Trận đại chiến xe tăng cuối cùng của thế kỷ 20
Yếu tố bất ngờ đã giúp các đơn vị tăng Abrams M1 của Mỹ đánh tan một sư đoàn thiết giáp Iraq trên địa hình sa mạc trống trải trong trận chiến năm 1991.
Xe tăng Abrams của Mỹ trong trận đánh 73 Easting. Ảnh: US Navy
Trung đoàn Kỵ binh Thiết giáp số hai là một trong số các đơn vị Mỹ dẫn đầu trong chiến dịch tấn công quân sự vào Iraq được phát động vào ngày 23/2/1991. Đây cũng chính là lực lượng chủ lực của Mỹ trong trận 73 Easting, trận chiến xe tăng quy mô lớn cuối cùng của thế kỷ 20, theoScout.com.
Trung tướng H.R.McMaster, lúc đó là tiểu đội trưởng tiểu đội Đại bàng, thuộc trung đội hai, Trung đoàn Kỵ binh Thiết giáp số hai, đã viết một cuốn sách về trận đánh này và chỉ ra một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu trong trận đánh.
Các trực thăng gầm rú phía trên đầu tiểu đội Đại bàng khi cuộc tấn công trên bộ vào lãnh thổ Iraq bắt đầu hôm 23/2. Trên lý thuyết, nhiệm vụ của trung đoàn kỵ binh thiết giáp số hai rất đơn giản, đó là sử dụng lực lượng xe tăng Abrams M1 cơ động nhanh, hỏa lực mạnh để thọc sâu, cắt đứt các tuyến đường rút lui sang Kuwait của quân đội Iraq, và truy lùng các đơn vị xe thiết giáp của đối phương đang ẩn mình trong sa mạc hoang vu rộng lớn.
Tuy nhiên trên thực tế họ đối mặt với rất nhiều nhiều thử thách. Địa hình sa mạc ở Iraq khiến việc định hướng gặp khó khăn do không có bất kỳ địa hình địa vật nào để làm mốc xác định hướng. Các trận bão cát lớn hạn chế tầm nhìn khi xe tăng và những xe quân sự khác tìm đường băng qua sa mạc.
Tiểu đội Cáo thông báo chạm địch đầu tiên và đã phá hủy một vài xe tăng địch. Hai ngày sau, các xe tăng và xe thiết giáp của trung đội hai chạm mặt vài xe theo dõi và trinh sát của đối phương, sau đó phá hủy chúng bằng tên lửa và pháo, nhưng họ không tài nào tìm ra các sư đoàn Vệ binh Cộng hòa Iraq mà họ biết là đã được triển khai ở đâu đó trong sa mạc.
Chiều ngày 26/3/1991, McMaster thúc giục quân mình băng qua một cơn bão cát và khi chuẩn bị tiến lên một đụn cát, ông sững người khi thấy ngay trước mặt mình là toàn bộ một sư đoàn tăng thiết giáp tinh nhuệ của Iraq. Nhận thấy đơn vị mình đã nằm trọn trong tầm bắn của địch, ngay lập tức ông ra lệnh nổ súng.
Do vị trí của kẻ địch trên những đụn cát cao ở khá xa giúp xe tăng Iraq có thể ẩn náu, các xe tăng Mỹ buộc phải cơ động xuống dưới đụn cát để tiếp cận, và điều này sẽ khiến nóc xe tăng, vị trí yếu nhất trên xe, lộ ra trước họng súng của xe tăng Iraq.
Tuy nhiên, phía Iraq đã bị mất phần lớn xe trinh sát, vì thế họ không nắm bắt được tình hình di chuyển của đối phương, nên cũng bất ngờ với cuộc chạm trán này không kém gì các chỉ huy Mỹ, khiến họ không thể tận dụng được lợi thế từ trên cao của mình.
Một loạt đạn từ chiếc xe tăng của McMaster đã khơi mào cho trận chiến này. Phát bắn đầu tiên của ông bằng đạn nổ lõm phá hủy một chiếc xe tăng ẩn mình sau gờ cát. Phát thứ hai bằng đạn urani nghèo bắn xuyên một xe tăng Iraq khi nó đang xoay nòng hướng về phía xe tăng của ông để khai hỏa. Khi kíp xe tăng của McMaster hướng vào mục tiêu thứ ba, người lái xe nhận thấy họ đang băng qua một bãi mìn và bắt đầu tìm cách vòng tránh.
Video đang HOT
Một xe tăng của quân đội Iraq trúng đạn bốc cháy. Ảnh: Wikipedia
Các loạt đạn của kẻ thù bắt đầu trút xuống xung quanh xe tăng dẫn đầu khi hai trung đội xe tăng Mỹ nhảy vào tham chiến. 9 xe tăng Mỹ tập trung tấn công vào các công sự, phá hủy hàng loạt xe tăng T-72 và xe bọc thép của đối phương.
“Vài giây bất ngờ thôi là tất cả những gì chúng tôi cần. Các xe tăng và xe thiết giáp chở quân BMP của địch đã bị ‘nướng’ vô số kể. Các xe tăng của chúng tôi đã bẻ gãy một khu vực phòng ngự rộng 5 km của đối phương”, McMaster kể lại.
Các xe chiến đấu Bradley cũng tham gia vào cuộc chiến, liên tiếp phóng tên lửa TOW vào xe tăng của đối phương và sử dụng súng máy để tiêu diệt sinh lực bộ binh Iraq. Hỏa lực chi viện từ pháo binh và súng cối đã dội những cơn mưa đạn vào các vị trí phòng thủ còn lại trên trận địa của quân đội Iraq.
Các lực lượng Mỹ đã tiêu diệt 30 xe tăng, 14 xe bọc thép và hàng trăm lính bộ binh trước khi tiến gần tuyến chiến đấu đầu tiên, nơi các đơn vị được lệnh dừng lại. Tuy nhiên, McMaster ra lệnh cho đơn vị của ông tiếp tục tấn công do lo sợ quân đội Iraq sẽ tập hợp lại và tổ chức một đợt phản công mạnh mẽ.
23 phút sau lần chạm trán đầu tiên, McMaster tuyên bố tình hình đã đảm bảo an toàn để dừng cuộc tiến công. Đơn vị của ông đã đánh tan mạn sườn của sư đoàn thiết giáp Iraq mà không hề chịu bất cứ tổn thất nào. Một chiếc xe tăng thuộc trung đội hai bị hư hại nhẹ do trúng mìn.
Gần đó, các đơn vị thiết giáp Bóng ma, Sát thủ, và Thép chạm mặt các đơn vị quân đội Iraq khác và cố gắng bắt kịp thành tích của đội Đại bàng. Quân đội Iraq vài lần cố gắng phản công chống lại xe tăng Mỹ nhưng nhanh chóng bị đẩy lui.
Buổi tối hôm đó, sau khi các đơn vị Mỹ phát đi lời kêu gọi đầu hàng, 250 lính Iraq lũ lượt kéo nhau ra xin hàng trước đội Đại bàng. Trận đại chiến xe tăng cuối cùng của thế kỷ 20 kết thúc, với phần thắng nghiêng về những chiếc Abrams M1 của Mỹ.
Diễn biến tương tự cũng xảy ra ở các mũi tấn công khác của Mỹ. Kết thúc trận 73 Easting, phía Iraq có gần 1000 người thương vong, 85 xe tăng và 40 xe bọc thép bị phá hủy, 30 xe tải và hai khẩu đội pháo binh bị loại khỏi vòng chiến đấu. Phía Mỹ có 12 lính tử trận, 57 người bị thương và 32 xe bị phá hủy hoặc hư hại.
Duy Sơn
Theo VNE
Giải pháp biến xe tăng M48 Việt Nam thành... M1 Abrams
Nếu được nâng cấp theo gói 120S, các xe tăng M48 lạc hậu của Việt Nam sẽ có sức mạnh hỏa lực tương đương với... siêu tăng M1 Abrams.
M48 Patton là xe tăng chiến đấu chủ lực do Mỹ thiết kế từ năm 1951 và được sản xuất hàng loạt trong giai đoạn 1952 - 1959 với tổng số khoảng 12.000 chiếc xuất xưởng.
Thông số kỹ thuật cơ bản của xe tăng M48: trọng lượng chiến đấu 49,6 tấn; chiều dài 9,3 m (với pháo quay về phía trước); chiều rộng 3,65 m; chiều cao 3,1 m; kíp chiến đấu 4 người.
M48 được trang bị pháo chính M41 cỡ 90 mm với cơ số đạn 62 viên, vũ khí phụ gồm 1 súng máy M2 cỡ 12,7 mm và 1 súng máy M73 cỡ 7,62 mm. Vỏ giáp của xe chỗ dày nhất đạt 120 mm và nơi mỏng nhất chỉ là 25 mm
Động cơ Continental AVDS-1790-2 V12 công suất 750 mã lực của M48 cho tốc độ di chuyển tối đa 48 km/h trên đường nhựa, tầm hoạt động 462 km.
Xe tăng chiến đấu chủ lực M48 Patton
Vào ngày 9/3/1965, chiếc M48A3 đầu tiên của Tiểu đoàn tăng số 3, Thuỷ quân lục chiến Mỹ đã cập cảng Đà Nẵng. Trong thời gian tham chiến, đây chính là loại xe tăng chủ lực của quân đội Mỹ trên chiến trường Việt Nam.
Năm 1971, Mỹ bắt đầu viện trợ M48A3 cho 3 thiết đoàn chiến xa của Quân đội Việt Nam Cộng Hòa với số lượng trên 160 chiếc.
Trong chiến đấu, nhiều chiếc M48A3 đã bị Quân đội Nhân dân Việt Nam tịch thu và đưa vào sử dụng, nhất là trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975.
Sau ngày đất nước thống nhất, một số ít M48A3 còn lại tiếp tục được huy động tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam.
Xe tăng M48A3 chiến lợi phẩm của Quân đội Nhân dân Việt Nam
Hiện nay, vì nhiều lý do liên quan đến tính năng và hậu cần mà toàn bộ số xe tăng M48A3 đều đang nằm trong tình trạng niêm cất bảo quản.
Tuy nhiên với xu thế mở rộng hợp tác quốc phòng của Việt Nam, rất có thể trong tương lai M48 sẽ quay trở lại trực chiến tương tự như trực thăng UH-1 nếu được tiến hành nâng cấp toàn diện. Vậy gói nâng cấp nào tỏ ra phù hợp nhất?
Cấu hình gói nâng cấp 120S
Gói nâng cấp 120S do hãng General Dynamic giới thiệu vào cuối thập niên 1990, với mục đích giúp những chiếc xe tăng M60 Patton lạc hậu (phiên bản kế tiếp được phát triển lên từ M48) đáp ứng được các yêu cầu của tác chiến hiện đại.
Xe tăng M60 nâng cấp có tên gọi M60 2000, nó được trang bị tháp pháo cùng hệ thống treo của M1 Abrams với pháo chính M256 cỡ 120 mm có sức mạnh vượt trội pháo M68 cỡ 105 mm nguyên bản.
Hệ thống điều khiển hỏa lực của M60 2000 cũng tương tự như Abrams, cho khả năng bắn chính xác trong mọi điều kiện chiến trường, tầm bắn hiệu quả đạt tới trên 4 km.
Có thể thấy rằng sau nâng cấp, M60 2000 đã gần như tương đương với M1 Abrams từ ngoại hình cho đến năng lực chiến đấu, đủ khả năng đối đầu với mọi xe tăng chủ lực hiện đại.
M60 2000 chỉ thua kém Abrams một điểm duy nhất là khả năng bảo vệ không được cải thiện nhiều, do gói nâng cấp chủ yếu tập trung vào việc nâng cao sức mạnh hỏa lực.
Xe tăng M60 2000 sau nâng cấp
Vậy câu hỏi được đặt ra hiện nay là gói nâng cấp 120S liệu có phù hợp để áp dụng trên xe tăng M48?
Điều này có thể nói là hoàn toàn khả thi, nhất là khi khung thân của M48 và M60 có rất nhiều nét tương đồng cả về kích thước lẫn trọng lượng, đầy đủ điều kiện để tiếp nhận tháp pháo 120 mm.
Nếu được trang bị tháp pháo của M1 Abrams theo gói nâng cấp 120S, các xe tăng M48A3 Patton lạc hậu đang trong tình trạng niêm cất bảo quản của Việt Nam sẽ lại trở thành những "con quái vật" có uy lực vô cùng mạnh mẽ.
Theo Trí Thức Trẻ