Trận tập kích táo bạo của tàu ngầm Đức vào căn cứ Anh năm 1939
Một tàu ngầm Đức lợi dụng thủy triều áp sát căn cứ hải quân Anh, đánh chìm thiết giáp hạm Royal Oak và gây hoang mang cho lực lượng này.
Vụ tấn công của U-47 được đánh giá là táo bạo nhất Thế chiến II. Ảnh: Wikipedia.
Ngày 14/10/1939, chỉ một tháng sau khi Thế chiến II bắt đầu, một tàu ngầm U-47 của phát xít Đức lặng lẽ áp sát căn cứ hải quân Scapa Flow của Anh trên quần đảo Orkney, mở đầu cho trận đánh táo bạo nhất của lực lượng tàu ngầm Đức trong cuộc chiến, theo Scout.
Được sự hỗ trợ của tình báo không ảnh chất lượng cao, U-47 nổi lên và mất 30 phút để phát hiện thiết giáp hạm HMS Royal Oak neo đậu cách đó 4 km về phía bắc. Lúc 0h58, thuyền trưởng Gunther Prien của tàu U-47 ra lệnh phóng ba quả ngư lôi, mở màn trận phục thù của Đức sau thất bại dưới tay hải quân Anh trong Thế chiến I.
Hải quân Đức năm 1919 đã phải ngậm ngùi tự đánh chìm 62/74 tàu chiến ở Scapa Flow sau thất bại trước Anh và phe Đồng minh. Chuyên gia quân sự Chuck Lyons cho rằng nhiệm vụ của tàu ngầm U-47 lần này chính là để phục hận sự việc ở Scapa Flow, đồng thời làm hải quân Anh mất tinh thần. Tuy nhiên, việc xuyên thủng lớp phòng thủ của căn cứ hải quân Anh không hề dễ dàng.
Hải quân Anh triển khai nhiều tàu chiến án ngữ lối ra vào khu neo đậu của căn cứ Scapa Flow, đồng thời bố trí lưới chống tàu ngầm dưới biển, khiến căn cứ này gần như bất khả xâm phạm trước tàu ngầm đối phương.
Tuy nhiên quân Đức đã biết lợi dụng thủy triều để thực hiện vụ xâm nhập táo bạo. Họ tính toán rằng tối 14/10 là thời điểm thủy triều lên cao nhất trong năm, cho phép tàu ngầm vượt qua các chướng ngại vật, vào sâu khu neo đậu của tàu chiến Anh. U-27 chầm chậm tiến vào Scapa Flow trong vòng 4 giờ, rồi lặn xuống khi phát hiện tàu tuần tra đối phương.
0h27 ngày 15/10, U-47 đến Scapa Flow và phát hiện thiết giáp hạm Royal Oak. Được hạ thủy năm 1914, thiết giáp hạm Royal Oak từng tham gia các trận hải chiến lớn trong Thế chiến I. Đến năm 1939, nó vẫn là một tàu chiến ấn tượng, dù không còn phù hợp cho nhiệm vụ tiền tuyến.
Video đang HOT
Lộ trình đột nhập và tấn công của U-47. Đồ họa: Don Holloway.
Lúc 0h58, tàu ngầm U-47 phóng ba quả ngư lôi vào thiết giáp hạm Anh. Quả đầu tiên làm đứt dây neo tàu Royal Oak, hai quả còn lại trượt mục tiêu. Thuyền trưởng Prien ra lệnh bắn tiếp một ngư lôi từ ống phóng phía đuôi U-47 nhưng vẫn trượt.
Kíp phóng ngư lôi mũi tàu nhanh chóng nạp đạn và tiếp tục bắn thêm ba quả ngư lôi trúng tàu Royal Oak. Lúc 1h16, khói lửa bốc lên từ chiến hạm Anh, nước biển liên tục tràn qua lỗ thủng ở giữa tàu khiến nó bắt đầu chìm.
Khi lính Anh bật đèn pha và tiến hành chiến dịch cứu nạn Royal Oak, U-47 quay đầu tăng tốc thoát ly khỏi Scapa Flow, để lại chiến hạm Anh đang chìm phía sau. Royal Oak bị trúng ngư lôi ở kho đạn phía đuôi, khiến 833 trong tổng số 1.234 thủy thủ thiệt mạng. Rất nhiều người khi đó đang ngủ dưới hầm tàu và bị mắc kẹt sau vụ nổ.
Thuyền trưởng Prien cùng thủy thủ đoàn U-47 trở về căn cứ ở Kriel và được trao tặng huân chương. Winston Churchill, khi đó mới là bộ trưởng hải quân Anh, gọi vụ tấn công cảng Scapa Flow là “cuộc tập kích táo bạo, vận dụng mọi kỹ năng của hải quân chuyên nghiệp”.
Việc thiết giáp hạm Royal Oak bị chìm không ảnh hưởng đến ưu thế hải quân Anh, nhưng đã giáng đòn nặng nề vào tinh thần chiến đấu của các binh sĩ. Vụ tập kích cho thấy khu neo đậu bất khả xâm phạm của họ trên thực tế rất dễ bị tấn công.
Sau trận tập kích của U-47, căn cứ Scapa Flow bị đóng cửa để nâng cấp khả năng phòng thủ. Sau khi được mở trở lại, nó vẫn đóng vai trò căn cứ hải quân chủ lực của Anh trong giai đoạn sau của Thế chiến II.
Duy Sơn
Theo VNE
Chiến dịch tung hoành của tàu ngầm phát xít Đức khiến Mỹ trả giá
Việc Mỹ không thực hiện biện pháp phòng vệ khiến tàu ngầm Đức hoạt động thoải mái ngay ngoài khơi bờ biển phía đông đất nước.
Tàu ngầm U-123 trước khi tiến hành chiến dịch Drumbeat. Ảnh: Pinterest.
Trong Thế chiến II, phát xít Đức áp dụng học thuyết chiến tranh tổng lực, không tuân theo các quy tắc giao chiến thông thường. Họ tuyên bố áp dụng chiến tranh tàu ngầm không hạn chế, tấn công cả tàu thương mại và vận tải của Đồng minh tiếp tế hậu cần cho Anh, theo War History.
Tàu ngầm Đức thoải mái hoạt động trong giai đoạn 1940-1941, khi tàu Đồng minh thiếu radar và thiết bị dò tìm cao tần, không thể phát hiện tàu ngầm Đức nổi lên và tấn công bằng hải pháo vào ban đêm.
Những chiếc tàu ngầm màu đen lẫn trong màn đêm của Đức trở thành nỗi kinh hoàng cho thủy thủ trên tàu Đồng minh. Người Đức gọi giai đoạn này là "thời gian vui sướng", vì họ có thể thoải mái đánh đắm tàu đối phương mà không bị thương vong.
Đến tháng 12/1941, Karl Donitz, tư lệnh lực lượng tàu ngầm phát xít Đức, phát động chiến dịch Drumbeat quấy rối tàu di chuyển dọc bờ biển Bắc Mỹ. Đức triển khai ba tàu ngầm Type IX tầm xa đến vùng biển ngoài khơi nước Mỹ. Chúng nhận lệnh lặn sâu ban ngày và phục kích tàu buôn trong đêm. Tình báo Anh phát hiện nhóm tàu ngầm từ cảng Lorient, Pháp, sau đó thông báo cho hải quân Canada và Mỹ.
Dựa vào kinh nghiệm trong giai đoạn đầu Thế chiến II, Anh gợi ý Mỹ áp dụng một số biện pháp phòng ngừa tàu ngầm Đức. Hải quân Anh cho rằng tất cả thành phố ven biển Mỹ nên duy trì tình trạng cắt điện suốt đêm. Bên cạnh đó, các tàu nên di chuyển theo đoàn, tắt hết đèn định vị hàng hải, vì chúng có thể giúp đối phương phát hiện mục tiêu. Ngoài ra, họ cũng khuyến cáo hải quân và không quân Mỹ tiến hành tuần tra bờ biển, hạn chế khả năng di chuyển tự do của tàu ngầm Đức.
Thủy sư đô đốc Karl Donitz. Ảnh: Wikipedia.
Nhưng lực lượng phòng vệ bờ biển Mỹ không nghe theo lời khuyên này một cách nghiêm túc trong vài tháng từ sau khi Mỹ tham chiến. Bộ chỉ huy mặt trận biển phía đông Mỹ tin rằng tàu vận tải an toàn hơn khi di chuyển đơn độc. Lệnh tắt nguồn sáng không được đưa ra, mà chỉ có các thông báo tới cộng đồng ven biển, không bao gồm các thành phố lớn như New York.
Lực lượng này cũng không được trang bị vũ khí chống ngầm hiệu quả. Họ chỉ sở hữu một số tàu pháo từ năm 1905, một vài tàu tuần tra cổ lỗ đời 1919, 4 thuyền buồm hoán cải. Phương tiện duy nhất có khả năng chống tàu ngầm Đức duy nhất của họ là 7 tàu tuần tra bảo vệ bờ biển.
Cuộc tấn công đầu tiên diễn ra ngày 14/1/1942, khi tàu ngầm U-123 Đức đánh đắm tàu chở dầu của Na Uy và Anh. Trong đợt đầu tiên của chiến dịch Drumbeat, Đức đã đánh đắm 23 tàu, khiến quân Đồng minh mất khoảng 100.000 tấn hàng hóa và hàng trăm binh sĩ. Báo cáo của hải quân Đức cho biết các con tàu hoàn toàn có thể được nhìn thấy nhờ ánh sáng từ phía bờ, tạo điều kiện cho tàu ngầm nhận dạng mục tiêu.
Sau thành công ban đầu, Donitz ra lệnh tấn công lần hai, với sự tham gia của tàu ngầm hạng trung. Họ thậm chí đã sử dụng bể chứa nước ngọt trên tàu ngầm để đựng dầu diesel nhằm kéo dài thời gian hoạt động cho tàu. Tham vọng của Donitz là đánh đắm thêm nhiều tàu hơn nữa. Người Đức gọi chiến dịch này là "thời gian vui vẻ thứ hai", hay mùa săn tàu Mỹ.
Mỹ quá tập trung vào cuộc chiến với người Nhật hòng trả thù cho trận Trân Châu Cảng, nên lơ là ở ngay trên sân nhà. Trước cái giá phải trả quá đắt, Mỹ bắt đầu chú trọng đối phó với tàu ngầm Đức.
Cho tới tháng 4/1942, tình hình bắt đầu thay đổi. Các thành phố ven biển bắt đầu tắt điện vào ban đêm, trong khi tàu chở hàng chỉ di chuyển ban ngày với lực lượng hộ tống vũ trang. U-85 trở thành tàu ngầm Đức đầu tiên bị đánh đắm bởi hải quân Mỹ.
Tàu hàng Mỹ bị tàu ngầm Đức đánh chìm. Ảnh: War History.
Biện pháp này làm giảm tổn thất cho tàu Đồng minh ngay lập tức. Thủy sư đô đốc Donitz buộc phải rút tàu ngầm để tìm kiếm mục tiêu dễ tấn công hơn. Quân Đồng minh phá hủy 9 tàu ngầm Đức trong năm 1942, khiến Donitz phải cân nhắc về việc đi săn, nhất là khi "con mồi" không còn bất lực như trước. Tháng 8/1942, "thời gian vui vẻ thứ hai" của phát xít Đức kết thúc.
Giai đoạn này được các nhà sử học gọi là "Trân Châu Cảng thứ hai". Hàng nghìn lính đã thiệt mạng vì sự không cẩn trọng, đánh giá thấp đối phương của Mỹ. Tổng cộng có 609 tàu bị đánh đắm, hơn 3,1 triệu tấn hàng hóa chìm dưới Đại Tây Dương, thay vì đáp ứng nhu cầu khẩn thiết của Anh.
Hòa Việt
Theo VNE
Mỹ áp lệnh trừng phạt mới với Iran Mỹ quyết định trừng phạt Iran với cáo buộc xúc tiến chương trình tên lửa đạn đạo, khiến Tehran thề đáp trả. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Trump muốn tăng thêm áp lực với Iran. Ảnh: AP. Mỹ ngày 18/7 áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế mới với Iran, nhắm vào 18 thực thể và cá nhân vì ủng...