Trân châu đường đen: sự nổi dậy của một “đế chế” trong năm 2018 kéo theo những phiên bản kỳ quặc nhất từ trước đến nay
Không phải trân châu trắng hay kem sữa… thời bây giờ chỉ có trân châu đường đen mới xứng đáng là topping quốc dân trong “làng trà sữa” hiện tại.
Trà sữa mà không có trân châu thì cũng như… đám cưới mà không có cô dâu
Phải là những người nghiện trà sữa đến mức “ăn không ngon, ngủ không yên”, nếu một ngày mà chưa được uống một cốc trà sữa của ngày hôm đó mới hiểu được hết giá trị của cặp đôi này. Bún đậu thì có mắm tôm, phở gà, phở bò cũng phải có quẩy… thế nên không có lý do gì mà trà sữa không được ghép đôi, ghép cặp với trân châu.
Có vài thời điểm tưởng rằng những loại topping đi kèm với trà sữa đã bị bão hòa và chẳng thể phát triển thêm được nữa…
Từ cái ngày mà trà sữa mới du nhập về Việt Nam vào những năm 2000, trà sữa lúc đó chỉ có vỏn vẹn hai thứ topping quen thuộc là trân châu đen và thạch rau câu. Mãi về sau, dần dần mới được nâng cấp lên và mở ra cùng hàng loạt loại topping như trân châu trắng, thạch phô mai, thạch aiyu, nha đam, flan trứng… Tưởng rằng “thời hoàng kim” của trân châu trắng là dấu chấm kết cho sự bão hòa của những loại topping thời đó, bởi người ta nghĩ rằng: “Thôi, đến đây chắc cũng là đủ cho “cuộc tình” giữa trà sữa và trân châu rồi, làm sao mà phát triển được nữa?”.
Vậy nhưng, nó lại vẫn phát triển tiếp thêm một bậc. Thậm chí còn là cột mốc mới mà chưa loại topping nào “cán đổ” được.
Ngay khi thị trường trà sữa đang dần bão hòa giữa các loại topping không mấy mới mẻ thì một ngôi sao mới đã xuất hiện và làm chấn động khắp mọi nơi, đó chính là trân châu đường đen.
Từ cuối năm 2017, một thương hiệu trà sữa ở Sài Gòn bất ngờ tung ra loại đồ uống mới mang tên “ sữa tươi trân châu đường đen”. Mặc dù, trân châu đường đen không gây ảnh hưởng nhiều hồi đó nhưng ai mà nghĩ rằng về sau nó lại làm nên được những kỳ tích mà khiến người khác phải “ngả mũ bái phục”?
Lại nói ngay từ ban đầu, chúng không xuất hiện trong những cốc trà sữa mà lại kết đôi trước với dòng đồ uống sữa tươi. Vậy là đủ thấy điểm khác biệt ngay khi món đồ uống này chính thức gia nhập vào thị trường trà sữa thời đó. Thế rồi, cứ từ từ, trân châu đường đen hòa quyện ăn ý với sữa tươi để tạo nên một trào lưu dường như không thể dập tắt được.
Chán uống trà sữa trân châu kiểu cũ, giờ người ta đi đâu cũng gọi sữa tươi trân châu đường đen.
Người ta bỗng chán cái kiểu uống mấy loại trà sữa vị nhài, vị trà xanh… thêm kem chesse hay kem sữa từng rất hot trước đó để thay đổi khẩu vị và ăn theo trào lưu sữa tươi trân châu đường đen. Hàng loạt quán trà sữa hay cả những quán cà phê mô hình khác cũng ăn theo trào lưu này và lập tức bổ sung ngay món đồ uống sữa tươi trân châu đường đen vào menu. Cứ như vậy, trân châu đường đen dần trở thành cụm từ ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người. Và rồi đến ngày nó trưởng thành hơn, người ta bắt đầu kết hợp nó cùng với trà sữa. Thế nên, khoảng thời gian về sau thì cụm từ “trà sữa trân châu đường đen” cũng bắt đầu được ưa chuộng và sử dụng phổ biến hơn.
Trân châu đường đen đến từ đâu?
Nếu hỏi về nguồn gốc của thứ đồ uống này bắt nguồn từ đâu thì bạn nên lục lại ký ức xem trà sữa trân châu hay được đặt cạnh tên của xứ sở nào nhất. Và câu trả lời chính xác là Đài Loan. Người Đài Loan gọi món thức uống này bằng cái tên hơi khó hiểu một chút là “ frog meets milk” – trà sữa không vị béo. Nơi đầu tiên xuất hiện sữa tươi trân châu đường đen ở Đài Loan là một cửa hàng trà sữa mang tên Chen Sang Ding. Vốn chỉ là một tiệm trà sữa nhỏ ven đường nhưng chính yếu tố độc đáo, khác lạ của món đồ uống này đã khiến người dân Đài Loan hiếu kỳ và tìm đến quán để thử cho bằng được.
Cuộc tổng tấn công của trân châu đường đen lan tỏa từ Đài Loan sang Singapore, Nhật Bản… và xuất hiện tại Việt Nam như một “hiện tượng” lạ.
Đài Loan là nơi khai sinh ra thứ đồ uống kết hợp với trân châu đường đen, sau đó cơn sốt bắt đầu lan sang Singapore từ tháng 2 năm nay và tiếp nối tại Nhật Bản. Mặc dù sữa tươi trân châu đường đen đã xuất hiện tại Sài Gòn từ tháng 12 năm ngoái, tuy nhiên, phải đến giữa tháng 4 năm nay thì món đồ uống này mới khẳng định được vị trí của mình ở Việt Nam.
Sau đó là sự bùng nổ của dòng đồ uống trân châu đường đen, khi mà vào bất kỳ một tiệm trà sữa yêu thích nào, bạn cũng có thể bắt gặp loại đồ uống này. Ở thời điểm đó, những cốc sữa tươi trân châu đường đen có giá tương đối cao, từ 65k – 70k/cốc. Tuy nhiên, đã có những phiên bản sữa tươi trân châu đường đen “ăn theo” ngoài vỉa hè chỉ bán có 20k/cốc nhưng lượng khách xếp hàng mua lại dài hết cả một con đường. Bắt đầu từ thời điểm đó, cơn sốt sữa tươi trân châu đường đen đã nổi dậy và trở thành một hiện tượng mới vào giữa năm 2018.
Trải qua mất bao nhiêu công đoạn mới có được những viên trân châu đường đen chuẩn vị nhất?
Video đang HOT
Người ta làm thứ topping này cũng rất kỳ công và tỉ mỉ, nhất là ở công đoạn nấu trân châu. Trước tiên là phải trộn đều bột năng, bột gạo và bột cacao (đã rây mịn) với nhau để tạo màu cho trân châu, sau đó mới hòa vào nồi nấu sôi cùng nước, đường đen (Dark Brown Sugar). Khi hỗn hợp này sôi già thì múc từng muôi ra để trộn vào âu bột to. Cứ từ từ rót nước sôi vào âu bột tiếp, vừa rót tay phải vừa nhào bột thật kỹ để ngấm nước đủ các mặt. Và cho đến khi khối bột này có độ mịn dẻo nhất định thì mới bắt đầu vê thành viên trân chân nhỏ. Đặc biệt, mỗi viên trân châu cũng phải đảm bảo được đường kính chuẩn là 0,5cm. Do đó, khi người ta cắt bột thành những khối nhỏ cũng phải ước chừng lúc vê tròn lại ra được đúng đường kính của một viên trân châu tiêu chuẩn.
Sau khi đã vê trân châu xong, người ta sẽ phủ tiếp một ít bột năng lên các viên đã nặn, và phải phủ đều để các viên trân châu này không dính vào nhau. Tiếp đó mới đến công đoạn luộc trân châu, khi nước sôi thì bắt đầu đổ trân châu vào nồi, đợi cho đến khi thấy các viên trân châu nổi lên mặt nước thì tắt bếp, đậy nắp và ủ thêm 20 phút nữa để trân châu chín hoàn toàn. Cuối cùng mới vớt trân châu ra và cho vào bát nước lạnh.
Tiếp đến là công đoạn làm đường đen, người ta sẽ hòa đường đen cùng nước trên nồi đun, khuấy đều cho đến khi sôi thì tắt bếp. Sau đó, đổ tiếp trân châu vào ngâm cùng nước đường trong khoảng 30 phút là những viên trân châu sẽ thấm đều và có độ bóng bẩy.
Vậy mới thấy, trân châu đường đen là một loại topping có quá trình thực hiện công phu nhất từ trước đến nay. Tuy nguyên liệu cũng tương đối đơn giản, nhưng cái khó là ở sự chuẩn xác trong quá trình nấu. Khi nấu phải căn được sao cho khối bột làm trân châu có độ mềm dẻo, hay ngâm cùng nước đường đen phải thật chỉn chu để nó thấm đẫm vị ngọt thanh đặc trưng từ đường đen. Tất nhiên sẽ không thể bỏ qua kỹ năng canh lửa chuẩn chỉnh đến từng giây. Vì nếu để quá lửa, trân châu sẽ mất đi độ mềm, dai vừa miệng mà thay vào đó là bị nhừ hoặc có khi lại hơi cứng, nhạt vị.
Một yếu tố quan trọng nữa cũng góp phần làm nên sự độc đáo của thứ topping quốc dân này chính là ở phần trang trí. Ngay khi cầm cốc sữa tươi trân châu đường đen trên tay, người ta hiếu kỳ nhất là ở phần đường mật chảy thành từng vệt chạy xung quanh thành cốc. Và đó chính là sự nghệ thuật của trân châu đường đen. Sau tất cả những công đoạn luộc nấu trước đó, khi bắt đầu múc trân châu vào cốc, người ta sẽ phải tráng đều xung quanh thành cốc bằng phần nước đường đen để chúng thấm mặt rồi mới múc trân châu vào, sau đó cho đá và đổ sữa tươi lên.
Khi uống cũng có hai kiểu uống, một kiểu là cắm thẳng ống hút xuống đáy ly và thưởng thức. Còn một kiểu nữa là khuấy tròn 9 vòng theo chiều kim đồng hồ để hòa lẫn vị đường vào sữa tươi cho nhạt bớt rồi mới thưởng thức. Cách thứ hai sẽ chỉ dành cho người nào không uống được ngọt nhiều, chứ để thưởng thức chuẩn vị nhất thì phải nhâm nhi cái vị đường đen còn đang nóng hổi ở dưới đáy cốc.
Hương vị mới lạ này từ khi xuất hiện đã làm mới khẩu vị của các tín đồ trà sữa hơn so với phiên bản trà sữa truyền thống… Nhưng, mọi chuyện không chỉ dừng lại ở những ly sữa tươi trân châu đường đen!
Hàng loạt những phiên bản “ăn theo” có phần kỳ quặc, khác thường khiến nhiều người cũng phải “chào thua”
Khi người ta đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến thứ topping này thì lại một lần nữa, trân châu đường đen tiếp tục được sáng tạo dưới vô vàn phiên bản hình dáng hoàn toàn mới lạ. Không phải chỉ là một thứ topping để “UỐNG” nữa mà người ta bắt đầu biến trân châu đường đen trở thành một loại topping để “ĂN”.
Tất nhiên, mọi thứ đều sẽ bắt nguồn từ Đài Loan, và chính Đài Loan là nơi làm ra chiếc bánh trà sữa trân châu đường đen đầu tiên. Một chiếc bánh mà cho đến thời điểm hiện tại vẫn còn gây ra rất nhiều tranh cãi.
Rất nhiều ý kiến cho rằng, trân châu đường đen hãy cứ làm tròn nhiệm vụ của mình trong cốc trà sữa đi đã, chứ đừng vội đi đầu quân sang những món đồ ăn một cách “vô tội vạ” như bây giờ. Phiên bản bánh trà sữa trân châu đường đen ban đầu xuất hiện và trở thành một món ăn vặt “cháy hàng” vì sự hiếu kỳ của nhiều người. Đến khi thưởng thức, người ta bắt đầu nhận ra rằng, mọi thứ “không như là mơ”. Để tìm được một địa chỉ bán bánh trà sữa trân châu đường đen ngon và chuẩn thì đúng là đếm trên đầu ngón tay. Mỗi tiệm bánh sẽ có một công thức khác nhau, nhưng cứ chạy theo xu hướng bánh trà sữa kiểu này thì dần dần hương vị đã chẳng còn như ban đầu. Người ta bắt đầu truyền tai nhau về những chiếc bánh trà sữa chỉ phù hợp để chụp ảnh “sống ảo” ngay khi vừa làm xong, chứ khi mang đi vận chuyển đến tay khách hàng thì hình thức đã xiêu vẹo và không còn long lanh nữa. Thậm chí đến khi ăn, nhiều người phải giật mình vì chiếc bánh kết hợp với trân châu đường đen này quá… bình thường. Đôi khi còn thiếu tính thẩm mỹ vì khi phần kem và phần trân châu đường đen hòa quyện vào nhau sẽ chảy ra, từ đó khiến chiếc bánh mất đi dáng vẻ gọn gàng như ban đầu. Kéo theo sau đó là rất nhiều tranh cãi nổ ra tiếp về loại bánh này… nhưng không biết liệu chiếc bánh này có trụ nổi hết năm nay hay cũng chỉ là một sản phẩm “nhanh nổi nhanh chìm” như bao thứ đồ ăn khác?
Bánh trà sữa cũng chỉ là một phiên bản làm dấy lên “sự nổi loạn” của trân châu đường đen. Bởi ngay sau khi chiếc bánh này xuất hiện, người ta bắt đầu khơi dậy suy nghĩ về trân châu đường đen nhiều hơn… để rồi những phiên bản kỳ quặc khác lại xuất hiện. Nào thì bánh flan trân châu, sukem trân châu, pizza trân châu, kẹo trân châu, bánh bao trân châu, bingsu trân châu… và hình như bất kỳ món ăn nào người ta cũng có thể nghĩ cho thêm trân châu vào được?
Cuộc chạy đua “nước rút” của hàng loạt thương hiệu trà sữa với dòng đồ uống mới là “sữa tươi trân châu đường đen” trong dịp cuối năm
Có lẽ đã dần nhận ra sức hút “không thể chối cãi” của trân châu đường đen nên từ khoảng tháng 9 đến cuối tháng 12 năm nay, rất nhiều thương hiệu trà sữa quen thuộc cũng đã bước vào đường đua với sự ra mắt của dòng đồ uống mới là sữa tươi trân châu đường đen. Sau The Alley, các thương hiệu tầm trung như Taster’s Choice, Feeling Tea, Bobapop, House Of Cha… đã bổ sung ngay cho mình thứ đồ uống ngọt ngào này. Tiếp nối đến một số thương hiệu “có tiếng” ở nước ngoài du nhập về Việt Nam như Royal Tea, YiFang Tea, Toocha, Gongcha, Sharetea… và mới đây nhất là cả thương hiệu lừng lẫy như KOI Thé cũng đã bước vào vòng đua trong dịp cuối năm (dù hơi muộn).
Dự báo là trong năm tới (2019), những thứ đồ ăn hay đồ uống về trân châu đường đen sẽ còn nhân rộng ra nhiều phiên bản khác nữa. Và nhiều người cũng phải công nhận rằng, trân châu đường đen chính xác đã trở thành thứ topping quốc dân ở thời điểm hiện tại và là sự nổi dậy của một “đế chế” mới.
Không biết là “cuộc tình với trân châu đường đen” này sẽ còn đi đến hồi nào, nhưng cứ nhìn thấy sự đổi mới của chúng hàng ngày và sự đón nhận từ khắp nơi thì thật khó để biết được hồi kết của thứ topping này. Thôi thì trân châu đường đen hãy cứ bước tiếp đi xem mình đứng ở vị trí nào trong thời gian tới nhé!
Theo Trí Thức Trẻ
Hot mom 8x Sài Gòn chia sẻ cách làm "siêu phẩm" sữa tươi trân châu đường đen vạn người mê
Từ nay bạn không phải ra tiệm mua sữa tươi trân châu đường đen nữa vì đã có công thức "chuẩn không cần chỉnh" này rồi.
A - LÀM XỐT ĐƯỜNG ĐEN
Nguyên liệu:
- Đường đen: 350gr (có thể mua của Hàn Quốc hoặc Đài Loan)
- Nước lọc: 150gr
- 1 miếng chanh nhỏ (bằng miếng ăn bún phở thôi nhé)
Cách làm
Cho cùng lúc đường đen và nước vào nồi, nấu lửa vừa đến khi đường tan hết và hơi sánh lại thì tắt bếp, lập tức vắt nước cốt chanh vào rồi khuấy nhẹ nhàng cho nước cốt chanh hòa vào nước đường, sau đó để sang một bên chờ nguội.
LƯU Ý: Tuyệt đối không khuấy nước đường trong lúc nấu để tránh hỗn hợp bị lại đường. Thời gian từ lúc bắc lên bếp đến khi đường hơi sánh lại tầm khoảng 25 phút. Vì nước đường lúc nguội sẽ đặc thêm nữa nên các bạn chỉ nấu đến khi nước đường hơi sánh thôi là đã có thể vắt nước cốt chanh vào, khi nguội nước đường sẽ sệt lại như mật ong là đúng chuẩn. Nếu để nước đường sánh quá thì khi nguội sẽ đặc kẹo như mạch nha rất khó pha chế.
B - LÀM TRÂN CHÂU ĐƯỜNG ĐEN
Nguyên liệu:
- Bột năng: 200gr
- Bột gạo: 10gr
- Bột cacao nguyên chất: 30gr
- Đương đen: 120gr
- Nước lọc: 380gr
Cách làm:
Bước 1
Cho bột năng, bột gạo, bột cacao vào tô trộn đều rồi để sang một bên. LƯU Ý: Nếu các bạn thích trân châu dai kiểu bánh bột lọc thì dùng 100% bột năng, nghĩa là 210gr bột năng. Còn nếu thích trân châu có độ dai vừa phải pha thêm chút độ dẻo mềm thì pha theo tỉ lệ bột như trên, nghĩa là 200gr bột năng 10gr bột gạo.
Bước 2
Nấu nước đường nhồi bột: Cho đường đen và nước lọc vào nồi rồi nấu đến khi đường tan, hỗn hợp sôi bùng. LƯU Ý: Cũng theo nguyên tắc không khuấy trong lúc nấu. Cứ bật bếp lên rồi để vậy đến khi nước đường sôi là được.
Bước 3: Nhồi bột
Sau khi nước đường sôi, các bạn lấy muỗng ăn cơm múc vài muỗng nước đường đổ vào tô bột đã chuẩn bị, vừa đổ vừa trộn đến khi nước đường thấm hết vào bột rồi lại đổ thêm vài muỗng nước đường nữa vào trộn tiếp. Cứ đổ và trộn như vậy đến lúc thấy bột có thể quyện thành khối rồi thì dừng và chuyển sang công đoạn nhồi bột. Các bạn đeo bao tay nilon vào và nhồi đến khi bột tạo thành một khối dẻo mịn và không dính là đạt. Sau đó dùng màng bọc thực phẩm bọc cục bột lại rồi để bột nghỉ 30 phút mới bắt đầu tạo hình .
Lưu ý:
- Đối với bột năng thì các bạn phải dùng nước sôi 100 độ thì bột mới kết dính lại thành khối dẻo dai. Do mỗi loại bột sẽ có độ hút nước khác nhau nên các bạn không đổ hết nước đường vào một lần mà phải cho từ từ, thấy bột tạo thành khối rồi thì ngưng không cho nước nữa và chuyển sang nhồi bột.
- Trong lúc nhồi bột, nếu thấy bột khô thì các bạn cho thêm chút nước đường (lúc này không cần nước đường sôi nữa, chỉ cần còn nóng là được), bột nhão thì các bạn lại cho thêm xíu bột năng rồi nhồi tiếp đến khi bột đạt chuẩn là xong.
- Về phần nước đường nhào bột, sau khi nhồi bột xong mà còn dư nhiều quá, thì các bạn lại bắc lên bếp nấu đến khi nước đường hơi sánh lại rồi vắt ít nước cốt chanh vào là xong (cách thức nấu giống y sốt đường đen ở trên), một lát chúng ta sẽ dùng phần nước đường này để ngâm trân châu chứ không bỏ đi.
Bước 4: Tạo hình
- Các bạn vê tròn cục bột lớn rồi chia 16 phần, lấy từng phần ra vê dài, cắt khúc nhỏ nhỏ rồi vo tròn thành viên như hình mẫu (phần bột chưa làm tới, các bạn dùng màng bọc thực phẩm hoặc khăn mỏng che kín lại để bột không bị khô).
- Sau khi đã tạo hình xong thì các bạn cho các viên bột vào tô lớn, rải lên đó khoảng 15 gr bột năng, dùng màng bọc thực phẩm bọc kín tô bột lại và xốc đều lên để các viên bột được áo một lớp bột khô, không bị dính vào nhau.
Bước 5: Luộc trân châu
Bắc một nồi nước lên bếp, chờ nước sôi rồi thả cac viên bột vào luộc, dung muông khuây nhe đê cac viên không dinh vao nhau và dính dưới đáy nồi. Khi thấy cac viên bột nôi lên trên mặt nươc nghĩa là bột đã chín, cac ban hạ nhỏ lửa rồi nấu tiếp đến khi bột lắng lại xuống đáy nồi thì tắt bếp. Lấy nắp nồi đậy lại ủ trân châu tầm 10 phút cho trân châu chín hoàn toàn. Trong lúc đợi ủ trân châu thì chuẩn bị 1 thau nước đá (tốt nhất là dùng nước lọc đã nấu chín để đảm bảo trân châu được sạch sẽ), sau khi hết thời gian ủ thì dùng rây thưa vơt trân châu ra cho vào thau nước đá để xả sạch lớp nước luộc bám bên ngoài trân châu là xong.
Bước 6
Ngâm trân châu với xốt đường đen: Dùng rây thưa vớt trân châu ra tô (nhớ lắc lắc rây để tháo sạch nước khỏi trân châu), lấy khoảng 2/3 lượng sốt đường đen ở phần A và lượng nước đường còn lại ở phần nhồi bột cho vào trân châu trộn đều. Ngâm trân châu ít nhất 30 phut cho thấm rồi mới đem pha chế.
C. Pha chế sữa tươi
1. Nguyên liệu:
- 1 lít sữa tươi thanh trùng
- 50ml kem tươi - whipping cream
2. Cách làm: Cho whipping cream vào sữa tươi khuấy nhẹ nhàng cho hỗn hợp hòa quyện là xong.
D. Trình bày và thưởng thức
Cac ban lấy một cái ly thuy tinh sach, múc trân châu vào ly rồi dung muông muc xốt đương đen trang vòng quanh thành ly như hình mẫu đê tao vân cho ly sữa. Cuối cùng là rót sữa vào, khuấy nhẹ đáy ly cho sốt hòa vào sữa là giống y hình các ly sữa quảng cáo ngoài tiệm luôn.
E. Bảo quản trân châu và xốt đường đen
- Trân châu: Bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, lúc ăn thì hâm trong lò vi sóng 1 phút, trân châu sẽ dẻo dai trở lại, sử dụng hết trong vòng 5 ngày.
- Xốt đường đen: Cho vào chai lọ đậy kín lại rồi bảo quản ở nhiệt độ phòng đến khi dùng hết. Không bảo quản trong tủ lạnh để tránh xốt đông cứng lại như kẹo.
Mẹ Tubi tên thật là Huỳnh Phương Trang, sinh năm 1985, sống tại Tp. HCM là một hot mom được cộng đồng các mẹ đam mê nội trợ và làm bánh rất yêu thích trong thời gian gần đây.
Theo Helino
Kinh hãi lẩu bò nhúng mattcha, sầu riêng, trân châu của người Trung Quốc Với cách ăn kỳ lạ này, liệu có mấy ai đủ can đảm để thưởng thức mùi vị lẩu bò kiểu mới này không. Trong những năm gần đây, các loại lẩu dường như đã được đổi mới đi rất nhiều. Vào mùa đông, lẩu là một món ăn rất được ưa chuộng với nhiều người. Tuy nhiên, người ta phát hiện ra...