Trăn trở lập nghiệp ở quê hay trụ lại thành phố
1/4 người được hỏi khẳng định về quê cuộc sống ổn hơn, nhưng cũng chừng ấy cương quyết ở lại thành phố dù chật vật.
Bão giá, công việc khó khăn và kèm theo là áp lực về chuyện nhà cửa khiến nhiều người trước đây “cố sống, cố chết” trụ lại thành phố bắt đầu nghĩ đến việc về quê sinh sống. Trong thời gian qua, trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội, rất nhiều người chia sẻ về những trăn trở này khi suy thoái kinh tế ngày càng tồi tệ.
Những câu chuyện xót xa như lương kỹ sư xây dựng không bằng thợ cắt tóc vỉa hè, hay thạc sĩ du học Anh về làm việc với mức lương 2,4 triệu đồng, cho thấy bức tranh ảm đạm về công việc dành cho giới trẻ. Nhiều người quyết định về quê, vợ làm vườn, chồng đi làm với mức lương 10 triệu đồng một tháng, thấp hơn ở thành phố một nửa nhưng thoải mái hơn và cảm thấy nhẹ nhàng rất nhiều.
Video đang HOT
Sau khi ra trường, rất ít người muốn rời thành phố về quê bởi điều kiện về cuộc sống ở hai phía chênh lệch khá nhiều. Ảnh minh họa: I.M.
Trăn trở về lựa chọn về quê hay ở lại thành phố, hai sinh viên vừa mới ra trường, Quang Dũng (Đại học công nghiệp Hà Nội) và Ngọc Anh (Đại học ngoại ngữ) có những đường hướng khác nhau. Ngọc Anh tỏ ra bi quan: “Nói thật là tôi sợ thành phố lắm, chẳng qua không biết đi đâu nên đành phải ở đây thôi. Thành phố đông đúc, bụi bặm, ra đường cứ nơm nớp lo bị tai nạn xe cộ, hàng hóa thì đắt đỏ lại cực kỳ độc hại. Tôi quyết định về quê và nhờ bố mẹ xin việc chứ làm ở thành phố với đồng lương èo uột thì chẳng biết bao giờ mới mua được nhà. Chẳng lẽ cứ ở nhà thuê mãi?”.
Quang Dũng lại có những suy nghĩ thực tế hơn: “Về quê thì gần gia đình, được bố mẹ giúp đỡ nhưng tìm việc khó lắm, bố mẹ làm sao theo mình cả đời để giúp đỡ, anh em “kiến giả nhất phận”, mình phải tự lập thôi. Theo tôi, ở thành phố sẽ có nhiều cơ hội cho những người trẻ hơn. Tôi không ngại vất vả”.
Trong một cuộc khảo sát nhỏ do VnExpress thực hiện, có sự tham gia của gần 3.500 độc giả, hỏi về ý định sống ở quê hay rời thành phố. 27% (1/4 số người được hỏi) khẳng định đã về quê và thấy cuộc sống ổn hơn nhưng 24% cũng cương quyết ở lại thành phố dù chật vật đến đâu. 18% số người được hỏi rất muốn về quê nhưng do dự vì lo tương lai của con cái.
Thực tế, sau khi ra trường, rất ít người muốn rời thành phố về quê bởi điều kiện về cuộc sống ở hai phía chênh lệch khá nhiều. Nhưng cuộc sống xa nhà, xa gia đình, đối mặt với những khó khăn về tiền bạc khiến nhiều người nản chí. Đối tượng di cư từ nông thôn lên thành phố thường có mức thu nhập không ổn định, ít cơ hội kiếm việc làm, chịu tác động nặng nề nhất của tình trạng suy thoái kinh tế như bão giá, thất nghiệp… Khi khó khăn như vậy thì cuộc sống ở quê sẽ đảm bảo hơn.
Nhiều người trẻ băn khoăn không biết khởi nghiệp ở đâu. Ảnh minh họa: I.M.
Việc quyết định về quê hay ở lại thành phố phụ thuộc vào sự cân nhắc và lựa chọn của mỗi người. Bạn cần lựa chọn dựa trên nhiều yếu tố như: Nếu về quê thì có việc làm hay không, có hợp sở thích không? Công việc có ổn định không? Gia đình hỗ trợ như thế nào? Các điều kiện giúp bạn phát triển công việc… Suy tính trước sau, nhiều phương diện sẽ giúp bạn tránh được những khó khăn, bối rối và ân hận vì đã quyết định trở về quê.
Ngược lại, nếu quyết định “bám trụ” thành phố thì bạn cũng cần có kế hoạch dài hơi cho bản thân. Sẽ xin việc vào đâu, với mức lương như thế nào? Nhận được hỗ trợ từ ai không? Tiết kiệm thế nào để mua nhà? Công việc có ổn định, lâu dài không?
Định hướng công việc ở đâu đối với những người mới ra trường là vô cùng khó khăn, khi họ chưa có kinh nghiệm cũng như sự từng trải để sáng suốt đánh giá. Bạn có thể tự trả lời cho mình những câu hỏi trên hoặc nhờ tới sự giúp đỡ của người lớn, tham khảo ý kiến của gia đình trước khi có quyết định cuối cùng.
Theo VNE