Trận đối đầu khiến chiến hạm Đức ‘ngả mũ’ trước tàu khu trục Anh
Dù thua thiệt mọi mặt, tàu khu trục Glowworm vẫn đối đầu với chiến hạm Đức, khiến thuyền trưởng Đức gửi thư khen ngợi tới hải quân Anh.
Tàu Đô đốc Hipper của Đức có lượng giãn nước gấp 11 lần HMS Glowworm. Ảnh: Wikipedia.
Ngày 8/4/1940, khu trục hạm HMS Glowworm của Anh có cuộc đối đầu không cân sức với tàu tuần dương hạng nặng Đô đốc Hipper của phát xít Đức ngoài khơi Na Uy, làm nên một trong những trận hải chiến ác liệt nhất Thế chiến II, theo War History.
HMS Glowworm là tàu khu trục lớp G, được hạ thủy năm 1934 và nằm trong nhóm tàu chiến hiện đại, có khả năng cơ động cao trong hải quân Anh. Nhiệm vụ của nó là tìm kiếm và tiêu diệt tàu chiến cỡ nhỏ của đối phương, bảo vệ biên đội tàu hộ tống Anh và tác chiến săn ngầm. HMS Glowworm lần đầu tham chiến trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha với vai trò trung lập, ngăn cản mọi tàu có ý định cập cảng nước này.
6 tháng sau khi Thế chiến II nổi ra, HMS Glowworm thuộc biên chế Bộ chỉ huy phía Tây, được triển khai đến Biển Bắc tham gia chiến dịch Wilfred nhằm thả thủy lôi ngoài khơi bờ biển Na Uy để ngăn cản cuộc xâm lược của Đức.
Đối đầu với HMS Glowworm là tuần dương hạm Đô đốc Hipper, được hạ thủy tháng 7/1935 và đưa vào biên chế tháng 4/1939. Đây là chiếc đầu tiên trong lớp chiến hạm mới của Đức, cũng là niềm tự hào của hải quân nước này. Tàu Đô đốc Hipper có chiều dài gấp đôi và lượng giãn nước gấp 11 lần HMS Glowworm.
Sau nhiều lần thử nghiệm trên biển, Đô đốc Hipper bắt đầu tham gia chiến đấu vào đầu năm 1940. Ngày 6/4/1940, Đô đốc Hipper cùng 4 khu trục hạm hộ tống chở theo 1.700 lính sơn cước tham gia chiến dịch xâm lược Na Uy.
Trước đó, vào ngày 5/4, HMS Glowworm hộ tống tàu tuần dương bọc thép HMS Renown. Hai ngày sau, nó được triển khai để tìm một thủy thủ mất tích trên biển. Sương mù dày đặc buộc tàu phải trở lại hội quân với HMS Renown sáng 8/4, trước khi phát hiện hai khu trục hạm Đức ở đường chân trời.
Lúc 8h sáng, HMS Glowworm khai hỏa mà không biết có cả một biên đội tàu chiến Đức gần đó. Khu trục hạm Đức ngay lập tức thông báo tình hình cho tàu Đô đốc Hipper. Tới 9h50, tuần dương hạm Đức và khu trục hạm Anh đã trông thấy nhau.
Video đang HOT
HMS Glowworm bốc cháy khi lướt qua trước mũi tàu chiến Đức. Ảnh: Wikipedia.
Ban đầu, HMS Glowworm tưởng tàu Đức là đồng đội nên không bỏ chạy. Việc này giúp Đô đốc Hipper có thêm thời gian tiến vào tầm bắn. Các khẩu pháo cỡ nòng 203 mm được dẫn bắn bằng radar mở màn trận chiến với 4 quả đạn nhằm vào khu trục hạm nhỏ bé của Anh. Ba quả đạn đầu tiên trượt mục tiêu, nhưng quả cuối cùng đánh trúng HMS Glowworm, gây ra nhiều vụ nổ và làm tàu chiến Anh bốc cháy, tỏa ra đám khói đen mù mịt.
HMS Glowworm tự ẩn mình trong đám khói đen để tìm cách thoát ly. Tuy nhiên, radar trên tàu chiến Đức không bị ảnh hưởng bởi khói, cho phép họ theo dõi đối phương một cách hiệu quả. Khi tàu khu trục Anh thoát khỏi đám khói, chiếc tuần dương hạm khổng lồ của Đức đã áp sát. Các khẩu pháo 104 mm của tàu Đức trút mưa đạn vào khu trục hạm Anh.
Cụm pháo trước của Glowworm bị phá hủy, tiếp đó là đài chỉ huy và phòng liên lạc vô tuyến. Một quả đạn rơi trúng cột radar, khiến nó gãy gập xuống và làm còi báo động kêu liên tục. Tuy nhiên, khu trục hạm Anh quyết chiến đấu đến cùng, thay vì đầu hàng hoặc bỏ chạy.
Lúc 10h10, thuyền trưởng Gerald Broadmead Roope cho Glowworm vòng lại để phóng ngư lôi ở khoảng cách 800 m. Đô đốc Hipper tránh được loạt ngư lôi này nhờ liên tục cơ động, giữ mũi tàu hướng về khu trục hạm Anh để gây khó khăn cho việc ngắm bắn. Thuyền trưởng Roope điều khiển tàu quay vào đám khói để kéo dài thời gian, giúp thủy thủ đoàn nạp thêm ngư lôi. Tàu chiến Đức lao thẳng vào màn khói nhằm tiêu diệt đối thủ ở khoảng cách gần.
Roope nhanh chóng xử trí, cho tàu ngoặt gấp sang phải để chiếm vị trí bắn tốt hơn, đúng lúc tàu Đức lao đến. Chiếc tuần dương hạm khổng lồ cố vòng sang trái để tránh va chạm nhưng không kịp.
HMS Glowworm đâm mạnh vào mũi tàu Đức, ngay khu vực phía sau mỏ neo. Phần đầu khu trục hạm Anh bị nghiền nát sau khi rạch một lỗ lớn trên thân tuần dương hạm Đức. Nước biển ào ạt tràn vào qua lỗ thủng, nhưng thủy thủ đoàn của Đô đốc Hipper đã kịp cô lập khoang mũi và kiểm soát thiệt hại. Sau cú va chạm, tàu Glowworm bắt đầu trôi dạt và chìm dần.
Chiếc khu trục hạm Anh chìm trong khói lửa. Ảnh: Wikipedia.
Đô đốc Hipper bắn thêm một loạt đạn pháo ở khoảng cách gần. Lúc này, chuẩn úy Walter Scott quyết bám trụ với khẩu pháo cuối cùng trên HMS Glowworm. Tàu chiến Anh kịp bắn một quả đạn trước khi nồi hơi phát nổ lúc 10h24. Chiếc khu trục hạm chìm ngay sau đó.
Thuyền trưởng Roope thiệt mạng khi tàu Đô đốc Hipper cố gắng cứu ông. Roope bị thương nặng trong trận chiến, không thể nắm vào dây thừng để trèo lên chiến hạm Đức.
Đại tá Hellmuh Heyes, chỉ huy tàu Đô đốc Hipper, sau trận chiến đã gửi thư cho hải quân Anh thông qua hội Chữ Thập Đỏ. Ông mô tả hành động chiến đấu dũng cảm của HMS Glowworm, bất chấp thua thiệt về hỏa lực và lực lượng trước một trong những tuần dương hạm mới, mạnh nhất của Đức. Heyes còn đề nghị phía Anh khen thưởng cho thuyền trưởng Roope. Chính phủ Anh trao tặng Huân chương Chữ thập Victoria cho thuyền trưởng Roope vào năm 1945.
Duy Sơn
Theo VNE
Chiến dịch dội bão lửa xuống thành phố Đức của 1.000 oanh tạc cơ Anh
Anh đã huy động 1.047 oanh tạc cơ tham gia chiến dịch Millennium nhằm hủy diệt thành phố Cologne của phát xít Đức.
Chiến dịch Millenium huy động hơn 1.000 máy bay ném bom thành phố Cologne. Ảnh: Wikipedia.
Ngay khi Thế chiến II nổ ra, không quân Anh tin rằng việc ném bom ồ ạt và kiên trì vào hàng loạt mục tiêu của phát xít Đức có thể giúp họ giành chiến thắng. Tuy nhiên, chiến lược này đã thất bại, buộc Anh phải chuyển sang chiến thuật tập kích một mục tiêu duy nhất bằng 1.000 oanh tạc cơ, theo War History.
Ban đầu, Anh tin rằng việc oanh tạc trên diện rộng sẽ hủy diệt các mục tiêu chiến lược, khiến Đức mất khả năng chiến đấu. Khi tham chiến, máy bay Anh chỉ nhắm vào các căn cứ quân sự. Việc phi cơ Đức vô tình ném bom trúng mục tiêu dân sự tại London năm 1940 tạo cớ cho Anh trả đũa bằng việc oanh tạc các thành phố của đối phương.
Tuy nhiên, chiến dịch không kích của Anh nhằm vào Đức trong giai đoạn 1941-1942 bộc lộ nhiều hạn chế. Máy bay ném bom Anh thường bị tiêm kích và pháo phòng không Đức bắn hạ, gây tổn thất lớn về người và của. Những quả bom có kích thước quá nhỏ, không đủ gây thiệt hại nặng nề cho đối phương.
Nhiều oanh tạc cơ không thể mang bom cỡ lớn, hệ thống dẫn đường lạc hậu khiến việc ném bom thường không chính xác. Ngoài ra, Anh hoàn toàn không có thông tin tình báo để xác định mục tiêu. Trinh sát không ảnh cho thấy 90% số bom lệch mục tiêu trên 8 km, không thể gây thiệt hại cho Đức.
Đầu năm 1942, Anh bắt đầu thay đổi chiến thuật, mở đầu bằng chiến dịch Millennium. Thay vì triển khai oanh tạc cơ tập kích nhiều mục tiêu khác nhau, London tập trung 1.000 máy bay nhắm vào một mục tiêu duy nhất. Bộ chỉ huy Anh cho rằng lượng lớn oanh tạc cơ sẽ áp đảo hệ thống phòng không của Đức và giảm thương vong cho Anh, trong khi đảm bảo mục đích gây thiệt hại nặng cho đối phương.
Thành phố Cologne bị thiệt hại nặng sau trận ném bom. Ảnh: Wikipedia.
Anh huy động mọi máy bay và phi công tham gia chiến dịch. Milennium được xem là màn phô trương sức mạnh, đặt nền móng cho các trận không kích quy mô lớn trong tương lai. Đêm 30/5/1942, 1.047 máy bay ném bom lợi dụng đêm tối tiến vào không phận Đức. Trong lần triển khai này, Anh đã thay đổi mục tiêu tấn công vào phút chót.
Phi đội ném bom lúc đầu hướng đến thành phố Hamburg để phá hủy cảng và các căn cứ hải quân của Đức. Tuy nhiên, thời tiết xấu buộc Anh chuyển hướng sang Cologne, thành phố lớn thứ ba nhưng không phải trung tâm công nghiệp hàng đầu của Đức. Vì thế, nhiệm vụ chiến lược trong đòn đánh này là khủng bố tinh thần.
Thách thức lớn nhất của chiến dịch Milennium là bảo đảm 1.047 oanh tạc cơ tiếp cận mục tiêu, trong khi hạn chế tối đa sự can thiệp của Đức trên hành trình. Để làm được điều này, phi công Anh phải giữ đội hình chặt chẽ, dọc theo các đường bay được lên kế hoạch từ trước. Họ phải bay ở các độ cao quy định trước và sử dụng hệ thống định vị mới nhất để tránh va chạm.
Trong cuộc tập kích kéo dài suốt 90 sau đó, các máy bay Anh thi nhau dội bão lửa, ném bom cháy xuống thành phố Cologne. Lưới phòng không và lực lượng cứu hỏa Đức đều bị quá tải. Mục tiêu của trận ném bom không phải phá hủy các cơ sở quân sự, mà là gây thiệt hại lớn về vật chất và tinh thần cho đối phương.
Nhiều khu vực bị san phẳng hoàn toàn trong trận tập kích. Ảnh: Wikipedia.
411 thường dân và 58 lính Đức thiệt mạng, 5.000 người bị thương, 45.000 người mất nhà cửa, gần 700.000 người phải rời bỏ thành phố sau trận tập kích này. Chiến dịch Millennium cũng để lại hậu quả tâm lý to lớn, khiến nhiều người dân Đức hoang mang. Tuy nhiên, nó cũng gây nhiều tranh cãi, khi phần lớn nhằm vào thường dân, thay vì những mục tiêu chiến tranh như căn cứ quân sự và nhà máy công nghiệp.
Thương vong trong chiến dịch chỉ ở mức 4%, thấp hơn con số 10% dự đoán của thủ tướng Anh Winston Churchill. Mức độ tàn phá và tác động tâm lý của Millennium chứng tỏ chiến thuật mới của Anh phát huy hiệu quả, thúc đẩy họ tiến hành thêm 12 trận tập kích tương tự.
Duy Sơn
Theo VNE
Trận tập kích táo bạo của tàu ngầm Đức vào căn cứ Anh năm 1939 Một tàu ngầm Đức lợi dụng thủy triều áp sát căn cứ hải quân Anh, đánh chìm thiết giáp hạm Royal Oak và gây hoang mang cho lực lượng này. Vụ tấn công của U-47 được đánh giá là táo bạo nhất Thế chiến II. Ảnh: Wikipedia. Ngày 14/10/1939, chỉ một tháng sau khi Thế chiến II bắt đầu, một tàu ngầm U-47...