Tràn lan quân trang, quân phục giả
Quần, áo, đồ đạc và dụng cụ hỗ trợ giống lực lượng Công an, Cảnh sát cơ động, Bộ đội được bày bán công khai trên các tuyến phố ở Hà Nội là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng kẻ gian thu mua và giả danh các lực lượng này để đánh lừa, ăn chặn tiền của không ít người khi tham gia lưu thông trên phố.
Cách đây chưa lâu người dân Hà Thành vẫn còn giật mình về chuyện hai nam sinh đang độ tuổi đến trường khoác lên mình bộ quân phục của các chiến sỹ CSCĐ để chặn người đi đường rồi “ xin đểu” tiền.
Sự việc diễn ra vào khoảng 21h30 ngày 10/11/2010, tổ tuần tra Đại đội 4, Trung đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ), Công an Hà Nội và Đồn Công an số 1, Công an huyện Từ Liêm, Hà Nội phát hiện 2 CSCĐ đi xe máy Future (biển kiểm soát 30F5-6204) trên đường Nguyễn Cơ Thạch, có nhiều biểu hiện nghi vấn đã bí mật theo dõi.
Hai đối tượng giả danh CSCĐ với quân phục giống như thật bị bắt giữ tại cơ quan Công an vào hối tháng 11/2010
Sau khi thấy 2 CSCĐ nhận tiền hối lộ của người vi phạm giao thông tại khu vực Mỹ Đình, tổ công tác đã có mặt kịp thời yêu cầu 2 CSCĐ trình thẻ ngành và giấy tờ liên quan. 2 CSCĐ không chấp hành mà kiên quyết chống lại lực lượng chức năng buộc tổ công tác phải dùng biện pháp khống chế, áp tải đối tượng về trụ sở Đồn Công an số 1 Từ Liêm làm rõ.
Tại đây, 2 CSCĐ giả này khai nhận họ tên là Nguyễn Duy Anh, 17 tuổi, ở Mỹ Đình, hiện học lớp 12E trường PTTH Lô-mô-nô-xốp và Nguyễn Quang Nhật, 15 tuổi, ở 20 Lê Đại Hành, hiện học lớp 10D2 trường PTTH Dân lập Đinh Tiên Hoàng.
Duy Anh và Quang Nhật là 2 anh em họ, đã 2 lần giả danh làm CSCĐ vào tối 6/11 và tối 10/11, chuyên chặn đường các đôi nam nữ vi phạm luật giao thông không đội mũ bảo hiểm để xin tiền.
Một câu hỏi được đặt ra ở đây là, tại sao hai thanh niên mặt non choẹt này này lại có quân phục của các chiến sỹ CSCĐ để giả trang ăn tiền của người đi đường?
Trả lời cho câu hỏi này PV VTC News đã có cuộc “thâm nhập” khá dễ dàng vào những cửa hàng, tuyến phố bày bán công khai các đồ áo, quân trang, quân dụng giống của lực lượng công an, bộ đội. Việc trang, quân phục giả được bán tràn lan bên ngoài chính là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến những hành động như của hai đối tượng trên.
Video đang HOT
Ghi nhận của PV VTC News tại phố Lê Duẩn cho thấy, các cửa hàng bày bán quân trang giống bộ đồ quân phục của bộ đội được bố trí san sát, kề cận với nhau. Ở khu vực này, các cửa hàng đều bày bán đồ áo, mũ nón tương tự như của các chiến sỹ CSCĐ…
Các cửa hàng bày bán công khai đồ áo quân phục giống bộ đội
(Ảnh: CTV)
Ghé vào một cửa hàng ở đây, thấy khách, chị chủ quán đon đả chào mời: “Em muốn mua quần áo loại nào? Cấp tướng hay cấp tá. Ở đây chị có hết”. Theo lời của chị chủ quán, giá của bộ quần áo cấp “tướng, tá” này chỉ dao động từ vài trăm ngàn đến không quá 800 ngàn đồng.
Quan sát cho thấy, những bộ quần áo này được thiết kế khá chuẩn. Từ đường viền, chỉ may đều rất chuyên nghiệp chỉ có điều chất liệu vải khá thô, xơ, khi sờ vào thấy nhám. Màu sắc đều tương tự với trang phục của quân nhân vẫn hay mặc.
Khi chúng tôi đặt câu hỏi muốn mua với số lượng lớn đồ áo quân trang và dụng cụ hỗ trợ giống của bộ đội, bà chủ quán đáp gọn: “Muốn bao nhiêu chị cũng đáp ứng được miễn sao trả đủ tiền”.
Ghé vào một cửa hàng kế bên, dẫn chúng tôi vào sâu trong quán, chị chủ quán trạc tuổi 35 cũng xởi lởi giới thiệu các mặt hàng quần áo của cửa hàng. “Giá một độ quần áo giống chiến sỹ đặc công là khoảng 250 ngàn đồng. Em xem mua chị sẽ khuyến mãi. Chỗ chị còn có cả phụ kiện đi kèm y như thật em à. Em mặc vào đố ai biết được là dân thường hay lãnh đạo”.
Các đồ đi kèm cũng được bán công khai (Ảnh: CTV)
Giá của các mặt hàng quân trang, quân dụng này đều có mức khác nhau. Với những trang phục cấp tướng, tá dao động trên 400 ngàn đồng. Tất, áo lót xanh, thắt lưng được chào bán từ 20 đến 150 ngàn đồng.
Khi chúng tôi đặt vấn đề muốn mua quần áo quân trang của lực lượng công an để chuẩn bị cho vở diễn ở trường trong tuần tới, chủ cửa hàng ở đây liền tỏ thái độ nghi ngờ và liên tiếp hỏi chúng tôi “mua để làm gì, nhà ở đâu”, rồi chốt lại “chỗ chị không bán mặt hàng này, đây là hàng cấm”.
Tuy nhiên khi chúng tôi chèo kéo một thời gian thì bà chủ quán này mới “mở lòng”: Nếu các em cần thì cứ để lại số điện thoại chị sẽ nhờ người hỏi cho và giá cả sẽ trên tiền triệu.
Trao đổi với PV VTC News về tình trạng này, ông Vi Thanh Hùng, Phó trưởng Công an phường Cửa Nam, đơn vị quản lý trực tiếp địa bàn ở phố Lê Duẩn cho hay, những chủ cửa hàng bày bán mặt hàng quần áo, quân trang, quân dụng giống công an, bộ đội ở khu vực này là những người từ địa bàn khác tới.
Theo lời ông Hùng, từ trước đến nay lực lượng Công an phường chỉ quản lý và tiến hành nhắc nhở, xử lý về việc lấn chiếm vỉa hè hay không chứ chưa đi kiểm tra việc mua bán diễn ra như thế nào.
“Quân trang, quần áo bày bán ở bên ngoài thật giả như thế nào thì phải có lực lượng chuyên ngành tới giám định, kiểm tra mới biết được. Không chỉ ở phố Lê Duẩn mà sát đó, ở phố Khâm Thiên cũng bày bán mặt hàng này”.
Liên quan đến việc này, một cán bộ lãnh đạo phục vụ trong ngành quân đội đã nghỉ hưu cho biết, đối với trang phục của bộ đội khi vào công tác trong ngành được phân cấp phát rất rõ ràng. Việc bảo quản quân phục được tiến hành rất nghiêm ngặt. Mọi hành vi liên quan đến việc mua bán quân trang, quân phục trong ngành nếu bị phát hiện sẽ bị xử lý rất nặng.
“Hiện nay không chỉ trên địa bàn Hà Nội mà nhiều địa phương khác cũng bày bán công khai những mặt hàng quần áo, quân trang giống lực lượng công an và bộ đội. Tất cả những đồ đạc đó đều là giả. Không có chuyện quần áo của bội độ trong ngành lọt ra bên ngoài được”, ông này khẳng định.
Một cán bộ công tác trong ngành CSCĐ cũng thông tin, việc mua bán quân trang, quân phục trong ngành CSCĐ là hoàn toàn không có. Đó là hành vi nghiêm cấm. Trước khi các chiến sỹ mới vào công tác, lãnh đạo ngành quán triệt rất rõ về vấn đề này.
Thiết nghĩ, đã đến lúc cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp để ngăn chặn tình trạng mua bán quần áo quân trang, quân phục giả như hiện nay, tránh tình trạng dễ dàng “hô biến” giả danh lừa đảo của những đối tượng xấu.
Nghị định số 59/2006/CP của Chính phủ quy định rõ: Quân trang, trang phục, công cụ hỗ trợ… thuộc lực lượng công an và quân đội là mặt hàng Nhà nước cấm lưu thông trên thị trường.
Theo quy định này chỉ có lực lượng Quân đội nhân dân Công an nhân dân Dân quân tự vệ Ban, Đội bảo vệ chuyên trách của một số cơ quan, tổ chức Nhà nước Ban bảo vệ dân phố hoặc tổ chức bảo vệ an ninh trật tự ở xã phường… sẽ được mua, sử dụng công cụ hỗ trợ.
Tuy nhiên, để được mua các công cụ hỗ trợ các đơn vị này phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt (xin giấy phép, đăng ký sử dụng, mua ở đơn vị quy định…). Chính vì thế, mọi hành vi mua bán các loại quân trang, quân phục trên thị trường đều là trái pháp luật.
Theo VTC
Tuồn quân trang, quân phục Mỹ vào Việt Nam
Làm thủ tục nhập cảnh từ Philippine về Việt Nam ngày 14/7, ông Nguyen Alexander Hien, quốc tịch Mỹ, sinh năm 1958, bị hải quan sân bay Tân Sơn Nhất phát hiện mang theo nhiều quân trang, quân phục.
Người khách nàybị bắt quả tang mang theo 17 áo rằn ri, 39 quần rằn ri, 22 nón quân trang rằn ri, 2 đôi giày quân đội, 3 chiếc thắt lưng quân đội, một ống nhòm, 3 bình toong quân đội loại 01 lit, một đèn pin. Tất cả quân trang, quân phục đều của quân đội Mỹ.
Ông Nguyen Alexander Hien bên tang vật. Ảnh: hải quan sân bay Tân Sơn Nhất
Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, đây là hàng hóa cấm nhập khẩu. Toàn bộ hồ sơ và tang vật được chuyển đến cơ quan có thẩm quyền để làm rõ và xử lý theo quy định.
Theo VNExpress
Vùng giáp ranh: Miền đất dữ Bảo kê, xin đểu, trộm cắp, cướp giật, mua bán ma túy... hoành hành nhiều địa bàn giáp ranh nhưng cơ quan chức năng địa phương dường như lực bất tòng tâm vì "cha chung không ai khóc" Một băng "đá xế" ở vùng giáp ranh Bình Dương - TPHCM bị công an bắt giữ Ảnh: Trúc Ly "Về đây mới mấy tháng...