Trạm yêu thương: Bố tâm thần, mẹ động kinh nuôi hai con học giỏi
Câu chuyện về nghị lực vượt khó và sức mạnh của tình yêu thương sẽ được chị Hoàng Thị Quy bật mí trong Trạm yêu thương chủ đề “ Hãy yêu nhau đi”.
Chị Hoàng Thị Quy (sinh năm 1974, Hưng Yên) sinh ra trong một gia đình nghèo khó, từ nhỏ đã mồ côi cha và mắc chứng động kinh. Gia cảnh khó khăn, chồng lại mắc chứng tầm thần phân liệt nên chị Quy gánh trên vai mọi việc lớn nhỏ trong gia đình. Dù không hoàn hảo nhưng họ đã cùng nhau tạo nên một gia đình có hai người con chăm ngoan, học giỏi. Câu chuyện về nghị lực vượt khó và sức mạnh của tình yêu thương sẽ được chị Quy bật mí trong Trạm yêu thương chủ đề “Hãy yêu nhau đi”.
Mang đến Trạm yêu thương những mớ rau muống xanh mơn mởn, chị Quy chia sẻ nhờ những mớ rau này mà mình có tiền chăm lo cho gia đình và nuôi hai con ăn học. Kể về hoàn cảnh của mình, chị Quy cho biết: Bố mất sớm, một mình mẹ nuôi nấng các con. Lên lớp 3, cô bé Quy đột nhiên giật đùng đùng rồi bất tỉnh mấy lần, khi đi khám mới phát hiện mắc chứng động kinh, phải liên tục uống thuốc. Hết lớp 7 thì Quy phải nghỉ học ở nhà vì bệnh thường xuyên tái phát. Mặc cảm, không muốn trở thành gánh nặng cho người khác, nên sau này chị Quy quyết không lấy chồng, chỉ ở nhà phụ mẹ làm ruộng.
Thế nhưng, thấy chị lẻ bóng, mọi người đã giới thiệu và vun vén cho chị với anh Phạm Văn Hinh. Anh Hinh mắc chứng tâm thần phân liệt, làm gì cũng chậm. “Hồi đầu, anh nhổ mạ, nhổ cả cỏ. Mình dạy anh cách phân biệt mạ với cỏ lồng vực, khi cấy phải cắm mạ thế nào, đứng tát nước sao cho đúng. Người thường mỗi ngày cuốc được 5 miếng ruộng thì anh Hinh chỉ được 1. Người thường mỗi ngày nhổ được 100 bó mạ thì anh Hinh chỉ được 30. Người thường mỗi ngày gặt được cả sào thì anh Hinh chỉ được 2 khoảnh nhỏ. Lắm lúc thấy chồng người làm ra tiền còn chồng mình đã chậm chạp mà có khi bảo cũng không thèm làm, nhiều khi tủi thân chỉ biết khóc. Nhưng rồi tự an ủi mình, xác định là cái số rồi thì phải chấp nhận. Nước đến đâu, bắc cầu đến đấy”, chị Quy tâm sự.
Cho đến khi có con, anh Hinh vẫn vậy, không rõ là vui hay buồn. Dù vậy, chị Quy vẫn cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Với chị, tài sản lớn nhất chính là hai đứa con. Từ lớp một đến nay, hai con của anh chị là Phạm Văn Thông và Phạm Thị Thương đều đạt học sinh giỏi. Lúc thi vào trường THPT chuyên tỉnh Hưng Yên, Thông đỗ ngay vào top đầu của trường và nỗ lực trở thành học sinh giỏi Toán quốc gia, còn Thương thi đỗ trường THCS của huyện cũng là niềm ước ao của biết bao gia đình. Ngoài học giỏi, Thông và Thương đều rất ngoan và thương bố mẹ.
Video đang HOT
Gia cảnh hai bên vợ chồng chị Quy đều khó khăn, gia tài anh chị vỏn vẹn chỉ có sào ruộng. Ngoài công việc chính bán rau mỗi sáng, chị Quy làm thêm đủ thứ nghề từ chọc tâm sen, trồng cần nước đến làm mành… để có thêm thu nhập. Nếu chị Quy là lao động chính thì anh Hinh ở nhà chăm lo cơm nước. Theo lời chị, anh Hinh chính là “đầu bếp của gia đình”. Dù mắc bệnh, không nhanh như người ta nhưng anh là người yêu vợ, thương con. “Người ngoài nói chưa chắc anh đã nghe, nhưng vợ bảo gì cũng răm rắp”, chị Quy tâm sự.
Cuộc đời đã gắn kết hai con người không hoàn hảo đến với nhau bằng tình thương nhiều hơn cả tình yêu. Hai đứa con chăm ngoan học giỏi chính là động lực giúp chị Quy có thêm niềm tin trong cuộc sống. Dù vất vả đến đâu, chị cũng cố gắng làm việc để con cái được ăn học nên người. Vì theo chị Quy, chỉ có học thật giỏi, các con mới thêm hiểu biết và thoát cảnh nghèo như bố mẹ.
Khi được hỏi về ước mơ trong tương lai, Chị Quy chỉ mong chồng khoẻ mạnh, hai con tiếp tục chinh phục những nấc thang mới trên con đường học thức, cháu Thông vẫn tiếp tục nuôi ước mơ trở thành bác sĩ với hy vọng chữa được bệnh cho bố mẹ. Món quà của Trạm yêu thương sẽ phần nào tiếp thêm sức mạnh cho chị Quy và gia đình. Bên cạnh ê kíp thực hiện đã tặng anh chị bộ ảnh cưới lần đầu tiên sau 20 năm chung sống. Bộ ảnh không quá cầu kỳ nhưng vẫn toát lên tình yêu chân thật và giản dị của anh chị.
Nhiều câu chuyện ý nghĩa sẽ được kể lại trong Trạm yêu thương, chủ đề “Hãy yêu nhau đi” lên sóng lúc 10h00 thứ Bảy ngày 17/12/2022 trên kênh VTV1.
Trạm yêu thương: Gánh hàng rau chở yêu thương của mẹ
Gia cảnh khó khăn, thế nhưng người mẹ đơn thân Đào Thị Huế cùng hai con nhỏ vẫn nghị lực và kiên cường, chiến đấu với bệnh tật.
Chị Đào Thị Huế (41 tuổi) thuộc hộ nghèo ở thôn Đông Lỗ, xã Đông Lỗ, Hiệp Hòa, Bắc Giang. Một mình chị làm đủ mọi nghề để nuôi hai con khôn lớn. Thế nhưng, thật không may, cùng một lúc hai con của chị là cháu Đào Minh Ánh (14 tuổi) mắc căn bệnh ung thư máu còn Đào Quang Đô (10 tuổi) mắc tan máu bẩm sinh. Gia cảnh khó khăn, thế nhưng người mẹ đơn thân cùng hai con nhỏ vẫn nghị lực và kiên cường, chiến đấu với bệnh tật. Gánh hàng rau chính là bữa cơm hàng ngày cho cả gia đình, là cả tình yêu thương chứa đựng của chị Huế dành cho hai con. Câu chuyện đầy tình thương yêu và nghị lực của gia đình chị Đào Thị Huế sẽ được kể lại trong Trạm yêu thương chủ đề "Gánh hàng chở yêu thương".
Xuất hiện trên sân khấu Trạm yêu thương, Minh Ánh và Quang Đô có phần rụt rè, e ngại. Chỉ đến khi tham gia một trò chơi mang tên "Hiểu nhau" bằng cách đoán tên các đồ vật, Ánh và Đô mới tự tin và cởi mở hơn. Từ những đạo cụ trong trò chơi như mớ rau, chiếc bơm tiêm, hộp đựng đồ ăn hay quyển sách,... đều mở ra những câu chuyện khiến nhiều người xúc động về hoàn cảnh đáng thương của cả hai chị em không may mắc bệnh hiểm nghèo.
Khi cầm chiếc hộp đựng cơm trên tay, Minh Ánh không khỏi xúc động vì nó khiến em nhớ đến những xuất cơm từ thiện ở bệnh viện: "Gần 2 năm nay cả nhà em chưa có một bữa cơm đầy đủ thành viên ở nhà, vì em và mẹ ở viện ít về". Chia sẻ về căn bệnh của con, mắt chị Huế ngấn lệ: "Tháng 5/2015 khi đang học lớp 2, Ánh thường xuyên lên cơn sốt, cơ thể xuất hiện nhiều vết bầm tím. Lo lắng, nên tôi đưa con gái đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang thăm khám. Nhận thấy những dấu hiệu của bệnh nan y, các bác sĩ chuyển Ánh lên Bệnh viện Bạch Mai. Sau khi được chỉ định hàng loạt các xét nghiệm, Ánh được xác định mắc bệnh ung thư máu. Lúc nghe tin, trời đất như sập xuống, vừa thương con, vừa lo lắng không biết chạy chữa thế nào để cứu con".
Gửi cậu con trai thứ hai cho bà ngoại chăm, từ đầu năm 2016, chị cùng con gái chiến đấu với căn bệnh nan y, bắt đầu bằng những đợt truyền hóa chất. Bao nhiêu năm Minh Ánh ở bệnh viện là bấy nhiêu năm hai mẹ con sống lay lắt bằng những suất cơm từ thiện. Để có tiền mua thuốc cho con, chị Huế xin rửa bát thuê ở căng tin và nhận giặt quần áo cho các bệnh nhân trong khoa, còn lúc ở nhà, gánh hàng bán rau đầu đường là công việc chính. Chia sẻ về gánh rau của mẹ, Minh Ánh cho biết: "Nó vừa là thu nhập chính của cả nhà, vừa là viện phí, vừa là nguồn trả học phí cho 2 chị em em ăn học". Để có thêm tiền trang trải cuộc sống, ai thuê gì chị Huế cũng làm, từ gánh gạch cho đến mò cua bắt ốc, chỉ cần có tiền là chị sẵn sàng.
Những tưởng, khó khăn và sự bất hạnh của người mẹ đơn thân chỉ dừng lại ở đó khi sau quá trình điều trị, bệnh của Ánh có vẻ tiến triển tốt. Nhưng đến năm 2020 lại tái phát trở lại. Và đó cũng là thời điểm liên tiếp chị Huế phải nhận hung tin từ bệnh viện. Tháng 9/2020, đứa con thứ hai của chị là bé Đào Quang Đô thường xuyên sốt cao, hay bị ngất xỉu, cơ thể xanh xao, vàng vọt. Trong lần đưa Minh Ánh đi tái khám, chị Huế làm xét nghiệm luôn cho Quang Đô và chết lặng khi bác sĩ cho biết con trai chị mắc bệnh tan máu bẩm sinh. Trời đất như sập xuống trước mắt người mẹ nghèo khổ.
Một mình Ánh bị bệnh đã khiến chị kiệt quệ, giờ đây cả con trai - nguồn hy vọng cuối cùng của chị - cũng mắc căn bệnh quái ác khiến chị Huế càng thêm tuyệt vọng: "Lúc đó tôi vừa choáng váng, vừa hoang mang không biết mình đã làm gì sai khiến cả hai đứa con phải mang bệnh hiểm nghèo, vừa cảm thấy bất lực vì hoàn cảnh quá túng quẫn, chẳng biết phải làm sao chạy chữa cho con". Đã có lúc chị Huế muốn buông xuôi, thế nhưng nghĩ đến tương lai của các con, chị lại vực dậy, có thêm niềm tin để tiếp tục cố gắng.
Chia sẻ về ước mơ trong tương lai, chị Huế chỉ mong hai con khỏe mạnh, chị có thêm nhiều việc, kinh tế ổn định để lo cho Minh Ánh và Quang Đô chữa bệnh. Minh Ánh thì luôn ao ước được đặt chân đến Canada - nơi tràn ngập ánh sáng suốt 21 tiếng, thắp lên hy vọng trong cuộc đời em, còn Quang Đô thì ao ước trở thành vận động viên cầu lông. Món quà của Trạm yêu thương sẽ góp một phần cùng gia đình trong thời gian sắp tới để chữa trị bệnh và tiếp thêm ước mơ cho Minh Ánh và Quang Đô.
Câu chuyện cảm động và nghị lực của ba mẹ con chị Huế sẽ được kể lại trong Trạm yêu thương, chủ đề "Gánh hàng chở yêu thương" lúc 10h00 thứ Bảy ngày 3/12/2022 trên kênh VTV1.
Trạm yêu thương: Thầy giáo không chân và 25 năm truyền lửa Di chứng chất độc da cam khiến thầy Đào Thanh Hương bị khuyết đôi bàn chân và một phần cánh tay trái. Di chứng chất độc da cam khiến thầy Đào Thanh Hương (sinh năm 1976), Trường THCS Đa Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa bị khuyết đôi bàn chân và một phần cánh tay trái. Thế nhưng, thầy Hương đã nỗ lực vượt...