Tràn lan mua bán rác thải y tế nguy hại: Rác y tế thành hộp đựng thực phẩm
Điểm tới cuối cùng của rác y tế nguy hại là những làng nghề tái chế nhựa như Triều Khúc ( xã Tân Triều, H.Thanh Trì, Hà Nội), Khoai (thị trấn Như Quỳnh, H.Văn Lâm, Hưng Yên)… để biến chúng thành những sản phẩm gia dụng, hộp xốp đựng cơm, ống hút…
Các cơ sở sản xuất thành phẩm từ nhựa thải y tế có rất nhiều ở làng Khoai – Ảnh: Hạnh Hương
Ở Triều Khúc có vài trăm hộ đứng ra thu gom, tái chế nhựa và khoảng 50% trong số này có tái chế rác thải y tế nguy hại. Những hộ gia đình thường tự đứng ra liên hệ với người ở các khoa, phòng khám tại các bệnh viện lớn tại Hà Nội, thu mua rác y tế, sau đó cho xe tải chở về xay nhỏ thành hạt, phơi khô và tái chế thành các sản phẩm nhựa gia dụng.
Từ quá trình phân loại, súc rửa… cho tới khi ra được thành phẩm, khi nào cũng tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm. Chính vì biết được điều này nên chẳng bao giờ dân làng Khoai sử dụng đồ tái chế bằng nhựa y tế cả
Ông Hưng, chủ một cơ sở tái chế nhựa ở làng Khoai
Đến Triều Khúc, đâu đâu chúng tôi cũng thấy những bao tải chất đầy dây truyền, ống thở, bơm tiêm và các loại phế phẩm bằng nhựa khác. Ngay lối dẫn vào cổng UBND xã cũng ngổn ngang những chiếc xe bò chở bao tải nhựa. Thậm chí, nhiều hộ còn tận dụng khoảng sân, hiên ít ỏi của gia đình để làm nơi tập kết, phân loại rác y tế. Những túi nhựa thải bị ủ lâu ngày, lẫn trong đó là đủ thứ tạp chất, dịch, thực phẩm bẩn, nên khi trời mưa nước cứ thế rỉ ra và bốc mùi hôi tanh nồng nặc.
Video đang HOT
Khoảng 2 giờ chiều, đồng loạt các máy xay nhựa trong làng hoạt động. Sau khi xay xong, những mảnh nhựa nhỏ cỡ hạt đỗ đen sẽ tiếp tục được đổ ra các tấm bạt lớn để phơi khô ở bất cứ chỗ nào có thể: trong các con hẻm, chợ, sân bóng, thậm chí ở cạnh các sạp thịt, hàng ăn…
Còn tại làng Khoai, mỗi ngày có hàng chục xe tải lớn nhỏ chở cả trăm tấn nhựa phế thải, trong đó có rác y tế nguy hại từ khắp các nơi đổ về chờ tái chế. Làng Khoai có trên 900 hộ dân, thì hơn 2/3 số hộ làm nghề thu mua, tái chế nhựa thải.
Cũng như Triều Khúc, từng ngõ ngách trong làng Khoai đều chất những bao tải đựng nhựa thải thành đống, chắn cả lối đi. Con kênh thải nước từ làng ra đen ngòm, bốc mùi hôi thối. Chưa hết, khắp lượt ngõ trên, xóm dưới, mùi nhựa tái chế, mùi ni lông bị đốt cháy khét rất khó chịu, khiến ai đi qua cũng phải bịt mũi. Chất thải y tế gồm bơm tiêm, dây truyền, ống thở… là một trong số những loại rác được thu mua về tái chế tại đây. Anh Khải, một dân quân tự vệ ở làng Khoai, khẳng định các chất thải y tế được thu mua và tái chế bình thường giống như các loại chất thải bằng nhựa khác. “Do thu mua được với giá rẻ nên nhựa y tế thường được các hộ dùng làm sản phẩm bình dân như hộp xốp đựng cơm, thìa nhựa, ống hút, hộp đựng sữa chua, túi ni lông đựng thức ăn”, anh Khải nói.
Làm ra nhưng không dám dùng
Để tìm hiểu về tình trạng ô nhiễm tại làng Khoai, chúng tôi tìm gặp ông Phạm Xuân Tiến, Phó chủ tịch UBND thị trấn Như Quỳnh, nhưng ông này từ chối vì lý do: “Thời gian này phải tập trung tất cả nhân lực, từ lãnh đạo đến lực lượng bảo vệ vào việc tổ chức lễ hội tại làng Khoai nên không có thời gian trả lời về vấn đề này”. Liên hệ với Trạm y tế thị trấn Như Quỳnh, Trưởng trạm Nguyễn Hùng Chiến cũng lắc đầu vì: “Trạm xá không giải quyết và không quản lý vấn đề này”.
Theo quy định, chất thải y tế phải được quản lý và xử lý triệt để nhằm tránh lây nhiễm nguồn bệnh tới cộng đồng, nhưng thực tế chúng lại được tuồn về các làng tái chế nhựa như nói trên. Đáng lo hơn, rác y tế từ các bệnh viện lớn gồm dây truyền, ống thở, bơm tiêm dính máu, dịch, không loại trừ các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như lao, tả, HIV, viêm gan B… khi gặp môi trường thuận lợi, sẽ dễ dàng lây nhiễm nguồn bệnh cho người tiếp xúc.
Ông Triệu Đình Tâm, Phó chủ tịch UBND xã Tân Triều, thừa nhận: “Cho dù là y tá, điều dưỡng hay nhân viên các bệnh viện có bán cho bất kỳ ai, hoặc bằng đường nào đi chăng nữa thì cuối cùng nhựa y tế vẫn cứ tập trung về làng Triều Khúc của chúng tôi. Và theo tôi được biết thì hiện các hộ trong làng rất chuộng dùng nhựa y tế để tái chế, bởi giá thu mua của loại này tương đối rẻ”.
Còn theo ông Vũ Văn Lên, Trạm trưởng Trạm y tế xã Tân Triều: “Nhựa được người dân thu mua về không được che chắn cẩn thận, nước mưa rơi xuống, đọng lại tạo môi trường thuận lợi cho ruồi muỗi phát sinh, tạo thành các ổ dịch gây ra các bệnh sốt xuất huyết, tiêu chảy… Ngoài ra, việc tái chế rác thải ở Triều Khúc đã thải ra môi trường một lượng lớn chất thải rắn, rất khó xử lý. Hiện ở làng nghề Triều Khúc cũng đã xuất hiện nhiều bệnh nhân chết vì ung thư do ô nhiễm nguồn nước”.
Trực tiếp từ thu mua phế liệu đến tái chế, dân làng nghề thừa biết mức độ an toàn của các sản phẩm họ làm ra. Vì thế, trong khi sản xuất ra đủ thứ đồ nhựa gia dụng tung ra thị trường thì họ lại bỏ tiền đi mua các sản phẩm cùng loại do các hãng lớn sản xuất để sử dụng. Hưng, chủ một cơ sở tái chế nhựa có tiếng ở làng Khoai, bật mí: “Không phải ngẫu nhiên Bộ Y tế lại cấm tái chế nhựa y tế và phải tiêu hủy đâu nhé. Nói cho cậu hay, từ quá trình phân loại, súc rửa… cho tới khi ra được thành phẩm, khi nào cũng tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm. Chính vì biết được điều này nên chẳng bao giờ dân làng Khoai sử dụng đồ tái chế bằng nhựa y tế cả”. Như để chứng minh, ông dẫn chúng tôi vào trong nhà “khoe” toàn bộ đồ dùng gia đình bằng nhựa, từ cốc, ca uống nước, cho tới lồng bàn, xô, chậu nhựa… đều là của những thương hiệu lớn.
Theo TNO
Tràn lan mua bán rác thải y tế nguy hại
Thay vì phải thu gom, tiêu hủy theo đúng quy định, nhưng rác thải y tế có yếu tố nguy hại ở nhiều bệnh viện lớn trên địa bàn thủ đô Hà Nội vẫn được tuồn bán ra ngoài.
Ngang nhiên thu gom nhựa thải y tế ngay trước cổng phụ Bệnh viện Nhi T.Ư - Ảnh: Hà An
Sau nhiều ngày thâm nhập, đeo bám, chúng tôi không khỏi giật mình khi tận mắt chứng kiến cảnh tượng rác thải y tế nguy hại (RTYTNH) chưa hề qua xử lý được tuồn bán ra ngoài cho các cơ sở thu gom rác thải trôi nổi trên thị trường. Loại rác này gồm bơm tiêm, dây truyền dịch, ống thở và găng tay cao su, chai lọ đựng thuốc... được các đầu nậu tái chế nhựa thu mua, đem về xay nhỏ rồi bán lại cho những cơ sở sản xuất nhựa khác trên khắp tỉnh thành trong cả nước.
Bơm tiêm dính máu giá 12.000 đồng/kg
Trên địa bàn Hà Nội, khu vực tập kết rác thải y tế của Bệnh viện (BV) Quân đội 108 có vị trí biệt lập, đặt khá xa với các khu điều trị, phòng ban chức năng. Do vậy, toàn bộ quá trình phân loại, "xử lý" RTYTNH chỉ có các nhân viên tạp vụ, vệ sinh biết với nhau.
Ông H. thuê nhân viên thu gom trong bệnh viện hàng triệu đồng mỗi chuyến, ngoài ra ông này lại thuê cả người bốc lên xe và trả cho họ 100.000 đồng/chuyến. Còn giá bán nhựa là 16.000 đồng/kg, bao gồm cả bơm kim tiêm và chai truyền
T., một nhân viên thu dọn rác tại BV Nhi T.Ư
Trong vai một chủ cơ sở đi thu gom rác thải y tế, chúng tôi được một số nhân viên BV Quân đội 108 chỉ gặp chị N. Họ còn nhiệt tình cho cả số ĐTDĐ, chỉ đường tới nơi chị N. làm. Đó là khu tập kết rác thải y tế của BV. Khi chúng tôi tới, chị N. cùng vài nhân viên tạp vụ, vệ sinh khác đang khẩn trương phân loại rác thải y tế. Biết rõ ý định của tôi, chị N. thản nhiên cho biết: "Mối của tôi thì đã có người thu mua rồi. Họ thu mua từ nhiều năm nay nên tôi cũng không nỡ ngắt cầu, nhưng nếu trả giá được cao hơn thì tôi có thể để lại cho anh hoặc giới thiệu các mối thu gom khác". Được biết, chị N. bán vỏ nhựa chai truyền dịch với giá 15.000 đồng/kg, bơm tiêm có giá 12.000 đồng/kg, dây truyền dịch và ống thở có giá từ 6.000 - 8.000 đồng/kg.
Bà H., một đầu mối thu gom khác, cho hay hiện ở BV Quân đội 108 có không dưới 5 đầu mối chuyên thu gom dây truyền, ống thở và bơm tiêm từ các khoa. "Theo tôi được biết thì viện có hợp đồng thu gom, xử lý rác thải y tế với một công ty nào đó ở Hải Dương và một tuần công ty này thu gom làm hai lần. Tuy nhiên, công ty này chỉ thu gom phần rác thải y tế thông thường là chai truyền dịch. Nên gần như toàn bộ phần bơm tiêm, dây truyền, ống thở, chai lọ đựng thuốc thủy tinh... là các mối chia nhau thu gom. Ngày đông bệnh nhân chúng tôi thu gom được hàng chục cân bơm tiêm và ống thở, dây truyền", bà H. tiết lộ. Qua tìm hiểu, số đầu mối thu gom này đều có "tay trong" làm lao công, vệ sinh tại các khoa trong BV. Chính vì vậy mà dây truyền, ống thở vừa dùng xong còn dính nguyên dịch, bơm tiêm còn đọng máu đỏ... đã được họ thu gom, phân loại thật gọn gàng trước khi đưa khỏi BV.
Tương tự, trong nhiều ngày thâm nhập, chúng tôi còn phát hiện tình trạng thu gom, buôn bán RTYTNH ra ngoài tại các BV K, Phụ sản T.Ư, Phụ sản Hà Nội, Đa khoa Hà Đông, GTVT... rồi cả một loạt các phòng khám tư nằm trên đường Giải Phóng. Như tại BV K, số lần đi thu gom rác từ 3 - 4 lần/ngày, vào khoảng 8 - 9 giờ và 16 giờ. Sau khi thu gom tại các phòng bệnh, các chai truyền, ống thở, bơm tiêm được tập trung tại chân cầu thang nhà D và được phân loại ngay tại đây. Số khác được phân loại tại cửa vào khu vệ sinh, cũng là lối đi ra khu tập kết rác. Rác y tế tại BV K được mặc định chia làm 2 loại. Loại không thể bán thành tiền, gồm bông gạc dính máu mủ, kim tiêm sắc nhọn sẽ được chất trong những thùng màu cam ở kho "chất thải nguy hại" và được thu gom, xử lý bởi Xí nghiệp Urenco 10 (Công ty TNHH MTV môi trường đô thị Hà Nội). Còn loại bán được tiền gồm chai lọ thủy tinh, bơm tiêm, ống thở, dây truyền... vốn là RTYTNH lại được cất riêng.
Thu gom rác thải y tế nguy hại tại Bệnh viện Quân đội 108 - Ảnh: Hà An
Cũng qua tìm hiểu, gần như toàn bộ lượng RTYTNH tại BV K, BV Phụ sản T.Ư đều được các chủ cơ sở tại Hưng Yên và Hải Dương thu mua về tái chế nhựa.
Có hay không sự tiếp tay
Là một trong những BV đứng đầu bảng về lượng rác thải ra mỗi ngày, do vậy chẳng có gì ngạc nhiên khi con số RTYTNH của BV Nhi T.Ư được tuồn ra ngoài, bán cho chủ cơ sở quê ở Hưng Yên, lên tới hàng tạ trong một tuần. Tuy nhiên, khác với BV Quân đội 108, Phụ sản hay K..., việc thu gom RTYTNH ở BV Nhi T.Ư diễn ra một cách bài bản và khó bị phát hiện.
Theo đó, có từ 3 - 4 nhân viên chuyên đi thu gom rác thải y tế từ các khoa, sau đó kéo về kho tập kết được phân chia thành nhiều khu, nằm tách biệt phía cuối viện. Rác sau khi được tập kết về kho sẽ có 2 người chuyên làm nhiệm vụ phân loại. Những chai truyền nhựa, bơm tiêm, ống thở, dây truyền... được tách riêng, đóng túi ni lông, trước khi bỏ vào khu nhà có biển đề "Rác thải y tế nguy hại" và được khóa cẩn thận. Một nhân viên thu dọn rác tại BV Nhi, tên T. cho biết: "Ở đây có cửa thu gom rồi. Trước đây có đợt bọn tôi cũng đi bán nhưng không đáng bao nhiêu và phải bán trộm, không để người của Khoa Nhiễm khuẩn phát hiện. Bây giờ bên Khoa Nhiễm khuẩn người ta quản lý hết. Những bơm tiêm, chai nhựa, ống thở, dây truyền... người ta thu hết về kho rồi có người chuyên chọn riêng ra, đến khi đủ một chuyến ô tô thì họ mới gọi điện để chủ cơ sở tái chế nhựa điều xe tới chở hàng về".
Nhân viên tên T. này tiết lộ thêm: Những người tham gia thu gom RTYTNH tại đây đều có mối quan hệ thân tín với một người đàn ông tên H. làm việc tại Khoa Nhiễm khuẩn của BV Nhi. Và cũng chính người này làm quản lý việc thu gom cũng như bán cho các chủ cơ sở thu mua nhựa về tái chế. "Ông H. thuê nhân viên thu gom trong bệnh viện hàng triệu đồng mỗi chuyến, ngoài ra ông này lại thuê cả người bốc lên xe và trả cho họ 100.000 đồng/chuyến. Còn giá bán nhựa là 16.000 đồng/kg, bao gồm cả bơm kim tiêm và chai truyền", T. tiết lộ.
Trong khi đó, ngay phía ngoài cổng phụ của BV này, trên hai chiếc xe cải tiến là những bao tải cáu bẩn chứa đầy bơm tiêm, dây thở, ống truyền... được bán cho các cơ sở nhỏ lẻ bên ngoài. Qua tìm hiểu, các chủ cơ sở thu mua này đều là người làng nghề tái chế nhựa Triều Khúc (xã Tân Triều, H.Thanh Trì, TP.Hà Nội) nổi tiếng đất bắc. Và cứ khoảng hai ngày họ lại tới khu vực BV Nhi thu gom nhựa một lần.
Chỉ thu gom được thứ không bán thành tiền Trên giấy tờ, một loạt các phòng khám, BV kể trên đều ký kết hợp đồng thu gom, vận chuyển, xử lý RTYTNH với Xí nghiệp Urenco 10. Tuy nhiên, trên thực tế phía Urenco 10 chỉ thu gom được những phần còn lại của RTYTNH mà "không thể bán được thành tiền". Đó là kim tiêm bằng sắt, bông băng dính máu, dịch hay các mẫu bệnh phẩm. "Theo hợp đồng thì phía đơn vị chúng tôi đặt thùng thu gom RTYTNH tại nhà kho của các BV, trong khi đó chìa khóa cửa họ giữ. Do vậy việc thu gom, phân loại RTYTNH ra làm sao, chúng tôi cũng không được biết. Và khi xe thùng tới vận chuyển, phía BV giao như thế nào thì người của tôi nhận như thế", Giám đốc Xí nghiệp Urenco 10 Ngô Xuân Hiếu cho biết. Vẫn theo ông Hiếu, xí nghiệp của ông gần như chẳng bao giờ thu gom được các loại bơm tiêm, dây truyền, ống thở... từ những phòng khám, BV mà phía Urenco 10 đã ký kết hợp đồng xử lý. "Trên thực tế, bơm tiêm, dây truyền, ống thở đều được làm từ chất liệu nhựa tốt. Do vậy, dù biết bị cấm nhưng các chủ cơ sở tại làng nghề Triều Khúc và làng Khoai ở thị trấn Như Quỳnh, H.Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, vẫn tìm đủ mọi cách để thu gom các loại RTYTNH kể trên, về tái chế thành nhiều sản phẩm nhựa", ông Hiếu tiết lộ.
Theo TNO
Chùa Bà lắp camera kiểm soát an ninh trước ngày khai hội Mùa lễ năm nay, chùa Bà - Bình Dương đã bố trí camera quan sát để thắt chặn an ninh. Ban tổ chức cũng mạnh tay ngăn chặn nạn sư giả, ăn xin... giữ gìn sự tôn nghiêm cho lễ hội. Rằm tháng Giêng là ngày hội lớn nhất tại chùa Bà (chùa Bà Thiên Hậu, Thủ Dầu Một, Bình Dương). Cao điểm...