Trận chiến Gạc Ma ám ảnh suốt đời
Sống sót sau trận chiến lịch sử Gạc Ma – Trường Sa (ngày 14.3.1988), cựu binh Lê Minh Thoa quay về với cuộc sống thường nhật và mưu sinh bên quán phở (TP.Quy Nhơn, Bình Định). Quán phở do anh làm chủ mang tên Gạc Ma – Trường Sa và ký ức bi tráng từ trận chiến 29 năm trước vẫn mãi ám ảnh người cựu binh này…
Không thể nào quên!
Sinh ra trong gia đình thuần nông tại vùng đất võ Tây Sơn (Bình Định), tròn 18 tuổi, chàng thanh niên Lê Minh Thoa tạm gác lại giấc mơ, từ giã ghế nhà trường để xin đi bộ đội. Anh bắt đầu học sửa chữa máy móc tàu thủy và được nhận công tác tại quần đảo Trường Sa.
Ngày 11.3.1988, anh Thoa nhận lệnh tăng cường cho tàu HQ 604 ra đảo Gạc Ma – Trường Sa (Việt Nam). Với anh, đó là chuyến đi định mệnh của cuộc đời mình.
Cựu binh Lê Minh Thoa luôn nhớ về đồng đội ở trận chiến Gạc Ma – Trường Sa. Ảnh: Dũ Tuấn
Theo anh Thoa, tàu chạy gần 2 ngày 3 đêm, đến 16h chiều 13.3.1988 thì thả neo cách đảo Gạc Ma chỉ chừng 500 mét. Thế nhưng, vài chục phút sau, tàu Hải thám Trung Quốc chạy về phía Gạc Ma, liên tục phát loa nói giọng lơ lớ rằng đây là lãnh thổ của Trung Quốc, yêu cầu Việt Nam rời ngay. Nghe vậy nhưng anh Thoa cùng tất cả đồng đội đều bỏ ngoài tai điều phi lý đó, tiếp tục triển khai nhiệm vụ chuyển vật liệu xây dựng đặt mốc chủ quyền, cắm cờ Tổ quốc đúng 24h khuya khi thủy triều rút xuống.
Anh Thoa kể: Đến sáng sớm ngày hôm sau (ngày 14.3.1988), lính Trung Quốc tràn lên đảo, giật cờ Tổ quốc mà chiến sĩ ta đã cắm xong. Anh em chiến sĩ của ta vẫn kiên quyết đấu tranh bảo vệ cờ. Sau một hồi giằng co khốc liệt, lính Trung Quốc bắt đầu nổ súng khiến nhiều chiến sĩ của ta bị thương và hy sinh giữa biển. Ba chiếc tàu chiến của Trung Quốc đứng 3 phía chĩa súng vào tàu của ta và liên tục bắn. Chỉ chừng trong vòng 15 phút thì tàu ta bị chìm. Khi phát hiện đồng đội nào của ta còn sống mà ngoi lên mặt nước thì lập tức lính Trung Quốc tỉa súng liên hồi cho đến chết.
Quán phở Gạc Ma – Trường Sa của cựu binh Lê Minh Thoa ngày 14.3. Ảnh: Dũ Tuấn
Video đang HOT
“Tôi bị thương ở chân, bỏng lưng nhưng cũng may vớ được 2 quả bí (1 xanh, 1 đỏ) để làm phao. Đến 5h chiều 14.3, tàu Trung Quốc thả xuồng đến chỗ tôi (trên xuồng có 1 tên lái, 2 tên cầm súng) và ra dấu cho tôi đầu hàng, nhưng tôi quyết không chịu, lính Trung Quốc bắn xả nhưng tôi không sợ. Khi thấy tôi ôm 2 quả bí thì lính Trung Quốc không dám đến gần mà dùng cây sào móc kéo tôi lên xuồng, bịt mắt, trói tay chở đến tàu. Lúc tỉnh dậy, tôi đã thấy nằm bên cạnh mình là 8 đồng đội bị trói chặt tay, nằm xếp hàng, trên người bê bết vết máu bởi những mảnh đạn thấu xương”, anh Thoa hồi tưởng.
Lúc đó, anh Thoa chỉ mặc áo ba lỗ, quần đùi bị rách tả tơi. Lính Trung Quốc chở anh cùng đồng đội đi mấy ngày đêm chẳng ăn uống gì, máu cứ tuôn chảy, ai cũng xót xa, chịu đựng. Khi đến đảo Hải Nam thì lính Trung Quốc chuyển tàu chở về nhà tù Lôi Châu, Quảng Đông, Trung Quốc. Nhiều đồng đội của anh Thoa bị thương, lính Trung Quốc dùng dao để mổ lấy từng mảnh đạn trong người nhưng không có 1 viên thuốc giảm đau nào.
Khi bị giam giữ tại nhà tù Lôi Châu, anh Thoa cùng 8 đồng đội bị nhốt riêng biệt, mỗi tuần chỉ có 2 bữa cơm đạm bạc, còn lại toàn cháo trắng. Lính Trung Quốc bắt anh cùng đồng đội lao động rất nặng nhọc như đổ bê tông, chẻ củi… Mãi đến năm 1989, Hội Chữ thập đỏ Quốc tế đến nhà tù và tiếp cận được những người lính Việt Nam bị Trung Quốc bắt nhốt ở đây. ến tháng 11.1991, anh Thoa cùng các đồng đội được trao trả về nước.
Cuộc sống thường nhật
Cựu binh Lê Minh Thoa bên đồng đội của mình. Ảnh: Dũ Tuấn
Khi trở về, cựu binh Lê Minh Thoa có nguyện vọng phục vụ trong quân đội và nguyện vọng của anh đã được chấp nhận. Sau 6 năm tham gia ngành sửa chữa máy tàu thủy thuộc Lữ đoàn 125 – Bộ Tư lệnh (tại TP.HCM), cuối năm 1996, anh Thoa mới xuất ngũ và bôn ba mưu sinh. Năm 2005 anh về phố biển Quy Nhơn lập nghiệp và bắt đầu học lớp nấu ăn để mở quán phở mang tên Gạc Ma – Trường Sa.
Sáng sớm 14.3, khi chúng tôi tới ghé thăm, cựu binh Lê Minh Thoa vẫn đang tất bật với quán phở Gạc Ma – Trường Sa của mình. Anh bảo: “Tôi phải tranh thủ bán xong sớm để chạy xe máy vào Phú Yên, hôm nay anh em Trường Sa, Gạc Ma có buổi gặp mặt trong đó. Thực sự, đã 29 năm trôi qua nhưng tim tôi vẫn luôn hướng về đồng đội và dấu ấn 14.3.1988 là một ngày không thể quên trong cuộc đời”.
Cựu binh Lê Minh Thoa đang tất bật với việc bán phở để mưu sinh. Ảnh: Dũ Tuấn
Hiện tại, cuộc sống cựu binh Lê Minh Thoa rất chật vật. Gia đình anh sống nhờ vào nhà của bố mẹ. Hằng ngày, anh mưu sinh bên quán phở, máy nước mía… để kiếm tiền nuôi con và trang trải cuộc sống. Ngày đông khách thì được trên 100 bát (20.000 đồng/bát), ngày ít thì chỉ bán được vài bát, thu nhập rất bấp bênh.
“Lần khám sức khỏe mới đây, bác sĩ phát hiện thêm hai mảnh đạn còn găm trong người tôi (ở đầu và bả vai), luôn hành hạ đau nhức. Trước đây, có lẽ do máy móc chưa hiện đại nên không phát hiện được những vết thương này. Khi làm hồ sơ giám định lúc ấy chỉ thương tật 11%, chế độ chỉ nhận một lần. Điều tôi mong muốn là cơ quan chức năng tạo điều kiện cho tôi được đi giám định lại để hưởng chế độ thương binh. Những vết thương mà tôi đang mang làm sao so với máu xương của đồng đội tôi đã quyện vào nước biển ở Gạc Ma – Trường Sa”, anh Thoa chia sẻ.
Theo Danviet
Nước mắt ân tình trong cuộc hội ngộ của cựu binh Gạc Ma
Những người lính từng làm nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ chủ quyền Gạc Ma tháng 3/1988, có cuộc hội ngộ xúc động bên giường bệnh một người đồng đội bị ung thư.
Ngày 19/11, cựu binh Dương Văn Dũng - bệnh nhân ung thư, được đẩy trên xe lăn từ phòng bệnh ra một phòng họp nhỏ tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng. Dù phải ngồi khom người để nén những cơn đau, nhưng ông Dũng đã nở nụ cười tươi, đưa tay chào theo điều lệnh khi bất ngờ gặp 6 đồng đội trong trận chiến bảo vệ Gạc Ma (14/3/1988) cùng bị Trung Quốc bắt giữ.
Vừa nhìn thấy đồng đội, cựu binh Trương Văn Hiền (Đắk Lắk) bật khóc, đưa tay gạt những giọt nước mắt trên khuôn mặt. "Dũng là ân nhân cứu mạng tôi trong trận chiến Gạc Ma", ông tâm sự và cho biết đồng đội Dũng trong giây phút sinh tử đã đẩy cho mình tấm ván bằng gỗ để nổi trên mặt nước. 64 đồng đội khi đó đã hy sinh, 9 người bị Trung Quốc bắt giữ.
Khi cựu binh Dũng được đẩy xe lăn ra phòng gặp mặt đồng đội, cựu binh Hiền (bìa phải) đã không cầm nổi nước mắt. Ảnh: Nguyễn Đông.
Ông Dũng là người duy nhất trong số 10 chiến sĩ hải quân quê Đà Nẵng còn sống sót. 4 năm sau trận chiến, những người lính Gạc Ma được phía Trung Quốc trả tự do. Họ giải ngũ và mưu sinh bằng đủ nghề. Ông Dũng đi làm thợ nề, còn vợ bươn chải kiếm sống bằng việc bán rau ở chợ để nuôi 3 người con.
Tháng 7/2015, ông Dũng đến khám bác sĩ trong một lần đau nặng và bàng hoàng khi nhận kết quả mắc ung thư. Trải qua nhiều lần xạ trị, bệnh đã di căn vào não. Gia cảnh đã nghèo nay lại phải vay nợ để có tiền chữa trị, gia đình ông Dũng lâm cảnh khốn khó. Đồng đội khi hay tin đã kêu gọi giúp đỡ trên mạng xã hội.
Một nhóm sinh viên ở Hà Nội có ý tưởng sẽ dành cho ông Dũng điều bất ngờ ngay tại bệnh viện, đó là tổ chức cuộc hội ngộ giữa những cựu binh Gạc Ma từng bị Trung Quốc giam giữ. Sau nhiều nỗ lực, chương trình được thực hiện với sự giúp đỡ nhiệt tình của một số nhà báo ở Đà Nẵng.
Ông Dũng được đồng đội khoác lên mình chiếc áo hải quân và được nguyên Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa Đặng Công Ngữ tặng hoa động viên. Ảnh: Nguyễn Đông.
"Gặp các bạn mình vui lắm", ông Dũng nói khi trên môi nở nụ cười tươi. Sau những cái siết chặt bàn tay, những người đồng đội vây quanh ông, đưa những tấm ảnh chụp chung ngày vừa được thả tự do, chỉ mặt đọc tên từng người. "Có sáu đứa tụi mình ở đây sẽ chia bớt những cơn đau cho Dũng", cựu binh Nguyễn Văn Thống (quê Quảng Bình) nói.
Đồng đội cùng nhau may tặng ông Dũng chiếc áo hải quân, họ cẩn thận mặc vào cho bạn, ông Dũng không ngồi trên xe lăn nữa mà nhờ bạn đỡ mình đứng dậy. Họ xếp thành hàng, đưa tay lên chào theo điều lệnh quân đội khiến nhiều người không cầm được nước mắt.
Ông Dũng đầu trọc lóc sau những đợt hóa trị không còn dáng vẻ tiều tụy của một bệnh nhân. Những cơn đau dường như không còn giữa những tiếng cười.
Nhiều người nhà bệnh nhân kéo đến xem cuộc hội ngộ trong bệnh viện. "Ông ấy là lính hải quân bảo vệ Trường Sa", tiếng những người phụ nữ bảo nhau. Nguyên Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa Đặng Công Ngữ đến bên bệnh nhân Dũng, nói rằng Hoàng Sa, Trường Sa là máu thịt của tổ quốc Việt Nam. "Tất cả chúng ta luôn tri ân những người đã cầm súng bảo vệ Gạc Ma".
Nắm chặt tay đồng đội, cựu binh Nguyễn Văn Thống động viên bạn cố gắng chiến đấu với bệnh tật. Ảnh: Nguyễn Đông.
Những người đồng đội dìu ông Dũng về giường bệnh. "Kiên cường lên Dũng ơi! Súng đạn không giết được tụi mình, giờ hãy gắng hết sức chiến đấu với bệnh tật. Đừng bỏ cuộc!", những người lính Gạc Ma động viên bạn.
Nguyễn Đông
Theo VNE
Đề nghị công nhận thương binh cho cựu binh Gạc Ma Chiều 14/3, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đại diện cho lãnh đạo tỉnh cùng với lãnh đạo Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Ban chỉ huy quân sự TP Quy Nhơn đến thăm, tặng quà cho cựu binh về từ trận chiến Gạc Ma Lê Minh Thoa. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đến thăm, động...