Trấn áp giang hồ khu công nghiệp
Trước những vấn đề Báo Thanh Niên phản ánh qua loạt bài Giang hồ khu công nghiệp tại huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương, chiều 12.10, trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên, thượng tá Trương Văn Dũng – Trưởng công an huyện Bến Cát khẳng định: Công an huyện đã xác lập 3 chuyên án nhằm xử lý mạnh các băng nhóm, đối tượng giang hồ tại các KCN Mỹ Phước.
Thượng tá Trương Văn Dũng – Anh: Tuy Phong
Thượng tá Dũng cho biết: “Trước tiên, thay mặt cho Công an huyện Bến Cát, chúng tôi xin cảm ơn Báo Thanh Niên đã nêu lên thông tin, phản ánh những vấn đề đang tồn tại ở địa phương. Những nội dung mà Báo Thanh Niên đã đưa, chúng tôi đã chỉ đạo lực lượng nghiệp vụ kiểm tra lại những tình tiết, nội dung báo đăng. Công an huyện đã ra quân rà soát, theo dõi và đưa vào tầm ngắm các đối tượng giang hồ đang hoạt động trên địa bàn. Tình hình an ninh trật tự tại thị trấn Mỹ Phước và xã Thới Hòa là hai địa bàn tương đối phức tạp. Thứ nhất, do điều kiện phát triển công nghiệp, đô thị nhanh như hiện nay, số lượng dân nhập cư khá đông. Riêng thị trấn Mỹ Phước có trên 700 nhà trọ và trên 20.000 dân tạm trú. Xã Thới Hòa có trên 800 nhà trọ và trên 22.000 dân tạm trú”.
Ông Dũng nói thêm, tình hình dân nhập cư đông như thế, công tác quản lý địa bàn, ở một số xã, quân số (công an – PV) còn hạn chế, rồi năng lực của một số công an viên cũng còn hạn chế trong quản lý địa bàn. Trong thời gian qua, công an huyện cũng đã tập trung đấu tranh triệt phá nhiều băng nhóm trên địa bàn KCN Mỹ Phước. Chẳng hạn như các đối tượng Công, Quyết mà báo nêu chuyên trộm điện thoại di động thì trong tháng 9, công an huyện đã xử lý. Vụ việc đòi bảo kê công ty mà Báo Thanh Niên viết tắt là Công ty M. thì công an huyện cũng đã tiếp xúc, làm việc với ban giám đốc công ty và đã xử lý trong tháng 9.
Cảnh sát hình sự (cầm súng) Công an huyện Bến Cát bắt giữ đối tượng phạm pháp – Anh: Tuy Phong
Xác lập 3 chuyên án chính
Ông Dũng tỏ rõ quyết tâm: Công an huyện Bến Cát xác định đây là nhiệm vụ nặng nề, phải tập trung lực lượng để giải quyết tình hình trật tự xã hội trong thời gian tới. Công an huyện đã tham mưu cho UBND huyện triển khai kế hoạch chuyển hóa tình hình an ninh trật tự trong huyện, trong đó chọn địa bàn thị trấn Mỹ Phước và xã Thới Hòa làm điểm trong việc chuyển hóa địa bàn. Công an huyện đã xác lập 3 chuyên án chính, nhằm xử lý mạnh các băng nhóm, đối tượng giang hồ tại các KCN Mỹ Phước gồm: trấn áp các băng nhóm giang hồ; các đường dây trộm cắp tài sản từ các công ty bán ra ngoài; đá gà, cờ bạc, mại dâm.
Video đang HOT
Triệt phá đường dây lô đề trong công ty
Ngay sau khi Báo Thanh Niên đăng bài Lô đề bủa quây, Công an huyện Bến Cát đã vào cuộc khám xét và bắt giữ Phạm Quốc Thanh (SN 1972) là người ghi đề tại công ty P. (tức Panko vina đóng tại KCN Mỹ Phước I). Đối tượng L. (Lan) mà trong bài viết phản ánh cũng đã bỏ trốn khỏi địa phương. Liên quan đến các băng nhóm giang hồ, Công an huyện Bến Cát cũng đã lên danh sách theo dõi, thời gian tới sẽ củng cố chứng cứ để xử lý. Riêng ngày 14.10.2011, Công an H.Bến Cát đã bắt giữ Lê Thanh Đời (SN 1992 quê Cà Mau) và Nguyễn Chí Cường (SN 1989 quê Bạc Liêu), cả hai đối tượng này chuyên chặn đường “xin đểu” công nhân mỗi khi tan ca.
Theo Thanh Niên
Giang hồ khu công nghiệp - Kỳ 5: Giấy tờ giả tràn lan
Tại nhiều KCN ở Bình Dương, chỉ cần bỏ ra vài trăm ngàn đồng sẽ có ngay một bộ hồ sơ xin việc hoặc CMND, giấy phép lái xe giả. Thực trạng này đã tạo điều kiện cho nhiều đối tượng vi phạm pháp luật lẩn trốn và đi làm công nhân.
Ba đối tượng làm giấy tờ giả bị bắt giữ - ảnh: Tuy Phong
Các địa điểm nhận làm giấy tờ giả thường là các tiệm photocopy, chụp hình thẻ, thậm chí là tiệm sửa chữa điện thoại, hiệu thuốc tây. Trong vai công nhân mất hết giấy tờ tùy thân, chuẩn bị phải về quê làm hồ sơ, CMND để vào xin việc, chúng tôi được nhiều công nhân mách nước: "Về quê làm lại giấy tờ chi cho mất công, ra ngoài mà mua giấy gì cũng có, kể cả CMND".
2 tiếng có bộ hồ sơ giả!
Tại một tiệm photocopy nằm trên đường N1 (KCN Mỹ Phước I), sau khi nghe Tiến (một công nhân) trình bày bị mất CMND nhưng cần làm lại hồ sơ để đi xin việc nơi khác, chủ tiệm tên L. tặc lưỡi: "Không có thì để anh làm, mà giá cả cao hơn bộ hồ sơ bình thường". Theo L., có hai cách để làm CMND. Cách một là làm giả mẫu CMND, con dấu công an tỉnh... nơi đương sự cư trú. Cách hai đơn giản hơn, ra tiệm cầm đồ mua một CMND cùng năm sinh đem về lột ảnh thật ra, dán hình người cần làm giả vào, ép nhựa lại. "Theo hai cách trên, công nhân muốn mua bao nhiêu CMND, hồ sơ xin việc giả đều có", L. khẳng định và ra giá: "CMND giả hoàn toàn giá 300 ngàn đồng nhưng dễ bị phát hiện, còn CMND làm giả từ CMND của người khác đắt hơn 100 ngàn nhưng khó bị phát hiện và dùng được lâu".
Khi Tiến quyết định chọn cách làm thứ hai, L. hướng dẫn ra tiệm cầm đồ gần đó tìm mua CMND với giá 300 ngàn đồng và cầm về cho L. hoàn tất mọi thủ tục. L. yêu cầu Tiến đóng 100 ngàn tiền công làm CMND, 180 ngàn tiền bộ hồ sơ xin việc và hẹn 2 tiếng sau quay lại lấy.
Theo chỉ dẫn của nhiều công nhân, chúng tôi tìm hiểu tại nhiều KCN ở Dĩ An, Thuận An, Bến Cát, Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, thấy việc làm giấy tờ giả quả dễ dàng và nhanh chóng. Không chỉ có hồ sơ xin việc, CMND mà cả giấy phép lái xe, sổ đỏ nhà đất cũng bị làm giả. Mới đây, vào ngày 10.10.2011, Công an P.Hiệp An (TX Thủ Dầu Một) bắt giữ Cao Văn Thư (SN 1977, quê Nghệ An), Phan Anh Đức (SN 1974, quê Quảng Trị) và Nguyễn Tống Giang (SN 1989, quê Phú Thọ) nằm trong đường dây làm giả giấy tờ, con dấu của cơ quan nhà nước. Khám xét nơi ở các nghi can tại KP 2, P.Hiệp An, công an thu giữ tang vật gồm 2 máy in màu, 1 máy chụp hình, 1 máy vi tính cùng nhiều giấy tờ đã in, con dấu giả của UBND xã Hương Lung (H.Cẩm Khê, Phú Thọ), UBND xã Diễn Cát (Diễn Châu, Nghệ An) và dấu của UBND P.Hiệp An (Thủ Dầu Một) cùng chữ ký giả Chủ tịch UBND P.Hiệp An. Tại cơ quan công an, Cao Văn Thư khai đã nhờ Phan Anh Đức làm giả giấy tờ để đi nhận tiền trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp, mỗi giấy làm giả Đức lấy 20 ngàn đồng. Còn Đức khai nhờ Nguyễn Tống Giang dùng kỹ thuật đồ họa trên máy tính để in các tài liệu giả.
Ngày 21.8, Cơ quan CSĐT - Công an TX Thuận An (Bình Dương) cũng bắt giữ Nguyễn Văn Tôn (28 tuổi, xóm 8, xã Thăng Bình, H.Nông Cống, Thanh Hóa), Phạm Huy Bảo (21 tuổi, quê Vĩnh Lộc, Thanh Hóa), Nguyễn Khắc Thành (23 tuổi) và Phan Thế Dũng (21 tuổi, cùng quê Lộc Hà, Hà Tĩnh) về hành vi làm giả con dấu, chữ ký của cơ quan nhà nước.
CMND và hồ sơ xin việc giả - ảnh: Công Nguyên
Tội phạm dùng giấy tờ giả để lẩn trốn
Làm và sử dụng giấy tờ giả có thể bị phạt tù 7 năm Hành vi làm và sử dụng giả hồ sơ xin việc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức" theo Điều 267 Bộ luật Hình sự. Tùy thuộc vào tính chất nghiêm trọng của hành vi mà người phạm tội có thể bị áp dụng khung hình phạt thấp nhất là phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc bị phạt tù cao nhất 7 năm. (Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM)
Theo đại úy Trần Minh Tâm, Phó đội Hình sự Công an H.Bến Cát, tình trạng giấy tờ giả tại các KCN hiện nay quá nhiều, gây khó khăn trong việc quản lý, theo dõi các đối tượng. Mới đây, Công an H.Bến Cát bắt Phạm Văn Thẩm, là công nhân tại KCN Rạch Bắp (Bến Cát), về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đối chiếu giấy tờ, công an phát hiện Thẩm tên thật là Phạm Văn Dưỡng (H.Gò Công Tây, Tiền Giang).
Ngày 12.9.2011, trong lúc tuần tra tại khu dân cư Mỹ Phước I, Tổ phòng chống tội phạm xã Thới Hòa (Bến Cát) phát hiện một thanh niên có đặc điểm giống nghi phạm bị Công an H.Đầm Dơi (Cà Mau) truy nã. Thông tin nhanh chóng được báo về Công an xã Thới Hòa và H.Bến Cát. Bí mật theo dõi, Công an xã Thới Hòa và H.Bến Cát bắt giữ được Huỳnh Trung Kiên (SN 1976), bị Công an H.Đầm Dơi truy nã về hành vi tổ chức đánh bạc. Khi lên làm công nhân tại đây, Kiên dùng CMND giả, làm hồ sơ xin việc đi làm để lẩn trốn.
Theo chị K., nhân viên phòng tuyển dụng một công ty điện tử tại KCN Mỹ Phước I: "Trong 100 công nhân tới tuyển dụng thì phát hiện hơn 50 bộ hồ sơ là giả. Các bộ hồ sơ này làm rất tinh vi, ai không có kinh nghiệm sẽ khó phát hiện được". Với kinh nghiệm 5 năm làm công tác tuyển dụng, chị K. chia sẻ: "Có nhiều bộ hồ sơ quê quán khác nhau nhưng cùng chung nét mực, chữ ký và cùng một chủ tịch xã".
Hiện nay, để không tuyển phải công nhân "bất hảo", ngoài việc xem xét kỹ lưỡng hồ sơ dự tuyển, nhiều công ty khi phỏng vấn còn kiểm tra hình xăm trên người dự tuyển, nếu có thì loại. Chị K. cho biết có nhiều công nhân vào làm việc rất chăm chỉ, nhưng khi bị công an bắt, công ty mới biết đó là nghi phạm đang trốn lệnh truy nã.
Theo Thanh Niên
Hơn 700 người bị bắt vì biểu tình tại Mỹ Cảnh sát Mỹ thông báo họ bắt hơn 700 người trong một cuộc biểu tình tại thành phố New York hôm nay. Giới chức bố trí một lực lượng cảnh sát lớn trên cầu Broolyn trước khi những người biểu tình tràn lên cầu vào ngày 2/10. Ảnh: AP. BBC đưa tin cảnh sát tiến hành bắt người khi một đám đông từ...