Trần Đăng Khoa: “Đừng vu nhà tài trợ là… lâm tặc”
Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng, các nhà tài trợ đã bị vu là lâm tặc khi quan chức Hà Nội nói họ nôn nóng trong vụ chặt 6700 cây xanh.
Sự kiện Hà Nội thay thế 6.700 cây xanh gây phản ứng trong dư luận, khi lãnh đạo Hà Nội nói tại cuộc họp báo hôm 20.3 cho rằng việc chặt hạ cây xanh vừa qua làm nhanh do có sự “nôn nóng của một số nhà tài trợ”.
Ngay ngày hôm sau, đại diện các nhà tài trợ như Tập đoàn Vingroup, Ngân hàng VPBank đều cho rằng họ chỉ góp tiền, góp sức ủng hộ Thủ đô trồng cây mới, chứ không hề biết, không tham gia và không hưởng lợi gì từ việc chặt hàng loạt cây trên đường phố những ngày qua.
Là người quan tâm theo dõi vụ chặt cây, nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận xét trong cuộc trò chuyện với phóng viên Dân Việt sáng 22.3: Lãnh đạo Hà Nội đổ lỗi cho “nhà tài trợ nôn nóng” là chưa xác đáng. Bởi, nhà tài trợ chỉ được phép góp tiền, công chứ không thể được phép can thiệp vào việc làm của UBND thành phố. Việc chặt hạ, thay thế cây thế nào phải do thành phố quyết định.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa nói: “Trong một cuộc họp báo, khi có tới 21 câu hỏi của phóng viên, vị quan chức Hà Nội không trả lời, rồi khất “trả lời bằng văn bản” của… cấp dưới. Còn khi trả lời thì lại trách các nhà tài trợ đã “nôn nóng chặt cây”. Thế là ngay lập tức, các nhà tài trợ bị vu thành… lâm tặc.
Mà các nhà tài trợ là ai? Là Công an Hà Nội, là Ngân hàng VPBank, Tập đoàn Vingroup, Công ty công nghệ Bình Minh, Công ty Tư vấn xây dựng Hà Thành và rất nhiều cá nhân hảo tâm.
Họ kêu oai oái: Chúng tôi không chặt cây, không bán gỗ. Không hưởng lợi lộc gì ở chiến dịch khai thác gỗ trên đường phố cả. Chúng tôi chỉ hưởng ứng giúp thành phố xanh – sạch – đẹp, là trồng lại cây.
Và họ cũng chỉ góp tiền thôi, có khi là tiền túi, như anh em công an Hà Nội, có khi trừ mấy ngày lương, chứ họ đâu có mua cây và chọn cây gì để thay thế những cây quý đã bị chặt”.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng, phải rạch ròi thế, không họ lại còn bị dân chửi là lừa đảo và thiểu năng trí tuệ. Bởi nhiều cây vàng tâm được trồng lại không phải vàng tâm, mà là cây mỡ, theo các nhà khoa học, loại cây ấy chẳng có giá trị gì, kể cả bóng mát, cảnh quan và gỗ. Mà loài cây ấy cũng chỉ sống được mấy chục năm.
Video đang HOT
Nhà thơ cho biết, ngay cả là vàng tâm thật thì theo các nhà sinh học, loại cây ấy sinh trưởng chậm, thân thẳng và rất cao. Có cây cao đến 30-40m. Vàng tâm thường ở trên các dãy núi cao, khí hậu lạnh, trồng trên phố Hà Nội không thích hợp. Thậm chí không sống được vì nắng nóng và ngập úng.
“Cây trồng ở Hà Nội phải bám rễ sâu, không đổ gãy, có khả năng điều hòa không khí, môi trường, có bóng mát và đẹp cảnh quan. Giá trị của vàng tâm là gỗ. Không ai trồng cây trên các tuyến phố Hà Nội để lấy gỗ cả. Chỉ lũ lâm tặc mới phá cây lấy gỗ thôi. Khổ các nhà tài trợ quá, đã làm việc thiện, lại còn bị vu oan!”, nhà thơ Trần Đăng Khoa bày tỏ.
Các nhà tài trợ lên tiếng:
Ông Lê Khắc Hiệp, Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup cho biết: “Theo chủ trương, các doanh nghiệp tham gia đề án này chỉ ở vai trò tài trợ kinh phí chứ không tham gia vào quá trình thực thi dự án. Chúng tôi cũng không có thông tin gì về việc thực thi lúc nào và như thế nào”.
Ông Trần Tuấn Việt – Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tiếp thị Ngân hàng VPBank: “Ngân hàng được kêu gọi tham gia trồng cây cho tuyến đường Nguyễn Chí Thanh cùng Công đoàn Công an Hà Nội, song ngân hàng cũng không biết là ngày nào trồng và trồng cây gì”.
Bà Vương Thị Mai Hương, Phó tổng giám đốc Công ty Công nghệ Bình Minh: “Việc tham gia này là hoàn toàn tự nguyện và với tinh thần ủng hộ thành phố chứ không đi kèm quyền lợi gì như việc tận thu với những cây cũ. Chúng tôi không hề tham gia chặt cây, mà chỉ đem cây tới trồng tại những vị trí đã được thành phố chấp thuận”.
Theo Kiến Thức
Cây đã chết khô vẫn treo biển hỏi dân để chặt hạ
Công ty cây xanh Hà Nội gắn biển lấy ý kiến người dân đối với hàng chục cây ở Hà Nội dù chúng đã chết khô từ lâu hoặc mục ruỗng.
Công ty TNHH một thành viên cây xanh Hà Nội vừa treo 70 tấm biển trưng cầu ý kiến người dân về việc chuẩn bị thay thế cây trên đường Trịnh Hoài Đức, Trần Phú, Lý Nam Đế. Biển được đặt ở vị trí cao hơn đầu người, kích thước 3020 cm, chất liệu bằng tôn, ghi rõ "Cây dự kiến đánh chuyển, cây trồng mới".
Tấm biển này được gắn lên những cây đã chết, mục ruỗng thân.
Sau khi treo biển một tuần, công ty sẽ tiếp nhận thông tin phản hồi của người dân qua số máy 04.39764540 (trực 24/24 giờ). Nếu trường hợp không có ý kiến phản đối của người dân, cây sẽ được đánh chuyển, thay thế bằng một cây đúng chủng loại, kích thước theo quy định.
Tuy nhiên, theo nhiều người dân trên phố Trịnh Hoài Đức cho biết, họ muốn công khai và trưng cầu ý kiến người dân trên những cây đang xanh chứ không phải đã chết.
Một số cây trên đường Lý Nam Đế cũng thuộc dạng đánh chuyển để thay thế bằng cây lát hoa.
Phần gốc của một cây sấu chồi lên so với vỉa hè, thậm chí mục ruỗng bên trong.
Phía trước số nhà 83 Lý Nam Đế đơn vị cũng treo hai tấm biển tháo dỡ đánh rời. Anh Thắng chủ cửa hàng này cho biết: "Riêng những cây bị hư hỏng, đã chết chúng tôi ủng hộ chặt hạ"
Một số cây trên đường Trần Phú cũng thuộc diện đánh chuyển, thay thế trồng mới.
Hầu hết là những cây đã chết khô, rất nguy hiểm mỗi khi mùa mưa bão đến.
Theo đại diện Công ty cây xanh, số cây này không nằm trong dự án thay thế 6.700 cây xanh gây bức xúc dư luận thời gian qua.
Ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó tổng Giám đốc Công ty công viên cây xanh Hà Nội cho biết, từ chiều 19 đến ngày 20/3, đơn vị đã treo 70 biển trưng cầu ý kiến người dân về việc chuẩn bị thay thế cây xanh mối mọt, chết, cong nghiêng trên địa bàn 4 quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm. Về phản ánh treo biển trưng cầu ý dân lên cây khô đã chết, ông Hưng cho biết đơn vị vẫn treo để xin ý kiến người dân trước khi đốn hạ.
Trao đổi với PV, PGS. TS Nguyễn Đình Hoè, Khoa Môi trường, Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, cây xanh thuộc quyền làm chủ của người dân. Người dân đóng thuế và cũng là chủ nhân đô thị.
"Khi có kế hoạch chặt cây, đương nhiên phải hỏi ý kiến của người dân, nếu được chấp thuận mới làm. Để lấy được ý kiến đồng bộ người dân, cần phải qua điều tra xã hội, có phương pháp tiến hành chứ không thể hỏi vài ba người rồi kết luận đa số người dân đồng ý. Ngoài ra, cải tạo đô thị là chuyện lớn, Hà Nội cũng cần lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học", tiến sĩ Hòe nói.
Theo Tri Thức
Nhà tài trợ thanh minh chuyện giục chặt 6700 cây xanh HN Chặt 6700 cây xanh Hà Nội Bị dư luận kết tội nôn nóng giục chặt 6700 cây xanh Hà Nội, đại diện các nhà tài trợ trong đề án xã hội hóa trồng cây lên tiếng. Trả lời PV về lý do tại sao ngân hàng VPBank tham gia dự án thay thế cây xanh ở Hà Nội khiến dư luận bức xúc...