“Trảm” vỉa hè, cấm cứ cấm…
Theo một số cán bộ trong ngành giao thông, thói quen mua bán trên vỉa hè của nhiều người chính là thủ phạm khiến lòng đường bị tắc.
Sở Giao thông Vận tải TP.HCM vừa đề xuất UBND TP “xóa sổ” tất cả các tuyến đường cho phép sử dụng vỉa hè để kinh doanh buôn bán và 50% vỉa hè lòng đường sử dụng làm bãi đỗ xe có thu phí. Sở GTVT Hà Nội cũng đang “rục rịch” xây dựng một đề xuất tương tự.
Hai sở hi vọng lệnh cấm này sẽ “gỡ nút thắt” của thực trạng ùn tắc giao thông, một vấn nạn vẫn chưa có “thuốc đặc trị”. Tuy nhiên, giới chuyên gia lo ngại, đề xuất này chẳng khác gì “bắt cóc bỏ đĩa” trong điều kiện vỉa hè là “nguồn sống” của nhiều người dân TP.
Dân bám vỉa hè “lo ngay ngáy”…
Ngay sau khi thông điệp này phát đi đã nhận được sự phản ứng dữ dội từ phía người dân, những người đang ngày ngày “bán mặt cho đường, bán lưng cho vỉa hè” để kiếm sống.
Nhiều người cho rằng, việc “trảm” vỉa hè, chẳng khác gì cướp miếng cơm manh áo của họ. Anh Phạm Văn Hải, chủ hàng sửa xe trên phố Khâm Thiên (Đống Đa, Hà Nội) bức xúc: “Gia đình tôi từ Bắc Ninh xuống, khó khăn lắm chúng tôi mới gom góp đủ tiền thuê địa điểm để mở của hàng.
Chi phí khá cao nên vợ tôi bán hàng nước trước cửa để có thêm đồng ra đồng vào. Nhà chật, tôi sử dụng một phần vỉa hè làm chỗ để xe, khách đến sửa xe cũng thích ngồi ngoài vỉa hè uống nước. Giờ mà cấm sử dụng vỉa hè, không biết sắp tới cuộc sống của chúng tôi sẽ ra sao vì cả hai vợ chồng không có trình độ, nghề nghiệp gì mà còn phải lo cho 2 đứa con đang tuổi ăn tuổi học”.
Video đang HOT
Trên thực tế có không ít người dân Hà Nội hiện đang phải sống nhờ vào vỉa hè. Chị Phạm Thu Vân (Kim Giang, Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Chồng tôi làm công nhân, lương ba cọc ba đồng. Tôi cũng chẳng có nghề nghiệp gì nên xoay ra bán bánh mỳ ở đầu ngõ. Mỗi ngày tủ bánh đó cũng giúp gia đình thêm thu nhập để lo tiền ăn, tiền điện, học phí, sách vở cho 2 đứa con.
Tôi biết, việc chúng tôi cứ bám lấy vỉa hè để kiếm sống gây ảnh hưởng đến văn minh đô thị nhưng vì miếng cơm manh áo nên chẳng thể làm khác được”.
Dưới góc nhìn chuyên gia, TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên giám đốc Nhà xuất bản Giao thông tỏ ra thông cảm: “Ai cũng muốn đi trên con đường thênh thang rộng rãi, nhưng vì cuộc sống nên họ buộc phải ra đường để buôn bán. Nếu cấm thì cũng chỉ cấm một tỉ lệ nào đó thôi, chỗ nào dòng xe vẫn đi lại thoải mái được thì nên để “cửa” cho người dân mưu sinh”.
TS Thủy dẫn chứng một số liệu mới đây để minh chứng cho điều này: ở TP. HCM, vỉa hè là nguồn sống của khoảng 150 nghìn người kinh doanh nhỏ, khoảng 100 nghìn người buôn bán hàng rong. Tuy nhiên, con số thực tế lớn hơn rất nhiều.
Càng ngày càng nhiều người “bám trụ” lấy vỉa hè để mưu sinh. Họ có thể là những người xe ôm, bán hàng nước, hàng ăn, quần áo… Do vậy, việc cấm kinh doanh trên vỉa hè sẽ tác động đến đời sống của hàng vạn gia đình, chủ yếu là người nghèo.
Không quản được thì cấm?
Trao đổi với PV báo Nguoiduatin.vn, TS Đào Ngọc Nghiêm, phó chủ tịch Hội Quy hoạch kiến trúc Hà Nội khẳng định, việc sử dụng vỉa hè đúng chức năng là vấn đề đã được xác định trong rất nhiều quy hoạch chuyên ngành.
Đối với Hà Nội, quy hoạch hệ thống giao thông được phê duyệt kèm theo quy hoạch năm 1998 và các quy định quản lý về giao thông đều đã xác định không khai thác sử dụng vỉa hè. Nhưng hiện nay, để giải quyết vấn đề có tính thực tiễn thì phải xem xét đồng bộ nhiều yếu tố.
Theo TS Nghiêm, phải xác định rõ trách nhiệm và việc phân cấp hiện nay ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM. Rất nhiều vỉa hè hiện nay phân cấp cho chính quyền quận và phường nên thiếu sự chỉ đạo thống nhất của các TP. Vì vậy cần khởi động lại các quy định của TP. để chính quyền các cấp hiểu và làm rõ.
Bên cạnh đó, cần sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành. Đây là vấn đề còn nhiều yếu kém trong thời gian vừa qua. “Trong khi ngành giao thông muốn thông thoáng vỉa hè, không cho đỗ xe, bán hàng thì một số ngành khác như Công Thương thì lại cho đăng kí dịch vụ, cho người dân thực hiện kinh doanh buôn bán, như vậy rõ ràng là tạo điều kiện cho họ tận dụng khai thác vỉa hè. Vì thế cần sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành trong một đô thị”, TS Nghiêm kiến nghị.
Để quyết định “trảm vỉa hè” thực sự khả thi, TS Nghiêm cho rằng cần phải kiểm soát chặt chẽ việc kiểm tra, giám sát và xử lý: “Chúng ta có rất nhiều lực lượng thanh tra, thanh tra giao thông, thanh tra nhà đất, thanh tra trật tự xã hội, cảnh sát khu vực tham gia nhưng việc kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm không thường trực, dẫn đến việc người dân “nhờn” luật.
Cần phải làm rõ trách nhiệm của những người được giao quyền thanh tra xử lý vi phạm để tránh những hiện tượng tiêu cực. Người dân thấy rất rõ những tiêu cực này, ví dụ như việc có nộp tiền thì cho sử dụng một thời gian và được thông báo trước khi kiểm tra. Đó là điều bất cập”.
Theo lời nguyên giám đốc sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, chúng ta không nên áp dụng phương pháp không quản lý được thì cấm. Quản lý là phải sử dụng công cụ kinh tế, công cụ hành chính để tạo điều kiện cho người dân chứ không phải cấm người ta.
Động chạm đến quyền lợi, đến thu nhập của người dân thì cấm rất khó. Điều quan trọng là tạo điều kiện cho người dân thuận lợi trong việc kiếm thêm thu nhập, cải thiện đời sống.
Có rất nhiều chợ truyền thống, trung tâm thương mại nhưng lại chỉ phục vụ cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc các tiểu thương mà lại không có không gian cho những người buôn bán nhỏ lẻ. Nếu tạo điều kiện cho người dân có điều kiện hoạt động kinh doanh có trật tự, nề nếp thì không cấm họ cũng tự nguyện làm theo.
Bên cạnh đó, ông Nghiêm cũng cho biết, truyền thông và chính quyền các cấp cũng phải nâng cao nhận thức và trách nhiệm người dân, nhất là trong bối cảnh hiện nay, tình trạng ùn tắc giao thông trở nên quá phổ biến.
Nhà nước đang khó khăn để cải thiện vấn đề giao thông thì người dân cũng nên chung tay với Nhà nước để giải quyết. “Nếu làm được những việc đó thì may ra mới khả thi chứ chỉ ra một văn bản hành chính cấm đoán thì chưa chắc đã được người dân ủng hộ”, TS Nghiêm khẳng định.
Đồng tình với đề xuất “trảm vỉa hè” nhưng TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vẫn còn e ngại vấn đề quản lý. Theo TS Thủy: “Muốn “làm sạch” vỉa hè thì trước hết phải tạo điều kiện cho những người đang sống nhờ vào đó có nơi buôn bán khác.
Ví dụ như khi xây dựng chợ, không nên để cho bên cai thầu muốn làm gì thì làm, “hét giá” “trên trời” thì làm sao người nghèo có thể vào đó để làm ăn? Nếu thành phố có ý kiến chỉ đạo, giảm giá thuê chợ để tạo điều kiện cho người dân, giúp họ làm ăn được thì không phải cấm, tất cả sẽ vào quỹ đạo ngay. Để được như thế thì phải giảm giá thuê đất, chia sẻ chút ít với người xây dựng. Nghĩa là cần phải có lộ trình và chính sách rõ ràng và thống nhất từ trên xuống”.
Đối với việc xoá bỏ 50% vỉa hè lòng đường được đỗ xe có thu phí, TS Thủy cho rằng đề xuất này xem ra có vẻ thực tế hơn nhưng cũng không dễ dẹp ngay được, bởi trong tình cảnh các thành phố lớn hiện không đủ bãi đỗ xe trong khi số lượng xe thì càng ngày càng nhiều.
Việc thiếu bãi đỗ xe trầm trọng, cộng với việc trung tâm TP. vẫn đang “khát” chỗ đỗ khi mà hầu hết các toà cao ốc được xây dựng không đúng tiêu chuẩn thiết kế. Như trước đây tôi đã kiến nghị, khi xây dựng cao ốc thì phải dành riêng tầng 1 để làm chỗ đỗ xe công cộng.
Như thế mới mong chủ sở hữu không đỗ xe dưới lòng đường vì thiếu chỗ. ông Thuỷ cũng cho biết, không ai muốn phải gửi xe cách xa hàng cây số rồi đi bộ đến cửa hàng. Không cho khách đỗ xe phía trước, cửa hàng chỉ có nước đóng cửa.
Tháng 7/2008, Hà Nội đã cấm bán hàng rong tại 62 tuyến phố và 48 di tích lịch sử văn hóa như Phố Xuân Thủy, Cầu Giấy, Trần Duy Hưng, Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Thanh Niên, Cát Linh, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Tây Sơn, Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Bài… Nhưng hiện nay, đi dọc các phố này, không khó để bắt gặp các gánh hàng rong, các quán cóc vỉa hè vẫn hoạt động như chưa hề có lệnh cấm.
Theo NDT