Trận đột kích khiến đặc nhiệm Mỹ đầu tiên thiệt mạng dưới thời Trump
Chiến dịch đột kích được thông qua chỉ vài ngày sau khi Trump nhậm chức, nhưng mọi thứ diễn ra không như kế hoạch.
Thượng sĩ Owens, đặc nhiệm Mỹ đầu tiên thiệt mạng dưới thời Trump. Ảnh: NBC News.
“Ryan hy sinh như một chiến binh và anh hùng chống lại chủ nghĩa khủng bố và bảo vệ đất nước”, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 28/2 ca ngợi thượng sĩ Ryan Owens, thành viên đặc nhiệm SEAL Team 6 đầu tiên thiệt mạng khi thực thi nhiệm vụ dưới thời của ông, theo NBC News.
Thượng sĩ Owens, 36 tuổi, cha của ba đứa con, được coi là chiến binh dày dạn kinh nghiệm trận mạc, là thành phần tinh nhuệ nhất trong lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ của Mỹ. Thế nhưng anh lại thiệt mạng trong một chiến dịch đột kích được phê chuẩn chỉ vài ngày sau khi chính quyền mới của Trump được thành lập, được ra lệnh bởi một đội ngũ lãnh đạo chưa từng phối hợp với nhau trước đây, để thực hiện mục tiêu vẫn còn gây tranh cãi.
Owens bị trúng đạn trong cuộc đột kích được tiến hành vào đêm 29/1, tại ngôi làng nhỏ Yakla sâu trong lãnh thổ Yemen, nơi được cho là căn cứ địa của nhóm phiến quân al-Qaeda ở Bán đảo Arab (AQAP). Suốt 8 tháng qua, phóng viên NBC News đã gặp gỡ hàng chục quan chức và các thành viên đặc nhiệm Mỹ để có được thông tin chi tiết về chiến dịch đột kích tối mật được tiến hành đầy vội vã này.
Đầu năm 2016, tình báo Mỹ bắt đầu chú ý về sức mạnh ngày càng tăng của AQAP và chính quyền Tổng thống Barack Obama khi đó đã bắt đầu tiến hành một chiến dịch chống khủng bố mới nhằm làm suy yếu nhóm này, gồm tăng các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và chiến đấu cơ, cũng như lực lượng trên mặt đất.
Các thành viên đặc nhiệm SEAL Team 6 được triển khai luân phiên tại khu vực này để thực hiện các nhiệm vụ tiêu diệt hoặc bắt giữ mục tiêu có giá trị cao theo sự phê chuẩn của tổng thống. Đến cuối năm 2016, Nhà Trắng lên kế hoạch cho một chiến dịch mới ở Yemen, nhưng không đưa ra quyết định cuối cùng mà nhường quyền phê chuẩn chiến dịch mới cho tân chính quyền của Tổng thống Trump.
Chỉ một ngày sau khi nhậm chức, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã nghe báo cáo về Yemen. Trong khi việc chuyển giao chính quyền đang được thực hiện ở Washington, các đội đặc nhiệm Mỹ vẫn tiếp tục lên kế hoạch và chuẩn bị cho một loạt cuộc đột kích nhắm vào căn cứ và lãnh đạo của AQAP, thậm chí tiến hành các cuộc diễn tập ở Djibouti.
Vào thời điểm đó, tình báo Mỹ phối hợp với Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) tin rằng các hoạt động quan trọng của AQAP đang diễn ra tại làng Yakla nên đề xuất lực lượng đặc nhiệm hai nước thực hiện một chiến dịch đột kích chung.
Bên ngoài, đây là một chiến dịch đột kích khai thác thông tin nhạy cảm (SSE) nhằm thu giữ các thiết bị điện tử và tài liệu chứa đựng thông tin về ban lãnh đạo và hoạt động của AQAP. Theo kế hoạch, đặc nhiệm Mỹ sẽ thu thập tài liệu và sau đó tiến hành cuộc không kích chớp nhoáng để xóa bỏ dấu vết, theo nhiều chuyên gia về quân sự và tác chiến đặc biệt.
Tuy nhiên, nhiệm vụ bí mật hơn mà họ phải thực hiện là tiêu diệt hoặc bắt giữ các lãnh đạo AQAP trong cuộc đột kích. Dưới thời Obama, không một chiến dịch bắt giữ nào được phê chuẩn, theo các nguồn tin. Nhiệm vụ này được giữ bí mật đến mức nhiều quan chức cấp cao trong Lầu Năm Góc không nắm được thông tin.
Video đang HOT
Thảo luận trong bữa tối
Vị trí làng Yakla ở Yemen. Đồ họa: ITV.
Bộ trưởng Quốc phòng Mattis trình bày về kế hoạch đột kích này trong cuộc họp đầu tiên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ vào tối 25/1, với sự tham gia của Tổng thống Trump, Phó tổng thống Mike Pence, cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Joseph Dunford, Giám đốc đề cử CIA Mike Pompeo, chiến lược gia trưởng Steve Bannon và con rể Tổng thống Jared Kushner. Tuy nhiên, đại diện Bộ Ngoại giao không có mặt trong cuộc họp này.
Trong bữa tối, họ thảo luận về cuộc đột kích sắp diễn ra. “Điều đó thật sự bất thường”, Sean Naylor, chuyên gia về các lực lượng đặc nhiệm Mỹ, nói. “Những chiến dịch quan trọng như vậy thường không được phê chuẩn trên bàn ăn”.
Theo các nguồn tin, dưới thời Obama, những chiến dịch kiểu này thường được thảo luận và phê chuẩn qua nhiều cấp rồi mới được trình bày tại Phòng Tình huống được bảo mật bên trong Nhà Trắng.
Hai nguồn tin Nhà Trắng cho biết trong bữa tối, tướng Mattis và Dunford đã trình bày với tân Tổng thống Trump về mục tiêu của chiến dịch, cho rằng nếu lãnh đạo AQAP có mặt ở làng Yakla, đây sẽ là cơ hội đề giành thắng lợi lớn, còn nếu không, đây vẫn là địa điểm có thể chứa nhiều thông tin quan trọng có thể dẫn tới các cuộc đột kích tiếp theo.
Tuy nhiên cả Bannon và Kushner đều lên tiếng, cho rằng việc thực thi chiến dịch như vậy không khác nào hành động theo kế hoạch mà Obama để lại. Tổng thống Trump chưa phê chuẩn kế hoạch ngay, nhưng sáng hôm sau, ông hỏi ý kiến của Flynn trước khi đặt bút ký sắc lệnh phê chuẩn chiến dịch.
Theo hai quan chức Nhà Trắng, Flynn nói với Trump rằng tin báo từ UAE cho thấy một trong những tên khủng bố bị truy nã gắt gao nhất thế giới, Qasim al-Rimi, lãnh đạo của AQAP, có thể đang ở Yakla. Flynn nói rằng việc bắt giữ hoặc tiêu diệt được al-Rimi sẽ khiến Tổng thống Trump nổi bật so với người tiền nhiệm. Kết quả đó sẽ cho thấy ông Trump là người sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm, trong khi Obama lại chần chừ với những cuộc thảo luận bất tận.
Nhiều nguồn tin nói rằng Flynn khẳng định chiến dịch đột kích ngay trong tuần đầu tiên cầm quyền của ông Trump sẽ là “yếu tố thay đổi cuộc chơi”, giúp Tổng thống Mỹ làm hài lòng các đồng minh vùng Vịnh đang hoạt động ở Yemen.
Đột kích thất bại
Thành viên lực lượng đặc nhiệm Mỹ huấn luyện. Ảnh: US Army.
Chỉ một ngày sau khi kế hoạch đột kích được bật đèn xanh, đội đặc nhiệm của Owens lên tàu đổ bộ USS Makin Island di chuyển từ Djibouti tới gần Yemen. Trên tàu là Lực lượng Phản ứng nhanh gồm 2.200 binh sĩ thủy quân lục chiến cùng nhiều chiến đấu cơ và trực thăng sẵn sàng yểm trợ đội đặc nhiệm nếu có gì bất trắc xảy ra.
Sau nửa đêm 29/1, những chiếc trực thăng chở đội SEAL Team 6 đáp xuống vị trí cách làng Yakla khoảng 7,5 km. Họ lặng lẽ hành quân bộ đến gần ngôi làng nhằm gây bất ngờ cho phiến quân AQAP tại đó.
Nhưng khi họ tiến đến gần ngôi làng, rắc rối bắt đầu xảy ra. Máy bay do thám phát hiện hoạt động bất thường trong làng, cho thấy cuộc đột kích có thể đã mất yếu tố bất ngờ. “Máy bay trinh sát mục tiêu có thể đã phát hiện các chiến binh đang di chuyển tới vị trí chiến đấu”, Naylor cho biết.
Sở chỉ huy Lực lượng Đặc nhiệm ở Djibouti và các sĩ quan chỉ huy trên tàu Makin Island biết rõ rằng đội đặc nhiệm đã không còn yếu tố bất ngờ. Nhưng sau khi thảo luận về mức độ rủi ro, họ vẫn quyết định tiến hành chiến dịch.
Khi tiến vào làng, đội đặc nhiệm SEAL vấp phải hỏa lực chống trả dữ dội không ngờ. Phiến quân đã chôn sẵn mìn và xây dựng các vị trí phòng thủ, ngay cả phụ nữ trong làng cũng cầm súng bắn vào lính Mỹ. Chỉ sau 5 phút đấu súng, Owens trúng một viên đạn ở ngay phía trên tấm giáp che ngực và không thể qua khỏi. Trưởng nhóm xin lệnh sơ tán qua bộ đàm, khi ít nhất hai đặc nhiệm SEAL nữa bị thương trong 5 phút tiếp theo.
Hai trực thăng lai Osprey cùng tiêm kích AV-8V Harrier và trực thăng tấn công được lệnh xuất kích để yểm trợ và sơ tán đội đặc nhiệm. Lúc này thảm họa mới thực sự bắt đầu. Một chiếc Osprey đâm xuống đất khi hạ cánh và bị hư hại nặng đến mức tiêm kích Harrier sau đó buộc phải thả bom phá hủy nó để các thiết bị nhạy cảm không rơi vào tay phiến quân.
Dưới mặt đất, đặc nhiệm SEAL vẫn tiếp tục chiến đấu trong 50 phút. Họ tiêu diệt được 14 tay súng AQAP, trong đó có hai kẻ được cho là lãnh đạo phiến quân, nhưng không phải al-Rimi. Các nguồn tin cho biết do phải rút đi quá chóng vánh, đặc nhiệm SEAL không có đủ thời gian để thu thập đủ tài liệu và thiết bị điện tử cần thiết tại làng Yakla.
Ngoài cái chết của Owens và 5 lính Mỹ bị thương, cuộc đột kích còn khiến ít nhất 16 dân thường thiệt mạng, trong đó có 10 trẻ em dưới 13 tuổi, theo các nguồn tin tình báo Mỹ. Tuy nhiên, kết quả thu được từ chiến dịch đặc nhiệm đầu tiên dưới thời Tổng thống Trump vẫn gây ra nhiều tranh cãi.
Vài giờ sau cuộc đột kích, Nhà Trắng tuyên bố đây là một chiến dịch “thành công rực rỡ”. Hôm sau, người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer hạ giọng xuống một chút, nói rằng đã phát hiện “khối lượng thông tin khổng lồ” sau chiến dịch.
Nhưng tuyên bố này của Nhà Trắng gây ra nhiều nghi vấn. “Khi bạn mất một máy bay trị giá 75 triệu USD và quan trọng hơn là lính Mỹ thương vong, tôi không cho rằng bạn có thể gọi đó là một thành công”, thượng nghị sĩ John McCaine, chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, nói.
Chương trình NBC Nightly News sau đó cho rằng cuộc đột kích ở Yemen “không thu được thông tin tình báo quan trọng nào”. Trong khi đó, tướng Joseph Votel, người chịu trách nhiệm về chiến dịch đột kích ở Yemen, vẫn khẳng định những thông tin “vô giá” đã được thu thập.
Bill Owens, bố của thượng sĩ đặc nhiệm SEAL thiệt mạng, không đồng ý với lời trấn an từ Washington rằng thông tin mà đơn vị con ông thu thập được sẽ cứu sống nhiều người Mỹ trong tương lai. “Điều đó không đáng tin”, ông nói. “Hãy nhìn vào những gì đã diễn ra và hãy nói sự thật”.
Trí Dũng
Theo VNE
Cựu đặc nhiệm Mỹ đề xuất thả 25 triệu iPhone xuống Triều Tiên
Cựu thành viên lực lượng đặc nhiệm SEAL của Mỹ đề xuất phương án giải quyết vấn đề Triều Tiên bằng các biện pháp tuyên truyền.
Một công dân Triều Tiên sử dụng điện thoại di động tại thủ đô Bình Nhưỡng. Ảnh: Flickr.
Phương án được cựu đặc nhiệm Jocko Willink đăng trên Twitter bao gồm việc thả 25 triệu chiếc iPhone xuống Triều Tiên và phát wifi miễn phí đến quốc gia này thông qua vệ tinh, Business Insider ngày 11/9 đưa tin.
Theo Yun Sun, chuyên gia về Triều Tiên tại trung tâm Stimson, biện pháp này bề ngoài có vẻ hài hước và xa vời nhưng vẫn mang tính khả thi bởi chính quyền Bình Nhưỡng rất lo ngại việc người dân được tiếp cận rộng rãi với công nghệ và truyền thông quốc tế.
"Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hiểu rằng một khi xã hội trở nên cởi mở, người dân nước này sẽ nhận ra những gì họ đã bỏ lỡ và chính quyền Bình Nhưỡng sẽ bị đe dọa. Vì thế chính phủ Triều Tiên chắc chắn sẽ phản đối bất cứ biện pháp nào tương tự đề xuất của Willink", chuyên gia Sun tuyên bố.
Sun cho rằng Hàn Quốc trước đây cũng từng thả bóng bay mang truyền đơn và đĩa DVD sang Triều Tiên, khiến chính quyền Bình Nhưỡng phải phản ứng bằng các cuộc tập trận quân sự.
Theo Sun, Triều Tiên cũng thường xuyên trừng phạt những công dân cố tình tiếp cận truyền thông Hàn Quốc, vì thế việc cung cấp thiết bị truy cập Internet cho người dân nước này có thể khiến họ thiệt mạng. Nhưng Mỹ hiện có rất ít lựa chọn bởi chiến tranh với Triều Tiên nhiều khả năng sẽ kéo theo xung đột hạt nhân.
"Mỹ sẽ không thể giải giáp hạt nhân tại bán đảo Triều Tiên nếu chính quyền và xã hội Triều Tiên không thay đổi. Giải pháp này có thể cần nhiều thời gian nhưng có hy vọng thành công", chuyên gia Sun nhận định.
Nguyễn Hoàng
Theo VNE
Lính Ukraine đóng giả đặc nhiệm SEAL Mỹ dọa quân ly khai Binh sĩ Ukraine mặc trang phục, treo cờ đặc nhiệm Mỹ nhằm răn đe lực lượng ly khai ở miền đông nước này. Binh sĩ Ukraine tại một trung tâm huấn luyện. Ảnh: Daily Signal. Trong một nỗ lực gây chiến tranh tâm lý với lực lượng ly khai ở miền đông, các binh sĩ Ukraine gần đây thường xuyên đóng giả làm...