Trận đánh không thể quên trên điểm cao 689
Có mặt tại Khe Sanh, Hướng Hóa vào những ngày đầu tháng 7 lịch sử, nơi đang sôi nổi kỷ niệm Chiến thắng Khe Sanh, tôi được nghe các cựu chiến binh kể lại nhiều câu chuyện cảm động về một trận đánh oanh liệt, hào hùng nhưng cũng nhiều mất mát.
Vượt đường sá xa xôi để đến Khe Sanh, đoàn Cựu chiến binh tỉnh Phú Thọ, thuộc Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 246, Quân khu Việt Bắc (nay là Quân Khu 1) – những người trực tiếp tham gia trận đánh ác liệt 1968 giải phóng Hướng Hóa cách đây 45 năm trôi qua bồi hồi xúc động, lại có dịp quay trở về chiến trường xưa để thăm lại cứ điểm lịch sử, nơi ta và địch tranh giành nhau từng tấc đất, nơi những người đồng đội thân yêu của họ đã anh dũng hy sinh…
Thề tiêu diệt toàn bộ cứ điểm…
Trong suy nghĩ của Cựu chiến binh Nguyễn Đức Bình, nguyên Chỉ huy trận đánh cao điểm 689, vào ngày 7/7/1968, trận cuối cùng giải phóng Khe Sanh, Hướng Hóa vẫn chưa bao giờ phai nhạt. Về thăm lại chiến trường, những ký ức cứ sống dậy trong tâm trí ông như mới vừa xảy ra.
Ông Bình nhớ lại trận đánh ác liệt trên điểm cao 689
Ông Bình kể lại: Ngày 6/7, Tiểu đoàn 3 nhận được lệnh đánh vào cao điểm 689, lúc này địch đang thất thủ và tuyên bố rút quân khỏi Khe Sanh. Trước tình hình trên, Ban chỉ huy trận đánh nhận định Tà Cơn là cứ điểm trọng yếu của địch nên theo kế hoạch, quân ta sẽ đánh thọc vào đây nhằm bẽ gãy âm mưu của chúng. Tôi được giao trọng trách là Đại đội phó chỉ huy trận đánh. Thời điểm này, tuyến hàng rào điện tử của địch đã được ta mở từ ngày 28/6, gồm 9 hàng rào, mỗi tuyến cách nhau 5m. Vào trận đánh, địch sử dụng vũ khí tối tân cùng các phương tiện hiện đại, chúng ném lựu đạn qua các cửa ngõ. Trong tình thế đó chúng tôi quyết định xông lên tấn công kẻ thù. Trận đánh diễn ra hết sức ác liệt, Mỹ – Ngụy được tăng cường quân số lớn hơn ta gấp nhiều lần, chính vì vậy quân ta cũng bị tổn thất lớn, Tiểu đoàn 3, C10 và C11 bị hy sinh gần 300 người. Dù chênh lệch về quân số nhưng trong trận đánh này, quân ta cũng tiêu diệt được hơn 300 quân địch.
Khi chúng ta chiếm được 2/3 chiến trường, quân Mỹ phản công ở đồi B và đồi C. Đến đêm 7/7, địch đã thất thủ tại chiến trường Khe Sanh, thừa thắng quân ta xông lên chiếm toàn bộ căn cứ. Địch phải lên trực thăng rút khỏi căn cứ Tà Cơn. Ngày 9/7, Khe Sanh, Hướng Hóa sạch bóng quân thù, đây cũng là huyện đầu tiên của miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Khu di tích Tà Cơn – nơi sẽ được dựng lại thời kỳ ác liệt nhân kỷ niệm 45 năm chiến thắng Khe Sanh
Đến bây giờ nhắc lại trận chiến ở điểm cao 689, ông Bình vẫn chưa quên được hình ảnh liệt sĩ Nguyễn Xuân Khoát. Trước lúc hy sinh, liệt sĩ Khoát đã móc túi lấy tiền đưa cho đồng đội nhờ nộp Đảng phí cho tổ chức Đảng. “Trước lúc anh Khoát ra đi, anh vẫn không quên nghĩa vụ của một người lính, người Đảng viên cách mạng” – giọng ông Bình trầm buồn.
Một kỷ niệm buồn khác khiến ông Bình day dứt, trong chận chiến ác liệt giữa ta và địch, anh Phương (một chiến sĩ của Tiểu đoàn 3) trong lúc xông trận đã bị địch bắn vào bụng. “Lúc đó, thân xác anh ấy ngả vào đầu tôi, máu me chảy khắp người… Thương tiếc cho những đồng đội đã ngã xuống, chúng tôi thề phải tiêu diệt toàn bộ cứ điểm của địch. Trước khi vào đây, tôi vẫn thường nằm mơ thấy anh”.
Ngược dòng ký ức
Giữa trưa nắng chói chang của miền Trung, những Cựu chiến binh thuộc Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 246 trở lại cứ điểm Tà Cơn để thăm lại chiến trường một thời ác liệt. Những kỷ niệm năm nào lại sống dậy trong tâm trí của mỗi người.
Video đang HOT
Cựu chiến binh Tiểu đoàn 3 chụp ảnh lưu niệm với Phóng viên chiến trường Trần Duy Hinh
Anh hùng LLVTND Nguyễn Hữu Quyền, xúc động nói: “Sau 45 năm, chúng tôi lại có dịp trở về Khe Sanh để dâng lên phần mộ các anh nén tâm nhang tưởng nhớ. Mỗi bước đi, chúng tôi nghe từng nhịp đập và hơi thở các anh, mong cho linh hồn các anh được yên nghỉ. Trong trận đánh tại điểm cao 689, ông Quyền đã lập nhiều thành tích và cũng là người được giao trọng trách phải cắm bằng được lá cờ giải phóng trên căn cứ Tà Cơn.
Anh hùng LLVTND Nguyễn Hữu Quyền kể lại chiến thắng Khe Sanh
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Hợi, Trưởng ban liên lạc, nguyên chiến sĩ “Tiểu đoàn K3 – Tam Đảo anh hùng” chưa thể quên được quá khứ hào hùng. Cái tên Tiểu đoàn K3 – Tam Đảo đã đi vào lịch sử với thắng lợi trong chiến dịch giải phóng Khe Sanh – đường 9, chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 – nơi ta và địch giành nhau từng tấc đất, mỗi m2 là biết bao xương máu của các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống. Nơi đây, các cán bộ, chiến sĩ đã nêu cao quyết tâm: “K3 – Tam Đảo còn thì Thành cổ Quảng Trị còn”. Suốt thời gian này, đơn vị của ông Hợi đã phải chịu biết bao tổn thất, phần lớn cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh.
Những dòng ký ức năm nào cứ hiện về trong tâm trí Cựu chiến binh Nguyễn Văn Hợi
Nhắc đến chiến thắng Khe Sanh, ông Hợi kể: Hồi đó, Khe Sanh được địch xem là “Điện Biên Phủ thứ 2″ ở Việt Nam, có lúc địch tăng cường quân số lên vài nghìn người. Nhận được chỉ thị phải tiêu diệt địch ở Khe Sanh, đêm 28 rạng ngày 29/6/1968, Trung đội 1, Đại đội 10, Tiểu đoàn 3 của Anh hùng, liệt sĩ Phạm Ngọc Khánh đã phản công địch khắp mọi hướng. Trong trận này ta đã tiêu diệt được 114 tên địch, phá hủy 3 hầm ngầm. Tham gia chiến dịch này, Tiểu đoàn 3 Tam Đảo có 37 người, đã hy sinh 13 người, bị thương 6 người. Sau trận này, Đại đội 10, Tiểu đoàn 3 do anh Nguyễn Đức Bình chỉ huy đã mở một trận đánh quyết định, buộc địch phải rút lui khỏi Khe Sanh, giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn.
Trong tâm trí của Cựu chiến binh Nguyễn Văn Hợi, mảnh đất Quảng Trị đã ăn sâu vào máu thịt, nơi đây có rất nhiều đồng đội của ông đã ngã xuống. Đến bây giờ nhắc lại ông vẫn thấy nhói lòng. Những kỷ niệm về một thời kỳ ác liệt được ông đưa vào tập “Nhật ký Nguyễn Văn Hợi: Từ Khe Sanh đến Thành cổ Quảng Trị” ghi lại những khoảnh khắc ông cùng động đội chiến đấu trên chiến trường và những kỷ niệm khó quên.
Theo Dantri
Vang mãi bản anh hùng ca Khe Sanh
Những ngày tháng 7, người dân huyện Hướng Hóa, Quảng Trị lại sôi nổi không khí kỷ niệm chiến thắng Khe Sanh. Chiến thắng Khe Sanh 45 năm về trước đã đập tan một ý đồ ngông cuồng và ngoan cố của giặc Mỹ tại chiến trường Đường 9 - Quảng Trị...
Cách đây 45 năm, quân dân ta đã đoàn kết một lòng và đã giành chiến thắng vang dội trong chiến dịch đường 9, phá vỡ tuyến hàng rào điện tử của địch ở Tà Cơn - một căn cứ quân sự trọng yếu, góp phần đập tan âm mưu mở rộng chiến lược "Chiến tranh cục bộ" của Mỹ - Ngụy. Những địa danh như đường 9 - Khe Sanh, sân bay Tà Cơn, căn cứ Làng Vây...đã đi vào lịch sử như một khúc tráng ca chói lọi.
Treo cờ hoa, băng rôn nhân kỷ niệm giải phóng Khe Sanh
Vùng đất "chết" hồi sinh
Từ đường 9, chúng tôi rẽ theo đường Hồ Chí Minh nhánh Tây khoảng 3 km để đến Sân bay Tà Cơn. Trong chiến tranh, nơi đây từng là căn cứ điểm quân sự trọng yếu của Mỹ - Ngụy ở Khe Sanh. Ấy vậy, cũng chính nơi này quân ta đã đập tan âm mưu leo thang chiến tranh của Mỹ - Ngụy, phá vỡ tuyến phòng ngự được xây dựng kiên cố, hiện đại bậc nhất miền Trung, được ví như "Điện Biên Phủ thứ 2" ở Việt Nam để buộc địch phải rút quân, giải phóng một vùng đất đai rộng lớn.
Một số loại bom Mỹ - Ngụy sử dụng trong chiến dịch đường 9
Du khách đến tham quan Sân bay Tà Cơn
Đến Tà Cơn, Khe Sanh, người ta như sống lại một thời kỳ oanh liệt, hào hùng, nơi được ví như là "mảnh đất chết" ở phía Tây Quảng Trị. Sau chiến tranh, người dân Khe Sanh, Hướng Hóa đã bắt tay vào xây dựng lại quê hương. Mỗi tấc đất, mỗi gốc cây là biết bao xương máu của những người con đất Việt đã ngã xuống vì nghĩa lớn. Trải qua biết bao sự hy sinh và chết chóc, Khe Sanh bây giờ là một vùng đất đai trù phú, bạt ngàn cà phê.
Ông Lê Xuân Huấn, một người dân từ mảnh đất Quảng Bình xa xôi lên đây lập nghiệp nói: "Hồi nớ tôi cùng vợ, con lên đây khai khẩn đất đai làm ăn, mảnh đất này vẫn còn là nơi hoang hóa, cỏ dại mọc um tùm, mỗi tấc đất là biết bao bom, đạn của của kẻ thù rải xuống vẫn còn nguyên ngòi nổ. Qua một thời gian dài cải tạo, ban đầu thì trồng màu để vừa ổn định cuộc sống, vừa có lương thực để chăn nuôi, nâng cao thu nhập, nhưng quần quật mãi cũng không đủ ăn. Về sau thực hiện chủ trương trồng cây cà phê, hiệu quả mang lại cao hơn hẳn. Nhờ có cây cà phê mà vợ chồng tôi đã xây được nhà, sắm được xe để có phương tiện đi lại và phục vụ sản xuất". Không riêng gì ông Huấn mà biết bao người dân Hướng Hóa, Quảng Trị cũng đã có cuộc sống khấm khá nhờ cây cà phê.
Ngày nay, mảnh đất này đã thực sự "thay da, đổi thịt", có rừng cà phê xanh ngút ngàn, nhà cao tầng mọc lên san sát. Đặc biệt, huyện Hướng Hóa có Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, nơi giao lưu thương mại tiềm năng của cả miền Trung, cửa ngõ quan trọng thông thương với các nước bạn Lào, Thái Lan. Tuyến đường 9 xưa kia là nơi vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược...phục vụ chiến tranh thì nay lại trở thành con đường huyết mạch vận chuyển hàng hóa của hành lang kinh tế Đông - Tây.
Hướng Hóa cũng là huyện lỵ duy nhất của tỉnh Quảng Trị có 2 thị trấn: Lao Bảo và Khe Sanh. Với bàn tay tác động của con người, trong tương lai gần vùng đất này sẽ trở nên giàu có.
Sống lại quá khứ hào hùng
Những ngày này, người dân huyện Hướng Hóa đang sục sôi kỷ niệm 45 năm chiến thắng Khe Sanh, giải phóng Hướng Hóa. Nhiều hoạt động kỷ niệm đã được Ban tổ chức chuẩn bị khá kỹ lưỡng. Trong số đó, chương trình "Khe Sanh 1968 - Sức mạnh Việt Nam" đang được ê kíp của Đài truyền hình Việt Nam dàn dựng khá công phu và sẽ được phát sóng trực tiếp trên kênh VTV1 vào tối 7/7, nhằm tái hiện lại một thời kỳ oanh liệt.
Nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại Mỹ - Ngụy sử dụng vào chiến dịch
Cùng hệ thống hầm hào, công sự
Bên cạnh đó, hàng vạn Cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch giải phóng Khe Sanh, Hướng Hóa hiện đang sống và làm việc trên khắp mọi miền đất nước cũng trở về đây dâng những nén nhang tưởng nhớ đến đồng đội của mình đã ngã xuống.
Bảo tàng chiến thắng đường 9 - Khe Sanh tại Sân bay Tà Cơn, nơi sẽ diễn ra lễ kỷ niệm trọng đại này cũng đang được các nghệ nhân hoàn tất khâu cuối cùng của việc tôn tạo để khách đến dự lễ có cơ hội tham quan, tìm hiểu về quá khứ.
Quân giải phóng liên tục phản công (Ảnh Tư liệu)
Quân Mỹ tháo chạy sau thất bại (Ảnh Tư liệu)
Nhắc đến Khe Sanh, người ta không thể quên được chiến tích 170 ngày đêm vây lấn Khe Sanh, Quân đội Việt Nam đã đánh thắng Quân đoàn III TQLC và Sư đoàn Không Kỵ số 1 Mỹ, diệt 11.900 quân Mĩ và Việt Nam Cộng hòa (trong đó có hơn 10 ngàn lính Mỹ), phá hủy 197 máy bay, 78 xe tăng, xe thiết giáp, 46 khẩu pháo, 50 kho đạn, giải phóng một địa bàn rộng lớn phía tây tỉnh Quảng Trị với 1 vạn dân, phá vỡ một mảng tuyến phòng ngự thép.
Chiếc máy bay bị quân ta bắn rơi
Du khách thăm Bảo tàng chiến thắng đường 9 tại Tà Cơn
Biểu tượng chiến thắng ở căn cứ Làng Vây
Thắng lợi của chiến dịch này đã đập tan một ý đồ ngông cuồng và ngoan cố của giặc Mỹ tại chiến trường Đường 9 - Quảng Trị, buộc chúng phải chịu thất thủ tại Khe Sanh. Sau chiến tích này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện khen: "...thắng lợi Khe Sanh tỏ rõ mưu lược và sức mạnh vô địch của quân, dân và cán bộ ta, góp phần vào thắng lợi to lớn của toàn miền Nam... mở đường cho những thắng lợi to lớn hơn nữa...".
Theo Dantri
Xử lý đạn, mìn ở hầm bom "khủng" Ngày 26/3, Đội rà phá bom mìn lưu động tỉnh Quảng Trị cho biết, đơn vị đã hoàn tất quá trình xử lý 619 quả đạn, mìn các loại từ hầm bom "khủng". Như Dân trí đã đưa tin vào ngày 22/3, một người dân khi đi lấy nhựa thông đã phát hiện 3 quả đạn tại đồi thông ở khóm 3A, thị...