Trấn an đồng minh, xoa dịu căng thẳng với Trung Quốc
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ hôm qua 16/9 đã lên đường công du ba nước châu Á-Thái Bình Dương là Nhật-Trung-New Zealand, nhằm tìm cách hạ nhiệt căng thẳng Nhật-Trung đang sục sôi do tranh chấp lãnh thổ và giải thích cho Bắc Kinh về kế hoạch chuyển hướng sang châu Á.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta và người đồng cấp Nhật Morimoto.
Chuyến công du của người đứng đầu Lầu Năm Góc trùng với thời điểm căng thẳng giữa Bắc Kinh và Tokyo đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Hoa Đông leo thang, với hàng ngàn người Trung Quốc biểu tình chống Nhật hồi cuối tuần qua.
Ông Panetta, người từng là giám đốc cục tình báo trung ương Mỹ CIA, gặp Ngoại trưởng Nhật Koichiro Gemba trước vào ngày hôm nay và sau đó có cuộc gặp kéo dài hơn với người đồng cấp, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Satoshi Morimoto.
Mỹ đã nêu rõ sẽ không đứng về phía bên nào trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ nhưng vẫn chưa rõ Washington sẽ đóng vai trò gì trong căng thẳng, do lịch sử phức tạp giữa Nhật và Trung, cũng như mối quan hệ cơm không lành giữa Washington với Bắc Kinh.
Trước khi đặt chân tới Tokyo vào tối chủ nhật, ông Panetta cảnh báo khiêu khích trong bất kỳ cuộc tranh chấp lãnh thổ nào tại Hoa Đông cũng như Biển Đông cũng có thể bị thổi bùng thành một cuộc chiến, nếu các chính phủ không kiềm chế thêm.
“Tôi lo ngại khi nhìn thấy các nước có những hành động khiêu khích khác nhau và điều này có thể dẫn đến những bạo lực và cuối cùng là dẫn đến xung đột”. Ông Panetta nhấn mạnh: “Cuộc xung đột này có thể còn lan rộng ra”.
Video đang HOT
Khi thăm Nhật Bản, ông Panetta muốn đưa ra một tín hiệu là Mỹ củng cố sự hiện diện quân sự tại đây, và Washington vẫn luôn đứng bên cạnh đồng minhTokyo trong bối cảnh đang có căng thẳng do tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Hoa Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ cũng sẽ tìm cách trấn an Nhật Bản rằng việc đưa máy bay Osprey V-22 của thủy quân lục chiến Mỹ tới các căn cứ Nhật Bản là an toàn.
Ông Kenneth Lieberthal, một chuyên gia về Trung Quốc thuộc Học viện Brookings ở Washington, nhận định rằng, các lãnh đạo Trung Quốc lo ngại kế hoạch tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ tại châu Á là nhằm khống chế ảnh hưởng của Bắc Kinh và khuyến khích một số nước láng giềng chống lại Trung Quốc, trong các hồ sơ tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Vào lúc Trung Quốc đang có một sự chuyển giao quyền lực khó khăn, Bắc Kinh cho rằng sự can thiệp của Mỹ nhằm thổi phồng những căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước láng giềng. Điều này giúp cho Hoa Kỳ bố trí lại lực lượng để tạo thế cân bằng trong khu vực.
Theo chiến lược quân sự, được thông báo hồi tháng Giêng năm nay, Hoa Kỳ sẽ bố trí 60% lực lượng hải quân của mình trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, từ nay đến năm 2020, thay vì 50% như hiện nay. Nhằm cân bằng lại tương quan quân sự, Mỹ sẽ điều quân từ Nhật Bản đến Guam, luân chuyển một lực lượng thủy quân lục chiến ở phía bắc Australia, và có thể tạiPhilippines.
Tuy nhiên, ông Patrick Cronin, chuyên gia về châu Á ở Trung tâm An ninh mới của Mỹ tại Washington nói rằng, cái khó của ông Panetta khi giải thích chiến lược của Mỹ là không nên để cho Trung Quốc hiểu rằng chính sách cứng rắn của Bắc Kinh đã mang lại kết quả.
Theo giới chuyên gia, việc Trung Quốc phát triển bộ máy quân sự cũng là một thách thức đối với chiến lược của Mỹ tại châu Á. Bắc Kinh đã cho thử tiêm kích tàng hình vào tháng 1/2011, chế tạo tên lửa đối hạm DF-21. Do vậy, Hoa Kỳ đang có kế hoạch mở rộng lá chắn chống tên lửa trong khu vực, với sự tham gia của Nhật Bản và có thể cả Philippines.
Kết thúc vòng công du châu Á, ông Panetta sẽ tới New Zealand. Đây là lần đầu tiên kể từ 30 năm qua, một Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới thăm nước này. Cùng với Australia, New Zealand là đồng minh lâu đời của Hoa Kỳ, thế nhưng, quan hệ quân sự song phương đã có nhiều thay đổi, kể từ năm 1985, khi Wellington thông qua một đạo luật cấm các tàu dùng năng lượng hạt nhân hoặc có trang bị vũ khí nguyên tử tới các cảng của nước này.
Ông Robert Ayson, giáo sư nghiên cứu chiến lược, thuộc đại học Victoria, Wellington nhận định, việc các quan chức Mỹ liên tiếp công du New Zealand “phản ánh mối lo ngại của Hoa Kỳ là Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng trong vùng và Mỹ không muốn nhượng bộ Trung Quốc” tại khu vực nam Thái Bình Dương.
Theo Dantri
Mỹ kêu gọi Trung, Nhật kiềm chế
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta hôm nay kêu gọi những nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết cuộc tranh chấp lãnh thổ đang ngày một xấu đi giữa Nhật Bản và Trung Quốc, sau khi cảnh báo về nguy cơ chiến tranh.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta (trái) và người đồng cấp Nhật Bản Satoshi Morimoto trong cuộc họp báo tại Tokyo hôm nay. Ảnh: AFP
Phát biểu sau các cuộc gặp với giới chức Nhật Bản tại Tokyo hôm nay, ông Panetta kêu gọi các bên liên quan "bình tĩnh và kiềm chế" trong cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo, vốn leo thang mạnh mẽ trong tuần qua và dẫn đến làn sóng biểu tình bạo lực ở Trung Quốc.
"Rõ ràng các cuộc biểu tình và đụng độ quanh vấn đề Senkaku khiến chúng ta đều lo ngại", ông nhắc đến quần đảo do Nhật Bản quản lý. Nó được gọi là Điếu Ngư theo tiếng Trung.
"Việc cả hai bên sử dụng các biện pháp ngoại giao để giải quyết một cách tích cực vấn đề này là vô cùng quan trọng. Giải pháp cho tranh chấp phải dựa trên những quy tắc rõ ràng và luật pháp quốc tế". Ông khẳng định mối quan hệ tốt đẹp giữa Trung Quốc và Nhật Bản nằm trong lợi ích chung của tất cả mọi người.
Theo AFP, ông Panetta chiều qua có mặt ở Nhật Bản, bắt đầu chuyến công du 3 nước châu Á-Thái Bình dương. Chuyến thăm diễn ra khi làn sóng biểu tình chống Nhật bùng phát trở lại một cách dữ dội tại nhiều thành phố trên khắp Trung Quốc, trong đó các cơ quan ngoại giao cũng trở thành mục tiêu của bạo lực.
Trước đó phát biểu trên máy bay, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho rằng những hành động thái quá quanh tranh chấp nhóm đảo ở biển Hoa Đông có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, "gây xung đột và cuộc xung đột này sau đó có thể tiếp tục mở rộng".
Tranh chấp chủ quyền Senkaku/Điếu Ngư bị đẩy lên cao trào khi tuần trước, Nhật Bản tuyên bố quốc hữu hóa 3 trong số 5 đảo thuộc nhóm này. Tokyo đã sở hữu một đảo thứ tư và cho thuê đảo còn lại. Những hòn đảo không người sinh sống nằm trên tuyến đường vận tải biển quan trọng và gần khu vực được cho là chứa nguồn tài nguyên khoáng sản có giá trị.
Ông Panetta khẳng định cam kết của Mỹ đối với Nhật Bản dưới hình thức một hiệp ước quốc phòng song phương là không thay đổi. Tuy nhiên, chính sách của Mỹ là không đứng về bên nào trong tranh chấp lãnh thổ.
Trong chuyến công du châu Á dài một tuần, ông Panetta cũng sẽ dừng chân ở Bắc Kinh và Auckland, nhưng lịch trình ban đầu của ông không có tên Tokyo. Cuộc tranh chấp trên có khả năng đã khiến ông thay đổi hành trình, các nhà phân tích nói.
Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba, người có cuộc gặp với ông Panetta sáng nay, cũng lên tiếng yêu cầu Bắc Kinh hạ nhiệt căng thẳng.
"Những cuộc biểu tình chống Nhật đang lan rộng ở quy mô chưa từng thấy. Một vài trong số đó đã chuyển thành bạo loạn. Thật sự đáng tiếc khi kinh tế Nhật Bản phải hứng chịu những thiệt hại nặng nề", ông nói.
Các nguồn tin hôm nay cho hay các công ty Nhật Bản đang phải tạm dừng hoạt động tại Trung Quốc sau khi các nhà máy bị người biểu tình đập phá. Ông Gemba cho biết sẽ yêu cầu chính phủ Trung Quốc tiến hành các biện pháp thích hợp.
"Tôi hy vọng luật pháp và trật tự sẽ được tôn trọng", ông nói và cam kết sẽ hợp tác với Mỹ để đảm bảo quan hệ Nhật-Trung "không bị tổn hại nghiêm trọng".
Nhật Bản hiện là nhà đầu tư lớn nhất tại Trung Quốc. Kim ngạch thương mại hai chiều đạt 342,9 tỷ USD năm 2011, theo số liệu chính thức từ phía Trung Quốc.
Theo VNE
'Tranh chấp lãnh thổ ở châu Á có thể thành chiến tranh' Đó là nhận định của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta trước khi ông tới Nhật Bản để bắt đầu chuyến công du châu Á - Thái Bình dương. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta. Ảnh: AFP Phát biểu trước báo giới, ông Panetta kêu gọi sự kiềm chế trong bối cảnh căng thẳng gia tăng liên quan tới các tranh...