Trần Tiến: Tử tế với người tình và chung thuỷ với vợ
Là một kẻ du ca, tài hoa lại hay có “tật tán gái” nhưng Trần Tiến vẫn nổi tiếng chung thuỷ với câu nói bất hủ: “Đàn ông ngu gì mà bỏ vợ con”.
Mặc dầu vậy, Trần Tiến có vẻ không lấy gì hào hứng với biệt danh này. Trần Tiến có lối ví von khá dí dỏm về mình: “Tôi là Thiên Bồng Nguyên Soái. Tôi cũng đi lấy chân kinh nhưng lại hay mắc tội tán gái. Tôi không có một con đường để đi, luôn đi vào rừng nhưng lại chẳng bao giờ lạc lối. Thi thoảng tôi lại thấy Mưa bay tháp cổ, Ra ngõ tụng kinh. Tôi không thích tạo cho mình một con đường nào cả. Quan trọng là mình thấy mặt trời ở đâu, thành Rome ở đâu, đạo ở đâu”.
Có lẽ may mắn và sự an ủi lớn nhất của Trần Tiến khi đến với âm nhạc, đó là những cuộc du ca. Trong quãng đường rong ruổi đó, Trần Tiến tâm sự, ông có thêm vài mối tình, cùng vài người đàn bà đi qua cuộc đời và ghé lại bên ông. “Nhưng tôi không may mắn có được một mối tình lớn nào trong đời. Trời chỉ cho đến vậy thì mình biết vậy. Chỉ cần mình có sức khoẻ, vẫn chạy đựơc xe tằng tằng 100 cây số trên giờ. Gặp em gái xinh đẹp vẫn vẫy tay cười chào. Thế là hạnh phúc rồi”. Trần Tiến chỉ kể có vậy về sự tài hoa của mình. Rồi ông chuyển sang câu chuyện về “mẹ tôi, chị tôi”, những người phụ nữ chịu thương, chịu khó, tảo tần, đức hạnh. Những ca từ da diết ông viết về họ giống như ông đang đau nỗi đau của họ. “Tôi viết Sao em nỡ vội lấy chồng, theo đơn đặt hàng kế hoạch hoá gia đình nhưng sự thực là buồn cho một cô bé hàng xóm ngày xưa, xinh như trăng rằm nhưng năm 13 nàng đã sang đò đi lấy chồng xa”.
Là một kẻ du ca, tài hoa lại hay có “tật tán gái” nhưng Trần Tiến vẫn nổi tiếng chung thuỷ với câu nói bất hủ: “Đàn ông ngu gì mà bỏ vợ con”.
Trần Tiến, kẻ lãng tử du ca nhưng lại hay khóc một mình khi nhớ về quá khứ. Ông nói: “Tôi thường thức dậy rất sớm, khoảng 3,4 giờ sáng gì đó. Dậy lúc đó buồn lắm. Âm nhạc của tôi buồn cũng là vì vậy. Vui đến mấy rồi kết thúc cũng là nỗi buồn thôi. Tôi đi thanh niên xong phong. Bạn bè bảo, mày phải ở lại để viết nhạc về chúng tao. Thế là tôi ở lại, chứ nếu đi thì có khi bây giờ đã là nấm mồ nơi nghĩa trang liệt sĩ. Bạn bè lớp tôi ra trận thì có hơn một nửa nằm xuống nơi chiến trường. Một nửa người yêu bài hát “Thanh niên ra trận” của tôi cũng đã chết.
Hỏi ông về sự đào hoa, Trần Tiến chỉ mỉm cười: “Đàn ông ấy mà, ai cũng thế thôi, có rất nhiều tật xấu lắm. Làm người chung thuỷ thì khó nhưng người tử tế thì mình đã làm được rồi. Người tử tế là người đối xử tốt với tất cả mọi người, từ vợ con đến người tình. Chuyện đàn ông và đàn bà là những chuyện phù du. Tôi không phải là kẻ mây mưa nhưng cũng không phải là người chung thuỷ”.
Theo Báo Đất Việt
Trần Tiến: 'Vợ yên lòng khi tôi hạnh phúc trong cõi riêng'
Thoải mái, chân thành và không thiếu những phút bông đùa, vừa trả lời vừa nhâm nhi cốc bia mát lạnh, "gã du ca" sót lại của nhạc Việt khiến người đối diện cảm thấy gần gũi, khác hẳn những e ngại về một Trần Tiến khó tính, lảng tránh báo chí.
- Có giai thoại rằng, những đêm nhạc Trần Tiến ở Sài Gòn cách đây hai thập kỷ, phụ nữ sồn sồn ra phủ kín chiếc Vespa ghẻ của ông bằng những vết son môi. Vẻ bề ngoài xù xì của ông vì sao lại hấp dẫn người khác giới như vậy?
Video đang HOT
- Quan tâm lớn nhất trong cuộc đời tôi là âm nhạc, mình phải làm những gì khác mình, phá chính mình, không bao giờ lặp lại, chuyện đàn ông, đàn bà phù du lắm. Tôi không phải người chung thủy nhưng cũng không phải người mây mưa. Nói về phụ nữ bao giờ cũng vui, nhưng chỉ là kiểu nói đùa, nói vui chứ không phải thật. Có tiếng mà không có miếng thôi.
Có thể phụ nữ thích nhạc của tôi vì thấy tôi đồng cảm với họ. Tôi sáng tác nhiều bài hát về thân phận đàn bà, chia sẻ những thiệt thòi, thiếu hụt hạnh phúc của họ. Tôi làm vậy vì tôi yêu mẹ tôi, yêu chị tôi, yêu những phụ nữ đã đến với cuộc đời tôi. Tôi rất thương những người vất vả, nhất là khi họ sinh thành ra loài người. Tình yêu ấy vượt quá tình yêu nam nữ.
Khởi đầu, chàng trai Trần Việt Tiến mơ ước trở thành một nhà khoa học. Ông thậm chí còn bực mình khi ông anh Trần Hiếu hát suốt ngày. Nhưng cuối cùng âm nhạc lại là cái nghiệp của ông.
- Thế ông nghĩ sao về vẻ đẹp cổ điển và vẻ đẹp hiện đại? Ông từng nói không muốn Rihanna hát nhạc mình vì cô ấy sexy quá mức.
- Có thể là vì tôi cổ. Bạn hỏi ông già này làm gì. Tôi không khắt khe nhưng mỗi vẻ đẹp phù hợp với con người thời đó. Mới đây, khi được mời làm đêm nhạc Trần Tiến - Như chờ từng giấc mơ, tôi nói ngay: "Các bạn định làm âm nhạc tôi kiểu gì, nếu định làm bằng mông, bằng ngực, bằng quần áo hở hang, bằng khói xịt cay mắt, bằng màn hình hào nhoáng hay những thứ ngớ ngẩn thì tôi không nhận đâu". Nhưng người ta bảo tôi, đêm nhạc sẽ toàn người mặc comple lên hát, tôi đi xem cũng phải mặc comple. Thế có nghĩa là tử tế, thế là tôi đồng ý, còn hay hay không tôi cũng chẳng biết.
- Thế mà khi làm giám khảo Bước nhảy Hoàn vũ 2011, ông lại khiến người ta sốc với những phát ngôn về mông và ngực, để rồi trên các diễn đàn, người ta bảo một Trần Tiến thanh cao trong sáng tác chẳng liên quan gì đến một Trần Tiến trần tục ngoài đời. Vì sao vậy?
- Thế tôi nói chẳng đúng à? Không nói mông với ngực thì nói gì? Các cụ ngày xưa dạy con thì bảo: "Giơ mông ra đây", có ai nói: "Giơ cái vòng ba ra đây" đâu?
Đúng là già rồi còn dại, tự nhiên lại nhận lời Bước nhảy Hoàn vũ. Tôi yêu mọi người nhưng tôi thấy mệt mỏi khi phải ứng phó với những quyền lực comment. Đời mình sinh ra làm gì? Để viết - thế thì viết đi chứ rắc rối ngồi làm giám khảo rồi đi thanh minh với dư luận. Đó không phải là tôi, tôi chỉ muốn được là tôi thôi, còn người ta bảo gì thì kệ. Trần Tiến ngoài đời và Trần Tiến sáng tác khác nhau ư? Tôi có là quỷ nhưng tôi viết ra những bài thiên thần thì người ta vẫn phải thích chứ.
- Lâu rồi, người ta không thấy một lãng tử Trần Tiến, mặc áo bò phanh cúc, cầm guitar hát. Tuổi tác làm ông thay đổi thế nào?
- 15 năm nay, tôi không đi xem ca nhạc, không xem truyền hình, không đọc báo. Tôi đi vào cõi riêng, không biết xuất hiện ca sĩ mới nào, ngay cả cháu mình hát gì tôi cũng chẳng được xem. Bản thân tôi đã quên chính tôi, ngay cả bài hát đầu tay của tôi, đôi khi tôi cũng không nhớ, nhưng giờ vẫn có người đưa tôi ra làm đêm nhạc. Chắc mình vẫn còn khán giả nhưng không thể đông bằng những nhạc sĩ hot hiện nay. Tôi nghĩ vậy.
Giờ mấy ai hát nhạc Trần Tiến? Đi hát mà chọn bài của tôi thì có mà lỗ à? Những người yêu nhạc của tôi chết đến nửa rồi. Mỗi thời có một loại nhạc khác nhau, nếu thời này vẫn nghe nhạc của tôi, hoá ra chúng ta chậm tiến? Tôi chẳng hy vọng người ta xếp nhạc tôi vào những tình khúc vượt thời gian. Tôi thấy những nhạc sĩ sống lâu quá chẳng hay ho gì. Ngày xưa thế hệ tôi thần tượng Mozart, Bach, Beethoven bây giờ người ta cũng quên gần hết. Không có gì là bất tử, người ta cứ bịa ra cái gọi là "ca khúc vượt thời gian" để loè nhau vậy thôi. Cái tai tôi giờ còn không nghe được nhạc tiền chiến. Bác Phạm Duy bao lần mời tôi đi nghe nhạc, tôi kính trọng bác vô cùng mà cũng chẳng đi nghe được. Giờ tôi tiếp cận âm nhạc hiện đại sao để mình đừng bị tụt hậu, tất nhiên là tôi cũng không mê cho lắm.
Trần Tiến bảo, ông chưa bao giờ thấy mình hát hay mà chỉ hát để giới thiệu ca khúc của mình đến mọi người.
- Đi vào cõi riêng - câu ấy như một sự xót xa về tuổi già. Ông thấy sao?
- Có một chút thôi. Mỗi người cũng phải đi tìm một cõi của mình, đó là hạnh phúc chứ. Bây giờ tôi ở Vũng Tàu, lái thuyền thúng, suốt ngày ở trên sóng giống như ông già biển cả. Tôi không thích về Hà Nội hay Sài Gòn nữa. Ở Vũng Tàu, tôi có một hòn đá riêng nằm sát biển. Tôi ngồi đó và viết hai bài hay nhất là Ngũ sắc biển và Sen hồng hư không. Bây giờ, Nguyễn Cường, Dương Thụ cũng về hết Vũng Tàu. Thành phố nhỏ nhắn, yên tĩnh. Tôi có cái xe hơi, phóng tốc độ trăm cây số một giờ cũng chẳng sao, đi xe trên sóng sát mép bờ vẫn tằng tằng, gặp em gái xinh đẹp thì vẫy tay sung sướng.
- Vợ ông - một công chức chỉn chu - đứng ở đâu trong thế giới riêng ấy?
- Cô ấy vẫn ở cạnh tôi chứ. Vợ tôi rất muốn tôi được yên tĩnh. Cô ấy ở nhà đợi khi tôi ra biển và vừa lòng với suy nghĩ: Kệ ông ấy, ông ấy có cõi riêng, cõi riêng đó khiến ông ấy hạnh phúc, viết được nhiều bài hát mọi người thích, lại có tiền mang về. Khi vợ về lo cho cháu ngoại, tôi lại thong dong một mình, làm bạn với kiến, gián, chuột trong nhà. Tôi chẳng giết chúng dù chúng có thể ăn cơm của tôi, cắn chân tôi. Mỗi lần làm một việc thiện be bé như vậy, tôi thấy tôi hạnh phúc hơn và có vẻ như chúng cũng yêu tôi hơn, ít quấy quả hơn.
- Có sự mâu thuẫn nào giữa Trần Tiến, một con người cổ, không thích những mông, những ngực trên sân khấu nhưng lại mặc quần bò cắm thùng, đeo headphone nghe nhạc tân thời và phóng ôtô trăm cây số một giờ?
- Không mâu thuẫn đâu. Đó là hai mặt của con người. Con người luôn luôn muốn mới nhưng lại bị cả một quá khứ giằng lại, ai cũng vậy thôi. Ngày nào tôi cũng phải vượt qua những cuộc đấu tranh ấy trong mình. Cũng như việc tôi sáng tác nhạc không dùng để bán, tôi chưa bao giờ làm đĩa bán, trừ đĩa cho trẻ mồ côi. Nhưng tôi lại viết nhạc theo đơn đặt hàng.
"Trần Tiến - Như chờ từng giấc mơ" là đêm nhạc duy nhất trong 15 năm trở lại đây của Trần Tiến. Trước đó ông từng từ chối lời mời làm đêm nhạc riêng từ đài truyền hình và các công ty truyền thông.
- Thay vì ngồi nhận từng đồng kiểu bán lẻ thì ông nhận một cục kiểu bán buôn. Ông chọn cách "kinh doanh cao cấp", khác hẳn những gì người ta từng nghĩ về giới nghệ sĩ tâm hồn treo ngược cành cây. Ông nghĩ sao nếu người ta nói Trần Tiến quá khôn ngoan?
- Chỉ mình tôi làm được việc ấy, thế giới không có ai làm đâu. Cái đó khó nên tôi lấy tiền rất cao, có thể nói là mức "khủng" (vì tiền bây giờ mất giá). Đăng kiểm, HIV, kế hoạch hóa gia đình, rồi tôn, truyền thông, doanh nhân, cọc nhồi... bình thường đố ai làm nó thành bài hát. Thế mà tôi làm được. Nói vui thì tôi đang lừa họ để gửi gắm tâm hồn của tôi, vẫn làm đúng yêu cầu của họ như nói sinh đẻ có kế hoạch mà thành Sao em nỡ vội lấy chồng, nói tôn mà thành Sen hồng hư không. Mỗi người vẫn phải có cách mà sống chứ. Quan trọng là không thấy mùi tiền bạc, mùi thị trường mà vẫn thấy đúng chất của mình, vẫn tự hào: bài hát này của tôi, vẫn được đưa trên truyền hình, vẫn được nhiều người hát, nhiều người thích.
- Những ai hát nhạc của ông làm ông ưng ý?
- Mỗi người hát một hai bài hay, trừ cháu Hà Trần là hát được khá nhiều bài. Ít có ca sĩ của một nhạc sĩ lắm vì ca sĩ phải đa dạng về hiểu biết, phong cách, màu sắc để tồn tại. Làm sao một nhạc sĩ có thể đáp ứng hết những điều đó. Với Hà Trần, có lẽ là vì ADN hay nói khác đi là tiếng gọi sâu thẳm của dòng giống. Hà Trần hát bài nam tính thì phủ lên đó chất dịu dàng và bài nữ tính lại phủ lên đó chút góc cạnh. Sự pha chế đó rất cần thiết, đem đến sự hài hòa, giống như phối khí, bài càng phức tạp, càng phải phối thật đơn giản.
- Vừa lòng với cháu ruột như vậy, ông cảm thấy thế nào khi các con đẻ lại không nối tiếp sự nghiệp âm nhạc của ông?
- Dòng giống nhà tôi đã làm gì là phải ra được việc đó thì mới làm. Còn theo bố thành nghệ sĩ mà không ai biết tên, chỉ mượn nghề kiếm tiền thôi thì chúng dứt khoát không. Chúng làm nghề khác để chứng tỏ, chúng là con bố Tiến thì phải giỏi và bây giờ giỏi thật. Đứa nào cũng chịu khó học hành, đều có học bổng, đứa ở London, đứa ở Paris. Thi thoảng cũng gửi tiền phụng dưỡng bố, dù không nhiều. Tất nhiên tôi là người bố không bao giờ muốn các con phải nuôi, tôi tự sống được, tôi vẫn còn khoẻ lắm.
Chương trình In the Spotlight số 3 với chủ đề: "Trần Tiến - Như chờ từng giấc mơ" diễn ra tối 11 - 12/8 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội. Diva Trần Thu Hà sẽ là ca sĩ hát chính, ngoài ra còn có sự góp mặt của Tấn Minh, nhóm Duo (Đinh Mạnh Ninh, Tô Minh Đức). Ban nhạc Anh Em, dàn kèn Big K, dàn nhạc dây phụ trách âm thanh cho đêm nhạc. Đây cũng là một trong những lần hiếm hoi Trần Tiến xuất hiện không với vai trò ca sĩ, không với cây đàn guitar quen thuộc, mà với vai trò dẫn dắt câu chuyện âm nhạc do chính ông viết nên.
Ngọc Trần thực hiện
Ảnh: Nguyễn Đức Việt
Theo VNE
Hà Trần khen chồng 'cổ quái' "Đẹp mà nói chuyện không hấp dẫn thì không ăn thua. Anh ấy sâu sắc, không dễ bị thuyết phục đâu. Cuộc hôn nhân của tôi như là hai nửa ghép lại, rất vừa vặn, nếu không ở với anh ấy thì tôi chẳng biết ở với ai", diva 35 tuổi chia sẻ. Người viết bài đã phỏng vấn Trần Thu Hà không...