Trạm yêu thương: Thầy giáo 8X đi xe lăn truyền cảm hứng cho các em nhỏ
Với một bàn tay co quắp và phải ngồi xe lăn, anh Dũng không chỉ vẽ được tranh, viết nhạc, thông thạo tin học, vi tính, mà còn trở thành thầy giáo của rất nhiều em nhỏ.
Trạm yêu thương số 27 với chủ đề “ Tô màu cuộc sống” đã lên sóng 10h hôm nay (02/7) trên kênh VTV1 mang đến câu chuyện đầy xúc động về anh Trương Tấn Dũng (sinh năm 1982). Bị tật nguyền từ lúc lên 3, năm lên 10 tuổi mẹ mất, cha bỏ đi, tuổi thơ đầy bất hạnh nhưng anh Dũng không để điều đó ngăn cản ước mơ của mình. Với một bàn tay co quắp và phải ngồi xe lăn, anh Dũng không chỉ vẽ được tranh, viết nhạc, thông thạo tin học, vi tính, mà còn trở thành thầy giáo của rất nhiều em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt. Điều gì đã giúp cuộc sống của anh Dũng đầy màu sắc và sự lạc quan?
Không gian Trạm yêu thương tuần này mở ra với những bức tranh đầy màu sắc của các em nhỏ được nuôi dưỡng tại Trung tâm bảo trợ Nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh (quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng). Những nét vẽ thơ ngây, nguệch ngoạc là biết bao cố gắng của các em cùng sự nỗ lực hướng dẫn của một người thầy đặc biệt – anh Trương Tấn Dũng.
Kể về cuộc đời mình, ánh mắt anh Dũng không giấu được vẻ đượm buồn: “Mình sinh ra là một đứa trẻ bình thường nhưng năm lên 3 tuổi, sau một cơn sốt nặng, cơ thể mình trở nên biến dạng, chân không di chuyển được và tay bị co quắp. Vài năm sau đó thì mẹ qua đời, cha mình vì quá đau buồn nên đã bỏ đi”. Cậu bé Dũng ngày đó may mắn khi được bà ngoại đón về chăm sóc và ở bên cho đến bây giờ. Thiếu thốn tình cảm gia đình từ nhỏ nên với anh Dũng, khoảnh khắc ở bên bạn bè người thân luôn được anh trân trọng.
Khi được hỏi sẽ lựa chọn 3 màu nào để nói về cuộc đời mình, anh Dũng tâm sự tuổi thơ của anh gắn liền với màu u tối, nhưng bây giờ thì ngập tràn sắc màu tích cực. Bởi cuộc sống không cho mình được chọn nơi sinh ra nhưng sẽ được chọn nơi bước đến. Phải ngồi xe lăn và chỉ sử dụng được một tay, thế nhưng anh Dũng vẫn tìm mọi cách để thực hiện những đam mê của mình. Anh chia sẻ thích xem nhất là bóng đá và muốn làm cầu thủ. Nhưng vì hạn chế của cơ thể nên anh đã nghĩ ra cách chia quân cờ tướng thành hai đội để tự thiết kế một trận đấu cho bản thân.
Video đang HOT
Không chỉ vậy, anh Dũng còn tìm cách để học chữ để có nhiều cơ hội làm việc. Gia đình không có điều kiện cho đi học, anh Dũng học từ người em. Khi đã có chút “vốn liếng” chữ nghĩa trong đầu, anh đã nghĩ đến việc phải làm được việc gì đó để đỡ đần cho bà ngoại. Anh xin ngoại đi bán vé số để trang trải cuộc sống và tới gần ước mơ hội họa của mình. Không chỉ học vẽ, anh Dũng còn học tin học và sử dụng thành thạo máy vi tính. Một tay không dùng được, một tay thì lóng ngóng, anh Dũng luôn cố gắng nhiều hơn mọi người, thường xuyên thức đến 4-5h sáng để luyện tập. Và nỗ lực ấy đã được đền đáp, điểm các bộ môn của anh ngày đó đều cao nhất lớp.
Vừa vẽ đẹp, vừa biết hát, anh Dũng dễ dàng hòa nhập với mọi người. Sau này anh có cơ hội làm việc tại Trung tâm bảo trợ Nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh Đà Nẵng. Dù lớp học của anh toàn học sinh đặc biệt, công việc giảng dạy không đơn giản, để các em khuyết tật học được một chữ phải mất 1 tháng, có khi bị học sinh đánh nhưng anh Dũng vẫn hết sức kiên trì, vì anh muốn các em nhỏ không may mắn sẽ tìm được những gam màu tích cực giống như mình.
Chia sẻ về ước mơ, anh Dũng hy vọng trong tương lai sẽ mở được xưởng in để tạo điều kiện cho các em ở trung tâm anh dạy có thêm thu nhập, tự nuôi sống bản thân. Món quà của Trạm yêu thương sẽ phần nào tiếp thêm sức mạnh cho anh Dũng trên hành trình biến mơ ước đầy nhân văn của mình trở thành hiên thực.
Hành trình tô màu cuộc sống đầy sự lạc quan của người thầy ngồi trên xe lăn Trương Tấn Dũng đã truyền cảm hứng cho khán giả trong Trạm yêu thương. Quý vị đón xem chương trình vào lúc 10h00 thứ Bảy hàng tuần trên kênh VTV1.
Trạm yêu thương: Nữ sinh bị bỏ rơi từ lúc chào đời, 24 năm đi bằng đầu gối
Không có một đôi chân lành lặn, phải di chuyển bằng đầu gối nhưng Phạm Thị Thu Thủy luôn duy trì lối sống tích cực và lòng bao dung.
Câu chuyện về nghị lực sống của cô gái 9X Phạm Thị Thu Thủy đã mang đến nhiều cung bậc cảm xúc trong Trạm yêu thương số 25 chủ đề "Đường về nhà" lên sóng lúc 10h00 thứ Bảy (ngày 18/6) trên kênh VTV1.
Xuất hiện trong chương trình Trạm yêu thương với nụ cười luôn nở trên môi, Thu Thủy (sinh năm 1997) thể hiện ca khúc "Sống như những đóa hoa" bằng ngôn ngữ ký hiệu. Không phải Thủy bị câm điếc bẩm sinh, cô gái cao 1m10 này học ngôn ngữ ký hiệu vì một ước mơ hết sức nhân văn: trở thành giáo viên dạy trẻ em khuyết tật. Cô hiện là sinh viên năm cuối Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh.
Kể về hoàn cảnh của mình, đôi mắt Thủy nhòe đi nhưng giọng nói thì đầy hào hứng: "Em không biết cha mẹ mình là ai vì... em bị bỏ rơi ở bệnh viện Từ Dũ ngay từ lúc chào đời. Thế nhưng chưa bao giờ em thôi hy vọng được gặp lại họ". Với Thủy, bố mẹ chính là nguồn động lực lớn lao để em có được năng lượng tích cực.
Lạc quan là thế nhưng hành trình lớn lên của Thủy là những chuỗi ngày khó khăn và thiếu thốn tình yêu thương. Bị khuyết tật vận động, với đôi chân co quắp từ đầu gối đến bàn chân, Thủy kể lúc mới tập đi thật khủng khiếp: "Nếu như các bạn tập đi bằng chân, thì mình đi bằng đầu gối". Nhưng nỗi đau bằng thể xác không thể sánh nổi nỗi đau tinh thần khi Thủy nhận ra mình khác biệt với bạn bè cùng trang lứa những năm học cấp 1.
Từ cấp 2 trở đi, Thủy được sống và học tập cùng các bạn có hoàn cảnh giống mình. Từ đó, cuộc sống của em như bước sang một trang mới, ngôi trường này giúp em tự tin hơn và nỗ lực phấn đấu cho tương lai. Đặc biệt hơn khi em được sống trong sự quan tâm, yêu thương của bạn bè, thầy cô.
"Em luôn khát khao đi học để mang kiến thức và năng lượng tích cực đến cho những bạn khiếm khuyết giống mình". Nghĩ là làm, Thủy học ngày học đêm để thi vào đại học. Đến nay, cô gái sinh năm 1997 là sinh viên năm cuối trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh và là giáo viên thực tập chuyên khiếm thính tại một Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật ở Bình Dương.
Thủy kể những ngày tháng hiện tại, em vô cùng hạnh phúc vì đã chạm tay đến ước mơ trở thành giáo viên, giúp các em nhỏ học tập, ăn uống, sinh hoạt và truyền đi tinh thần lạc quan, yêu đời và vươn lên trong mọi hoàn cảnh.
Khi hỏi về ước mơ của bản thân, Thủy cho biết khát khao lớn nhất của em là tìm thấy ba mẹ, được sống chung với họ trong một mái nhà, được yêu thương, chăm sóc và san sẻ với họ những niềm vui cũng như khó khăn trong cuộc sống. Còn hiện tại, Thủy đang nỗ lực hết mình qua việc lan tỏa sự tích cực đến những học sinh khuyết tật và trong tương lai em ước mơ sẽ trở thành phiên dịch viên chuyên ngành ngôn ngữ ký hiệu.
Món quà của Trạm yêu thương sẽ phần nào giúp Thủy san sẻ bớt gánh nặng về kinh tế và tiếp thêm sức mạnh cho Thủy viết tiếp ước mơ lâu dài của mình.
Quý vị đón xem chương trình Trạm yêu thương phát sóng lúc 10h00 thứ Bảy hàng tuần trên kênh VTV1.
Trạm yêu thương: Nghị lực phi thường của cậu bé lớp 3 Dù không có đôi tay, cậu bé Nguyễn Đông Khải (sinh năm 2014, Bắc Ninh) vẫn có thể viết, vẽ tranh và làm bất cứ việc gì mà một em nhỏ có thể làm được. Câu chuyện về hành trình đặc biệt của cậu bé Nguyễn Đông Khải đã được kể lại trong chương trình Trạm yêu thương số 24 chủ đề "Luyện...