Trận chiến duy nhất Thành Cát Tư Hãn thua cuộc
Trận thua được cho là duy nhất của Thành Cát Tư Hãn vẫn là một bí ẩn, thậm chí nhiều sử gia cho rằng đây là câu chuyện bịa của đối phương bại trận.
Tranh mô tả trận chiến eo Samara, nơi Thành Cát Tư Hãn được cho là thất bại thảm hại.
Thành Cát Tư Hãn được xem là nhân vật đặc biệt quan trọng trong lịch sử thế giới với tài năng quân sự và tầm nhìn lỗi lạc. Đế chế Mông Cổ do Thành Cát Tư Hãn lập nên được xem là quốc gia có diện tích liền mạch và lớn nhất thế giới từ trước tới nay. Loạt bài này sẽ kể lại những câu chuyện sống động về cuộc đời, sự nghiệp và tài năng kiệt xuất của Thành Cát Tư Hãn.
Chiến dịch Samara của quân đội Mông Cổ đã giết hại hơn 200.000 lính từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau. Thời điểm năm 1223, lúc đánh vùng Volga Bulgar (Nga), quân Mông Cổ được xem là đạo quân tinh nhuệ nhất thế giới với độ chuyên nghiệp, kỉ luật, đào tạo và trang bị tốt. Một người lính của Thành Cát Tư Hãn tăng cấp dựa trên năng lực chứ không dựa trên vị trí trong xã hội.
Hai tướng tài của Thành Cát Tư Hãn là Triết Biệt và Tốc Bất Đài đã xây dựng nên một bộ khung chiến thuật bằng kỉ luật thép. Khả năng linh hoạt trên lưng ngựa của lính Mông Cổ vượt mặt mọi quân đội các quốc gia khác. Việc sử dụng ngựa chiến thuần thục cùng thể chất vượt trội giúp họ sống sót ở những khu vực mà người và ngựa bình thường khó bề trụ nổi.
Thành Cát Tư Hãn biết rằng chất lượng của quân sĩ quan trọng hơn rất nhiều số lượng áp đảo. Quân Mông Cổ thường dùng khí cụ từ Trung Quốc và Ba Tư để tấn công những thành trì kiên cố.
Tranh mô tả cung thủ Mông Cổ.
Vào thời đó, người Volga Bulgar đã xây dựng được một quốc gia hùng mạnh từ thế kỉ thứ 7 giữa biển Azov (phía bắc Biển Đen) và thung lũng Kuban (miền nam nước Nga ngày nay). Một số người Volga Bolgar di dân tới châu Âu và thành lập đế chế ở vùng Balkan. Số khác tiến lên phía bắc và thành lập Great Bulgaria. Người Volga Bulgar được cho là có gốc người Turk, hiện nay sinh sống gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Volga Bulgar là một trung tâm giao thương quan trọng giữa thế giới Hồi giáo và châu Âu, nhất là khi nước này coi đạo Hồi là tôn giáo chính vào năm 922. Các khu dân cư, làng mạc của Volga Bulgar mang nặng tư tưởng Hồi giáo cho tới khi quân Mông Cổ đánh chiếm.
Trong khi quân Mông Cổ càn quét ở khu vực Dnieper (từ miền trung nước Nga tới Biển Đen), một sứ giả của Thành Cát Tư Hãn yêu cầu hai tướng là Tốc Bất Đài và Triết Biệt quay trở lại sông Volga. Con trai của Thành Cát Tư Hãn là Truật Xích cũng mang theo một vạn quân và tập hợp cùng lính của Triết Biệt, Tốc Bất Đài ở phía tây sông Volga.
Tốc Bất Đài, một trong 4 tướng tài dưới thời Thành Cát Tư Hãn.
Khoảng năm 1222, Triết Biệt và Tốc Bất Đài dốc quân tiến vào sông Volga. Cứ liệu lịch sử không ghi lại chi tiết trận đánh này nhưng cho rằng Triết Biệt và Tốc Bất Đài đã bị đặt bẫy. Theo đó, khi quân Volga Bulgar giả vờ thua, hai tướng của Thành Cát Tư Hãn đã quá mải mê truy ngựa đuổi theo tới eo Samara (thành phố Volga, Nga ngày nay).
Lúc này, quân phục kích của Volga Bulgar mới xuất hiện và ồ ạt tấn công. Quân Thành Cát Tư Hãn bị tổn thất nặng nề. Một số tài liệu cho rằng quân Mông Cổ từ 50.000 người chỉ còn 4.000 lính sống sót trở về.
Các nguồn tin khảo cứu gần đây cho rằng số lượng lính Mông Cổ chết không nhiều tới vậy. Sử gia Petert Jackson cho rằng số lượng 4.000 lính thực ra là quân Mông Cổ tham chiến chứ không phải số tử trận.
Nhiều sử gia cho rằng trận thua ở Samara chỉ là câu chuyện bịa đặt của đối phương.
Sử gia A.H Halikov cho rằng tướng của bên Volga Bulgar là Ilgam Khan và việc một nước yếu như vậy chiến thắng quân của Thành Cát Tư Hãn là điều không thể. Ông cho rằng nhiều người Volga Bulgar đã bịa ra câu chuyện trên.
Cần biết rằng, Triết Biệt và Tốc Bất Đài là hai chuyên gia đánh du kích và là mãnh tướng trong những trận đánh lớn. Khả năng thua trận và bị lừa vào thế trận du kích của quân du mục Volga Bulgar là điều rất khó tin.
Video đang HOT
Dù kết quả trận đánh là gì thì sau đó, quân Mông Cổ vẫn tràn vào núi Ural, đánh bại tộc người Saxin rồi lên miền nam tiêu diệt phía đông của vùng Cuman-Kipchak-Kanglis. Toàn bộ quân địch bị tiêu diệt, thủ lĩnh bị chặt đầu và sau đó phải triều cống một khoản tiền lớn cho quân Mông Cổ. Chính hành động sau trận Samara này cũng đặt nhiều nghi vấn quanh việc quân Mông Cổ thua trận trước Volga Bulgar.
Sau chiến thắng vang dội, quân Mông Cổ trở về nhà. Đáng tiếc là tướng tài Triết Biệt qua đời vì sốt tại khu vực sông Imil, vùng Tarbagatai trong cuộc hành trình. Mười bốn năm sau vào năm 1236, quân Mông Cổ dưới sự chỉ huy của Tốc Bất Đài và Bạt Đô quay lại Bulgaria và xâm lược nốt phần lãnh thổ còn sót lại.
______________
Để có được những chiến thắng vang dội và làm chủ 24 triệu km2 diện tích đất liền thế giới, Thành Cát Tư Hãn cần sự hỗ trợ đắc lực của 4 tướng tài, trong đó nổi bật nhất là Tốc Bất Đài. Tài cầm quân như thần của ông khiến kẻ thù khiếp sợ. Mời bạn đọc bài tiếp theo xuất bản sáng sớm 13.10 để hiểu thêm về tài dụng binh của viên tướng “từ nhân dân mà ra” Tốc Bất Đài.
Theo Danviet
Chiến thuật bách chiến bách thắng của Thành Cát Tư Hãn
Nghệ thuật quân sự của Thành Cát Tư Hãn và quân đội Mông Cổ đã đạt tới mức phi thường ở thế kỷ 13, có thể khiến nhiều người ngày nay phải kinh ngạc.
Quân Mông Cổ được xem là chủ nhân của thảo nguyên với tài cưỡi ngựa, bắn cung siêu đẳng.
Thành Cát Tư Hãn được xem là nhân vật đặc biệt quan trọng trong lịch sử thế giới với tài năng quân sự và tầm nhìn lỗi lạc. Đế chế Mông Cổ do Thành Cát Tư Hãn lập nên được xem là quốc gia có diện tích liền mạch và lớn nhất thế giới từ trước tới nay. Loạt bài này sẽ kể lại những câu chuyện sống động về cuộc đời, sự nghiệp và tài năng kiệt xuất của Thành Cát Tư Hãn.
Chiến thuật quân sự tài tình của quân đội Thành Cát Tư Hãn đã giúp đế chế này chinh phục hầu hết châu Á, Trung Đông và một phần Đông Âu. Nền tảng ban đầu của chiến lược này là cách thức điều quân kiểu du mục. Các cấu phần còn lại được chính Thành Cát Tư Hãn và tướng lĩnh của mình sáng tạo ra.
Trong phần lớn thời gian của thế kỷ 13, quân Mông Cổ chỉ thua một vài trận đánh và giành chiến thắng hầu hết các trận quan trọng. Nhiều khi, quân đội Mông Cổ thắng kẻ thù mạnh hơn gấp nhiều lần. Chiến thắng đầu tiên của quân Mông Cổ là năm 1223 trước người phương Tây. Mông Cổ thua lần đầu tiên trong trận Samara Bend. Ngoài ra, quân Nguyên Mông xâm lược Việt Nam và Nhật Bản cũng bị thất bại thảm hại. Dù vậy, sức mạnh và tầm ảnh hưởng của đạo quân này vẫn ít bị lay chuyển 100 năm sau đó.
Cấu trúc quân đội
Tướng tài của Thành Cát Tư Hãn do thực lực đi lên chứ không dựa theo vai vế trong xã hội, nổi bật có Tốc Bất Đài và Bạt Đô.
Nền tảng quan trọng nhất của quân đội Mông Cổ là kỉ luật dựa trên cấu trúc xã hội và sự tuân lệnh tuyệt đối. Theo nhà thám hiểm Giovanni de Pian, những người Mông Cổ "là chủng người biết nghe lệnh nhất thế giới". Người Mông Cổ không bao giờ dám nói dối và tôn trọng tuyệt đối tướng lĩnh của mình. Thông lệ chọn lính dựa trên huyết thống với vua hoặc do binh sĩ khác tiến cử.
Giữa các đơn vị quân đội không được phép thuyên chuyển binh sĩ. Chỉ huy của mỗi cấp độ có quyền lực tuyệt đối trong việc ra quyết sách mà họ cho là phù hợp nhất. Cấu trúc ra lệnh này chứng minh tính hiệu quả và linh hoạt, nhất là khi quân Mông Cổ có thể tách ra thành từng tốp nhỏ để phục kích kẻ địch. Mỗi người lính có trách nhiệm với vũ khí của mình. Gia đình và vật nuôi của binh sĩ sẽ thường tháp tùng họ trong mỗi cuộc viễn chinh.
Tầng lớp tinh hoa lãnh đạo trong quân đội Mông Cổ được gọi tên là "Kheshig". Chức năng của họ là lực lượng bảo vệ cho hoàng đế cũng như huấn luyện các binh sĩ trẻ tuổi.
Tính linh hoạt
Vừa bắn cung, vừa cưỡi ngựa là ưu điểm của quân đội Mông Cổ.
Mỗi người lính Mông Cổ phải nuôi từ 3 đến 4 con ngựa. Thay đổi ngựa giúp họ có khả năng di chuyển với tốc độ cao mà không làm đuối sức vật nuôi. Quân Mông Cổ có thể sống trong điều kiện hết sức khắc nghiệt hoặc chỉ cần uống sữa ngựa cầm hơi. Điều này giúp quân Mông Cổ rất linh động và không phụ thuộc vào thức ăn trồng trọt. Trong lần xâm lược Hungary năm 1241, quân Mông Cổ đi 160km/ngày. Sự linh hoạt cũng giúp một người lính thu thập tin tức, rà soát địa hình dễ dàng hơn đối phương.
Trong cuộc xâm lăng vào Kievan Rus, quân Mông Cổ coi sông băng là đường cao tốc. Mùa đông là thời điểm tấn công ưa thích của quân Mông Cổ vì đối phương khi đó sẽ ít hoạt động.
Hoạt động đơn lẻ giúp quân Mông Cổ ít bị tấn công bằng cung tên so với việc tập hợp thành một quần thể. Nếu nhận thấy quân địch suy yếu, người chỉ huy sẽ đánh trống, phất cờ yêu cầu binh sĩ cầm khiên vào vị trí. Lúc này, cuộc tấn công tổng lực sẽ tiêu diệt những tàn quân cuối cùng.
Khi đánh vào châu Âu, nơi chú trọng đội hình đội ngũ của lực lượng kị binh, quân Thành Cát Tư Hãn tránh giao đấu trực diện mà sử dụng cung tên tiêu diệt kẻ địch từ xa. Nếu áo giáp của quân châu Âu quá dày, họ sẽ tấn công vào ngựa chiến.
Luyện tập và kỉ luật
Trang bị của cung thủ Mông Cổ.
Bài tập bắt buộc với lính Thành Cát Tư Hãn là điều khiển ngựa, bắn cung, đội hình tác chiến. Bài tập này đi kèm kỉ luật được đặt ở mức cao nhất. Dù vậy, quân Mông Cổ không quá cứng nhắc trong việc áp đặt binh sĩ, miễn là chiến thuật đề ra được tuân thủ. Quân Mông Cổ phải tuân thủ vô điều kiện cấp trên và đặc biệt là hoàng đế. Nếu một người lính bỏ trốn khi giao chiến, 9 người còn lại trong đội hình sẽ bị xử tử.
Kị binh
Giáp chiến của kỵ binh Mông Cổ nhẹ hơn so với "đồng nghiệp" từ châu Âu.
60% lính mông cổ là kị binh bắn cung, số còn lại là mặc giáp hạng nặng và cung thủ. Kị binh nhẹ của Mông Cổ thực sự là "nhẹ nhàng" so với tiêu chuẩn thời điểm đó. Điều này giúp lính cưỡi ngựa của Mông Cổ có thể thực thi chiến thuật dễ dàng so với những kị sĩ giáp áo nặng nề của châu Âu.
Những người lính còn lại trong quân đội Thành Cát Tư Hãn trang bị nặng hơn với khiên để cận chiến sau khi cung thủ làm rối loạn đội hình địch. Lính Mông Cổ thường mang mã tấu và rìu.
Quân Mông Cổ bảo vệ ngựa giống cách họ tự bảo vệ mình, đó là che phủ bằng lớp kim loại. Giáp ngựa chia làm 5 phần và bảo vệ những phần trọng yếu như trán và thân mình. Ngựa chiến Mông Cổ nhỏ nhưng gan lì và hoạt động đường xa tốt. Chúng chịu được thời tiết khắc nghiệt, ngay cả trong mùa đông giá rét ở Nga.
Ngựa Mông Cổ không cần ăn uống mỗi ngày và có thể tự tìm cỏ để sinh tồn. Trước đây từng có cuộc đua ngựa 30km giữa ngựa Mông Cổ và ngựa Ả Rập hay Thoroughbred, tuy nhiên ngựa Mông Cổ chạy đường xa tốt hơn hẳn. Khả năng tác chiến dài hơi giúp Thành Cát Tư Hãn có được lợi thế lớn trước quân địch trong thế trận dài ngày.
Điểm yếu duy nhất của ngựa Mông Cổ là chậm chạp. Chúng thua trong những cuộc đua nước rút với ngựa phương Tây. Dù vậy, quân châu Âu thường trang bị nặng nề nên vẫn bị ngựa Mông Cổ bỏ xa. Lính Thành Cát Tư Hãn thường tới địa điểm tấn công nhanh hơn dự tính của quân địch từ 7 tới 10 ngày.
Hậu cần
Một trang phục lính Mông Cổ trưng bày ở bảo tàng Nhật Bản.
Quân đội Thành Cát Tư Hãn thường có xe ngựa đi kèm, mang theo lương thực và vũ khí như cung tên, rìu chiến. Trở ngại duy nhất với quân Mông Cổ là không tìm được thức ăn, nước uống cho ngựa nuôi. Điều này khiến quân Mông Cổ từng gặp khó khăn trong trận đánh với người Mamluk ở Syria do khí hậu quá khô cằn. Khi đánh nhau trong trận Mohi, vùng đồng bằng rộng lớn của Hungary không đủ thức ăn khiến gia súc, ngựa chiến bị đói.
Liên lạc
Quân Mông Cổ có một hệ thống trạm ngựa giao liên tương tự hệ thống ở Ba Tư cổ. Hệ thống bưu chính này của quân Mông Cổ được xem là ở quy mô lớn đầu tiên kể từ thời La Mã. Ngoài ra, quân Mông Cổ sử dụng cờ hiệu, tù và, cung tên chỉ dấu trong các trận đánh.
Đạo quân kharash
Một chiến thuật được Thành Cát Tư Hãn và những hoàng đế Mông Cổ sau này sử dụng là "đạo quân kharash". Khi chiếm được một vùng nào đó, quân Mông Cổ sẽ bắt giữ dân địa phương và ép họ đứng ở tiền tuyến. Những "lá chắn sống" này sẽ hứng trọn tên của kẻ địch và giúp lính Mông Cổ an toàn. Đạo quân kharash cũng được dùng để phá tường rào của đối phương.
Chiến thuật
Các loại vũ khí được quân Mông Cổ ưa dùng.
Nghệ thuật chiến trận của quân đội Thành Cát Tư Hãn nói riêng là sự kết hợp của kỉ luật, rèn luyện, giao liên. Lính Mông Cổ được tập luyện cho mọi khả năng đánh trận nên họ xử lý rất thuần thục trên thực địa. Không giống những nước khác, quân Mông Cổ bảo vệ chỉ huy rất tốt. Kỉ luật và các bài tập cho phép quân Mông Cổ đánh trận không cần chỉ huy liên tục.
Nếu có thể, chỉ huy quân Mông Cổ sẽ tìm địa điểm có vị trí cao nhất rồi đưa ra quyết định chiến lược trong trận chiến. Ngoài ra, vị trí cao giúp họ quan sát hiệu lệnh tốt hơn so với ở trên mặt đất. Cuối cùng, vị trí này an toàn hơn khi giao chiến.
Quân phương Tây chú trọng vào phẩm chất cá nhân, yêu cầu người chỉ huy phải dũng cảm, kiên gan. Ngược lại, quân Mông Cổ coi chỉ huy là tài sản vô giá. Một tướng Mông Cổ như Tốc Bất Đài không thể cưỡi ngựa do tuổi cao và quá béo, nhưng người này vẫn được quân sĩ tôn trọng tuyệt đối. Tốc Bất Đài là cánh tay phải của Thành Cát Tư Hãn.
Tình báo và chiến sách
Do thám và cảnh giới là nhiệm vụ tối quan trọng được Thành Cát Tư Hãn đề cao trước mỗi trận đánh quan trọng.
Quân Thành Cát Tư Hãn do thám quân địch rất cẩn trọng trước mỗi lần ra trận. Trước khi xâm lược châu Âu, Tốc Bất Đài và Bạt Đô, hai tướng tài dưới thời Thành Cát Tư Hãn được mệnh danh là "bách chiến bách thắng", dành hẳn 10 năm trinh sát "Lục địa già". Mọi con đường ở La Mã, các tuyến hàng hải quan trọng, mức độ quản lý của mỗi vùng đất đều được tính toán chi tiết.
Khi xâm lược một khu vực, quân Mông Cổ làm tất cả mọi cách để chiếm toàn bộ thành phố hoặc thị trấn trọng yếu. Một số chiến thuật "ưa thích" là đổi dòng chảy của một con sông qua thành phố, chặn nguồn tiếp tế hoặc dùng "biển người địa phương" tràn vào địa điểm định tấn công. Khi dòng người ồ ạt tràn vào thành phố, lương thực, nước uống ở đây sẽ bị tiêu hao nhanh chóng và quân Mông Cổ chỉ đợi đối phương đầu hàng.
Tâm lý chiến
Quân Mông Cổ sử dụng tâm lý chiến rất hiệu quả, nhất là khi muốn truyền bá sự sợ hãi và lo sợ tới một thành phố. Lí do bởi quân Mông Cổ không muốn chiến tranh xảy ra để thành phố cần xâm lược bị phá hủy tan hoang. Khi một nơi đầu hàng, người dân phải tham gia vào quá trình cung cấp vật lực, nhân lực cho trận chiến tiếp theo của quân Mông Cổ.
Chiến thuật quân Thành Cát Tư Hãn hay sử dụng là chia nhỏ đội hình, tấn công du kích để khiến đối phương cảm giác choáng ngợp. Tấn công bên sườn hoặc vờ rút lui là hai chiến sách thường được sử dụng nhất.
Một kĩ thuật khác quân Thành Cát Tư Hãn hay dùng là xuất hiện ở một ngọn đồi cao rồi lại có mặt ở địa điểm khác định sẵn. Mục đích là khiến đối phương cảm giác quân Mông Cổ có mặt ở mọi nơi, từ mọi hướng với lực lượng vô cùng áp đảo. Nếu áp sát quân địch vào ban đêm, mỗi lính Mông Cổ được yêu cầu đốt 5 ngọn đuốc để tạo cảm giác "ngợp" với đối phương.
Ngoài ra, quân Mông Cổ cũng thường buộc cành cây vào đuôi ngựa hoặc rải lá đằng sau để tạo cảm giác quân số rất đông đảo. Mỗi người lính nuôi 3 tới 4 con ngựa nên việc này cũng dễ dàng hơn khi áp dụng tâm lý chiến.
_____________________________
Dù được mệnh danh là người chinh phạt bách chiến bách thắng nhưng Thành Cát Tư Hãn cũng từng "ngã ngựa" ở chiến trường nước Nga. Chỉ một phút sơ sẩy, quân Mông Cổ đã phải trả giá đắt bằng sự hy sinh của vài vạn người. Mời bạn đọc bài tiếp theo xuất bản sáng sớm 12.10 để hiểu thêm về thất bại cay đắng của Thành Cát Tư Hãn.
Theo Quang Minh - Tổng hợp (Dân Việt)
Đế chế vĩ đại xây trên "núi xác" của Thành Cát Tư Hãn Ở thời điểm đỉnh cao, đế chế Mông Cổ rộng tới 24 triệu km2, gấp 2,5 lần diện tích Trung Quốc ngày nay và chiếm 16% diện tích đất liền thế giới. Tượng Thành Cát Tư Hãn do đời sau dựng lại Thành Cát Tư Hãn được xem là nhân vật đặc biệt quan trọng trong lịch sử thế giới với tài năng...