Trận tập kích cảng biển phát xít Đức táo bạo của đặc nhiệm Anh
Đặc nhiệm Anh đã phải trả giá đắt trong trận tập kích, khi hàng trăm binh sĩ thiệt mạng và bị bắt làm tù binh để phá hủy một cảng biển quan trọng của quân Đức.
Tàu Cambeltown khi lao vào ụ nổi tại cảng. Ảnh: Wearethemighty
Thời gian đầu Thế chiến II, sau khi chiếm được nước Pháp, phát xít Đức nắm trong tay nhiều cảng biển trên Đại Tây Dương, trong đó có cảng chiến lược St. Nazaire, để phục vụ các hoạt động tấn công lực lượng Đồng minh.
Để phá hủy cảng hậu cần quan trọng này của phát xít Đức, quân đội Anh vào đầu năm 1942 đã lên kế hoạch tiến hành một chiến dịch tập kích đường biển vô cùng táo bạo với mật danh Chariot, theo WeAretheMighty.
Theo kế hoạch, 265 binh sĩ thuộc Tiểu đoàn đặc nhiệm số 2 cùng 346 lính hải quân sẽ chất đầy thuốc nổ lên tàu khu trục hoán cải Cambeltown, lao thẳng vào một ụ nổi ở cảng St. Nazaire và kích nổ. Biệt kích Anh sau đó sẽ đổ bộ và phá hủy cảng, sau đó được các xuồng máy vũ trang đón trở về 4 tàu ngư lôi và rút quân.
Nửa đêm 28/3/1942, lợi dụng trời tối, tàu Cambeltown giương cờ hải quân Đức lặng lẽ tiếp cận mục tiêu. Tuy nhiên, khi chỉ còn cách mục tiêu 8 phút di chuyển, con tàu bị lính phòng thủ trên cảng chiếu đèn pha vào, khiến họ bị lộ.
Một cuộc đấu súng nổ ra giữa đặc nhiệm Anh trên tàu Cambeltown và lính phòng thủ bờ biển Đức. Lái tàu Cambeltown trúng đạn hy sinh, người thay thế cũng bị thương nặng, trong khi toàn bộ thủy thủ đoàn bị rọi đèn lóa mắt. Đến 1h34, con tàu mới tìm được đường và lao thẳng vào ụ tàu Normandie.
Đặc nhiệm Anh năm 1942. Ảnh: Wearethemighty
Ngay khi đặc nhiệm Anh nhảy khỏi tàu đổ bộ lên bờ, họ vấp phải hỏa lực cỡ nhỏ bắn xối xả của phát xít Đức. Dù chịu nhiều thương vong, những đặc nhiệm đổ bộ này cũng hoàn thành nhiệm vụ khi phá hủy các cơ sở hạ tầng, trang thiết bị máy móc tại cảng.
Video đang HOT
Tuy nhiên, các đặc nhiệm điều khiển 16 xuồng máy vũ trang chờ ở bên ngoài lại không được may mắn như vậy. Trong khi tìm cách tiếp cận bờ để đón lực lượng đổ bộ, hầu như tất cả xuồng máy đều bị trúng đạn pháo từ trên bờ dội xuống, khiến 12 xuồng bị chìm khi chưa kịp đến cảng. Những chiếc xuồng trúng đạn bốc cháy ngay tại cửa biển tạo nên một cảnh tượng bi thảm.
Nhận thấy phương án rút quân bằng đường biển đã bị phá sản, chỉ huy chiến dịch tập hợp nhóm đặc nhiệm và đưa ra mệnh lệnh: Tìm mọi cách để trở về Anh, chiến đấu đến cùng cho đến khi hết sạch đạn và không được đầu hàng nếu không còn cách nào khác.
Trên tinh thần đó, họ tiến vào thành phố để đối đầu với quân Đức và tìm đường thoát. Họ nhanh chóng bị quân Đức bao vây và chiến đấu đến viên đạn cuối cùng trước khi buộc phải đầu hàng vì không còn lựa chọn nào khác. Mặc dù vậy, vẫn có 5 biệt kích Anh thoát khỏi vòng vây và chạy trốn xuyên nước Pháp, Tây Ban Nha, đến vùng lãnh thổ Gibraltar thuộc Anh và từ đây trở về Anh.
Quân Đức nhanh chóng chiếm lại cảng St. Nazaire, bắt giữ 215 biệt kích và lính hải quân Hoàng gia Anh. Do không hề biết rằng tàu Cambeltown kẹt tại ụ nổi đã được chất đầy thuốc nổ, một sĩ quan Đức giễu cợt trung tá Sam Beattie, chỉ huy tàu Cambeltown, rằng thiệt hại do cú đâm của tàu gây ra chỉ mất một tuần là khắc phục xong.
Ông ta vừa dứt lời thì tàu Cambeltown phát nổ, khiến 360 người trong khu vực thiệt mạng và phá hủy cảng St. Nazaire, khiến nó không thể hoạt động được trong thời gian còn lại của cuộc chiến.
Anh đã phải trả một cái giá rất đắt cho thành công của chiến dịch Chariot. Chỉ có 227 trong tổng số hơn 600 lính tham gia chiến dịch trở về được nước Anh. Ngoài những người bị bắt làm tù binh, Anh còn có 169 binh sĩ tử trận.
“Cảng St. Nazaire bị phá hủy khiến Đức bị mất một địa điểm sửa chữa quan trọng cho các tàu chiến lớn bên bờ Đại Tây Dương. Do bản chất táo bạo của chiến dịch và cái giá phải trả rất lớn, đây được coi là chiến dịch tập kích nổi tiếng nhất trong Thế chiến II của đặc nhiệm Anh”, chuyên gia quân sự Shelby Elphick cho biết.
Vị trí cảng St. Nazaire, Pháp. Ảnh: Wikimedia Commons
Duy Sơn
Theo VNE
Trận tập kích đường không bi thảm nhất của Mỹ trong Thế chiến II
Không quân Mỹ hứng chịu thiệt hại nặng nề khi thực hiện Chiến dịch Sóng Thủy tấn công tổ hợp lọc dầu được bảo vệ rất nghiêm ngặt của Đức Quốc xã.
Oanh tạc cơ B-24 Liberator bay trên đầu mục tiêu ở Ploesti, Romania tháng 8/1943. Ảnh: US Army
Mùa hè năm 1943, không quân Mỹ phát động một chiến dịch táo bạo có tên gọi "Sóng Thủy triều", nhằm phá hủy cơ sở sản xuất dầu lớn nhất của phe Trục ở Ploesti, Romania, mà không hề hay biết đây là một trong những thành phố được Đức Quốc xã bảo vệ nghiêm ngặt nhất thời điểm đó, theo We Are the Mighty.
Cất cánh từ Benghazi, Libya, 177 oanh tạc cơ B-24 Liberator từ 5 không đoàn của Mỹ tham gia chiến dịch. Tuy nhiên, lực lượng tập kích đường không này đã gặp một loạt sự cố trước khi đến được Ploesti.
Sáng sớm ngày 1/8/1943, ngay khi xuất kích thực hiện nhiệm vụ từ sân bay Benghazi, Libya, một oanh tạc cơ bị quá tải đã va chạm với đường băng khi cất cánh khiến cánh máy bung ra và nó lao xuống biển.
Khi tiếp cận mục tiêu, phi đội oanh tạc cơ của không đoàn 98 bị tụt lại phía sau khiến đội hình bay tách thành hai nhóm. Sau đó, trục trặc ở thiết bị định hướng khiến nhóm dẫn đầu bay lệch khỏi Ploesti hướng sang Bucharest.
Sau khi phát hiện ra nhầm lẫn, phi đội oanh tạc cơ của không đoàn 93 do trung tá Addison Baker chỉ huy liền chuyển sang phía bắc, hướng về các cơ sở lọc dầu. Thấy vậy, không đoàn 376 do đại tá Keith Compton và chuẩn tướng Uzal Ent chỉ huy cũng chuyển hướng về mục tiêu nhưng bất ngờ chạm mặt các hệ thống phòng không của Đức.
Hỏa lực ồ ạt từ mặt đất nhanh chóng bao trùm đội hình oanh tạc cơ Mỹ trong quá trình tập kích, khiến các phi công phải tìm mọi cách để tiếp cận và tấn công mục tiêu.
Một máy bay trúng đạn, cố gắng hạ độ cao để phi hành đoàn nhảy dù ra ngoài nhưng đã quá muộn. Chiếc máy bay này lao vào mục tiêu rồi phát nổ khiến mọi người trên khoang thiệt mạng.
Các oanh tạc cơ xuất phát từ Benghazi, Libya tập kích vào Poesti và rút về theo cùng tuyến đường. Ảnh: BCwarmap
Không thể tìm được hướng tiếp cận hợp lý đến các cơ sở lọc dầu chính, không đoàn 376 buộc phải ra lệnh ném bom các mục tiêu khác trước khi quay trở về căn cứ. Một phi đội 6 máy bay đã vượt qua hệ thống phòng không của Đức và tấn công mục tiêu nhưng không hiệu quả.
Ngay khi lực lượng còn lại của không đoàn 93 và 376 rời khỏi mục tiêu, các oanh tạc cơ bay không theo đội hình của không đoàn 98 và 44 cùng nhóm 5 máy bay khác theo lộ trình chuyển hướng sang phía bắc để tấn công các tổ hợp riêng rẽ.
Trong lúc không đoàn 98 và 44 tìm đường bay đến Ploesti, không đoàn 389 đã tấn công nhà máy lọc dầu Campina ở phía bắc. Dù nhà máy này không được bảo vệ nghiêm ngặt như cơ sở chính, các oanh tạc cơ Mỹ vẫn vấp phải sự kháng cự quyết liệt.
Máy bay của trung úy Lloyd Herbert Hughes nhiều lần trúng đạn ở các bình chứa khiến nhiên liệu bị rò rỉ khi tiếp cận mục tiêu. Quyết tâm thực hiện nhiệm vụ, Hughes đã điều khiển máy bay đang bốc cháy lao tới ném bom vào mục tiêu, sau đó buộc phải hạ cánh khẩn cấp. Anh và 5 thành viên phi hành đoàn khác trên khoang thiệt mạng, trong khi những người khác bị bắt giữ.
Máy bay của trung úy Robert Horton bị hư hại nặng do trúng hỏa lực địch và rơi làm 9 người thiệt mạng. Thượng sĩ Zerrill Steen, pháo thủ và là thành viên duy nhất sống sót đã tiếp tục khai hỏa vào các cứ điểm địch cho đến viên đạn cuối cùng và bị bắt giữ.
Kết thúc chiến dịch, Mỹ đã phải trả cái giá rất đắt cho một cuộc tập kích táo bạo nhưng không mang lại nhiều kết quả. Chỉ có 89/177 oanh tạc cơ cất cánh từ Benghazi trở về được căn cứ. Đức Quốc xã đã bắn hạ 54 chiếc, còn lại đều bị rơi khi hạ cánh xuống các căn cứ trong khu vực. Hơn 300 lính Mỹ tử trận, trên 100 người khác bị bắt giữ. 1/3 trong số 89 oanh tạc cơ sống sót trở về không thể cất cánh sau đó.
Oanh tạc cơ B-24 Liberator Mỹ tại sân bay Benghazi, Libya trước khi xuất kích thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: USAF
Dù cơ sở lọc dầu ở Campina không thể hoạt động trong suốt thời gian còn lại của cuộc chiến, những tổn thất trong việc sản xuất dầu đã được Đức khôi phục chỉ sau hai tuần.
Do những tổn thất nhân mạng lớn của các thành viên tham gia chiến dịch này, ngày 1/8 được xem như "Ngày chủ nhật đen tối" của không quân Mỹ trong Thế chiến II.
Duy Sơn
Theo VNE
Đặc nhiệm Anh bất ngờ lộ diện nơi chiến địa khốc liệt Syria BBC vừa công bố loạt ảnh chứng minh sự hiện diện của một đơn vị đặc nhiệm Anh tại chiến địa khốc liệt ở Syria. Các đặc nhiệm Anh đang di chuyển trên 4 chiếc xe được trang bị nhiều vũ khí hạng nặng để bảo vệ một căn cứ đang bị khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ráo riết tấn công....