Trận đối đầu tiêm kích Indonesia – Australia năm 1999
Tiêm kích Indonesia từng chạm trán căng thẳng với chiến đấu cơ Australia, suýt gây bùng phát chiến tranh trong cuộc khủng hoảng Đông Timor năm 1999.
Chuyên trang quốc phòng Mylesat của Indonesia tuần trước đăng bài phỏng vấn phi công Henri Alfiandi, người điều khiển tiêm kích hạng nhẹ Hawk 200 chạm trán chiến đấu cơ đa năng F/A-18C Hornet của Australia ngày 16/9/1999.
Cuộc chạm trán xảy ra vào thời điểm khủng hoảng Đông Timor lên đến đỉnh điểm năm 1999. Bạo lực ở phía đông đảo Timor bùng phát sau cuộc trưng cầu dân ý về quyết định ly khai khỏi Indonesia tháng 8/1999. Dân quân thân Jakarta, được sự hậu thuẫn của các lực lượng an ninh Indonesia, đã đẩy mạnh tấn công dân thường Đông Timor.
Không quân Indonesia khi đó được giao nhiệm vụ cảnh giới trong quá trình rút quân khỏi Đông Timor. Tuy nhiên, sự hiện diện của chiến đấu cơ Indonesia tại Tây Timor và nhóm tàu chiến tuần tra ngoài khơi Đông Timor khiến Liên Hợp Quốc lo ngại Jakarta có thể can thiệp quân sự.
Tiêm kích hạng nhẹ Hawk 209 của Indonesia. Ảnh: Airliners .
Tháng 9/1999, không quân Indonesia duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhằm đối phó tình hình căng thẳng ở Đông Timor. Ngày 12/9/1999, đại úy Henri Alfiandi được lệnh triển khai đến căn cứ Kupang ở Tây Timor, nơi luôn duy trì ba tiêm kích hạng nhẹ Hawk mua từ Anh. Các phi công ở căn cứ này được lệnh bắn hạ mọi phi cơ xâm nhập trái phép không phận Indonesia.
Bốn ngày sau, Henri được giao nhiệm vụ tuần tra chiến đấu trên phi cơ hai chỗ ngồi Hawk Mk 109 số đuôi TL-0501 cùng phi công Anton Mengko. Tổ tuần tra nằm dưới quyền chỉ huy của đại úy Azhar Aditama, người điều khiển tiêm kích một chỗ ngồi Hawk Mk 209 số đuôi TT-1207.
Lúc 9h, hai phi cơ cất cánh làm nhiệm vụ tuần tra ở Vùng Thông tin bay (FIR) phía đông nam, giáp không phận thành phố Darwin của Australia. Lực lượng dẫn đường mặt đất ở căn cứ Kupang thông báo phát hiện hai máy bay chưa rõ danh tính vượt qua ranh giới FIR Darwin ở độ cao 2.430 m và tốc độ 296 km/h, yêu cầu biên đội Hawk xác minh đó có phải trực thăng đang di chuyển đến thủ phủ Dili của Đông Timor hay không.
Henri yêu cầu Azhar sử dụng radar AN/APG-66H trên phi cơ để xác minh tốc độ của nhóm máy bay lạ, do chiếc Hawk Mk 109 không có radar. Anzhar thông báo tốc độ của chúng liên tục tăng lên 277 km/h, 296 km/h rồi 370 km/h. Lúc này, máy bay lạ ở cách họ khoảng 128 km.
“Tôi lập tức kéo cao và chiếm vị trí sẵn sàng cận chiến để bảo vệ Azhar, vì máy bay của tôi không có radar. Tôi ở ngay phía sau anh ấy”, Henri nhớ lại. Hai phi cơ Indonesia sau đó leo lên độ cao 8.500 m và nhanh chóng xác nhận nhóm phi cơ lạ là tiêm kích, không phải trực thăng.
Anzhar bật chế độ chiến đấu trên radar, lập tức hai phi cơ lạ chuyển hướng thẳng về phía biên đội Hawk. Không lâu sau đó, Azhar xác định đó là tiêm kích F/A-18A/B của không quân Australia và hét “Hornet” qua điện đài. Biên đội tiêm kích Australia dường như xuất phát từ căn cứ không quân Tindal ở phía bắc nước này. Lực lượng tại Tindal được tăng cường từ trước đó nhằm gây áp lực, ngăn Jakarta leo thang xung đột quân sự ở Đông Timor.
Azhar khóa mục tiêu vào một tiêm kích Australia, nhưng Henri cảnh báo rằng hai nước chưa tuyên bố chiến tranh. Biên đội F/A-18 Australia cũng không xâm phạm không phận Indonesia trong suốt cuộc chạm trán này.
Biên đội F/A-18C Australia trong một chuyến huấn luyện. Ảnh: RAAF .
Tiêm kích Australia sau đó quay đầu trở về FIR Darwin, trong khi biên đội Hawk của Indonesia cũng trở lại căn cứ Kupang. Có thêm hai biên đội với tổng cộng 8 phi cơ và một máy bay cỡ lớn nghi là máy bay tiếp dầu hoạt động trong FIR Darwin.
Ngay khi hạ cánh, Henri yêu cầu kỹ thuật mặt đất chuẩn bị chiếc Hawk 209 cho chuyến bay tiếp theo và nạp dầu trong khi động cơ vẫn hoạt động. Tuy nhiên, điều này không thể thực hiện và phi công Indonesia phải ngồi chờ. Anh ta uống một cốc trà rồi nhanh chóng trở lại máy bay, sau đó xuất phát với hai tên lửa đối không tầm ngắn AIM-9 Sidewinder. Không rõ chuyến bay này chỉ gồm chiếc Hawk 209 của Henri hay có đồng đội hỗ trợ.
Video đang HOT
Henri lập tức bật radar nhưng phát hiện nó không hoạt động, phi công Indonesia sau này cho rằng mình bị tiêm kích F/A-18 Australia gây nhiễu. Tiêm kích Australia dường như đã áp sát chiếc Hawk ở khoảng cách 32 km, trong khi lực lượng mặt đất gần như la hét mệnh lệnh dẫn đường cho Henri.
Lúc này, Henri nhận thấy thùng dầu phụ gặp vấn đề với bơm nhiên liệu, khiến trọng tâm máy bay bị ảnh hưởng và cản trở khả năng điều khiển. Cuộc chạm trán kết thúc trước khi hai bên thấy nhau bằng mắt thường. Henri trở lại căn cứ Kupang và bị cấp trên quở trách vì quá háo hức đối đầu chiến đấu cơ Australia.
Trong ba ngày tiếp theo, các phi công Indonesia vẫn trong trạng thái báo động nhưng không có thêm vụ xâm nhập nào được thông báo. Đông Timor chính thức tuyên bố độc lập tháng 5/2002, quan hệ Indonesia – Australia sau này cũng được khôi phục.
Gần 12,4 triệu người nhiễm nCoV toàn cầu
Thế giới ghi nhận gần 12,4 triệu ca nCoV, hơn 556.000 người chết, châu Mỹ vẫn là tâm dịch trong khi châu Âu gần như kiểm soát được tình hình.
213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 12.369.199 ca nhiễm và 556.362 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 234.273 và 5.524 trong 24 giờ qua, trong khi 7.179.162 người đã bình phục.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 3.214.840 ca nhiễm trong khi 135.681 người đã tử vong, tăng lần lượt 66.364 và 946 ca trong 24 giờ qua. Hàng chục bang Mỹ chứng kiến đà tăng ca nhiễm nCoV trở lại, trong đó một số bang ghi nhận con số kỷ lục và phải tái áp đặt biện pháp phong tỏa để hạn chế bệnh dịch lây lan.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 9/7 đăng Twitter rằng sở dĩ ca nhiễm ở Mỹ cao bởi tỷ lệ xét nghiệm cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác với 40 triệu người đã được xét nghiệm. "Nếu chúng ta chỉ xét nghệm được 20 triệu người, số ca nhiễm sẽ giảm một nửa", Trump cho hay. Ông trước đó cũng gây sức ép để yêu cầu các trường học và đại học mở lại vào mùa thu tới.
Trái lại, cố vấn y tế Nhà Trắng Anthony Fauci cảnh báo Mỹ vẫn đang trong làn sóng Covid-19 đầu tiên và phải hành động ngay để ngăn ca nhiễm mới tăng. Ông cho rằng số ca nhiễm ở Mỹ chưa bao giờ giảm tới "đường cơ sở" hợp lý trước khi bùng nổ như hiện nay, khiến các quan chức y tế cảnh báo về nguy cơ các bệnh viện ở miền nam và miền tây nước Mỹ tiếp tục rơi vào tình trạng quá tải.
New York vẫn là bang ghi nhận ca nhiễm lớn nhất với hơn 425.000 ca, California báo cáo hơn 302.000 ca, trong khi ca nhiễm tại Texas, Florida cũng đã vượt 230.000. Hơn 50 bệnh viện ở Flordia báo cáo không còn giường trống trong các phòng chăm sóc tích cực.
Thống đốc New York Andrew Cuomo ngày 8/7 từ chối làm theo lời thúc giục mở lại trường học của Trump, nhấn mạnh rằng "đây là vấn đề của bang, Tổng thống không có thẩm quyền".
Brazil, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, thông báo thêm 39.583 ca nhiễm và 1.129 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 1.755.779
và 69.184. Các chuyên gia cho rằng con số thực tế ở Brazil có thể cao hơn nhiều.
Dù dịch bệnh chưa có dấu hiệu cải thiện, các thành phố lớn vẫn mở cửa trở lại. Từ ngày 2/7, các quán bar trong Rio de Janeiro được phép hoạt động, ít người đeo khẩu trang. Sao Paulo, thành phố lớn nhất và chịu ảnh hưởng tồi tệ nhất, cũng cho phép quán bar, nhà hàng, thẩm mỹ viện mở lại từ 6/7. Các cơ sở có thể mở cửa 6 giờ mỗi ngày với sức chứa không quá 40% và thực hiện các biện pháp vệ sinh, sử dụng menu điện tử.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro ngày 7/7 thông báo ông đã dương tính với nCoV. Lãnh đạo 65 tuổi nhiều lần đánh giá thấp mối đe dọa của nCoV, cho rằng Covid-19 không khác gì "cúm vặt".
Người dân xếp hàng nhận thực phẩm miễn phí giữa đại dịch Covid-19 ở thủ đô Mexico City của Mexico hôm 9/7. Ảnh: AFP.
Các nước Mỹ Latinh khác cũng nằm trong top các vùng dịch lớn nhất. Peru ghi nhận thêm 3.537 ca nhiễm và 181 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 316.448
và 11.314, là vùng dịch lớn thứ năm thế giới. Đây là một trong những nước Mỹ Latinh đầu tiên phong tỏa từ giữa tháng ba nhưng đã cho phép nối lại hoạt động sản xuất vào tháng 5.
Từ 1/7, 96% hoạt động sản xuất, bao gồm khai mỏ, các ngành công nghiệp và thương mại được nối lại nhưng phải tuân thủ các quy định y tế về chống dịch. Các nhà hàng và cửa hàng sẽ mở cửa trở lại nhưng tiếp đón lượng khách hàng hạn chế.
Chile xếp thứ sáu thế giới với 306.216 ca nhiễm và 6.682 ca tử vong, tăng lần lượt 3.133 và 109 so với hôm trước. Đây là một trong những quốc gia chậm áp dụng các biện pháp phong tỏa để ngăn virus. Hiện chỉ cửa hàng bán nhu yếu phẩm được phép hoạt động, trong khi trường học, nhà hàng, quán bar vẫn đóng cửa.
Mexico là vùng dịch lớn thứ chín thế giới với 275.003 ca nhiễm và 32.796 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm lần lượt 6.995 và 782 ca. Thủ đô Mexico City là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh nhưng chính quyền thành phố bắt đầu mở cửa một phần kinh tế kể từ đầu tháng 7.
Nhà hàng và quán bar được phép mở lại nhưng chỉ được hoạt động 50% công suất trong khi trường học vẫn đóng cửa.
Nga, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, báo cáo thêm 176 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 10.843. Số ca nhiễm tăng 6.509, lên 707.301, đánh dấu ngày thứ 14 liên tiếp ca hàng ngày dưới 7.000 kể từ cuối tháng 4. Nga tuyên bố dịch bệnh trong tầm kiểm soát.
Một số hạn chế, bao gồm lệnh cấm các chuyến bay quốc tế, duy trì đến tháng 8. Nhưng nhiều biện pháp đã được nới lỏng. Các nhà hàng, phòng gym và đi lại nội địa được phép mở lại nhưng cần tuân thủ các chỉ thị về giãn cách xã hội.
Rạp hát ở Moskva sẽ mở lại từ 1/8 sau 4 tháng đóng cửa nhưng chỉ được hoạt động 50% công suất.
Tây Ban Nha ghi nhận thêm 543ca nhiễm và 5 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 300.136 và 28.401. Tây Ban Nha chấm dứt tình trạng khẩn cấp từ 21/6, cho phép người từ các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) và khu vực Schengen nhập cảnh mà không phải cách ly hai tuần.
Trường học vẫn phải đóng cửa. Cửa hàng nhỏ, tiệm làm tóc và thẩm mỹ viện được phép phục vụ số lượng khách hạn chế, có thời gian phục vụ đặc biệt cho người cao tuổi. Quán bar được phép hoạt động trở lại với 1/3 công suất. Chính quyền Tây Ban Nha tháng trước yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang khi ở những nơi không thể duy trì khoảng cách 1,5 m cho đến khi tìm thấy thuốc chữa Covid-19 hoặc vaccine.
Vùng tự trị Catalonia ngày 8/7 ra quy định người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang mỗi khi ra ngoài, bất kể trường hợp nào, 4 ngày sau khi 200.000 người ở khu vực Segria bị phong tỏa vì phát hiện ổ dịch mới.
Anh báo cáo thêm 642 ca nhiễm và 85 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 287.621 và 44.602. Tình hình dịch bệnh tại Anh đã bớt nghiêm trọng trong những tuần gần đây, Thủ tướng Boris Johnson đang dần rút lại những lệnh hạn chế toàn quốc nhằm vực dậy nền kinh tế. Người nhập cảnh vào Anh từ hơn 50 quốc gia, chủ yếu là châu Âu, Australia và New Zealand, không phải tự cách ly 14 ngày sau khi nhập cảnh. Mỹ, Trung Quốc không nằm trong danh sách.
Vào tháng 8, Anh sẽ phát phiếu giảm giá cho người dân với tổng giá trị 625 triệu USD để khuyến khích công chúng đến các nhà hàng, quán cà phê và quán bar đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch. Phiếu giảm giá này không thể dùng để mua rượu.
Italy ghi nhận thêm 214 ca nhiễm 12 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 250.458 và 34.926. Toàn bộ cửa hàng, nhà hàng, quán bar được mở cửa, phương tiện giao thông công cộng đã hoạt động trở lại, người dân được tự do di chuyển khắp đất nước.
Đức báo cáo thêm 433 ca nhiễm, nâng tổng số người nhiễm lên 1999.198, trong khi số ca tử vong 10, lên 9.125. Đức được cho là từng kiểm soát thành công Covid-19 với tỷ lệ tử vong thấp hơn nhiều so với hầu hết nước lớn ở châu Âu, dù các biện pháp phong tỏa khá nhẹ nhàng. Tuy nhiên, đợt bùng phát gần đây tại lò mổ ở bang Bắc Rhine-Westphalia buộc chính quyền phong tỏa khoảng 600.000 người, đồng thời làm dấy lên lo ngại Đức vẫn dễ tổn thương trước đại dịch, bất chấp thành công ban đầu.
Bang Saxony ở miền đông đất nước sẽ cho phép mở các hội chợ từ 18/7 và cho phép tổ chức sự kiện hơn 1.000 người từ 1/9.
Liên minh châu Âu từ 1/7 mở biên với người từ 14 quốc gia, không bao gồm Nga, Brazil hay Mỹ. Một số quốc gia dỡ lệnh phong tỏa sớm đang chứng kiến ca nhiễm tăng trở lại. Bulgaria cấm người hâm mộ thể thao tới các sân vận động, quán bar và câu lạc bộ đều đóng cửa. Serbia tuyên bố sẽ khôi phục lệnh giới nghiêm vào cuối tuần, dẫn đến hai đêm biểu tình bạo lực.
Tại Trung Đông, Iran ghi nhận thêm 2.079 ca nhiễm, nâng tổng số lên 250.458, trong đó 12.305 người chết, tăng 221 ca so với hôm qua. Đây là số người chết hàng ngày do nCoV cao nhất tại Iran từ khi dịch bùng phát.
Phát ngôn viên Bộ Y tế Iran Sima Sadat Lari cho hay Covid-19 tại các tỉnh hoặc thành phố ở biên giới vẫn chưa đạt đỉnh. "Chúng tôi vẫn trong làn sóng lây nhiễm thứ nhất", bà nói.
Toàn bộ cửa hàng, quán bar, nhà hàng, phương tiện công cộng ở Iran đã mở cửa, tuy nhiên, trường học tại một số khu vực chưa hoạt động trở lại.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm 4/7 công bố các biện pháp bổ sung nhằm ngăn chặn virus. Theo đó, người dân không đeo khẩu trang sẽ bị từ chối cung cấp các dịch vụ công và nơi làm việc không tuân thủ các quy trình y tế sẽ phải nhận hình phạt đóng cửa một tuần.
Arab Saudi ghi nhận thêm 3.183 ca nhiễm và 41 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 223.327 và 2.100. Nước này chấm dứt lệnh giới nghiêm toàn quốc vì nCoV cuối tháng 6. Tuy nhiên, chính phủ năm nay chỉ "cho phép 1.000 người hoặc ít hơn" tới hành hương tại thánh địa Mecca và chỉ người dân Arab Saudi mới có cơ hội.
Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, báo cáo thêm 25.803 ca nhiễm và 479 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 794.855 và 21.623. Các thành phố lớn của Ấn Độ là những nơi bị Covid-19 ảnh hưởng nặng nề nhất.
Ca nhiễm tăng nhanh buộc Ấn Độ phải chuyển đổi khách sạn, trung tâm tiệc cưới, địa điểm thờ phụng, thậm chí toa tàu thành nơi chăm sóc bệnh nhân Covid-19. Các nhà phê bình chỉ trích chính phủ không thực hiện đủ xét nghiệm, khiến nhiều ca nhiễm có khả năng không được chẩn đoán.
Thiruvananthapuram, thủ phủ bang Kerala ở miền nam đất nước, tuần này tái áp đặt phong tỏa khi ca nhiễm tăng trở lại. Cư dân được phép ra ngoài để mua các mặt hàng thiết yếu từ 7h đến 11h. Mỗi khu phố chỉ được cho phép một cửa hàng mở cửa.
Trung Quốc chưa công bố số liệu mới.
Giới chức Bắc Kinh, nơi bùng phát ổ dịch mới, thông báo thủ đô đã kiềm chế được ổ dịch mới và dỡ hầu hết hạn chế đi lại từ 4/7. Tất cả những người sống trong khu vực được coi là "nguy cơ thấp" có thể rời Bắc Kinh mà không cần kết quả xét nghiệm nCoV. Bắc Kinh đã xét nghiệm hơn 10 triệu người từ 11/6 đến 3/7, gần một nửa dân số thành phố.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 70.736 ca nhiễm, tăng 2.657 trường hợp so với hôm qua, trong đó 3.417 người chết, tăng 58 ca. Đây là mức tăng ca nhiễm hàng ngày cao nhất từ khi Covid-19 bùng phát tại Indonesia.
Quan chức Bộ Y tế Indonesia Achmad Yurianto cho rằng ca nhiễm mới tăng nhanh do nhiều người không đeo khẩu trang khi đất nước mở cửa trở lại và nới phong tỏa. Một cụm dịch mới đáng chú ý xuất hiện tại trung tâm huấn luyện quân sự ở tỉnh Tây Java khi 1.262 học viên và sĩ quan huấn luyện dương tính với virus.
Trường học phải tiếp tục đóng cửa cho đến ngày 13/7, nhà hàng quán bar dừng hoạt động.
Philippines, vùng dịch lớn thứ hai trong khu vực, báo cáo thêm 1.395 ca nhiễm, nâng số ca nhiễm lên lần lượt 51.754, trong kh ca tử vong vẫn là 1.314.
Theo Bộ Y tế Philippines, mức tăng đáng chú ý này có thể là do người dân tiếp xúc với nhau nhiều hơn sau khi chính quyền bắt đầu nới lỏng các biện pháp, hạn chế nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của dịch bệnh đối với nền kinh tế.
Singapore là vùng dịch lớn thứ ba khu vực, với 45.423 ca nhiễm, tăng 125 ca, trong đó 26 người chết. Singapore đang nới dần các biện pháp hạn chế theo từng giai đoạn, trong khi cuộc tổng tuyển cử vẫn được tổ chức vào ngày 10/7. Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết ông quyết định tiến hành bầu cử ngay bây giờ bởi không chắc Covid-19 có thể chấm dứt vào năm sau hay không.
Việt Nam, Lào, Campuchia và Đông Timor là các nước trong khu vực chưa ghi nhận ca tử vong do nCoV.
WHO hôm 9/7 thông báo thành lập một ủy ban độc lập để đánh giá cách xử lý đại dịch Covid-19 của tổ chức này cũng như phản ứng của các chính phủ. Cựu thủ tướng New Zealand Helen Clark và cựu tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf đồng ý đứng đầu ủy ban và lựa chọn thành viên.
"Đừng nhầm lẫn: mối đe dọa lớn nhất mà chúng ta phải đối mặt bây giờ không phải virus, mà đúng hơn là sự thiếu lãnh đạo và đoàn kết ở cấp độ toàn cầu và quốc gia. Chúng ta không thể đánh bại đại dịch này khi bị chia rẽ. Virus phát triển mạnh nhưng sẽ bị ngăn chặn khi chúng ta đoàn kết", Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus cho hay.
Gần 9,9 triệu người nhiễm nCoV toàn cầu Thế giới ghi nhận gần 9,9 triệu ca nhiễm và gần 496.000 người chết do nCoV, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp tại châu Mỹ. 213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 9.882.684 ca nhiễm và 495.605 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 197.628 và 6.689 trong 24 giờ qua. 5.343.772 người đã bình phục....