y tế giúp chuyển đồ của các ca nghi nhiễm lên xe – Ảnh: DUYÊN PHAN
Khu cách ly KTX ĐHQG TP.HCM sáng đèn, ảnh chụp tối 22-3 – Ảnh: DUYÊN PHAN
Bệnh viện quận Bình Thạnh tiếp nhận các ca nghi nhiễm và tiến hành sát khuẩn ngay lập tức – Ảnh: DUYÊN PHAN
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, các nhân viên y tế tiến hành khử khuẩn ngay để đảm bảo an toàn – Ảnh: DUYÊN PHAN
23h45 các nhân viên y tế tại Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM vẫn tất bật với công việc của mình – Ảnh: DUYÊN PHAN
Sau những phút gồng mình chạy đua với công việc, các nhân viên y tế tại Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM mới có cho mình vài phút giây thư giãn trong đêm – Ảnh: DUYÊN PHAN
HOÀNG LỘC – DUYÊN PHAN
'Sóng thần' Covid-19 càn quét bệnh viện Italy
Một bác sĩ vùng Lombardy mô tả Covid-19 như "sóng thần" càn quét bệnh viện của anh, khi hơn 100 trong 120 ca nhiễm nCoV bị biến chứng viêm phổi.
Một bệnh viện khác gần đó cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu nhân viên, khi các y bác sĩ lần lượt nhiễm nCoV và trở thành bệnh nhân.
Các bác sĩ, nhà nghiên cứu virus và giới chức y tế trên tuyến đầu chống Covid-19 của Italy mô tả hệ thống y tế nước này rơi vào tình trạng quá tải, giống như nhiều quốc gia khác khi bị Covid-19 tấn công.
Để đối phó với đợt "sóng thần" này, Italy cho phép người theo học chuyên ngành y tá điều dưỡng tốt nghiệp sớm và kêu gọi nhân viên y tế nghỉ hưu quay lại làm việc. Bệnh viện ở những vùng có Covid-19 tạm hoãn những ca phẫu thuật chưa cần thiết và chạy đua tìm cách bổ sung 50% giường chăm sóc đặc biệt.
"Đây là kịch bản tồi tệ nhất tôi từng thấy", Angelo Pan, trưởng khoa bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện thành phố Cremona, miền bắc Italy, nói và nhấn mạnh về sự phổ biến của biến chứng viêm phổi trong các ca nhiễm nCoV. Ông cho biết 35 bệnh nhân ở bệnh viện này phải đặt nội khí quản hoặc thở máy.
Nữ nhân viên y tế bước ra từ lều dựng trước khoa cấp cứu bệnh viện Cremona, vùng Lombardy hôm 29/2. Ảnh: AP.
Italy đang mở rộng phạm vi đối tượng xét nghiệm nCoV, bao gồm cả người chưa xuất hiện triệu chứng nhiễm virus. Nước này hiện là ổ dịch nCoV lớn thứ ba thế giới, với hơn 2.500 người nhiễm và 79 ca tử vong, chỉ sau Trung Quốc đại lục và Hàn Quốc.
Giới chuyên gia cho biết hầu hết ca nhiễm nCoV ở Italy tương đối nhẹ, nhưng tại các ổ dịch ở miền bắc đất nước, nhiều ca bệnh nghiêm trọng hơn được ghi nhận, với chủ yếu là người già có tiền sử ung thư hoặc các vấn đề sức khỏe khác. Người cao tuổi chính là đối tượng dễ gặp nguy hiểm nhất khi Covid-19 tấn công.
"Tình hình ở vùng tâm dịch khá tồi tệ. Chúng tôi có nhiều người già cần hỗ trợ y tế. Điều này đã gây ra gánh nặng cho các bệnh viện ở khu vực đó", Giovanni Rezza, giám đốc khoa bệnh truyền nhiễm tại Viện Y tế Quốc gia Italy, cho hay.
Giống như bang Washington ở Mỹ, nhiều nhà nghiên cứu virus tin rằng nCoV đã lây lan ở miền bắc Italy nhiều tuần trước khi được phát hiện vào cuối tháng 1. Bệnh nhân 38 tuổi, người đầu tiên dương tính với nCoV ở vùng Lombardy và hiện nằm ở khoa chăm sóc đặc biệt, chưa từng đi nước ngoài và ban đầu đã được bác sĩ cho xuất viện về nhà.
Khi Covid-19 bùng phát ở Italy, bệnh viện vùng Lombardy nhanh chóng rơi vào tình trạng quá tải. Vào thời điểm đó, hàng chục bác sĩ và nhân viên y tế đã bị lây nhiễm virus và trở thành bệnh nhân.
"Bài học ở đây chính là bạn phải can thiệp thật nhanh một cách quyết liệt. Nếu không, hệ thống y tế sẽ phải hứng hậu quả nặng nề. Chúng ta không thể thỏa hiệp", Rezza nói.
Bị chỉ trích vì phát hiện ca bệnh đầu tiên quá chậm, giới chức y tế Italy sau đó đã hành động quyết liệt khi phong tỏa 50.000 người ở 11 thị trấn miền bắc từ ngày 22/2 và xét nghiệm virus cho hàng nghìn người nhằm kiểm soát Covid-19.
Quan chức y tế Italy hy vọng các biện pháp này sẽ chỉ kéo dài trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, Rezza cho biết giới chức có thể phải gia hạn lệnh hạn chế đi lại và tụ tập đông người sau hai tuần đầu tiên, nhằm đánh giá tốt hơn về công việc họ đang làm, trong khi việc phong tỏa các thị trấn có thể kéo dài hơn.
Ông cho biết việc ngăn chặn hoàn toàn nCoV là điều không thể vào lúc này, nhưng quan trọng là làm chậm tốc độ lây lan của nó. "Điều tệ nhất là có quá nhiều ca nhiễm bệnh ở cùng một địa điểm", ông nói.
Theo vnexpress.net
Những người có sốt, ho, khó thở trở về từ vùng dịch phải cách ly ngay tại cơ sở y tế Ngày 29/2, Bộ Y tế đã có Công văn gửi các tỉnh, thành về tổ chức cách ly tế người về từ vùng dịch Covid-19. Theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, có xu hướng lây lan nhanh, rộng trên nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ....