Trận hải chiến lớn nhất lịch sử quân sự năm 1916
Với 250 tàu, trong đó có 34 thiết giáp hạm, trận Jutland giữa Anh và Đức là hải chiến lớn nhất lịch sử quân sự xét về tổng lượng giãn nước.
Năm 1916, hải quân Anh và Đức đối đầu nhau trong trận hải chiến tại vùng Biển Bắc ngoài khơi bán đảo Jutland của Đan Mạch, với sự tham gia của 250 chiến hạm và gần 100.000 thủy thủ. Đây được coi là trận đánh bất phân thắng bại, dù hải quân Đức bị đối phương áp đảo về số tàu chiến và công nghệ.
Thế chiến I là thời kỳ đỉnh cao của thiết giáp hạm. Đây là loại tàu chiến thống trị đại dương, thể hiện sức mạnh của các cường quốc vào thời điểm khi máy bay hải quân và tàu sân bay chưa phổ biến. Hải quân Anh và Đức khi đó sở hữu những hạm đội mạnh nhất thế giới với nòng cốt là thiết giáp hạm kiểu dreadnought có lượng giãn nước 18.200 tấn, trang bị nhiều pháo cỡ lớn với tầm bắn xa.
Mô phỏng trận Jutland ngày 31/5/1916. Video: Smithsonian .
Tháng 5/1916, lực lượng Anh và Đức đều tìm cách giành chiến thắng vang dội trước đối phương. Thời điểm đó, Anh đang phong tỏa Đức và khiến đối phương chịu thiệt hại, nhưng không bên nào chiếm được quyền kiểm soát rõ ràng với Biển Bắc. Đế quốc Đức tìm cách tổ chức phục kích cách bờ biển Đan Mạch khoảng vài trăm km, nhưng Anh nắm được kế hoạch này và triển khai lực lượng đối phó.
Ngày 30/5/1916, hạm đội Anh gồm 151 tàu, trong đó có 28 thiết giáp hạm và 9 tuần dương hạm, lên đường sau khi nắm được vị trí và ý đồ của quân Đức. Ở bên kia chiến tuyến, Đức huy động 99 tàu, gồm 16 thiết giáp hạm và 5 tuần dương hạm.
Chiều 31/5, lực lượng trinh sát hai bên phát hiện nhau và bắt đầu giao tranh ác liệt. 5 tuần dương hạm bọc thép của Đức nã đạn vào 6 tàu Anh. Cả hai bên vừa bắn vừa di chuyển song song. Tuy nhiên, tàu chiến Anh mắc sai lầm lớn khi chần chừ khai hỏa khi có cơ hội và để cho phía Đức đánh theo chiến thuật của họ.
Nhóm tàu trinh sát Đức đánh chìm hai tuần dương hạm Anh, đồng thời dẫn dụ các tàu trinh sát Anh di chuyển về phía hạm đội chủ lực. Các tàu Anh kịp thời nhận ra sai lầm và quay ngược về phía bắc trong khi hứng chịu hỏa lực dữ dội từ lực lượng Đức.
Tàu HMS Queen Mary của Anh bị đánh chìm trong trận Jutland. Ảnh: Wikipedia .
Lúc này, phía Anh đã mất hàng nghìn thủy thủ và hai chiến hạm cỡ lớn nhưng vẫn nắm lợi thế. Tuần dương hạm Anh chạy về phía bắc không thể liên lạc với lực lượng chủ lực, nhưng vẫn lôi kéo được đối phương về địa điểm tập kết của hạm đội.
Dù không nhận được thông tin tình báo cần thiết để chuẩn bị, chỉ huy hạm đội Anh vẫn kịp ra lệnh cho các tàu lập đội hình thành vòng cung để tạo bẫy phục kích phía Đức. Hạm đội Đức lao thẳng vào chiếc bẫy này và hứng chịu hỏa lực nặng nề từ đội hình bán nguyệt của Anh, khiến nhiều tàu trúng đạn và bốc cháy.
Quân Đức sau đó tìm cách rút lui và tổ chức lại đội hình, nhưng quân Anh triển khai chiến thuật phá vây hình chữ T, trong đó tàu chiến Anh lập thành tuyến bắn với toàn bộ pháo chủ lực nhằm thẳng đội hình Đức, trong khi đối phương chỉ có vài khẩu pháo trước mũi có góc bắn trả.
Đội hình Anh vừa giữ vị thế ngăn quân Đức thoát vây, vừa có ưu thế tầm nhìn rõ do Mặt trời ở phía sau các tàu Đức.
Quân Đức chống trả quyết liệt khi rơi vào tình thế tuyệt vọng, gây thiệt hại nặng và khiến nhiều tàu Anh chìm trong buổi tối. Chỉ huy Đức cũng tìm ra cách cho đội hình vòng lại và trốn thoát về phía tây.
Lúc này, quân Đức cần di chuyển về phía đông và nam. Sau nỗ lực chuyển sang hướng đông thất bại vì hứng chịu hỏa lực dữ dội từ đối phương, hạm đội Đức phóng loạt ngư lôi lớn, buộc đội hình Anh đổi hướng và tạo khoảng trống cho tàu chiến Đức rút lui. Tuy nhiên, không quả ngư lôi nào trúng mục tiêu.
Quân Đức chiếm lợi thế khi màn đêm buông xuống, khi tàu chiến Anh mất lợi thế về tầm bắn và các tàu phóng lôi Đức có thể áp sát đối phương. Trong suốt đêm 31/5, hạm đội Đức cố gắng chiến đấu để mở đường thoát. Họ giành chiến thắng trong một số trận giao tranh nhỏ và cuối cùng phá được vòng vây vào ngày 1/6.
Tuần dương hạm SMS Seydlitz lết về cảng sau trận Jutland. Ảnh: Wikipedia .
Đức tuyên bố giành thắng lợi chiến thuật, khiến Anh hứng tổn thất nặng khi mất 14 tàu chiến, hơn 6.000 thủy thủ trong chưa đầy 24 giờ, đổi lại là 2.551 binh sĩ thiệt mạng và 11 tàu bị chìm. Tuy nhiên, Berlin phải trả giá về mặt chiến lược vì nhiều tàu chiến hư hại nghiêm trọng và phải sửa chữa trong nhiều tuần sau trận chiến, trong khi London vẫn duy trì được lực lượng phong tỏa trên biển.
Đức sau đó buộc phải chuyển sang tác chiến tàu ngầm để phá hoại tuyến tiếp tế của Anh dọc Đại Tây Dương. Dù vậy, ngay cả chiến lược này cũng thất bại sau khi Mỹ tham chiến cùng các công nghệ và trang bị săn ngầm mới.
Lực lượng hải quân 'đông nhưng không mạnh' của Trung Quốc
Hải quân Trung Quốc sở hữu nhiều chiến hạm nhất thế giới, song chủ yếu là tàu cỡ nhỏ, hoạt động gần bờ, khó cạnh tranh sức mạnh với Mỹ.
Tháng 4/2018, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mặc quân phục, bước lên một tàu khu trục tại Tam Á, đảo Hải Nam để thị sát cuộc duyệt binh trên biển. Trước mặt ông Tập là hạm đội lớn nhất mà Trung Quốc từng triển khai trên biển với 48 chiến hạm, hơn 10.000 quân nhân và hàng chục tiêm kích.
Ông Tập khi đó công bố tham vọng xây dựng lực lượng thể hiện sức mạnh của Trung Quốc trên các đại dương. "Nhiệm vụ xây dựng lực lượng hải quân hùng mạnh chưa bao giờ cấp bách như bây giờ", Chủ tịch Trung Quốc nói.
Trung Quốc khi đó đang trong "cơn sốt" đóng tàu lớn chưa từng thấy trên thế giới. Từ năm 2015, Chủ tịch Tập Cận Bình khởi động dự án quy mô lớn nhằm biến quân đội Trung Quốc trở thành "lực lượng đẳng cấp thế giới", ngang hàng với quân đội Mỹ. Sau 6 năm, Trung Quốc sở hữu lực lượng hải quân đông nhất thế giới và đang tiếp tục theo đuổi tham vọng vươn ra vùng biển lớn.
Năm 2015, hải quân Trung Quốc chỉ có 225 chiến hạm trong biên chế. Nhưng tới cuối năm 2020, lực lượng này đã có khoảng 360 chiến hạm, nhiều hơn Mỹ 63 chiếc, Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ (ONI) cho biết.
"Lực lượng tác chiến của hải quân Trung Quốc tăng hơn ba lần chỉ trong vòng hai thập kỷ", báo cáo hồi tháng 12/2020 của các tư lệnh hải quân, thủy quân lục chiến và tuần duyên Mỹ cho biết. Họ thừa nhận một số chiến hạm Trung Quốc sẽ ngang bằng hoặc thậm chí tốt hơn những khí tài mà Mỹ hay các cường quốc hải quân khác có thể biên chế.
"Trung Quốc đủ khả năng để chỉ huy lực lượng hải quân lớn nhất thế giới và đang xây dựng lực lượng tác chiến mặt nước hiện đại, tàu ngầm, tàu sân bay, tiêm kích, tàu đổ bộ tấn công, tàu ngầm tên lửa đạn đạo, tàu hải cảnh cỡ lớn và tàu phá băng với tốc độ đáng báo động", báo cáo cho biết.
Chiến hạm Trung Quốc tham gia lễ duyệt binh tại thành phố Tam Á, Hải Nam, tháng 4/2018. Ảnh: PLA .
Andrew Erickson, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc của Đại học Hải quân Mỹ, viết trong một bài báo xuất bản hồi tháng 2 rằng "hải quân Trung Quốc không còn phải nhận hàng thải từ ngành công nghiệp đóng tàu, thay vào đó là những chiến hạm ngày càng tinh vi và có năng lực".
Trong số này bao gồm khu trục hạm Type 055, được đánh giá là tốt hơn tuần dương hạm lớp Ticonderoga của Mỹ về mặt hỏa lực, cùng các tàu đổ bộ tấn công có thể vận chuyển hàng nghìn binh sĩ.
ONI dự đoán trong 4 năm tới, hải quân Trung Quốc có thể biên chế tới 400 chiến hạm, trong khi hải quân Mỹ vẫn chỉ đặt mục tiêu duy trì hạm đội 355 chiếc.
Điều này khiến hải quân Mỹ gặp bất lợi về số lượng chiến hạm, song không đồng nghĩa lực lượng này sắp đánh mất vị trí số một thế giới vào tay Trung Quốc. Xét về quân số, hải quân Mỹ chiếm ưu thế với 330.000 binh sĩ, so với lực lượng 250.000 người của Trung Quốc.
Một số yếu tố khác mang lại lợi thế cho hải quân Mỹ, trong đó gồm việc sở hữu nhiều tàu trọng tải lớn và mang nhiều vũ khí hơn, như tuần dương hạm và khu trục hạm tên lửa.
Các chiến hạm này mang lại lợi thế đáng kể cho Mỹ trước Trung Quốc về năng lực phóng tên lửa hành trình. Mỹ sở hữu hơn 9.000 ống phóng tên lửa thẳng đứng trên chiến hạm mặt nước, trong khi Trung Quốc sở hữu 1.000 ống phóng loại này.
Hạm đội tàu ngầm tấn công Mỹ gồm 50 chiếc, toàn bộ sử dụng năng lượng hạt nhân, mang lại lợi thế đáng kể về tầm hoạt động và độ bền bỉ. Trong khi đó, hải quân Trung Quốc sở hữu 62 tàu ngầm, nhưng chỉ có 7 chiếc chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Khi hoạt động ở vùng biển gần bờ, số lượng mang lại ưu thế cho Trung Quốc. "Lợi thế lớn nhất mà hải quân Trung Quốc duy trì trước Mỹ là khả năng tuần tra và tác chiến ven biển, cùng các tàu kích thước nhỏ từ hộ vệ hạm trở xuống", Nick Childs, chuyên gia Viện Nghiên cứu Chiến lược (IISS) cho biết.
Số lượng chiến hạm của Trung Quốc và Mỹ. Đồ họa: CNN .
Năng lực hạm đội chiến hạm cỡ nhỏ của Trung Quốc được tăng cường bởi lực lượng hải cảnh và đội dân quân biển, với lượng tàu thuyền gần gấp đôi số chiến hạm hải quân nước này biên chế. Đây là dấu hiệu đáng lo ngại khi Mỹ phải vật lộn với các vấn đề ngân sách và đại dịch Covid-19.
Trung Quốc sở hữu năng lực đóng tàu mạnh nhất thế giới, khi chiếm 40% thị trường đóng tàu toàn cầu tính theo lượng giãn nước, bỏ xa Hàn Quốc ở vị trí thứ hai với 25% thị phần, theo số liệu năm 2018. Các công ty đóng tàu nhà nước Trung Quốc với sản phẩm là tàu thương mại cũng đóng vai trò động lực trong xây dựng hải quân nước này.
"Trong trường hợp xung đột nổ ra, năng lực công nghiệp dư thừa của Trung Quốc, bao gồm các nhà máy đóng tàu thương mại, có thể nhanh chóng chuyển sang sản xuất và sửa chữa tàu quân sự, tăng thêm khả năng tạo ra lực lượng quân sự mới của nước này", chuyên gia Erickson nhận định.
Trung Quốc có thể sử dụng cơ sở sản xuất và lực lượng lao động tại chỗ cùng công nghệ liên quan của các nhà máy đóng tàu để xuất xưởng lượng lớn chiến hạm.
"Với tốc độ đóng tàu hải quân hiện tại cùng năng lực chiến hạm mới của Trung Quốc, họ phát triển hải quân từ quân chủng phòng thủ bờ biển thành lực lượng mạnh nhất khu vực, một số khía cạnh đạt mức toàn cầu", Thomas Shugart, cựu hạm trưởng Mỹ, nói trong phiên điều trần trước quốc hội hồi tháng 1.
Phần lớn chiến hạm của Trung Quốc là hộ vệ hạm, hộ vệ hạm cỡ nhỏ và tàu ngầm diesel-điện, phù hợp hoạt động ở các vùng biển xung quanh nước này. Hải quân Mỹ chỉ sở hữu khoảng 15 tàu tác chiến ven biển với tính năng gần giống hộ vệ hạm cỡ nhỏ.
Hạm đội tàu hộ vệ cỡ nhỏ phù hợp với các vùng biển nông và hẹp, nơi Trung Quốc đưa ra các yêu sách chủ quyền như biển Hoa Đông, Biển Đông và quanh đảo Đài Loan.
Ở những vùng biển này, tàu hải quân Trung Quốc được bảo vệ bằng lực lượng tên lửa đất đối không quy mô lớn tại đại lục. Trung Quốc còn đầu tư nhiều vào tên lửa chống hạm và hệ thống dẫn đường vệ tinh, giúp tăng sức mạnh trong mọi cuộc xung đột gần nước này.
Tuần dương hạm Ngân Xuyên thuộc lớp Type 052D đi qua eo biển Lamma vào vùng nước của đặc khu hành chính Hong Kong, tháng 7/2017. Ảnh: PLA .
Tuy nhiên, khi bước ra sân chơi lớn hơn ở vùng biển xa, hạm đội hàng chục hộ vệ hạm cỡ nhỏ không thể phô diễn được sức mạnh quân sự như cách các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ thể hiện trong nhiều thập kỷ qua.
Điều này buộc Trung Quốc phải đặt tham vọng phát triển hạm đội tàu sân bay nhằm bảo vệ các lợi ích toàn cầu trong chiến lược "bảo vệ vùng biển xa". Để làm được điều đó, Trung Quốc sẽ phải chế tạo, vận hành các nhóm tác chiến tàu sân bay vốn rất tinh vi và phức tạp.
Hải quân Trung Quốc đang sở hữu hai tàu sân bay có thiết kế tương tự tuần dương hạm hạng nặng chở máy bay do Liên Xô phát triển từ vài thập kỷ trước, vốn bị giới hạn về tầm hoạt động cùng số lượng máy bay và vũ khí. Thời gian hoạt động liên tục không cần tiếp liệu của hai tàu sân bay Trung Quốc là chưa đầy một tuần, theo báo cáo dự án Sức mạnh Trung Quốc của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS).
Các chuyên gia nhận định hải quân Trung Quốc "đáng gờm" với nhiều đối thủ, song năng lực thực tế của lực lượng này chưa đáp ứng tham vọng cạnh tranh siêu cường với Mỹ.
Để đạt mục tiêu, hải quân Trung Quốc sẽ cần lực lượng không quân thuộc nhóm tác chiến tàu sân bay mạnh hơn nhiều. Sức mạnh của hai tàu sân bay Liên Ninh và Sơn Đông không sánh được với bất cứ chiến hạm nào trong hạm đội 11 siêu tàu sân bay Mỹ.
Các tàu sân bay của Trung Quốc chưa "mạo hiểm" đi xa hơn khu vực Tây Thái Bình Dương. Các chiến hạm khác của Trung Quốc đã được triển khai đến Ấn Độ Dương, Địa Trung Hải, Bắc Đại Tây Dương và khu vực Bắc Cực, song với số lượng nhỏ và không thường xuyên.
Giới chuyên gia nhận định dù hải quân Trung Quốc đạt được nhiều thành tựu đáng kể về số lượng, nỗ lực trở thành lực lượng biển xanh của họ có thể mất vài năm đến vài thập kỷ mới có thể hoàn thành.
Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng 6,8% Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết ngân sách quốc phòng nước này dự kiến tăng 6,8%, lên mức 1,36 nghìn tỷ tệ, trong nỗ lực hiện đại hóa quân đội. "Chúng tôi sẽ cung cấp sự đảm bảo tài chính mạnh mẽ hơn để tích cực hỗ trợ quá trình hiện đại hóa quốc phòng và các lực lượng vũ trang, giúp...