Trạm y tế bỏ hoang 10 năm
Trạm y tế khu tái định cư Bến Ván được xây dựng từ năm 2004, nhằm phục vụ khám chữa bệnh cho hơn 1.000 nhân khẩu, nay thuộc 2 thôn Dương Lộc và Hòa Lộc ( xã Lộc Bổn, H.Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế).
Tuy nhiên, 10 năm qua nơi này bị bỏ hoang.
Khu tái định cư (TĐC) Bến Ván được hình thành từ tháng 7.2004 với tổng số dân ban đầu là 1.015 người được di dời từ dự án xây dựng hồ thủy lợi Tả Trạch (xã Dương Hòa, TX.Hương Thủy, Thừa Thiên-Huế). Qua hơn 17 năm, đến nay khu TĐC Bến Ván đã có gần 1.500 nhân khẩu được sáp nhập vào 2 thôn là Dương Lộc và Hòa Lộc (thuộc xã Lộc Bổn, H.Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế).
Trạm y tế khu tái định cư Bến Ván bị bỏ hoang phế hơn 10 năm qua. Ảnh LÊ HOÀI NHÂN
Là vùng đồi núi, khu TĐC Bến Ván nằm cách quốc lộ 1A hơn 10 km nên khi đưa vào sử dụng, nơi này có đầy đủ cơ sở hạ tầng gồm: điện, đường, trường, trạm… Sau khi bàn giao cho xã Lộc Bổn quản lý, các công trình đều phát huy được tác dụng, người dân vùng “lòng hồ Tả Trạch” vui mừng với nơi ở mới khang trang. Thế nhưng, trạm y tế được xây dựng trên gần 2.000 m đất chỉ hoạt động được vài năm đã phải “đắp chiếu” hoang phế, trong lúc đó nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày một cao.
Có mặt tại cơ sở y tế Bến Ván, đập vào mắt PV Thanh Niên là khung cảnh nhếch nhác, hoang tàn, các giường bệnh, trang thiết bị y tế mốc meo, hư hỏng.
Bỏ hoang chờ… xóa sổ
Theo lãnh đạo Trạm y tế xã Lộc Bổn, khi khu TĐC Bến Ván sáp nhập, trạm y tế này được bàn giao cho đơn vị y tế xã quản lý. Đơn vị y tế xã đã tiếp nhận và triển khai hoạt động, cắt cử nhân sự đến làm việc tại đây. Tuy nhiên, đến năm 2012, vì thiếu nhân lực và trang thiết bị dẫn đến hoạt động y tế không đảm bảo, buộc cơ sở phải đóng cửa. Trên địa bàn xã lúc này chỉ còn một trạm y tế (tại trung tâm xã). Mọi hoạt động thăm khám, chữa bệnh của người dân toàn xã tập trung tại đây.
Video đang HOT
Ông Bạch Văn Thanh, Phó chủ tịch UBND xã Lộc Bổn, thông tin do trên địa bàn xã đã có 1 trạm y tế nên ngày 15.10.2020, Trung tâm y tế H.Phú Lộc đã có văn bản gửi UBND xã yêu cầu phối hợp điều chuyển cơ sở y tế Bến Ván (thuộc Trạm y tế Lộc Bổn) sang Trung tâm phát triển quỹ đất (H.Phú Lộc) quản lý, sử dụng. Ngày 26.10.2020, UBND xã Lộc Bổn đã có văn bản phản hồi, đề nghị Trung tâm y tế H.Phú Lộc liên hệ với Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Thừa Thiên-Huế để khôi phục lại mốc, ranh giới theo chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp phép. Tuy nhiên, theo ông Thanh, đến nay vấn đề trên vẫn chưa được Trung tâm y tế H.Phú Lộc triển khai. “Tạm thời, UBND xã tích cực vận động người dân không lấn chiếm, hoàn trả mặt bằng để thuận tiện trong việc bàn giao cho trung tâm quỹ đất”, ông Thanh cho biết.
Như vậy, theo phương án bàn giao về trung tâm phát triển quỹ đất quản lý sử dụng, có nghĩa trạm y tế này đang trong thời gian chờ… xóa sổ. Trong khi nhu cầu của người dân lại rất cần có cơ sở y tế để khám chữa bệnh. “Chúng tôi là dân lao động, nếu bị thương nhẹ, cần sơ cứu mà phải chạy ra trạm y tế xã hơn 10 km thì quá bất tiện. Chưa kể những người bị cao huyết áp, không có bác sĩ sơ cứu gấp thì rất nguy hiểm”, ông Ph. (48 tuổi, ngụ thôn Hòa Lộc, X.Lộc Bổn) nói.
Định cư trong vùng đồi núi cách xa trung tâm xã với đời sống kinh tế chủ yếu là trồng rừng, vì thế người dân 2 thôn Dương Lộc và Hòa Lộc rất cần có trạm y tế để đảm bảo nhu cầu khám chữa bệnh, nhất là trong tình hình thích ứng an toàn với dịch Covid-19.
Xuân về bên khu định cư mới của đồng bào người Mày nơi Cổng Trời
Một mùa Xuân mới lại về, bản Cha Lo nơi Cổng Trời khoác lên mình "bộ áo mới" với sắc màu tươi sáng giữa núi rừng trùng điệp.
Không khí ngày Xuân nơi đây đang lan tỏa, ấm áp trong mỗi nếp nhà.
Trong không khí chào đón mùa Xuân mới Nhâm Dần 2022, chúng tôi đã có dịp về với khu tái định cư của đồng bào người Mày, tại bản Cha Lo, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Những ngày này, hương vị Xuân đang tràn ngập khắp núi rừng. Bên Quốc lộ 12A, bản Cha Lo dần hiện ra với những ngôi nhà mới xây khang trang, vững chắc, lợp tôn xanh ẩn hiện giữa núi rừng trùng điệp, hoa rừng rực rỡ.
Khu tái định cư mới của người Mày bên Quốc lộ 12A, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình.
Bản Cha Lo mới nằm đối diện với khu Di tích lịch sử Cổng Trời, trên tuyến Quốc lộ 12A, khu tái định cư này cũng chỉ vừa mới hoàn thành đưa vào sử dụng vào cuối năm 2021 trong niềm vui sướng, hân hoan của hàng chục hộ dân đồng bào người Mày nơi biên cương Tổ quốc.
Mặc dù vẫn còn những lo toan, bỡ ngỡ ban đầu, nhưng từ bây giờ, khi mùa mưa lũ về, đồng bào người Mày nơi đây đã không còn phải thấp thỏm lo âu vì sạt lở đe dọa như ở bản cũ. Người dân trong bản đang hân hoan đón chào mùa Xuân mới với nhiều kỳ vọng.
Khu tái định cư này vừa mới hoàn thành đưa vào sử dụng vào cuối năm 2021 trong niềm vui sướng, hân hoan của hàng chục hộ dân đồng bào người Mày nơi biên cương Tổ quốc.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Hồ Thông, Bí thư Chi bộ bản Cha Lo không giấu được cảm xúc: "Được về ở trong những ngôi nhà mới khang trang, an toàn nơi khu tái định cư mới này, dân bản ai cũng vui cái bụng. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Tết năm nay gia đình tôi và cả bản đã được đón Tết trong ngôi nhà mới vững chắc và an toàn, Tết sẽ vui hơn nhiều rồi. Dân bản từ nay cũng không còn phải sống trong cảnh thấp thỏm lo sợ sạt lở mỗi khi mùa mưa lũ về nữa".
Theo ông Hồ Thông cũng, bản Cha Lo cũ có 39 hộ, đa số là đồng bào người Mày sống định cư ở km 137, bên Quốc lộ 12A đã hơn 20 năm nay. Tuy nhiên, từ năm 2019 ở cả 2 quả đồi phía trên bản xuất hiện 2 vết nứt dài từ 30-40m. Sau khi phát hiện vết nứt, người dân đã báo cáo lên chính quyền xã Dân Hóa và Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cha Lo.
Giờ đây, dân bản Cha Lo có thể yên tâm đón Tết cổ truyền, vui chơi với các lễ hội truyền thống, đặc trưng của đồng bào mà không phải lo sạt lở đất đá đe dọa.
Tháng 10/2020, trước tình hình mưa lớn kéo dài, nguy cơ sạt lở rất cao, nguy hiểm đến tính mạng của người dân nên huyện Minh Hóa đã chỉ đạo xã Dân Hóa phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cha Lo khẩn cấp di dời bà con đến nơi an toàn. Theo đó, 34 hộ với 132 nhân khẩu ở bản Cha Lo phải chia ra ở ghép với bà con ở các bản Bãi Dinh và Ka Ai của xã Dân Hóa.
Mặc dù người dân bản Cha Lo đều nhận được sự cưu mang, đùm bọc của bà con trong vùng, sự động viên, hỗ trợ lương thực, thực phẩm của chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm, nhưng vì phải "ăn nhờ, ở đậu" hàng tháng trời nên ai cũng cảm thấy bất tiện và lo lắng.
Theo ông Nguyễn Bắc Việt, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa, nhận thấy tình hình sạt lở ở bản Cha Lo nghiêm trọng, đe dọa đến cuộc sống của người dân, không thể ở lâu dài. Vì vậy, ngay sau trận lũ lịch sử, qua nhiều lần khảo sát, với sự thống nhất của người dân bản Cha Lo, huyện Minh Hóa đã chọn khoảnh đất ở quả đồi rộng gần 5ha, nằm đối diện với Di tích lịch sử Cổng Trời, trên tuyến Quốc lộ 12A để xây dựng khu tái định cư mới cho người dân.
Cán bộ xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa và chiến sĩ Đồn Biên phòng Cha Lo đến thăm, chúc Tết bà con người Mày tại khu tái định cư mới.
Được dọn về ở trong ngôi nhà mới, đón Xuân mới an toàn, vui tươi, ông Hồ Nhuân không giấu được niềm vui trên khuôn mặt rạng rỡ. Ông Hồ Nhuân chia sẻ, gia đình ông khó khăn lắm, 2 vợ chồng sức khỏe yếu, con lại đông, nên chẳng bao giờ mơ được ở trong một ngôi nhà mới khang trang như vậy. Nhà nước không chỉ đầu tư làm nhà mà còn làm đường, kéo điện, kéo nước về cho bà con dùng nên ai cũng vui cái bụng.
Giờ đây, dân bản Cha Lo có thể yên tâm đón Tết cổ truyền, vui chơi với các lễ hội truyền thống, đặc trưng của đồng bào mà không phải lo sạt lở đất đá đe dọa. Tết đến Xuân về, dù cuộc sống vẫn còn nhiều bộn bề, lo toan nhưng nhà nhà, người người ở bản Cha Lo vẫn có thể tổ chức đón Tết cổ truyền của dân tộc yên vui, phấn khởi.
"Xuân mới cả bản chúng tôi đều có nhà đẹp, rộng rãi, ai cũng mừng cả, Tết đến dân bản cũng sẽ treo cờ, mua bánh kẹo rồi mổ con lợn, con gà cùng chung vui đón Tết. Cầu cho năm mới thuận lợi, lúa rẫy được mùa để bà con ấm no hơn", ông Hồ Nhuân chia sẻ.
Cán bộ cùng bà con dân bản quây quần đón Tết trong ngôi nhà mới khang trang.
Trao đổi với Dân trí, ông Hồ Xy, Bí thư Đảng ủy xã Dân Hóa cũng cho biết, nhờ khu tái định cư mới, đời sống dân bản Cha Lo dần được nâng lên, bản làng đang chuyển mình, căng tràn sức sống, đó cũng là đòn bẩy để bà con nỗ lực, cố gắng, khắc phục khó khăn xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Về phía chính quyền địa phương cũng sẽ tích cực vận động bà con chấp hành các quy định của pháp luật, đồng hành cùng bà con trong phát triển kinh tế, tạo sinh kế để ổn định cuộc sống, đón Tết cổ truyền một cách vui tươi, an toàn.
Dẫu biết rằng phía trước còn đó nhiều sự lo toan và bộn bề của cuộc sống, nhưng đâu đó chúng tôi vẫn bắt gặp được ánh mắt đầy hy vọng và an yên của đồng bào người Mày nơi ngôi làng mới bên "Cổng Trời" này. Sắc xuân ở Bản Cha Lo đang bừng sáng không chỉ bởi sắc màu của mùa Xuân non tươi và mạnh mẽ, một sức sống mới đang khởi động. Đồng bào nơi đây đang hào hứng đón Xuân với những ước mơ và niềm tin về một tương lai tươi sáng hơn, một năm mới no ấm.
Bình Định công bố tình huống khẩn cấp, di dời dân vùng sạt lở nguy hiểm Sau sự cố sạt lở nghiêm trọng tại núi Cấm thuộc thôn Chánh Thắng, xã Cát Thành, huyện Phù Cát, lãnh đạo tỉnh Bình Định yêu cầu di dời 117 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Ngày 27/12, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh cho biết tỉnh này vừa công bố tình huống khẩn cấp về...