Trần Quế Sơn: “Làm nghệ thuật là để phụng hiến”
Nhạc sĩ Trần Quế Sơn nói nếu viết nhạc trẻ, anh chỉ cần 10 phút nhưng anh làm nghệ thuật là để dâng hiến, không nghĩ đến quyền lợi cho bản thân, không quan tâm đến hào quang hoặc sự nổi tiếng, chỉ biết sáng tác cho hay
Phóng viên: Live show Trần Quế Sơn kỷ niệm 20 năm mất của thi sĩ Bùi Giáng với tên gọi “Cõi quê”, diễn ra vào ngày 24-8 tại Nhà hát Thành phố. Vì sao lại là đêm nhạc tưởng nhớ nhà thơ Bùi Giáng? Có phải nhiều ca khúc của Trần Quế Sơn phổ thơ của Bùi Giáng?
- Nhạc sĩ Trần Quế Sơn: Nhà thơ Bùi Giáng đã gợi cho tôi suy ngẫm biết bao điều về cõi người, về sự trùng ngộ, ly biệt; về cuộc ở, cuộc đi; về cái có và không có; về hương sắc mong manh của đời… Những bài thơ huyền diệu thay, tôi cứ đọc như hát, hát như ngâm, ngâm như tiếc nuối sao ông không ở lại yêu trần gian mãi mãi. Tôi yêu thi ca và tư tưởng Bùi Giáng. Đọc nhiều lần nhưng lần nào tôi cũng rơm rớm nước mắt. Thơ Bùi Giáng nhất quán cao với tinh thần thánh thiện, đầy ắp tình thương đối với con người và thiên nhiên. Với tôi, thơ ông rất dị biệt và quyến rũ. Tôi đã đến với thơ ông như thế.
Nhạc sĩ Trần Quế Sơn. (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)
Âm nhạc của tôi luôn hướng mọi người đến cách sống hồn nhiên, yêu thương. Nhạc tôi không bi lụy và dù có buồn cũng thanh thoát, trong sáng, nhẹ nhàng. Có lẽ đó là điểm chung trong âm nhạc của tôi và thơ Bùi Giáng. Vì thế tôi đã chọn rất nhiều bài thơ của ông để phổ nhạc.
Không thích viết nhạc trẻ
“Cõng mẹ đi chơi” đã tạo nên một Trần Quế Sơn thật đặc biệt trong thị trường âm nhạc. Nhưng chỉ một “Cõng mẹ đi chơi” thôi quả là chưa thật xứng với một tài năng như anh?
- Tôi làm nghệ thuật đơn giản là để phụng hiến. Tôi không nghĩ đến quyền lợi cho bản thân. Thế nên, khi những ca khúc như “Tre Việt Nam” hay ” Cõng mẹ đi chơi” trước đây có được những hiệu ứng tích cực và khá ồn ào trên thị trường, với tôi cũng rất bình thường. Đó đơn giản chỉ là nấc thang trên con đường tôi đi mà thôi. Suốt quãng thời gian qua, tôi im lặng vì tôi cần thời gian để sáng tác những bài mới. Những tác phẩm mới của tôi ra mắt lần này như “Hạt sương và cọng cỏ”, “Con cóc”, “Con rùa”, “Nàng tiên của đời anh”… với tôi, cũng khá lạ.
Video đang HOT
Nói thật, tôi không quan tâm đến hào quang hoặc sự nổi tiếng, tôi chỉ biết sáng tác âm nhạc cho hay để hát chơi, để cống hiến cho nền tân nhạc dân tộc mình. Âm nhạc của tôi khơi gợi trong mọi người tình yêu quê hương, yêu dân tộc, yêu con người và sống hồn nhiên. Tôi luôn tìm thấy những đề tài lạ, giàu tính nhân văn, triết lý sống… để gửi gắm vào các tác phẩm của mình. Đó cũng là lý do các ca khúc của tôi ít nổi tiếng rầm rộ nhưng khi thính giả đã cảm nhận được thì sẽ yêu thích bền lâu. Các ca khúc như “Tình quê”, “Yêu cái mặn mà”, “Cõng mẹ đi chơi”, “Tre Việt Nam”, “Dùi chiêng”… cũng đã sống gần 20 năm đấy thôi.
Nhưng có lẽ chính anh cũng không mong giẫm chân lên những thành tựu đã cũ?
- Âm nhạc của tôi cũng có tính nhất quán cao trong đường lối sáng tác. Sáng tác có mới thế nào thì nó cũng dựa trên nền tảng cái cũ. Nó không có ý nghĩa mở ra một bước ngoặt để tạo hướng đi khác. Tôi đang có một mong ước sáng tác sau này của mình sẽ là tiếng Anh để dần dần khán giả quốc tế biết chứ không chỉ là những ca khúc dành cho thị trường trong nước.
Nhạc Trần Quế Sơn trúc trắc trong khúc thức, đầy tính triết lý trong ca từ, điều đó ít nhiều khiến công chúng trẻ khó tiếp nhận. Anh có thấy như vậy?
- Đó là sự thật nhưng tôi không thích viết nhạc trẻ. Tôi chỉ cần 10 phút để viết một bài nhạc trẻ và nói thật, nếu viết nhạc trẻ, tôi đã trở thành người rất giàu có. Thời buổi công nghệ thông tin tân tiến hiện tại, sản phẩm phụ thuộc lượt like, lượt view thì nói thật, chẳng khó để làm giàu. Nhưng tôi không chọn con đường đó. Sáng tác để bán chạy không phải cái mình muốn. Tôi thuộc típ nhạc sĩ sáng tạo, có thể thất bại nhưng nếu thành công thì tác phẩm đó sẽ có giá trị nghệ thuật.
Dường như với anh, âm nhạc không chỉ để giải trí mà còn mang cả một sứ mệnh?
- Không. Ngược lại, với tôi, âm nhạc đơn giản hơn nhiều. Tôi luôn muốn tạo ra ca khúc mà ai nghe cũng xúc động, với những cảm xúc thật. Tôi chỉ muốn thế thôi.
Phải học mới viết được tác phẩm hay
Thị trường âm nhạc hiện tại khiến nhiều người trong giới lo lắng và than phiền. Còn anh thế nào?
- Tôi đang rất lo, liệu bây giờ và những năm về sau nữa, Việt Nam có được bao nhiêu nhạc sĩ trẻ viết được tác phẩm cho có tính chuyên nghiệp. Nhiều người trẻ hiện nay không chịu học nhạc nhưng lại mô phỏng nhạc nước ngoài rất nhanh. Đó là điều tai hại. Đó không phải nhạc Việt. Muốn viết nhạc Việt thì phải dựa trên nền tảng âm nhạc dân gian Việt Nam và phải học. Nếu không chịu học hành gì, hên thì có thể có một ca khúc nổi tiếng rầm rộ nhưng sau đó không có sức, có vốn liếng viết tiếp. Muốn làm nhạc sĩ Việt Nam, phải dựa trên nền tảng nhạc dân gian Việt Nam mới có tác phẩm hay được. Quan trọng nhất là phải học thì mới viết nên tác phẩm hay.
Nói cho cùng, sản phẩm âm nhạc cũng chỉ để phục vụ công chúng. Thị hiếu công chúng trẻ hiện nay lại chạy theo xu hướng phương Tây. Cũng khó trách vì sao nhiều nhạc sĩ trẻ phải chiều theo thị hiếu khán giả như thế?
- Ở đây, không phải sáng tác nhạc dựa trên âm hưởng dân gian Việt Nam thì không thể viết được nhạc hiện đại. Bằng chứng, các nhạc sĩ Trần Tiến, Thanh Tùng, Phó Đức Phương, Nguyễn Cường… vẫn dựa trên chất liệu nhạc dân gian, dân ca Việt Nam để sáng tác nên những tác phẩm hiện đại. Ca khúc “Cõng mẹ đi chơi” của tôi là dân gian Việt Nam đó, vẫn dựa trên hồn Việt, chất liệu dân ca Việt để sáng tác nhưng vẫn mang tầm vóc ca khúc quốc tế vì ca khúc đẩy lên tầm hiện đại rồi chứ không phải là dân ca nữa.
Anh nghĩ thế nào về trường hợp nhiều bản “hit” hiện tại nhưng bị đánh giá là ngây ngô về ngữ nghĩa, ca từ?
- Tôi không quan tâm lượt view, “hot”, “hit” chi cả. Với tôi, một ca khúc “hit” là một ca khúc có thể sống bao lâu trong đời sống âm nhạc. Một bài nhạc chỉ có 1 view nhưng sống chục năm sẽ hơn 1 bài “hit” triệu view mà chỉ sống được 1 tháng. Giá trị tác phẩm nằm ở thời gian tồn tại chứ không phải ồn ào náo nhiệt trong thời gian ngắn rồi mất.
Theo anh, chúng ta còn chút niềm tin nào vào giới nhạc sĩ trẻ hiện nay hay không?
- Có chứ. Đôi khi chúng ta cũng bắt gặp được những ca khúc rất hay như bài hát “Nhật ký của mẹ” của Nguyễn Văn Chung. Thế hệ nhạc sĩ Đức Trí, Võ Thiện Thanh… và một số bạn trẻ có khả năng sáng tác tốt. Nhưng quan trọng là những bạn trẻ này cần chọn những đề tài lớn hơn. Còn nếu là đề tài nhỏ thì cũng cần nâng tầm nó lên bằng chất lượng ca khúc thì sẽ đạt tiêu chuẩn quốc tế. Hy vọng họ nhận thức ra điều đó để định hướng sáng tác của mình. Tôi chỉ mong nhạc sĩ trẻ hiện nay nên đọc sách văn học nhiều vào. Cứ Zalo, Facebook thì làm sao viết hay được. Tình trạng nổi bật hiện nay là ca từ rất dở chứ âm nhạc của họ rất hay.
Theo Nguoi Lao Dong
Tại sao cả nhóm nhạc BTS đều không ai có tài khoản mạng xã hội riêng?
Là một trong những nhóm nhạc Hàn Quốc được săn đón nhất hiện nay, thế nhưng cả 7 thành viên của BTS đều không có tài khoản mạng xã hội riêng.
Không thể phủ nhận, sự nổi tiếng và phổ biến trên các mạng xã hội là một trong những yếu tố giúp "thương hiệu" BTS tiến xa, thậm chí vượt ra ngoài cả lãnh thổ Châu Á trong thời gian trở lại đây. Bằng chứng rõ rệt nhất là mới đây BTS đã chính thức lập lên một kỉ lục mới khi đứng đầu bảng xếp hạng Social 50 của Billboard trong tuần thứ 57 liên tiếp (thành tích tốt nhất trước đó thuộc về Justin Bieber với 56 tuần đứng đầu liên tiếp).
Trong trường hợp bạn chưa biết, Billboard Social 50 là một bảng xếp hạng bao gồm các nghệ sỹ năng động nhất trên các mạng xã hội phổ biến nhất hành tinh. Dữ liệu của bảng xếp hạng này được công bố bởi Billboard với dữ liệu đến từ Next Big Sound.
BTS có một năm 2018 vô cùng đáng nhớ với nhiều dấu ấn trên cả thị trường giải trí thế giới.
Thế nhưng, điều thú vị là các thành viên của nhóm BTS đều không có tài khoản mạng xã hội riêng (hoặc ít nhất là không công khai chúng). Thực tế, BTS hiện chỉ có một tài khoản Twitter chung (hiện có 15,9 triệu người theo dõi) và một tài khoản Instagram chung (hiện có 12,3 triệu người theo dõi). Vậy đâu là lý do cho điều này?
Câu hỏi này thực tế từng được đặt ra cho BTS và câu trả lời các chàng trang này đưa ra là công ty quản lý xác định với BTS rằng họ là MỘT NHÓM ngay từ thời điểm nhóm chưa chính thức "chào sân" thị trường giải trí, vì thế việc dùng chung một tài khoản Twitter không phải là một vấn đề của BTS. "Chúng tôi là một nhóm, vì thế chúng tôi chỉ dùng một tài khoản Twitter cùng nhau mà thôi," Jimin chia sẻ.
Mặc dù không có tài khoản mạng xã hội riêng, các thành viên nhóm BTS hiểu rõ tầm quan trọng của chúng. Suga cho biết việc tương tác với người hâm mộ qua mạng xã hội rất cần thiết bởi rất nhiều người đã trở thành fan của nhóm từ những điều BTS đăng trên các mạng xã hội như Twitter.
Theo Tri Thuc Tre
Phạm Anh Khoa đi diễn trở lại sau scandal gạ tình, quấy rối Nam rocker sẽ chính thức trở lại biểu diễn tại một live show của nhạc sĩ Trần Quế Sơn, tổ chức trong tháng 8 tại TP.HCM. Nhạc sĩ Trần Quế Sơn cho biết live show Cõi quê sẽ diễn ra vào ngày 24/8 nhằm tưởng niệm 20 năm ngày mất của thi sĩ Bùi Giáng. Chương trình có sự tham gia của nhiều...