Trận đánh không tưởng của “quỷ vương” Nhật: 3.000 quân dẹp tan 4 vạn
Đối đầu với kẻ địch đông gấp 10 lần, lãnh chúa Nhật Bản Oda Nobunaga không hề nao núng, trái lại còn để lại trận đánh đi vào lịch sử thế giới.
Phác họa hình tượng nhân vật Oda Nobunaga trong lịch sử Nhật Bản.
Oda Nobunaga là một trong những nhân vật gây tranh cãi nhất lịch sử Nhật Bản. Ông là người có công chấm dứt thời kỳ chiến loạn kéo dài khắp nước Nhật, nhưng lại mang tiếng xấu “quỷ vương” cho đến tận ngày nay. Mời độc giả cùng tìm hiểu về nhân vật được cho là sánh ngang với Tần Thủy Hoàng qua loạt bài này.
Theo History, trận Okehazama diễn ra vào tháng 6.1560 là trận đánh làm nên tên tuổi lãnh chúa Oda Nobunaga và là một trong những cuộc đồi đầu kịch tính nhất trong lịch sử thế giới.
Người phương Tây thường nhắc đến cụm từ “người tí hon David và gã khổng lồ Goliath” khi nhắc đến trận đại chiến này ở thời Chiến quốc Nhật Bản.
Sau khi trở thành người thống lĩnh gia tộc Oda ở tỉnh Owari, Nobunaga bắt đầu muốn mở rộng quyền lực ra bên ngoài, đe dọa đến lợi ích của các lãnh chúa khác.
Nobunaga khi đó nổi tiếng là người thẳng tay tàn sát kẻ thù và ông cũng gây thù chuốc oán với không ít người. Nổi lên trong số đó là Imagawa Yoshimoto, lãnh chúa ở tỉnh Surugu láng giềng. Gia tộc Imagawa ngày càng hùng mạnh khi liên minh với nhà Takeda, đặt mục tiêu đánh chiếm kinh đô Kyoto.
Nhưng để làm được điều đó, Yoshimoto phải đem quân vượt qua lãnh địa của Oda Nobunaga.
Thử thách lớn đầu tiên
Trước cuộc đại chiến năm 1560, Yoshimoto đã tập hợp được đạo quân đông đảo, ước tính lên tới 35.000 người, bao gồm cả samurai và binh sĩ của các gia tộc trong liên minh.
Từ đó, Yoshimoto đem đại quân thẳng tiến và phía tây, hướng đến kinh đô Kyoto. Lãnh chúa nhà Imagawa không những không xin ý kiến Nobunaga khi đưa quân vào Owari mà còn đánh chiếm nhiều thành trì của tỉnh này.
Yoshimoto tin rằng quân Nobunaga sẽ không dám chống trả nên quyết chiếm luôn cả thủ phủ của tỉnh Owari, nơi Nobunaga đang ở.
Theo sử sách Nhật Bản, Nobunaga khi đó chỉ chiêu mộ được khoảng 3.000 binh sĩ, bao gồm cả những cận vệ của ông. Trong khi đó, tin mật báo nói đại quân của Imagawa lên tới hơn 40.000 người.
Oda Nobunaga (trái) dẫn quân đánh tan kẻ địch.
Trong khi đó, các tướng lĩnh dưới quyền Nobunaga nghe tin quân địch đông đảo đã vô vùng hốt hoảng.
Có người muốn lãnh chúa cố thủ trong thành, với hy vọng sẽ khiến quân địch nản chí. Người khác lại cho rằng nên đầu hàng vì đối đầu với lực lượng chênh lệch như vậy là tự sát.
“Imagawa có 40.000 hay 35.000 quân không quan trọng. Đó là một con số rất lớn so với thực lực của chúng ta”, Nobunaga nói với các tướng lĩnh.
“Nhưng mọi người muốn ta đầu hàng, để rồi chết một cách hèn nhát như vậy? Hay cố thủ trong thành để hy vọng một ngày nào đó Imagawa sẽ chán nản rồi tự rút lui?”.
“Chúng ta có thể sống thêm được 5-10 ngày, nhưng điều rõ ràng là chúng ta không thể cố thủ trong thành mãi được. Đây là cơ hội của cả đời người. Mọi người muốn ngồi đây và cầu nguyện được sống lâu sao? Chúng ta sinh ra là để chết đi”.
Video đang HOT
Nói rồi, Oda Nobunaga quyết tâm đánh một trận lịch sử với nhà Imagawa. Ông nói ai tình nguyện chiến đấu thì sáng mai xuất quân, còn nếu không, hãy ở bất cứ đâu có thể và chứng kiến cảnh ông chiến thắng trở về.
Trận đánh 1 đấu 10 lịch sử
Ngày 11.6.1560, đạo quân của Nobunaga đến thắp hương tại đền thờ Zensh-ji. Ông nhận được tin báo quân của Yoshimoto hạ trại tại khu vực gần ngôi làng Okehazama.
Nobunaga nắm rõ địa hình và ông đã lựa chọn khu vực này làm nơi đánh một trận quyết định.
Trước trận đại chiến, Nobunaga dàn quân, cho người cầm theo nhiều khẩu hiệu để khiến quân địch nghĩ là ông có lực lượng đông đảo. Ông còn ra lệnh đặt những bù nhìn rơm đeo nón và cầm vũ khí, khiến đạo quân của Nobunaga nhìn từ xa trông đông đảo gấp nhiều lần.
Nobunaga cũng để lại vài trăm lính giữ trại, như thể ông vẫn còn giữ quân chủ lực ở phía sau.
Chỉ còn khoảng 2.000 lính, Nobunaga âm thầm áp sát nơi đạo quân Imagawa hạ trại ở bên cánh. Đó là một buổi trưa hè nắng nóng như đổ lửa ở Nhật Bản. Nhiệt độ có thể lên tới 30 độ C và độ ẩm cao. Đa số samurai nhà Imagawa trú ẩn trong lều nhằm duy trì thể trạng tốt nhất.
Quân Oda đánh úp khi kẻ địch còn không kịp phòng bị.
Một số chiến binh còn ngạo mạn, không ngừng uống rượu sake ngay giữa ban ngày.
Có một điểm may mắn với Nobunaga là khi đó trời bất ngờ có bão lớn, khiến quân Nobunaga có thêm cơ hội tiến sát doanh trại chủ tướng địch.
Sau khi xác định có Imagawa ở trong lều cùng các lướng lĩnh cấp cao, Nobunaga ra lệnh tấn công. Các binh sĩ nhà Imagawa không kịp phòng bị nên bị tiêu diệt hoặc quỳ gối đầu hàng.
Bản thân Imagawa Yoshimoto nghe thấy tiếng ồn nên bước ra ngoài, quát mắng đám lính samurai của Nobunaga vì khiến ông tỉnh giấc. Nhưng rồi Yoshimoto nhận ra đó không phải lính của mình.
Lãnh chúa nhà Imagawa chỉ kịp đỡ được đòn tấn công đầu tiên trước khi bị chặt đầu chỉ bằng một nhát chém.
Trận đánh kéo dài chưa đầy một giờ đồng hồ thì kết thúc. Yoshimoto mất mạng cùng một vài tướng lĩnh khác. Những người còn lại sau khi lắng nghe Nobunaga, đã quyết định gia nhập nhà Oda.
Có nguồn tin nói vợ con của họ đều nằm trong tay quân Nobunaga nên họ không còn cách nào khác là quy hàng để bảo vệ gia đình. Một trong những danh tướng nổi bật nhất đầu hàng là Matsudaira Motoyasu.
Motoyasu sau này đổi tên thành Tokugawa Ieyasu, trung thành với nhà Oda đến khi Nobunaga qua đời. Ông lập ra nhà Tokugawa, trị vì nước Nhật trong suốt 268 năm, đến thời Minh Trị Duy tân năm 1868.
Tuy thành công lớn trong trận đánh úp nhà Imagawa nhưng Nobunaga không phải là người dùng mãi một chiến thuật. Trong những trận đánh sau này, quân Oda còn đông hơn địch gấp nhiều lần.
Nobunaga cũng không đánh chớp nhoáng nữa mà chủ trương bao vây, cho đến khi quân địch mất hết nhuệ khí chiến đấu.
_________________
Bài viết xuất bản ngày 5.10 sẽ tìm hiểu con đường bước đến đỉnh cao quyền lực của Oda Nobunaga và giai thoại về tên gọi Quỷ vương tàn bạo nhất lịch sử Nhật Bản.
Theo Danviet
Người thống trị thiên hạ ở Nhật, sánh ngang Tần Thủy Hoàng
Một trong những nhân vật gây tranh cãi nhất trong lich sử Nhật Bản là người theo đường lối cải cách mạnh mẽ, đặt nền móng vào sự nghiệp thống nhất nước Nhật thời Chiến quốc.
Phác họa hình tượng Oda Nobunaga.
Oda Nobunaga là một trong những nhân vật gây tranh cãi nhất lịch sử Nhật Bản. Ông là người có công chấm dứt thời kỳ chiến loạn kéo dài khắp nước Nhật, nhưng lại mang tiếng xấu cho đến tận ngày nay. Mời độc giả cùng tìm hiểu về nhân vật được cho là sánh ngang với Tần Thủy Hoàng qua loạt bài này.
Theo War History, Oda Nobunaga (1534-1582) là một trong những nhân vật tài giỏi bậc nhất Nhật Bản. Ông là người đặt nền móng thống nhất đất nước Nhật Bản thời Chiến quốc.
Cho đến nay, Oda Nobunaga vẫn được coi là nhân vật bí ẩn và gây tranh cãi. Người phương Tây có thiên hướng khen ngợi ông, còn văn hóa Nhật Bản thường phác họa ông là nhân vật khát máu, giống như một con quỷ.
Đặt nền móng thống nhất Nhật Bản
Nobunaga sinh ra đúng thời chính quyền Mạc phủ Ashikaga đã suy tàn, toàn nước Nhật lâm vào thời loạn. Cuộc tranh đoạt quyền lực giữa các lãnh chúa ở Nhật mở đầu với quy mô địa phương nhưng sau đó đã lan rộng ra toàn quốc. Ashikaga khi đó là gia tộc nắm quyền lực tối cao ở Nhật, Thiên Hoàng chỉ là bù nhìn.
Bản thân Nobunaga là con trai thứ hai của Oda Nobuhide, một lãnh chúa cai quản vùng đất nhỏ ở tỉnh Owari.
Do chơi bời lêu lổng, không chịu tuân theo các quy tắc ứng xử của giới võ sĩ lúc đó, nên Nobunaga không được lòng cha. Thời trẻ ông bị người đương thời gọi là "Tên khùng xứ Owari" vì các hành động kỳ quặc.
Tuy là con một lãnh chúa nắm trong tay vài thành trì, nhưng Nobunaga chỉ mặc áo ngắn, bụng thắt một sợi dây thừng đeo lủng lẳng một bầu nước, lưng khoác túi đựng đá lửa và vài vật linh tinh, cưỡi ngựa chạy nhông ngoài đồng như một tên khùng.
Cuộc đời Nobunaga đối mặt với sóng gió từ năm 18 tuổi, khi người cha qua đời. Ông là con cả, về lý được quyền thừa kế nhưng người cha lại chọn em trai nối nghiệp.
Suốt 8 năm sau đó, ông chỉ tập trung tranh giành quyền lực với em trai, đánh bại các lãnh chúa khác để trở thành người nắm quyền lực cao nhất ở tỉnh Owari.
Nhưng tham vọng của Nobunaga không dừng lại ở đó. Ông từng bước chiêu mộ quân sĩ, đánh tới tận kinh đô Kyoto. Ở thời kỷ đỉnh cao, Nobunaga nắm quyền kiểm soát hơn một nửa nước Nhật, đứng trước cơ hội lớn thống nhất thiên hạ.
Hình tượng người anh hùng Nhật Bản Oda Nobunaga.
Nắm trong tay cơ hội thống nhất đất nước trước một triều đại mạc phủ suy tàn, Oda Nobunaga lại bị ám sát bởi tướng lĩnh dưới quyền, dẫn đến một cuộc tranh giành quyền lực ngắn trong nội bộ nhà Oda.
Đánh bại quân phản loạn, tướng trung thành với Nobunaga là Toyotomi Hideyoshi lên nắm quyền. Hideyoshi cũng chỉ cần 8 năm sau đó để hoàn tất tham vọng thống nhất nước Nhật, nối tiếp di sản của Nobunaga cho đến hàng trăm năm sau.
Chính vì điều này mà Oda Nobunaga được các nhà sử học trên thế giới xếp ngang hàng với Tần Thủy Hoàng, Hán Cao Tổ Lưu Bang ở Trung Quốc, hoàng đế La Mã Caesar hay Thủ tướng Đức Otto von Bismarck (1871).
Thay đổi bộ mặt Nhật Bản
Oda Nobunaga là người có tính cách khác thường, hay thậm chí là tàn bạo, phần nào giống như Tần Thủy Hoàng.
Cách tổ chức và vận hành đội quân của Nobunaga có phần khác biệt so với các lãnh chúa khác thời bấy giờ.
Ông chủ yếu sử dụng lính có xuất thân là nông dân hoặc những kẻ chiến đấu vì tiền. Tỷ lệ chiếm tới 40% toàn bộ quân số, còn lại là các chiến binh samurai.
Các học giả sau này đánh giá, bằng cách xây dựng đội ngũ quy mô, trung thành bao gồm cả lính nông dân, ông đã tạo nên đội quân chiến đấu tương đương với samurai, hay nói cách khác là đội quân chuyên nghiệp đầu tiên ở Nhật Bản thời đó.
Trái ngược với các lãnh chúa khác vốn chỉ sử dụng những samurai có lai lịch rõ ràng, Oda Nobunaga không câu nệ lai lịch khi dùng người, miễn là họ có thực tài. Ông chỉ định người giữ các chức vụ quan trọng dựa vào tài năng chứ không dựa vào tên tuổi, phẩm cấp hay quan hệ gia tộc như các thời kì trước.
Các tướng lĩnh không phân biệt là samurai hay xuất thân từ nông dân cũng đóng vai trò quan trọng giúp Nobunaga kiểm soát lãnh thổ.
Đội quân do ông trực tiếp chỉ huy chỉ ở kinh đô Kyoto. Nhưng mỗi khi hành quân, Nobunaga trực tiếp sử dụng binh sĩ ở địa phương, không cần phải mất thời gian đem cả đạo quân từ Kyoto di chuyển sang nơi khác.
Tài hoa và sự thống trị của Nobunaga không chỉ giới hạn trên chiến trường, ông còn là doanh nhân xuất chúng khi hiểu được các nguyên tắc của kinh tế.
Thông thương cũng được mở rộng ra bên ngoài với việc buôn bán với Trung Quốc và Triều Tiên, mở rộng các mối buôn bán khác như với người châu Âu, Philippines, Indonesia.
Súng hỏa mai Oda Nobunaga nhập từ châu Âu đã làm thay đổi cục diện chiến trường ở Nhật.
Chính sách của Nobunaga đã thúc đẩy kinh tế Nhật Bản phát triển theo hướng thị trường. Năng lực sản xuất tăng lên, giá cả hàng hóa giảm đi giúp Nobunaga dễ dàng buôn bán, thu lợi để đáp ứng nhu cầu quân nhu ngày một lớn hơn.
Nhờ sự cởi mở này mà rất nhiều người phương Tây, trong đó có các giáo sĩ đã đến Nhật Bản và ghi lại những điều mắt thấy tai nghe.
Frois, một giáo sĩ người Anh, đã ghi lại ấn tượng của mình về Oda Nobunaga: "Ông ấy trung bình và gầy. Thích võ thuật, tính cách thô lỗ, ngạo mạn rất đề cao danh dự. Tự mình quyết định mọi việc, không bao giờ nghe thuộc hạ, khinh miệt tất cả những người có địa vị cao. Có năng lực lí giải và phán đoán tốt, không tin vào thần Phật. Đồng thời ghét những sự chậm chạp và không rõ ràng".
Thời mạc phủ Ashikaga trở nên yếu kém, tạo nên sự phân quyền của quý tộc và các samurai có lãnh địa. Nhưng Nobunaga lại nghĩ khác, ông muốn hướng đất nước Nhật Bản theo chế độ tập quyền trung ương và trở thành người đi đầu với các đường lối cải cách ở thời đó.
Các nhà sử học sau này đánh giá, trong số hàng chục lãnh chúa Nhật Bản thời Chiến quốc, chỉ có Nobunaga là vẽ ra được hình ảnh nước Nhật sau khi thống nhất thiên hạ.
Những lãnh chúa tài ba khác như Takeda Shingen, Uesugi Kenshin hay Mori Motonari dù nắm trong tay đất đai, của cải, đội quân hùng mạnh nhưng không có tầm suy nghĩ được như Nobunaga nên sớm muộn cũng thất bại.
Có thể nói Nobunaga đã có ý thức thống nhất Nhật Bản ngay từ thuở ban đầu, không thua kém gì các bậc đế vương châu Âu hay hoàng đế Trung Quốc Tần Thủy Hoàng.
_____________
Bài viết xuất bản ngày 4.10 khai thác trận đánh kinh điển của Oda Nobunaga, bước ngoặt thay đổi hoàn toàn cuộc đời người anh hùng Nhật Bản.
Theo Danviet
Trận đánh chiếm đảo Guam đẫm máu trong Thế chiến 2 Triều Tiên có thể sẽ lần đầu tiên phóng tên lửa vào đảo Guam, nhưng đối với cư dân đảo này, viễn cảnh đó chưa là gì so với lịch sử đẫm máu. Súng phun lửa được coi là vũ khí hiệu quả để tiêu diệt quân Nhật trốn trong lô cốt và hầm trú ẩn. Theo National Interest, thực dân Tây Ban...