Trận tử thủ của 800 lính Ba Lan trước 42.000 quân Đức năm 1939
Một đơn vị 800 lính Ba Lan đã cầm chân quân đoàn thiện chiến đông gấp 52 lần của phát xít Đức suốt ba ngày.
Đại úy Wadysaw Raginis. Ảnh: Wikipedia.
Khi phát xít Đức tràn qua biên giới Ba Lan ngày 1.9.1939, đại úy Wadysaw Raginis được giao nhiệm vụ chỉ huy lực lượng phòng thủ tại khu vực Wizna, cách tiền tuyến 65 km. Trong trận đánh này, 800 lính dưới quyền Raginis đã cầm chân 42.000 lính Đức suốt 72 giờ, biến Wizna trở thành một trong những biểu tượng nổi bật nhất của lòng dũng cảm trong Thế chiến II, theo War History.
Đại úy Raginis phục vụ trong Quân đoàn Biên phòng Ba Lan, đơn vị tinh nhuệ có nhiệm vụ bảo vệ đường biên giới Ba Lan trước mọi cuộc xâm lược. Mùa hè năm 1939, trước nguy cơ xâm lăng từ phát xít Đức, Raginis chỉ huy lực lượng phòng thủ ở Wizna xây dựng hệ thống hầm hào, công sự, sẵn sàng chiến đấu.
Khi Thế chiến II nổ ra, lực lượng dưới quyền Raginis gồm khoảng 800 quân, được trang bị hai súng trường chống tăng, 6 pháo diệt tăng cỡ nòng 76 mm và 42 khẩu súng máy. Thị trấn Wizna được xây dựng như một pháo đài nhỏ, nhưng hệ thống lô cốt và hầm hào chưa được hoàn thiện khi chiến sự nổ ra. Raginis hy vọng các điểm phòng thủ có thể cầm chân đối phương trong vài ngày, nhưng không biết lực lượng khổng lồ của phát xít Đức đang tiến tới khu vực này.
Ở bên kia chiến tuyến, Quân đoàn 19 Đức của tướng Heinz Guderian gồm 42.000 quân được trang bị 350 xe tăng, 657 khẩu pháo và cối các loại bắt đầu tiến công Ba Lan. Lực lượng Đức bao vây các điểm phòng thủ biên giới của Ba Lan, chia cắt chúng với nửa phía đông nước này. Sau 6 ngày giao tranh, quân Đức tiến đến sông Narew và thị trấn Wizna.
Sáng 7.9.1939, kỵ binh trinh sát Ba Lan phát hiện thiết giáp Đức đang tiến về phía thị trấn Wizna nên báo động cho quân chủ lực phía sau. Công binh Ba Lan cho nổ tung cây cầu duy nhất qua sông Narew, giúp quân của Raginis có thêm thời gian chuẩn bị.
Video đang HOT
Các mũi tấn công của Đức (màu đỏ) nhằm vào Wizna. Đồ họa: Wikipedia.
Khi đêm xuống, lực lượng hai bên bắt đầu giáp mặt. Trinh sát đường không Đức phát hiện mạng lưới chiến hào và lô cốt dài 6,5 km chạy từ Wizna đến Krupiki. Quân Đức không biết chính xác quân số Ba Lan, trong khi lực lượng phòng thủ biết rõ mình bị áp đảo về số lượng.
Lợi dụng đêm tối, bộ binh Đức tìm cách vượt sông, nhắm vào điểm yếu trong tuyến phòng thủ Ba Lan. Tuy nhiên, khi quân Đức đến gần lô cốt đầu tiên, súng máy bên trong khai hỏa quét qua đội hình, gây thương vong lớn và buộc lính Đức phải rút lui.
Ngày hôm sau, oanh tạc cơ Đức thả tờ rơi kêu gọi đầu hàng. Đại úy Raginis và trung úy Brykalksi, phó chỉ huy lực lượng phòng thủ, tuyên bố sẽ tử thủ đến cùng và buộc quân Đức phải trả giá đắt.
Chiều 8.9, không quân và pháo binh Đức bắt đầu oanh tạc các vị trí tiền phương, buộc quân Ba Lan rút vào trú ẩn trong lô cốt. Quân Đức tấn công hai lô cốt nằm tách biệt ở phía bắc sông Narew, bao vây họ từ ba phía. Súng trường và súng máy Ba Lan cầm chân được bộ binh Đức cho đến khi đối phương nã pháo dồn dập, khiến hai trung đội phòng thủ phải rút lui.
Tuyến phòng thủ duy nhất của quân Ba Lan ở phía bắc là sông Narew, trong khi ở phía nam, quân Đức đã tràn qua cánh đồng hướng về các chốt của quân Ba Lan. Tuy nhiên, quân Đức chỉ có thể tiến chậm ở địa hình trống trải và bùn lầy. Quân của Raginis tập trung hỏa lực súng trường và súng máy vào bộ binh Đức, nhưng lực lượng này tiếp tục tiến công dưới sự yểm trợ của thiết giáp. Bị bắn phá dữ dội, quân Ba Lan phải rút từ chiến hào vào trong lô cốt kiên cố và chịu nhiều thương vong.
Đến cuối ngày, xe tăng Đức vượt qua phòng tuyến của Ba Lan, nhưng bộ binh vẫn không thể áp sát lô cốt. Raginis và đồng đội hiểu rằng họ sẽ không có tiếp viện để chống lại cuộc tiến công.
Giao tranh diễn ra xuyên đêm, quân Đức cố gắng chiếm các lô cốt vòng ngoài, trong khi lính Ba Lan tiếp tục cầm chân đối phương, khiến hai bên chịu thương vong lớn. Dưới sự yểm trợ của xe tăng, công binh Đức dùng thuốc nổ phá hủy từng lô cốt một, dần đẩy lùi lực lượng phòng thủ Ba Lan.
Phần còn lại của một lô cốt tại Wizna. Ảnh: Wikipedia.
Đến sáng 10.9, quân Ba Lan chỉ còn co cụm cố thủ trong hai lô cốt. Một lính Đức mang theo cờ trắng tiếp cận phòng tuyến, yêu cầu ngừng bắn để chôn cất người chết và thương thuyết điều khoản đầu hàng cho phía Ba Lan.
Raginis phải đưa ra lựa chọn khó khăn, tiếp tục chiến đấu để cầm chân đối phương lâu hơn hoặc đầu hàng để cứu binh sĩ dưới quyền. Nhận thấy phần lớn các đồng đội đều bị thương và gần hết đạn, Raginis quyết định đầu hàng để không lãng phí mạng sống của họ. Bản thân đại úy Raginis cũng bị thương nặng, nhưng quyết không để bị bắt làm tù binh nên đã rút lựu đạn tự sát sau khi bảo đảm binh lính Ba Lan được an toàn.
Trận đánh Wizna đã trở thành biểu tượng dũng cảm của Ba Lan. Dù đối mặt với đối phương đông gấp 52 lần, đội quân dưới quyền đại úy Raginis đã dũng cảm cầm chân một trong những lực lượng thiện chiến nhất của Đức trong suốt 72 giờ.
Theo Duy Sơn (VnExpress)
Sau 1 đêm, lính Mỹ "chế tạo" xe tăng chặn đứng cả sư đoàn Đức Quốc Xã
Chỉ với 3 chiếc xe tăng được chắp vá vội vàng trong 1 đêm, Tiểu đoàn Tăng 740 của Mỹ đã đẩy lùi hẳn 1 sư đoàn tăng Đức được trang bị tốt hơn hẳn.
Trong những cơn gió rét của Bắc Âu, dù làm việc cật lực, đôi tay đầy dầu mỡ của binh nhất Harry Miller vẫn không khỏi run rẩy. Dù mệt và lạnh đến cóng tay, thời gian không cho phép anh được nghỉ ngơi 1 giây nào. Đó là đêm 18.12.1944, cái đêm mà anh và đồng đội thuộc Tiểu đoàn Tăng 740 phải thức trắng để chế tạo xe tăng ngay trước trận chiến.
Ông Harry Miller của hiện tại
Trước đó, Tiểu đoàn Tăng 740 nhận được lệnh bằng mọi giá ngăn chặn Sư đoàn Tăng SS số 1 - lực lượng tiên phong của quân đội Đức trong trận Ardennes. Trớ trêu thay, khi mà những chiếc tăng Đức dần dần tiếp cận chiến trường, Miller và đồng đội, lúc đó đang ở Neufchateau (Bỉ), không hề có 1 chiếc xe tăng.
Trước khi trận chiến bắt đầu, tiểu đoàn này được điều động tới một cảng quân sự gần Sprimont. Thế nhưng, thay vì nhận được những chiếc xe tăng còn hoạt động, các binh sĩ Mỹ lại nhận được các "bia tập bắn" to lớn nhưng vô dụng. Lí do là các nhân viên tại cảng, do sợ hãi quân đội Đức, đã di tản và để lại khí tài, dụng cụ ở lại.
Trong tình thế nguy cấp, sự quyết tâm của những người lính đã làm được điều tưởng chừng không thể: từ những gì có sẵn, chỉ sau 1 đêm, Miller và đồng đội đã "chế tạo" được 3 chiếc xe tăng và 1 xe diệt tăng. Những chiếc xe này nhanh chóng di chuyển đến Stoumont để đối phó với người Đức.
Những chiếc xe tăng "chắp vá" trong của Tiểu đoàn Tăng 740 di chuyển tới Stoumont
Đây thực sự là 1 cuộc chiến không cân sức. Ba chiếc xe tăng của Tiểu đoàn 740 phải đối mặt với Nhóm Chiến đấu Peiper và Sư đoàn Tăng SS số 1. Thế nhưng, những chiếc xe chắp vá của người Mỹ đã chiến đấu hiệu quả đến không ngờ. Chỉ trong khoảng 30 phút đầu cuộc cuộc chiến, ba chiếc xe của Đức đã bị loại khỏi vòng chiến đấu, khiến con đường tiến công vốn hẹp bị chặn lại. Không còn sự lựa chọn nào khác, quân Đức đã buộc phải rút lui.
Trận chiến Ardennes, bắt đầu từ ngày 16.12.1944 cho tới ngày 25.1.1945, là chiến dịch tấn công lớn cuối cùng của Đức Quốc xã trên mặt trận phía tây trong Thế chiến 2. Báo chí tiếng Anh gọi trận đánh này là Battle of the Bulge vì khi nhìn trên bản đồ quân sự, quân Đức thọc thủng được một lỗ hổng lớn và tràn sang khu quân sự của Đồng Minh tạo nên một mũi dùi tương tự như một khối u sung. Đây cũng là cuộc chiến lớn nhất và đẫm máu nhất của quân đội Mỹ trong Thế chiến với 19,000 lính tử trận, 89,000 lính bị thương trên tổng số 610,000 lính Mỹ tham chiến.
Theo Danviet
Ảnh hiếm về nhân vật quyền lực nhất phát xít Đức sau Hitler Những bức ảnh mới được công bố hé lộ về nhân vật có quyền lực không kém là bao so với trùm phát xít Adolf Hitler trong Thế chiến 2. Trùm phát xít Đức Adolf Hitler mỉm cười với con trai nhà "phó tướng" Hermann Goering. Theo Daily Star, những bức ảnh hé lộ cuộc đời trùm phát xít Hitler bên cạnh gia...